Quyết định 2677/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hoá tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020
Số hiệu: 2677/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Vương Văn Việt
Ngày ban hành: 15/08/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2677/QĐ-UBND

Thanh Hoá, ngày 15 tháng 8 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP VĂN HOÁ TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 4103/QĐ-UBND ngày 24/12/2007 v/v phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hóa tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 2257/QĐ-UBND ngày 28/6/2010 v/v phê duyệt Đề cương nhiệm vụ điều chỉnh, quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh;

Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 924, số 925/TTr-SVHTTDL ngày 14/6/2011 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hoá tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, với các nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU CHUNG:

- Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của xứ Thanh, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và các địa phương khác; phấn đấu đến năm 2020 Thanh Hóa trở thành trung tâm văn hóa của vùng Bắc Trung bộ và Nam sông Hồng; kết hợp hài hoà bảo tồn, phát huy di sản văn hoá với phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường phát triển quan hệ hợp tác và giao lưu văn hoá với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là với nước bạn Lào.

- Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh. Đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển văn hóa; đưa yếu tố văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ.

1. Bảo tồn, phát huy di sản văn hoá.

a) Giai đoạn 2011-2015:

- Hoàn thành xây dựng Bảo tàng tỉnh tại thành phố Thanh Hóa theo hướng hiện đại, trở thành điểm đến tham quan, học tập hấp dẫn của công chúng.

- Tiếp tục xếp hạng các di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, trung bình mỗi năm 25-30 di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh được xếp hạng. Hàng năm tu bổ, tôn tạo 25-30 di tích đã được xếp hạng.

+ Thực hiện xây dựng quy hoạch và bảo tồn, tôn tạo các khu di tích trọng điểm: Khu di tích - danh thắng Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa); Khu di tích lịch sử văn hóa Lam Kinh (huyện Thọ Xuân); khai quật khảo cổ học tổng thể khu vực Thành Nhà Hồ, Đàn Nam Giao và xây dựng nhà tr­ưng bày, giới thiệu; kho lưu giữ hiện vật s­ưu tầm Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc); khu di tích đền Bà Triệu (huyện Hậu Lộc); di tích đền Đồng Cổ (huyện Yên Định); di tích Thái miếu Nhà Lê (thành phố Thanh Hóa); phục hồi di tích Gia Miêu Triệu Tường; di tích đền Trần Khát Chân và chùa Hoa Long (huyện Vĩnh Lộc); di tích Chiến khu Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành), di tích Căn cứ khởi nghĩa Ba Đình (huyện Nga Sơn); khai quật khảo cổ học Hang Con Moong (huyện Thạch Thành); di tích - danh thắng Núi Nưa (Triệu Sơn); Bảo tồn làng Lương Ngọc (xã Cẩm Lương - huyện Cẩm Thủy)...

- Hoàn thành Quy hoạch tổng thể và chi tiết Di sản Văn hoá Thế giới Thành Nhà Hồ; hoàn thành hồ sơ khoa học Di tích Lam Kinh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là di tích đặc biệt quốc gia.

- Duy trì tổ chức hàng năm các lễ hội tiêu biểu của tỉnh, thực hiện công tác sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi các loại hình dân ca, dân vũ, âm nhạc dân gian, hoa văn trang phục, sinh hoạt nghi lễ (các nghi lễ vòng đời, nghi lễ nông nghiệp, nghi lễ của những người hành nghề tôn giáo...), nghề thủ công truyền thống (đan lát, đóng thuyền, làm gốm, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ...), cách chế biến món ăn truyền thống, y dược học dân gian, trò chơi dân gian, luật tục quản lý xã hội...

- Tiếp tục đầu tư bảo tồn làng Mường Lương Ngọc (huyện Cẩm Thủy); nghiên cứu bảo tồn một số làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - du lịch địa phương.

- Thực hiện dự án tổng kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh; hoàn thành xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa Hang Con Moong, trình tổ chức UNESCO công nhận, ghi vào danh sách đại diện di sản văn hóa nhân loại.

- Thành lập phòng lưu trữ dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Thanh Hóa tại Bảo tàng tỉnh, Khu di tích Lam Kinh và Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa thành nhà Hồ.

b) Giai đoạn 2016-2020:

- Đầu tư khôi phục làng cổ văn hóa Đông Sơn (làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hoá); xây dựng làng văn hóa các dân tộc tại huyện Ngọc Lặc; phấn đấu xếp hạng được mỗi năm 20-25 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh; hàng năm tu bổ, tôn tạo 30-35 di tích được xếp hạng.

- Hoàn thành khu trưng bày ngoài trời và khu dịch vụ phục vụ nghiên cứu, tham quan, du lịch tại Bảo tàng tỉnh. Bảo tàng tỉnh phối hợp với các điểm di tích xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với một số tổ chức bảo tàng, cá nhân, chuyên gia quốc tế, ứng dụng các phương pháp trưng bày bảo tàng hiện đại, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ mới trong trưng bày và bảo quản hiện vật.

- Thành lập một số bảo tàng tư nhân, bộ sưu tập tư nhân. Thực hiện bảo tồn 2-3 làng bản tiêu biểu của từng dân tộc trên địa bàn tỉnh còn bảo lưu được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Triển khai nội dung quy hoạch di tích Thành Nhà Hồ.

- Xây dựng hồ sơ “Trò Xuân Phả” đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

2. Nghệ thuật biểu diễn.

a) Giai đoạn 2011- 2015:

- Thành lập Trung tâm bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc trên cơ sở hợp nhất 3 đoàn nghệ thuật Chèo, Tuồng, Cải Lương, đảm bảo chất lượng biểu diễn của từng loại hình nghệ thuật, đồng thời giới thiệu các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ đặc sắc của Thanh Hóa. Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc là môi trường bảo tồn nghệ thuật truyền thống, thể nghiệm các loại hình nghệ thuật biểu diễn mới, đào tạo thực hành cho học sinh, sinh viên, tài năng nghệ thuật, liên kết đào tạo về lý thuyết và thực hành giữa các nhà hát, đơn vị có chức năng nghiên cứu với các trường đào tạo chuyên ngành văn hóa nghệ thuật biểu diễn.

- Xây dựng mới Nhà hát Ca - Múa - Kịch Lam Sơn với cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ biểu diễn nghệ thuật hiện đại.

- Triển khai mô hình sân khấu học đường, nhằm giáo dục, giới thiệu giá trị nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ.

- Đầu tư giới thiệu một số chương trình, tác phẩm nghệ thuật âm nhạc tiêu biểu (bằng các hình thức video, CD...) về con người, mảnh đất Thanh Hóa. Có chính sách đầu tư giải thưởng, chế độ đãi ngộ thỏa đáng nhằm tôn vinh các nghệ sỹ, nhạc sỹ có tác phẩm tốt đóng góp cho tỉnh.

- Tỉnh đăng cai tổ chức định kỳ 2-4 năm/lần các liên hoan, hội diễn, hội thi biểu diễn nghệ thuật vùng Bắc Trung bộ, quốc gia nhằm tăng cường học hỏi, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trong khu vực ASEAN...

b) Giai đoạn 2016-2020:

- Tại các khu đô thị Sầm Sơn, Nghi Sơn, Ngọc Lặc đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng một số khu giải trí văn hoá - nghệ thuật quy mô, hiện đại, phục vụ nhu cầu của nhân dân.

- Đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng các công trình: Nhà hát Ca-Múa-Kịch Lam Sơn, Nhà hát Ca-Múa-Nhạc miền núi tại đô thị Ngọc Lặc; đổi mới hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp theo cơ chế cung ứng dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, tăng khả năng doanh thu để bù đắp cho hoạt động biểu diễn; phát triển các đoàn nghệ thuật tư nhân. Nâng số vở diễn, chương trình biểu diễn có chất lượng cao tăng gấp đôi so với giai đoạn trước.

- Tỉnh đăng cai tổ chức một số cuéc liên hoan, hội diễn, hội thi biểu diễn nghệ thuật quốc gia và quốc tế; tăng cường giao lưu văn hoá nghệ thuật với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là nước bạn Lào.

3. Điện ảnh.

a) Giai đoạn 2011-2015:

- Xây dựng Trung tâm Điện ảnh tỉnh đa chức năng với hình thức đầu tư xã hội hoá.

- Tiếp tục duy trì, củng cố hoạt động điện ảnh phục vụ vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dưới hình thức các đội chiếu bóng lưu động (được nhà nước tài trợ 100% kinh phí hoạt động). Hoạt động phát hành phim và chiếu bóng phục vụ nhân dân các huyện miền núi từ sau 2015 có thể giảm dần mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tăng dần huy động xã hội, tiến tới Nhà nước không bao cấp cho hoạt động chiếu phim lưu động.

- Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tăng cường hoạt động biên tập, in và phát hành phim có lồng tiếng dân tộc thiểu số, cung cấp phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số.

b) Giai đoạn 2016-2020:

- Xây dựng trung tâm chiếu phim, cụm rạp chiếu phim đáp ứng nhu cầu phục vụ dân cư tại chỗ và các vùng phụ cận thành phố Thanh Hoá, thị xã Bỉm Sơn và Sầm Sơn, khu công nghiệp Nghi Sơn, đô thị Ngọc Lặc; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh điện ảnh, đến năm 2020 có từ 1 đến 2 doanh nghiệp điện ảnh tư nhân.

- Đổi mới hoạt động của các đội chiếu bóng theo hướng chuyển dần sang loại hình ngoài công lập; đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết phát triển điện ảnh miền núi phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

4. Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm và Quảng cáo.

a) Giai đoạn 2011-2015:

- Hoàn thành xây dựng Tượng đài chiến thắng Hàm Rồng, tượng đài Bà Triệu và tượng đài một số danh nhân người dân tộc thiểu số: Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao...

- Tiếp cận và đưa công nghệ tuyên truyền mới, hiện đại và nâng cấp các bảng tấm lớn phục vụ tuyên truyền chính trị và quảng cáo ngoài trời.

b) Giai đoạn 2016-2020:

- Lựa chọn lựa xây dựng công trình tượng đài danh nhân Lê Hoàn, Dương Đình Nghệ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ, một số danh nhân tiêu biểu người dân tộc thiểu số Thanh Hóa; xây dựng tượng đài biểu tượng cho sự đoàn kết các dân tộc Thanh Hoá.

- Đến năm 2020, hình thành các gallery tư nhân ở vùng đô thị và khu du lịch ven biển. Đăng cai tổ chức các triển lãm mỹ thuật - nhiếp ảnh của vùng, quốc gia, các nước trong khu vực và quốc tế. Có các sản phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh mang gía trị cao về nghệ thuật và thẩm mỹ. Có các giải thưởng lớn trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, lý luận phê bình mỹ thuật - nhiếp ảnh.

- Tăng cường hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm tại các khu, điểm du lịch nhằm tạo sức hấp dẫn cho du khách và quảng bá văn hóa xứ Thanh đến bạn bè trong nước và quốc tế.

- Từng bước phục hồi và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có sức cạnh tranh cao trên thị trường khu vực và cả nước.

- Nâng cao chất lượng hoạt động truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ; xây dựng nội dung chương trình đào tạo mỹ thuật, nhiếp ảnh phù hợp đưa vào hoạt động giảng dạy trong nhà trường.

- Đưa công nghệ tuyên truyền, quảng cáo, trạm tin hiện đại vào lắp đặt và vận hành tại các tuyến đường chính của Thanh Hóa; thực hiện hệ thống bảng cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời dọc theo các tuyến đường mới, các khu đô thị mới...

5. Văn học Nghệ thuật.

a) Giai đoạn 2010-2015:

- Tăng cường phổ biến, giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật của các tác giả trong tỉnh; tổ chức các sinh hoạt giao lưu văn học nghệ thuật giữa các hội viên và với công chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ, các hội viên thuộc các chi hội, câu lạc bộ văn học nghệ thuật; có chính sách đầu tư khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, đổi mới phương pháp dạy và học văn trong nhà trường từng bước hình thành một lực lượng tiếp bước các nhà văn của Thanh Hóa đi trước.

- Đẩy mạnh quản lý về lĩnh vực bảo vệ bản quyền tác giả; xây dựng và bổ sung cơ chế, chính sách đối với các hoạt động sáng tác và phổ biến tác phẩm văn học nghệ thuật, cơ chế, chính sách đối với văn nghệ sỹ trong thời kỳ mới, sát hợp với thực tiễn.

- Tỉnh tổ chức đăng cai và tham gia định kỳ các liên hoan, cuộc thi văn học nghệ thuật quốc gia và quốc tế, các cuộc triển lãm giới thiệu tác phẩm văn học nghệ thuật ra công chúng.

- Báo Văn hóa và Đời sống tăng số lần xuất bản lên 2 kỳ xuất bản/tuần; có báo điện tử; phấn đấu số báo phát hành trung bình đạt trên 500 nghìn bản.

b) Giai đoạn 2016-2020:

- Tổ chức mở các lớp tập huấn về quản lý văn hóa nghệ thuật, phương pháp, kỹ năng sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến văn học nghệ thuật.... do các chuyên gia trong nước và nước ngoài giảng dạy; tổ chức tham quan trao đổi, nghiên cứu, sáng tác thực tế trong và ngoài nước.

- Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong việc lưu giữ, phổ biến, giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật dưới nhiều hình thức đa dạng.

- Báo Văn hóa và Đời sống xuất bản tăng lên 3 kỳ/tuần; xuất bản thêm số báo cuối tháng, phát hành trung bình 6.500-8.000 bản/kỳ.

6. Thư viện.

a) Giai đoạn 2011-2015:

- Xây dựng Thư viện tỉnh theo hướng quy mô lớn, hiện đại, xứng tầm thư viện khu vực Bắc Trung bộ.

- Đến năm 2015, 50% thư viện cấp huyện đạt chuẩn; 80% các thư viện huyện, thị xã, thành phố ứng dụng công nghệ thư viện điện tử, có phòng truy cập internet cộng đồng; 100% thư viện tuyến huyện áp dụng theo chuẩn thư mục thư viện quốc tế.

- Đẩy mạnh tin học hóa, tiếp cận công nghệ thông tin thư viện, xây dựng các trung tâm truy cập Internet ở các thư viện xã, phường, thị trấn; gắn với phát triển bưu điện văn hoá xã.

- Đến năm 2015, có 5.000 đơn vị cơ sở có phòng đọc sách báo; 2.120 phòng đọc sách báo làng, thôn, bản; số bản sách trong hệ thống thư viện công cộng và phòng đọc đạt mức bình quân 5 bản/người; số lượng báo, tạp chí đạt 8 bản báo, tạp chí/người.

b) Giai đoạn 2016-2020:

- Hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng Thư viện tỉnh quy mô lớn, hiện đại, kết hợp mô hình thư viện điện tử và thư viện truyền thống; đu tư xây dựng thư viện tại huyện Ngọc Lặc với quy mô thích hợp.

- 100% thư viện cấp huyện xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn; hình thành thư viện điện tử; 20% vốn tư liệu thư viện quý hiếm được số hóa.

- Đổi mới phương thức hoạt động ở các thư viện huyện, thành phố theo hướng nối mạng toàn bộ hệ thống trong tỉnh với thư viện quốc gia để khai thác vốn tài liệu phong phú, đa dạng phục vụ bạn đọc.

- Đến năm 2020, số bản sách trong hệ thống thư viện công cộng và phòng đọc đạt mức bình quân 6 bản/người. Số lượng báo, tạp chí đạt 8,5-9 bản báo, tạp chí/người. Các thư viện thường xuyên tổ chức các đợt triển lãm, hội chợ sách, sinh hoạt nói chuyện về sách.

7. Văn hoá quần chúng, Văn hoá dân tộc và Tuyên truyền cổ động.

a) Văn hóa quần chúng:

- Có sự chuyển biến về chất lượng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan.

- Xây dựng phong trào văn hóa nông thôn mới cấp xã với các tiêu chí: Nhà văn hóa và khu thể thao xã, thôn đạt chuẩn; có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa; 100% thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn, môi trường đạt chuẩn, không có tệ nạn xã hội, bảo vệ tốt di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và các di sản văn hóa dân tộc.

- Củng cố, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa thể thao xã, phường, thị trấn có thư viện, phòng thông tin, các câu lạc bộ, trung tâm học tập cộng đồng, đài truyền thanh...

- Tăng cường đưa các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích người dân tham gia sáng tạo, lưu truyền các loại hình văn nghệ dân gian.

- Giai đoạn 2011- 2015:

Phấn đấu số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 83%; làng, bản, cơ quan được công nhận là đơn vị văn hóa đạt tỷ lệ 61%; 25% xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường văn hóa; 100% làng bản có nhà văn hóa và tương đương; 95-97% xã có trạm truyền thanh.

- Giai đoạn 2016- 2020:

+ Phấn đấu số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 85-85,5%; làng, bản, cơ quan được công nhận là đơn vị văn hóa đạt tỷ lệ 66-68%; 50% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hóa; 100% xã, phường, thị trấn có trạm truyền thanh.

b) Văn hóa dân tộc thiểu số:

- Tiếp tục thực hiện chương trình “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số Thanh Hoá”; ưu tiên trùng tu, tôn tạo các di tích trọng điểm vùng dân tộc thiểu số miền núi Thanh Hoá.

- Đẩy mạnh sưu tầm và trưng bày phòng văn hoá các dân tộc thiểu số miền núi Thanh Hoá tại Bảo tàng tỉnh; khuyến khích các cơ quan, tổ chức, dòng họ, gia đình hiến tặng, bán, trưng bày các sản phẩm, các di vật văn hoá cho bảo tàng.

- Lựa chọn một số làng bản còn lưu giữ đậm nét văn hoá truyền thống của từng dân tộc để phát triển du lịch văn hoá - sinh thái.

- Thực hiện điều tra, sưu tầm, kiểm kê các loại hình di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số: Kiến trúc nhà sàn, các loại nhạc cụ, khí cụ, hàng thổ cẩm; các sản phẩm đan lát, rèn và trang phục đặc trưng; đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, văn nghệ dân gian, phong tục, tập quán...

- Bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số thông qua các hình thức phong phú đa dạng như: Ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc huyện miền núi (2 năm 1 lần); hội thi các thiếu nữ trong trang phục dân tộc; tổ chức giao lưu tìm hiểu về văn hóa các dân tộc trong tỉnh...

c) Tuyên truyền cổ động:

- Đầu tư nâng cấp các phương tiện trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng phương pháp hiện đại trong hoạt động thông tin tuyên truyền; hoàn thiện chế độ, chính sách ưu tiên cho những người làm công tác thông tin tuyên truyền vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

- Giai đoạn 2010-2015, mỗi huyện, thị xã, thành phố nâng cấp và xây dựng mới 1-3 cụm cổ động chính trị; đến giai đoạn 2016-2020, tập trung xây dựng các cụm cổ động chính trị tại các thành phố, thị xã và các đô thị mới.

- Tổ chức các hội thi, liên hoan, hội diễn về tuyên truyền cổ động giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhằm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

8. Dịch vụ văn hoá:

- Khuyến khích phát triển các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; từng bước xã hội hóa các ngành điện ảnh, sân khấu, biểu diễn nghệ thuật, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kinh doanh các vật tư, thiết bị văn hóa......

- Hỗ trợ các đơn vị văn hóa mang tính công ích như thư; chuyển đổi, sắp xếp bộ máy đơn vị sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật theo hướng tăng thu dịch vụ, cung ứng dịch vụ công.

- Tạo môi trường thông thoáng cho sự phát triển công nghiệp văn hóa; có chính sách ưu tiên (thuế, đất đai...) đối với các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức cá nhân tham gia đầu tư, phát triển về văn hóa.

- Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp văn hóa; phấn đấu giai đoạn 2011-2020, lĩnh vực dịch vụ văn hóa Thanh Hóa đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, ổn định; bước đầu hình thành một số doanh nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa mạnh.

9. Gia đình.

- Phổ biến rộng rãi các thông tin liên quan đến pháp luật, chính sách của Nhà nước về hôn nhân - gia đình, bình đẳng giới, phòng chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác; nâng cao vai trò, vị trí, ý nghĩa của gia đình trong xây dựng phát triển nền văn hóa văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; tập trung xây dựng văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam.

- Huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể và xã hội thực hiện hiệu quả Luật phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

- Tổ chức thường xuyên các cuộc vận động, các cuộc thi, triển lãm tranh ảnh về xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc; hàng năm tổ chức các lớp tập huấn về chính sách pháp luật, kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con cái, vai trò của người phụ nữ trong gia đình...

- Xây dựng các cơ sở tư vấn, đội ngũ tư vấn về hôn nhân và gia đình. Xây dựng đường dây tư vấn qua điện thoại và qua phương tiện thông tin đại chúng.

- Xây dựng hệ thống tổ hòa giải, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tạm lánh, địa chỉ tin cậy trong cộng đồng ở nơi có tỉ lệ bạo lực gia đình cao; lồng ghép nội dung phòng chống bạo lực gia đình với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, bản, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa.

a) Giai đoạn 2011-2015:

- 100% cán bộ văn hóa phụ trách công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở được tập huấn quản lý nhà nước về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình hàng năm; 30% số xã có đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình; 30% số xã thiết lập mạng lưới địa chỉ tin cậy.

- Mỗi năm có thêm 15% số nạn nhân được hỗ trợ, tư vấn từ các cơ sở trợ giúp bạo lực gia đình (cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, cơ sở khám chữa bệnh, bảo trợ xã hội, địa chỉ tin cậy); 25% những người có hành vi bạo lực gia đình được tham gia các hoạt động tư vấn, giáo dục.

- Triển khai nhân rộng mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình tại 30% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

b) Giai đoạn 2016-2020:

- 35-40% số xã trong tỉnh được thiết lập đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình; 35-40% số xã thiết lập mạng lưới địa chỉ tin cậy.

- Mỗi năm có thêm 25-30% số nạn nhân được hỗ trợ, tư vấn từ các cơ sở trợ giúp bạo lực gia đình; 40-45% những người thực hiện hành vi bạo lực gia đình tham gia các hoạt động tư vấn và giáo dục.

- Triển khai nhân rộng mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình tại 40-45% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

10. Nghiên cứu khoa học.

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hoá, khoa học xã hội và nhân văn; ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

- Củng cố và kiện toàn hội đồng chuyên môn: Hội đồng nghệ thuật, Hội đồng khoa học... thuộc sự quản lý nhà nước của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Tăng cường công tác nghiên cứu làm rõ những giá trị văn hóa tiêu biểu, bản sắc văn hóa Xứ Thanh. Tổ chức sưu tầm nghiên cứu về các di sản văn hóa; biên soạn bộ lịch sử văn hóa Thanh Hóa; công bố các ấn phẩm sách, băng đĩa hình về lịch sử và văn hóa Thanh Hóa giới thiệu đến đông đảo công chúng, bạn đọc trong nước và quốc tế.

- Thực hiện cơ chế hỗ trợ, tài trợ từng phần hoặc toàn phần từ ngân sách nhà nước cho các công trình lý luận phê bình, các tác phẩm có đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa độc đáo của xứ Thanh.

- Giai đoạn 2011 - 2015: Tăng cường các trao đổi nghiên cứu khoa học với một số tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu di sản và nghệ thuật truyền thống; triển khai một số đề tài nghiên cứu làm rõ những giá trị văn hóa tiêu biểu, bản sắc văn hóa xứ Thanh.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Thực hiện cơ chế nghiên cứu theo hướng mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng ngân hàng dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học về văn hóa; tổ chức thường xuyên các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế, liên kết đào tạo cán bộ nghiên cứu và thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.

11. Nguồn nhân lực.

a) Nguồn nhân lực tuyến tỉnh:

- Phấn đấu đến năm 2015, 70 - 80% số cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng trở lên; 7% cán bộ có trình độ sau đại học.

- Thành lập Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tại thành phố Thanh Hóa.

- Đến năm 2020, 85 - 90% cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng trở lên; 12% cán bộ có trình độ sau đại học.

b) Nguồn nhân lực tuyến huyện:

- Đến năm 2015, có 60% cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng. 1-2% cán bộ có trình độ sau đại học; đến năm 2020, có 70 - 75% cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng; 2-3% cán bộ có trình độ sau đại học.

c) Nguồn nhân lực tuyến xã:

- Phấn đấu đến năm 2015 các xã miền xuôi có từ 40 - 45% cán bộ công chức văn hoá có trình độ đại học, còn lại là trình độ cao đẳng và trung cấp; các xã miền núi có 20% số cán bộ có trình độ đại học; đến năm 2020, các xã miền xuôi có từ 50-60% cán bộ công chức văn hoá có trình độ đại học và các xã miền núi có 30-35% số cán bộ có trình độ đại học.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hoá cán bộ trình độ trung cấp văn hoá quần chúng cho làng văn hoá, nhà văn hoá, khu phố văn hoá, các cơ quan, đơn vị văn hoá; các Phòng Văn hoá Thể thao và các Trung tâm Văn hoá Thông tin cấp huyện, thị, thành phố phối hợp với các cơ sở đào tạo trong tỉnh thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hoá cán bộ trình độ trung cấp văn hoá quần chúng cho làng văn hoá, nhà văn hoá, khu phố văn hoá, các cơ quan, đơn vị văn hoá.

III. TỔNG HỢP NHU CẦU NGUỒN VỐN, ĐẤT ĐAI VÀ DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐÀU TƯ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2020

1. Nhu cầu nguồn vốn và phân bổ nguồn vốn theo các giai đoạn:

- Giai đoạn 2011- 2020, tỉnh Thanh Hóa đảm bảo mức đầu tư chi cho văn hoá đạt tỷ lệ đầu tư bình quân chung của cả nước trong chi ngân sách của tỉnh.

- Tỉnh dành nguồn vốn ưu tiên đầu tư cho nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa và công trình văn hóa với tổng nguồn vốn ngân sách là: 11.486 tỷ đồng (nguồn vốn xã hội hóa là 2.763 tỷ đồng); được chia làm 02 giai đoạn:

+ Giai đoạn 2011 - 2015: 5.987 tỷ đồng;

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 5.499 tỷ đồng

(Có phụ lục chi tiết kèm theo).

2. Nhu cầu sử dụng đất đai phát triển văn hoá.

- Giai đoạn 2011 - 2020, tổng nhu cầu quỹ đất sử dụng phát triển văn hóa dự kiến sẽ đạt 5.911,5 ha; trong đó, diện tích đất dành cho xây dựng các công trình cấp tỉnh là 64,5ha; cấp huyện, thành phố, thị xã là 6,75 ha; cấp xã, phường thị trấn là 63,7ha; cấp làng bản thôn là 287,95 ha; các dự án khác là 655 ha và vùng đệm của Di tích Thành Nhà Hồ gồm 06 xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Vĩnh Thành, Vĩnh Ninh và thị trấn Vĩnh Lộc là 5.000 ha (xem phụ lục chi tiết kèm theo).

- Căn cứ vào đặc điểm phân bố di sản văn hóa và không gian sinh sống của cộng đồng, chủ thể quản lý và thực hành văn hóa, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng quy hoạch và triển khai vùng đệm bảo vệ di sản văn hóa tại các địa bàn một cách thích hợp.

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU.

1. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế, xã hội.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội dưới nhiều loại hình truyền tải phong phú, đa dạng; thực hiện các chương trình, dự án xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ... kết hợp với mục tiêu phát triển văn hoá nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

- Tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho các đối tượng cán bộ trong cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở và hạt nhân phong trào cơ sở về chính sách, pháp luật của nhà nước ban hành có liên quan đến các lĩnh vực văn hóa.

- Tăng cường quảng bá, giới thiệu kho tàng di sản văn hóa, các giá trị tinh hoa văn hóa xứ Thanh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các sự kiện văn hóa, chương trình, khu du lịch đến đông đảo cán bộ, nhân dân, bạn bè trong nước và quốc tế.

2. Xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa.

- Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức; từng bước cân đối cơ cấu nguồn lực cán bộ (về tuổi, giới tính, thành phần dân tộc, địa bàn công tác ở 3 tuyến tỉnh, huyện và xã...) cho phù hợp.

- Thực hiện tuyển dụng cán bộ có trình độ quản lý, chuyên môn giỏi công tác ở các lĩnh vực văn hóa; ưu tiên tuyển dụng cán bộ tại các lĩnh vực văn hóa còn thiếu, cán bộ có trình độ chuyên sâu về quản lý và chuyên môn.

- Tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn cho cán bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở về công tác quản lý và chuyên môn trên các lĩnh vực; mời các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản lý văn hóa nghệ thuật về địa phương công tác, giảng dạy, đào tạo.

- Đẩy mạnh công tác liên doanh, liên kết giữa tỉnh với các tổ chức trong và ngoài nước có chức năng nghiên cứu và đào tạo về nguồn nhân lực; thực hiện phối hợp triển khai các hoạt động nghiên cứu, các lĩnh vực hoạt động về văn hóa, góp phần nâng cao trình độ cho cán bộ.

3. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư phát triển văn hóa.

- Thực hiện tốt Nghị quyết số 44/2006/NQ-HĐND ngày 28/7/20 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và xã hội; Quyết định số 2343/2006/QĐ-UBND , ngày 28/8/2006 về ban hành chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và xã hội.

- Nhà nước tạo điều kiện để các đơn vị văn hoá nghệ thuật có thể tổ chức hoạt động có thu nhằm tăng thêm nguồn kinh phí phát triển hoạt động văn hóa.

- Có chính sách đầu tư thoả đáng để đảm bảo có những sản phẩm sáng tạo đỉnh cao bên cạnh các sản phẩm phong trào; cấp kinh phí trao giải thưởng cho những tác phẩm văn học nghệ thuật, mỹ thuật, nhiếp ảnh có giá trị.

- Tăng dần nguồn thu từ hoạt động và dịch vụ văn hoá, chuyển dần sang cơ chế cân đối thu chi cho các đơn vị sự nghiệp; thu hút nguồn viện trợ hoặc vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân, các quỹ văn hoá nước ngoài. Nhà nước xây dựng cơ chế khuyến khích người dân bỏ vốn đầu tư và nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hoá.

- Xây dựng và bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trùng tu, tôn tao, tu bổ di tích, thành lập bảo tàng tư nhân, bộ sưu tập tư nhân, thành lập các hội, câu lạc bộ ngành nghề thủ công truyền thống, văn nghệ dân gian...

- Có cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, nghệ sĩ tổ chức trưng bày, giới thiệu, mua bán tác phẩm. Khuyến khích các hoạt động gây vốn, gây quỹ phát triển văn hoá; cho phép mở các trường dân lập, tư thục về văn hoá nghệ thuật.

4. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển văn hóa.

a. Chính sách về đất đai.

- Thực hiện xây dựng và triển khai quy hoạch sử dụng quỹ đất cho các công trình văn hoá trong giai đoạn 2011-2020.

- Tiếp tục thực hiện Quyết định phê duyệt đề án phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn đến năm 2010; theo đó, diện tích đất cho công trình văn hoá thể thao cấp xã quy mô 2 tầng với diện tích xây dựng là 200m2, diện tích sàn là 400 m2; ở cấp thôn, làng nhà văn hoá có diện tích xây dựng từ 90 - 120 m2 phục vụ sinh hoạt văn hoá của nhân dân địa phương. Đảm bảo công tác quy hoạch quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hoá từ nay đến năm 2020.

- Xây dựng bổ sung và ban hành mới các chính sách hỗ trợ (cấp đất, cho thuê đất, giảm thuế đất...) đối với các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng rạp chiếu phim, bảo tàng tư nhân, thư viện tư nhân, nhà hát, trung tâm văn hóa cộng đồng...

- Tổ chức quy hoạch sử dụng đất, xây dựng khu dân cư đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho các cơ sở văn hoá, thể thao công lập và ngoài công lập để thành lập các nhà văn hoá, bảo tàng tư nhân, cơ sở biểu diễn nghệ thuật, trung tâm bảo tồn, phát triển mỹ thuật thuật, nhiếp ảnh, triển lãm nghệ thuật, thư viện tư nhân, rạp chiếu phim, trung tâm thể dục thể thao... Chú trọng công tác kiểm tra , giám sát việc khai thác quỹ đất phát triển văn hoá một cách có hiệu quả, nhằm tránh lãng phí tài nguyên.

b. Chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng.

- Tập trung đầu tư cho các công trình văn hoá trọng điểm, các di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia; sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá.

- Khai thác có hiệu quả nguồn hỗ trợ của Trung ương từ các chương trình phát triển kinh tế-xã hội lớn như 134, 135, công trình thủy điện...; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá ở cơ sở, đặc biệt là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

- Tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Trung ương để xây dựng các công trình văn hoá quy mô lớn và vừa; thực hiện cơ chế liên doanh, liên kết đầu tư theo cơ chế xã hội hoá để huy động các nguồn lực xây dựng các công trình bảo tàng, nhà hát, trung tâm văn hoá-thông tin, triển lãm, rạp chiếu phim... phục vụ nhu cầu của nhân dân.

c. Các chính sách khác.

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế văn hoá phù hợp với địa bàn dân cư nông thôn, đô thị, khu công nghiệp, miền núi và vùng dân tộc ít người; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đưa văn hoá đến các vùng nông thôn, phù hợp với điều kiện sinh hoạt của từng đối tượng nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh.

- Có chính sách đãi ngộ những người hoạt động văn học nghệ thuật (chế độ nhuận bút, thù lao, phổ biến tác phẩm...) nhằm khuyến khích các văn nghệ sỹ sáng tạo những tác phẩm có chất lượng; xây dựng cơ chế ưu đãi riêng đối với các nghệ sỹ, các diễn viên trẻ tài năng, có nhiều cống hiến cho địa phương.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bản quyền tác giả; thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ sỹ tích cực tham gia sáng tác hoặc hiến tặng tác phẩm cho Nhà nước vì mục đích phục vụ công chúng, phi lợi nhuận.

- Nhà nước đảm bảo nguồn kinh phí ổn định tài trợ, ưu tiên cho việc sáng tác và phổ biến những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả; thực hiện cơ chế, chính sách tài trợ sáng tác theo hướng ưu tiên đề tài, chất lượng của tác phẩm.

- Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị như phục vụ chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, cung cấp sách báo... cho đối tượng người dân ở vùng khó khăn, vùng dân tộc ít người, đối tượng thiệt thòi... nhằm giảm sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các tầng lớp nhân dân.

- Nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách về công nghiệp, thu hút các công nghệ, kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng sáng tạo sản phẩm văn hóa; vận dụng các cơ chế, chính sách về công nghiệp và thông qua thị trường để khai thác tài nguyên văn hóa, mở rộng tái sản xuất, giải phóng và phát triển sức sản xuất văn hóa, sử dụng và phát huy tối đa tài nguyên văn hóa độc đáo của tỉnh, đẩy mạnh xây dựng công nghiệp văn hóa.

5. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng và phát triển nền văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

- Đầu tư nghiên cứu một cách có hệ thống những giá trị di sản văn hóa truyền thống của xứ Thanh; làm rõ diện mạo văn hóa của cộng đồng các dân tộc Thanh Hóa, sự chuyển đổi văn hóa truyền thống trong xã hội đương đại.

- Đẩy mạnh lĩnh vực nghiên cứu triển khai, nâng cao khả năng ứng dụng của các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học gắn với công tác quản lý văn hóa; hoạt động của các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tạo điều kiện để những thành quả nghiên cứu có thể trở thành sản phẩm hàng hoá, hoặc mang lại lợi ích thiết thực.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, cá nhân làm công tác nghiên cứu khoa học có uy tín trong và ngoài nước, nhằm tạo ra những sản phẩm khoa học có chất lượng; tng cường tổ chức các hội thảo trong khu vực, quốc gia và quốc tế, nhằm đúc rút ra những cơ sở lý luận khoa học, kinh nghiệm quản lý, phát triển văn hóa tiên tiến áp dụng vào thực tiễn của tỉnh.

- Từng bước trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc cho cán bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nghiên cứu và triển khai kết quả nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường; tực hiện tốt việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, khu bảo tồn sinh học, tài nguyên rừng, tài nguyên biển tại các địa điểm có tổ chức hoạt động văn hoá, các khu di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, khu vui chơi giải trí, lễ hội, nơi tổ chức các hoạt động dịch vụ văn hoá trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ các khu vực khai thác khoáng sản, đảm bảo không ảnh hưởng tới các di tích lịch sử văn hoá, khu vực có danh lam thắng cảnh; thực hiện đầy đủ công tác nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường đối với các di tích, danh lam thắng cảnh, các di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn, từ đó có giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp.

6. Tăng cường phối kết hợp các lĩnh vực, các ban ngành, địa phương và quốc tế trong xây dựng và phát triển nền văn hóa.

a. Phối kết hợp về các lĩnh vực:

- Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó có nội dung phong trào học tập và rèn luyện thể dục thể thao; kết hợp phong trào "xây dựng gia đình văn hoá" với phong trào "xây dựng gia đình thể thao".

- Đẩy mạnh xúc tiến du lịch, thương mại trên cơ sở khai thác vốn văn hoá, thể dục thể thao của địa phương; xây dựng các chương trình, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thể thao phù hợp với nhu cầu của đối tượng du khách trong nước và quốc tế.

- Tăng cường quảng bá các loại hình di sản văn hóa, sản phẩm văn hoá độc đáo của Thanh Hoá gắn với các chương trình, tuyến, cụm du lịch; sản xuất, giới thiệu các ấn phẩm, văn hoá phẩm (sách, băng, đĩa, hàng lưu niệm...), mặt hàng thủ công mỹ nghệ, tác phẩm nghệ thuật phục vụ du lịch.

- Đẩy mạnh xúc tiến du lịch, thương mại trên cơ sở khai thác vốn văn hoá thế mạnh của địa phương; xây dựng các chương trình, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ thể thao, du lịch phù hợp với nhu cầu của đối tượng du khách trong nước và quốc tế.

- Tham gia phối hợp thực hiện các kế hoạch, chương trình văn hóa liên quan đến nội dung, công tác phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng dân tộc thiểu số; phòng chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại, bài trừ mê tín, dị đoan, các hủ tục lạc hậu, những đối tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng chống phá khối đại đoàn kết dân tộc.

- Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa ngành văn hóa với các ban, ngành chức năng xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản liên quan đến kế hoạch thực hiện bố trí, sử dụng đất đai, cơ chế ưu đãi về đất cho phát triển văn hóa; hướng dẫn, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, chống xâm hại, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái nhân văn.

- Phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách phát triển và quản lý tốt xuất bản tác phẩm về văn hoá, văn học nghệ thuật, văn hoá mạng, quản lý phim ảnh, chương trình biểu diễn nghệ thuật phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, sóng phát thanh, truyền hình.

- Ngành văn hóa phối hợp với các ngành giáo dục & đào tạo, y tế, đơn vị lực lượng vũ trang và các đoàn thể xã hội, tổ chức lồng ghép các tiêu chí về y tế, giáo dục, phòng chống tệ nạn xã hội... trong quá trình thẩm định, bình xét danh hiệu tiêu chuẩn văn hóa cho các đơn vị, khu dân cư, thôn xóm...

b. Quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước.

- Phối kết hợp với các tỉnh bạn tổ chức, triển khai các hoạt động phát triển sự nghiệp văn hoá; đảm bảo thường xuyên có sự trao đổi thông tin, tổ chức hoạt động và giám sát chặt chẽ; xây dựng các mô hình hợp tác, phối hợp giữa các địa phương trong cả nước; khuyến khích các sáng kiến hợp tác giữa các địa phương, nhằm thúc đẩy quá trình trao đổi, phố biến các giá trị văn hóa.

- Đẩy mạnh giao lưu văn hoá nghệ thuật, quảng bá sản phẩm văn hoá giữa các địa phương dưới nhiều hình thức đa dạng.

c. Quan hệ hợp tác quốc tế.

- Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác về văn hóa, thể thao trong khu vực và quốc tế; tích cực phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, xây dựng hồ sơ khoa học về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

- Tỉnh xúc tiến đẩy mạnh hoạt động hợp tác về văn hóa trên các lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thư viện, văn học nghệ thuật, mỹ thuật, nhiếp ảnh...; chủ động đăng cai tổ chức các sự kiện văn hoá mang tầm khu vực, quốc gia và quốc tế.

7. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước trong xây dựng phát triển nền văn hóa.

a. Củng cố bộ máy tổ chức.

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; kiểm tra, thanh tra, xử lý các sai phạm văn hoá nghiêm minh, đảm bảo môi trường văn hoá lành mạnh.

- Sắp xếp bố trí bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả; chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng doanh thu, giảm sự bao cấp của Nhà nước.

b. Xây dựng và quản lý quy hoạch.

- Các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc quy hoạch được duyệt

- Thực hiện tốt các trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định đối với các dự án đầu tư phát triển hạ tầng văn hoá.

- Tổ chức khảo sát, thăm quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng triển khai thực hiện và quản lý các mô hình phát triển văn hóa ở các địa phương bạn và quốc tế để tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa đến năm 2020.

- Đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy hoạch, nhằm đánh giá, đúc rút bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp, nhằm phát triển bền vững sự nghiệp văn hóa.

c. Thực hiện phân cấp quản lý hoạt động văn hóa.

- Tiến hành phân cấp quản lý nhà nước, quản lý sự nghiệp văn hoá cho các cấp cơ sở; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.

- Tăng cường thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

d. Thực hiện tốt quy định pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa.

- Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về văn hoá; đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện đúng Luật cán bộ, công chức, quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Nghiên cứu xây dựng, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về chế độ, chính sách phù hợp cho các đối tượng cán bộ ngành văn hoá, trí thức, văn nghệ sỹ, các tập thể, cá nhân tham gia hoạt động trên lĩnh vực văn hoá.

- Thực hiện tốt chế độ, chính sách, pháp luật của nhà nước về kiểm tra, xử lý, khen thưởng, bảo đảm cho các hoạt động văn hóa, thể thao được triển khai đúng đắn, sâu rộng trong toàn xã hội.

- Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao như: Phục vụ chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, cung cấp sách báo... cho đối tượng nhân dân vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, đối tượng thiệt thòi... nhằm đảm bảo quyền bình đẳng về hưởng thụ văn hóa giữa các tầng lớp nhân dân.

Điều 2. Trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc thực hiện Quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020:

1. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

- Chủ động xây dựng các chương trình, đề án, dự án; đề xuất các cơ chế, chính sách triển khai thực hiện, trình UBND tỉnh và các Bộ, Ngành chức năng Trung ương.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, các huyện thị, thành phố và cơ sở thực hiện Quy hoạch; tổ chức khảo sát, thăm quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng triển khai và quản lý các mô hình phát triển văn hóa ở các địa phương bạn và quốc tế để tổ chức thực hiện tốt nội dung Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa đến năm 2020.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Sở VHTT&DL, các ngành và các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện quy hoạch, đưa vào kế hoạch đầu tư phát triển, bố trí vốn đầu tư hàng năm, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

3. Sở Tài chính:

Bố trí nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách thu - chi hàng năm cho các chương trình, dự án trong quy hoạch được duyệt; xây dựng các cơ chế, chính sách về tài chính, chính sách thuế, chính sách khuyến khích xã hóa văn hóa.

4. Các sở, ban, ngành có liên quan:

Ban Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công -Thương, Sở Y tế, Sở Lao động-Thương binh&Xã hội và các ngành, đơn vị có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, căn cứ nội dung chương trình của Quy hoạch được duyệt, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện.

5. Uỷ ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị, xã hội: Phối hợp với Sở VHTT&DL xây dựng các dự án, chương trình phát triển văn hóa đến năm 2020, thực hiện lồng ghép các mục tiêu phát triển văn hóa với các chương trình dự án trong các phong trào của đoàn thể mình đạt hiệu quả thiết thực.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Trực tiếp quản lý các hoạt động văn hóa và chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện các dự án, chương trình phát triển văn hóa, đồng thời chỉ đạo các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa đúng quy định của pháp luật, phục vụ nhu cầu phát triển văn hóa trên địa bàn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc các sở; thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Bộ Văn hoá Thể thao và Du Lịch;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị, thành phố;
- Lưu: VT,VX(2).Ninh70b.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Văn Việt