Quyết định 281/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Chương trình đầu tư phát triển nhà ở sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Số hiệu: 281/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long Người ký: Phạm Văn Đấu
Ngày ban hành: 02/02/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 281/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 02 tháng 02 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP VÀ DẠY NGHỀ GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 18/NQ-CP , ngày 20/4/2009 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị;

Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg , ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê;

Căn cứ Công văn số 39/BXD-QLN , ngày 07 tháng 01 năm 2010 của Bộ Xây dựng về việc triển khai các dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên;

Xét Tờ trình số 55/TTr-SXD, ngày 26 tháng 01 năm 2010 của Giám đốc Sở Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình đầu tư phát triển nhà ở sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long theo Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục - Đào tạo, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề và thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Đấu

 

CHƯƠNG TRÌNH

ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở SINH VIÊN CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 281/QĐ-UBND, ngày 02/02/2010 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Phần I

TÌNH HÌNH THỰC TRẠNG VÀ CƠ SỞ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH, SỰ CẦN THIẾT:

1. Khái quát những đặc điểm tình hình phát triển nhà ở cho sinh viên các cơ sở đào tạo:

Cùng với việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, việc chăm lo giải quyết về nhà ở cho học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề (gọi chung là cơ sở đào tạo) là một vấn đề được Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm. Thông qua các cơ chế chính sách của Nhà nước về phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, để tạo điều kiện cho sinh viên có điều kiện học tốt, trong thời gian qua Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo xây dựng một số ký túc xá nhằm đáp ứng nhu cầu cho sinh viên trong khuôn viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp… và việc triển khai thực hiện đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả đạt được cũng còn hạn chế do tình hình kinh tế xã hội có nhiều khó khăn, điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, nhu cầu về nhà ở của sinh viên, học sinh hiện tại còn rất lớn.

2. Sự cần thiết phải lập chương trình đầu tư phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên:

Hiện tại, Vĩnh Long có 11 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề với số lượng học sinh - sinh viên tăng nhanh trong các năm gần đây, nhưng việc đầu tư xây dựng phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên trong tỉnh thời gian qua còn hạn chế, việc bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng ký túc xá còn khó khăn, tính đến nay chỉ có khoảng 27% số học sinh, sinh viên có nhu cầu được ở ký túc xá số còn lại phải thuê nhà ở trọ vừa đắt tiền, vừa không đảm bảo điều kiện cho sinh hoạt học tập, vệ sinh môi trường. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng phát triển thêm các khu ở cho sinh viên để đáp ứng nhu cầu nói trên.

Ngoài ra, việc phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề cũng nhằm thực hiện chủ trương chính sách của Chính phủ về đẩy mạnh việc phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các em có chỗ ở ổn định để tham gia học tập, rèn luyện trở thành lực lượng tri thức mai sau.

3. Các căn cứ để lập chương trình đầu tư phát triển nhà ở sinh viên:

- Luật Xây dựng ban hành ngày 26/11/2003 và có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2004.

- Nghị quyết 18/NQ-CP , ngày 20/4/2009 của Chính phủ về một số cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

- Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg , ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê.

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG, KẾT QUẢ THỰC HIỆN VÀ NHU CẦU PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CHO SINH VIÊN CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO:

1. Đánh giá thực trạng đầu tư phát triển nhà ở cho sinh viên các cơ sở đào tạo:

a) Thuận lợi:

- Trong thời gian qua, trung ương đã ban hành một số chính sách pháp luật có liên quan nhằm đẩy mạnh việc phát triển nhà ở cho sinh viên các cơ sở đào tạo và một số Bộ, ngành đã hỗ trợ kinh phí cho tỉnh đầu tư xây dựng một số ký túc xá cho sinh viên, học sinh.

- Về phía địa phương được sự quan tâm của chính quyền các cấp và sự phối hợp chặt chẽ, tích cực giữa các cơ quan sở, ngành, các đơn vị có liên quan và ngân sách tỉnh cũng đã bố trí một phần để xây dựng ký túc xá cho sinh viên, học sinh, nên thời gian qua tỉnh đã đầu tư xây dựng được một số công trình.

b) Tồn tại:

Song song với các thuận lợi nêu trên, việc phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hàng năm.

c) Nguyên nhân:

- Nguồn vốn ngân sách địa phương còn hạn chế, nên không đủ để bố trí cho một số dự án xây dựng ký túc xá cho sinh viên, nên cần phải có sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

- Thiếu quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng công trình; thiếu cơ chế chính sách để tập trung và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào việc đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên.

d) Giải pháp khắc phục:

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bổ sung quỹ đất phát triển nhà ở sinh viên.

- Tổ chức xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên các cơ sở đào tạo không phân biệt cơ quan quản lý, trên phạm vi địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015, lập dự toán kinh phí tổng thể và hàng năm trong đó có đề xuất cụ thể phần vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương để đầu tư phát triển nhà ở cho sinh viên theo nghị quyết của Chính phủ.

2. Kết quả đầu tư phát triển nhà ở cho sinh viên các cơ sở đào tạo trong thời gian qua:

Theo số liệu thống kê số lượng sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2009 khoảng 21.639 sinh viên và đến năm 2009 tỉnh Vĩnh Long cũng đã đầu tư xây dựng được 20 ký túc xá, đáp ứng nhu cầu cho 5.908 sinh viên, đạt tỉ lệ 27 % so với số lượng học sinh, sinh viên hiện có ở các trường.

Do hiện trạng các trường trong tỉnh Vĩnh Long nằm rãi rác trên các phường trong nội ô và xã Phú Quới, huyện Long Hồ nên hiện tại Vĩnh Long chưa có khu nhà ở sinh viên tập trung cho các cụm trường.

3. Nhu cầu về nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo đến năm 2015:

- Theo số liệu báo cáo của các cơ sở đào tạo, tổng số sinh viên của các trường dự kiến đến năm 2015: 30.168 sinh viên. Tổng số sinh viên có nhu cầu ở ký túc xá đến năm 2015 ước khoảng: 22.150 sinh viên.

- Nhu cầu về diện tích sàn xây dựng: 155.050 m2; tương đương: 3.691 phòng (trung bình 6 sinh viên/phòng, mỗi sinh viên trung bình 6m2 - 7m2 kể cả diện tích phòng ở, diện tích phụ trợ và phục vụ).

Phần II

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, THỨ TỰ ƯU TIÊN:

1. Quan điểm:

+ Tập trung thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng nhà ở cho cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề, không phân biệt công lập hay ngoài công lập, nhằm giải quyết khó khăn về chỗ ở cho sinh viên hiện nay.

+ Việc đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên các cơ sở đào tạo phải gắn với quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo và đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

+ Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên thuê chủ yếu do Nhà nước đầu tư từ ngân sách (ngân sách trung ương và địa phương), đồng thời Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế, kể cả các cơ sở đào tạo ngoài công lập tự huy động vốn để xây dựng nhà ở cho sinh viên thuê theo phương thức xã hội hoá. Các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên thuê bằng nguồn vốn ngoài ngân sách được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư theo quy định.

2. Mục tiêu:

Phấn đấu đến năm 2015 giải quyết nhu cầu về nhà ở cho khoảng trên 60% số sinh viên đang khó khăn về chỗ ở thuộc các cơ sở đào tạo trong tỉnh Vĩnh Long.

3. Đối tượng, điều kiện được thuê nhà ở:

Sinh viên đang học tập trung tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trong tỉnh có nhu cầu thuê nhà ở.

4. Thứ tự ưu tiên:

Ưu tiên cho sinh viên: Ngoài tỉnh, sinh viên mà gia đình thuộc diện xoá đói, giảm nghèo theo quy định của Nhà nước, sinh viên học giỏi, học năm đầu tiên. Trong trường hợp có nhiều sinh viên cùng thuộc diện ưu tiên, thì tiếp tục xét duyệt theo thứ tự sau: Sinh viên là Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh; sinh viên là con liệt sỹ; sinh viên là con thương binh và bệnh binh đã xếp hạng (xét theo thứ tự xếp hạng); sinh viên là người dân tộc thiểu số; sinh viên nữ.

II. CÁC CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH:

a) Về quỹ đất xây dựng nhà ở cho sinh viên:

- Quỹ đất xây dựng nhà ở cho sinh viên nằm trong khuôn viên các trường theo quy hoạch được phê duyệt và đã giải phóng mặt bằng.

- Riêng một số dự án triển khai mở rộng trường, ngân sách tỉnh sẽ bố trí kinh phí để thực hiện bồi hoàn giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đầu tư gồm:

+ Trường Cao đẳng Xây dựng Miền Tây xây dựng nhà ở cho sinh viên, địa điểm khu đất trại chăn nuôi Phước Thọ, phường 3, thành phố Vĩnh Long.

+ Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật 4 mở rộng khu nhà ở cho sinh viên tại phường 3, thành phố Vĩnh Long.

+ Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính xây dựng khu nhà ở cho sinh viên ở đường quốc lộ 53 (nối dài), phường 8, thành phố Vĩnh Long.

+ Trung tâm Dạy nghề Việt Úc xây dựng nhà ở cho sinh viên ở xã Thanh Đức, huyện Long Hồ.

b) Cơ chế về nguồn vốn đầu tư:

* Nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên từ ngân sách nhà nước, gồm:

- Vốn trái phiếu Chính phủ để chi cho công tác xây lắp.

- Vốn ngân sách hàng năm của địa phương và các Bộ, ngành bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho giáo dục, đào tạo.

- Ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất được để lại chi bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất xây dựng nhà ở sinh viên.

* Đối với các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên:

Vận động các doanh nghiệp, các trường ngoài công lập tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, của trường (xã hội hoá).

Các dự án nhà ở sinh viên được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước của các thành phần kinh tế được vay từ nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, Quỹ phát triển nhà ở của tỉnh và được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định.

c) Cơ chế về xây dựng:

- Chủ đầu tư các dự án nhà ở sinh viên được cung cấp miễn phí thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về nhà ở cũng như các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thi công, xây lắp nhằm bảo đảm giảm giá thành xây dựng công trình.

- Đối với các dự án nhà ở sinh viên sử dụng vốn ngân sách nhà nước chủ đầu tư được tự thực hiện dự án khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định hoặc được chỉ định tổ chức tư vấn lập dự án, thiết kế, giám sát thi công xây dựng, cung cấp vật tư thiết bị và thi công xây dựng có đủ năng lực để đàm phán trực tiếp và ký kết hợp đồng.

- Đối với các dự án sử dụng các nguồn vốn khác, chủ đầu tư tự thực hiện dự án nếu có đủ điều kiện năng lực hoặc tự quyết định hình thức để lựa chọn nhà thầu có đủ điều kiện năng lực thực hiện dự án.

 

DANH MỤC

CÔNG TRÌNH, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Danh mục dự án nhà ở sinh viên giai đoạn 2010 - 2015:

STT

Tên dự án

Địa điểm XD

Chủ đầu tư

Quy mô dự án

 

Tổng diện tích đất XD (ha)

Số m2
sàn XD

Số tầng

Số SV được đáp ứng

Tổng mức đầu tư

Thời gian thực hiện

Ghi chú

Từ trái phiếu Chính phủ (tỷ đồng)

Vốn ngân sách địa phương (tỷ đồng)

Vốn huy động (tỷ đồng)

 

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

I

CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC:

1

Dự án ĐT XD Trường Trung cấp Nghề VL

QL 1A, xã Phú Quới, huyện Long Hồ, VL

Trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long

0,3

4,353

5

560

23,5

 

 

2010 - 2011

Đã có MB trong khuôn viên trường

2

Ký túc xá A (cơ sở 2)

Phường 8, TP Vĩnh Long và xã Tân Hạnh, Long Hồ

Trường CĐ Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long

1

13,934

5

1,536

78,2

7,1 (GPMB)

 

2010 - 2011

Chưa giải phóng mặt bằng

3

Dự án KTX (480 chỗ) Trường Cao đẳng Cộng đồng

112A Đinh Tiên Hoàng, phường 8, TP. Vĩnh Long

Trường Cao đẳng Cộng đồng

0,14

2,436

5

480

17,5

 

 

2010 - 2011

Đã có MB trong khuôn viên trường

4

KTX Trường Cao đẳng Y tế Vĩnh Long

Xã Thanh Đức huyện Long Hồ, tỉnh VL

Trường Trung học Y tế Vĩnh Long

0,54

6,386

2

900

 

30 (Xây lắp)

 

2010 - 2011

Đã có MB trong khuôn viên trường

5

Xây dựng KTX học sinh Trường TCKT - LTTP Vĩnh Long

Đinh Tiên Hoàng - phường 8 - TP.VL

Trường TCKT - LTTP Vĩnh Long

0,3

3,240

5

432

16,6

 

 

2011 - 2012

Đã có MB trong khuôn viên trường

6

Ký túc xá B (cơ sở 2)

Phường 8, TP. VL và xã Tân Hạnh, Long Hồ

Trường CĐ Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long

0,75

7,765

5

864

41,2

 

 

2012 - 2013

Đã giải phóng MB giai đọan 1

7

Dự án mở rộng Trường ĐHXD Miền Tây giai đoạn 2 (6 khối KTX)

Phó Cơ Điều, P3, TP Vĩnh Long

Trường CĐ XD Miền Tây

1.5

16,200

5

2,700

64.8

15 (GPMB)

 

2010 - 2013

Chưa giải phóng mặt bằng

8

Dự án đăng ký đầu tư xây dựng KTX cho học sinh, sinh viên

Nguyễn Huệ, phường 2, TP Vĩnh Long

Trường CĐSP Vĩnh Long

1.28

5,137

4

680

28,25

 

 

2012 - 2013

Đã có MB trong khuôn viên trường

9

Dự án ĐT XD Trường Trung cấp Nghề VL

QL 1A, xã Phú Quới, huyện Long Hồ, VL

Trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long

0.3

4,353

5

560

24.5

 

 

2013 - 2015

Đã có MB trong khuôn viên trường

10

KTX Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật VL

Phường 3, thành phố Vĩnh Long

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật V.Long

1

15,600

7

2,080

62.4

8 (GPMB)

 

2013 - 2015

Chưa giải phóng mặt bằng

II

CÁC DỰ ÁN CƠ SỞ ĐÀO TẠO NGOÀI CÔNG LẬP (XÃ HỘI HOÁ):

1

Xây dựng ký túc xá sinh viên

Xã Thanh Đức huyện Long Hồ, tỉnh VL

Trung Tâm Dạy nghề tư thục Việt Úc

0.83

9,450

5

1,350

32.5

10 (GPMB)

10

2011 - 2013

Chưa có mặt bằng

2

Dự án KTX Trường Đại học Cửu Long

QL1A, huyện Long Hồ, Vĩnh Long

Trường Đại học Cửu Long

2.3

15,000

5

2,500

49

 

21

2012 - 2015

Đã có MB trong khuôn viên trường

Tổng cộng

10.24

103,854

 

14,642

439.45

70.1

31

 

 

2. Nguồn vốn thực hiện chương trình:

Tổng số vốn thực hiện dự án đầu tư nhà ở sinh viên dự kiến khoảng: 546,35 tỷ đồng.

Trong đó:

+ Vốn ngân sách tỉnh dự kiến bố trí giải phóng mặt bằng khoảng: 40,1 tỷ đồng.

+ Vốn ngân sách tỉnh cho công tác xây lắp: 30 tỷ đồng.

+ Vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến khoảng: 445,25 tỷ đồng.

+ Vốn huy động các thành phần kinh tế và cơ sở đào tạo tham gia đầu tư: 31 tỷ đồng.

3. Tiến độ thực hiện.

a) Năm 2010 - 2011: 04 dự án.

Tổng số vốn thực hiện khoảng: 156,3 tỷ đồng.

Trong đó:

+ Vốn ngân sách tỉnh bố trí giải phóng mặt bằng: 7,1 tỷ đồng.

+ Vốn ngân sách tỉnh cho công tác xây lắp: 30 tỷ đồng.

+ Vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến khoảng: 119,2 tỷ đồng.

b) Năm 2011 - 2012: 02 dự án.

Tổng số vốn thực hiện khoảng: 86,6 tỷ đồng.

Trong đó:

+ Vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến khoảng: 65,6 tỷ đồng.

+ Vốn huy động cơ sở đào tạo tham gia đầu tư: 21 tỷ đồng.

c) Năm 2012 - 2013: 04 dự án.

Tổng số vốn thực hiện khoảng: 201,75 tỷ đồng.

Trong đó:

+ Vốn ngân sách tỉnh bố trí giải phóng mặt bằng: 25 tỷ đồng.

+ Vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến khoảng: 166,75 tỷ đồng.

+ Vốn huy động cơ sở đào tạo tham gia đầu tư: 10 tỷ đồng.

d) Năm 2013 - 2015: 02 dự án.

Tổng số vốn thực hiện khoảng: 101,7 tỷ đồng.

Trong đó:

+ Vốn ngân sách tỉnh bố trí giải phóng mặt bằng: 08 tỷ đồng.

+ Vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến khoảng: 93,7 tỷ đồng.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh:

Phê duyệt chương trình, kế hoạch triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên các cơ sở đào tạo, dự toán kinh phí tổng thể và hàng năm (trong đó có đề xuất cụ thể phần vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương) và báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phân bổ nguồn kinh phí thực hiện.

Chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bổ sung quỹ đất phát triển nhà ở cho sinh viên, học sinh các cơ sở đào tạo, ưu tiên dành tiền thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để lại cho địa phương để bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất đầu tư nhà ở sinh viên theo đề án được duyệt.

- Quyết định phê duyệt hoặc điều chỉnh giá cho thuê nhà ở sinh viên theo quy định.

2. Trách nhiệm các sở, ngành:

a) Sở Xây dựng:

- Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình kế hoạch hàng năm, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng để bổ sung quỹ đất phát triển nhà ở cho sinh viên, học sinh các cơ sở đào tạo; hướng dẫn các chủ đầu tư về trình tự, thủ tục lập và phê duyệt dự án đầu tư, hướng dẫn về thiết kế mẫu để áp dụng cho dự án phát triển nhà ở sinh viên; hướng dẫn, kiểm tra quản lý chất lượng công trình xây dựng theo đúng quy định hiện hành.

- Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện chương trình, việc quản lý, cho thuê, quản lý vận hành nhà ở sinh viên, tổng hợp báo cáo kết quả cho Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng theo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu.

b) Sở Tài chính:

- Nghiên cứu tham mưu đề xuất, hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính, về giá liên quan đến lĩnh vực phát triển nhà ở cho sinh viên học sinh; tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh dự toán kinh phí tổng thể và hàng năm, trong đó có đề xuất cụ thể phần vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình.

- Rà soát, ưu tiên dành tiền thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được để lại để chi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất phát triển nhà ở cho sinh viên theo kế hoạch hàng năm.

- Tổ chức tiếp nhận, cấp phát nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để phát triển nhà ở cho sinh viên các cơ sở đào tạo và hướng dẫn việc quản lý sử dụng thanh quyết toán theo đúng quy định, tổ chức thẩm định giá cho thuê nhà ở sinh viên trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, đôn đốc việc tổ chức lập, thẩm định các dự án phát triển nhà ở cho sinh viên sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo đúng kế hoạch để gởi cho Bộ Xây dựng và Chính phủ xin nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

- Nghiên cứu bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư, vốn giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch cho các dự án theo kế hoạch và danh mục được phê duyệt.

d) Sở Tài nguyên và Môi trường:

Tổ chức rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bổ sung quỹ đất cho các dự án nhà ở sinh viên; nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách sử dụng đất có hiệu quả, thực hiện trình tự đo đạc, thu hồi và giao cấp đất cho các dự án phát triển nhà ở cho sinh viên, học sinh theo danh mục.

e) Sở Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp với Sở Xây dựng theo dõi, đôn đốc các trường lập, thẩm định và trình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh các cơ sở đào tạo sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo kế hoạch hàng năm.

f) Hiệu trưởng các cơ sở đào tạo:

- Tổ chức lập, thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo đúng kế hoạch tiến độ của chương trình, thường xuyên liên hệ Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ngành liên quan xin kinh phí hỗ trợ từ các nguồn vốn của trung ương để phát triển nhà ở cho sinh viên thuê.

- Phối hợp tổ chức việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tổ chức thi công xây dựng công trình, thực hiện nghiệm thu thanh quyết toán theo đúng quy định.

- Tự xây dựng hoặc kết hợp với đơn vị quản lý vận hành ban hành quy chế quản lý vận hành và nội quy sử dụng nhà ở cho sinh viên thuê.

- Chủ trì phối hợp Sở Tài chính xây dựng phương án giá cho thuê nhà ở sinh viên trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Công bố công khai đối tượng, điều kiện, thứ tự ưu tiên, giá cho thuê nhà ở sinh viên thuộc dự án do đơn vị quản lý.

Phần IV

KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ

1. Kết luận:

Phát triển nhà ở cho sinh viên các cơ sở đào tạo là nhu cầu bức xúc trong giai đoạn hiện nay nhằm mục đích thực hiện chủ trương chính sách của trung ương, giải quyết được một phần nhu cầu về nhà ở cho sinh viên đang thật sự khó khăn về chỗ ở, để góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục.

Do thực trạng tỉnh Vĩnh Long các trường cao đẳng, đại học, trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp (11 trường), không nằm tập trung tại một khu vực mà có vị trí rải rác trên khắp các phường thuộc thành phố Vĩnh Long và huyện Long Hồ, hiện tại đã có quỹ đất sạch và đang hoàn thành các thủ tục đầu tư để phát triển nhà ở cho sinh viên trong khuôn viên trường theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt nên trong giai đoạn 2010 đến năm 2015 tỉnh Vĩnh Long chưa quy hoạch phát triển nhà ở cho sinh viên theo cụm trường.

2. Kiến nghị:

Xuất phát từ đặc điểm hiện trạng của các cơ sở đào tạo ở tỉnh Vĩnh Long nằm rải rác không tập trung tại một vị trí như vừa nêu trên, đồng thời do nguồn kinh phí từ ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên trong năm 2009 - 2010, chưa bố trí được kinh phí để xây dựng nhà ở cho sinh viên học sinh theo nghị quyết của Chính phủ. Vì vậy, để tạo điều kiện cho tỉnh Vĩnh Long triển khai chương trình phát triển nhà ở theo danh mục đã đăng ký với Chính phủ và Bộ Xây dựng. Kính đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để phát triển nhà ở cho sinh viên theo Chương trình phát triển nhà ở cho sinh viên giai đoạn 2010 - 2015 của tỉnh Vĩnh Long./.