Quyết định 2563/QĐ-BGTVT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu: 2563/QĐ-BGTVT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Nguyễn Ngọc Đông
Ngày ban hành: 27/08/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2563/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT ĐƯỜNG SẮT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - CẦN THƠ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT;

Căn cứ các Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009, Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và các văn bản hướng dẫn có liên quan;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, quản lý xây dựng theo quy hoạch;

Căn cứ Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định 1686/QĐ-TTg ngày 20/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”;

Căn cứ Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”;

Căn cứ Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 8/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020;

Quyết định số 1556/QĐ-BGTVT ngày 06/6/2013 của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối thành phố Hồ Chí Minh.

Căn cứ Quyết định số 2802/QĐ-BGTVT ngày 07/12/2011 của Bộ Giao thông vận tải cho phép lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ;

Xét Tờ trình số 1447/TTr-CĐSVN ngày 14/8/2013 của Cục Đường sắt Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ với các nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi quy hoạch:

- Phạm vi lập quy hoạch: trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Bình Dương, Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.

+ Điểm đầu: ga lập tàu hàng An Bình (xã An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương);

+ Điểm cuối: Ga Cái Răng (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ).

- Mức độ nghiên cứu: Quy hoạch chi tiết được thực hiện trên nền bản đồ VN2000, tỷ lệ 1/2000 đủ để các địa phương liên quan công bố quy hoạch sử dụng đất cho phát triển giao thông đường sắt.

- Niên hạn nghiên cứu: đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

2. Mục tiêu lập quy hoạch:

- Chi tiết hóa quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt trong “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Phục vụ công bố Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt nhằm ổn định quy hoạch sử dụng đất và quản lý quỹ đất dành cho phát triển giao thông đường sắt;

- Làm cơ sở xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt giai đoạn đến năm 2020 theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Nội dung chính của quy hoạch:

3.1. Các nguyên tắc lập quy hoạch:

- Phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong các quyết định: Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 về điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 20/11/2008 về chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2050; Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20/5/2008 về quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10/9/2009 về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 08/4/2013 về điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020;

- Phù hợp với quy hoạch khai thác vận tải, tổ chức luồng hàng, luồng khách đảm bảo sự kết nối thuận tiện trên mạng đường sắt quốc gia và tiếp chuyển giữa các hình thức giao thông vận tải khác để được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại quyết định số 1556/QĐ-BGTVT ngày 06/6/2013 về Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối thành phố Hồ Chí Minh.

3.2. Các nội dung chính của quy hoạch:

a. Quy hoạch tuyến:

- Hướng tuyến: từ ga lập tàu An Bình thuộc tỉnh Bình Dương, tuyến đi song song với vành đai đường bộ số 2, qua các quận Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn đến ga Tân Kiên thuộc huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh sau đó đi vào địa phận tỉnh Long An.

Trong địa phận tỉnh Long An, sau khi giao cắt với tỉnh lộ 835 và đường vành đai 4 (quy hoạch), tuyến đi vào giữa ranh 2 khu công nghiệp Vĩnh Phong và khu công nghiệp Năm Sao ở khu vực xã Long Định và xã Long Cang, huyện Tân Trụ. Tuyến vượt sông Vàm Cỏ Đông, cách cảng Bourbon khoảng 1,6km về phía hạ lưu, qua các xã An Nhật Tân, Quê Mỹ Thạnh thuộc huyện Tân Trụ. Sau đó tuyến vượt sông Vàm Cỏ Tây tại vị trí cách cầu đường bộ Tân An khoảng 3,3Km về phía hạ lưu, tuyến đi tiếp vào địa phận thành phố Tân An, về ga Tân An. Qua ga Tân An tuyến đi tiếp tới hết địa phận Châu Thành tỉnh Long An.

Từ ranh giới với huyện Châu Thành (tỉnh Long An) tuyến đi vào địa phận huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang, hướng về thành phố Mỹ Tho. Tại TP. Mỹ Tho sẽ bố trí ga Mỹ Tho tại xã Phước Thạnh (gần Quốc lộ 1A). Sau khi ra khỏi thành phố Mỹ Tho, tuyến đi song song và cách tỉnh lộ 864 khoảng 1-3,5 km về phía bên phải, đi về ga Vĩnh Kim tại xã Song Thuận - Huyện Châu Thành (bên phải đường tỉnh 876). Qua ga Vĩnh Kim tuyến tiếp tục đi song song với đường TL 864 để về ga Long Trung được đặt tại xã Long Tiên - Huyện Cai Lậy (bên phải TL 868), sau đó tuyến tiếp tục đi qua thị trấn Cái Bè để về ga Cái Bè tại xã Hòa Khánh - Huyện Cái Bè bên phải đường ĐH23A (sau khi vượt sông Trà Lọt) khu vực này trong tương lai sẽ được quy hoạch thành trung tâm của huyện Cái Bè. Sau ga Cái Bè tuyến rẽ trái đi về Mỹ Thuận và đi hết địa phận tỉnh Tiền Giang.

Tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ đi vào địa phận tỉnh Vĩnh Long sau khi vượt sông Tiền tại vị trí cách cầu Mỹ Thuận trên QL1 là 950m về phía thượng lưu và cách cầu cầu Mỹ Thuận 2 (cầu đường cao tốc) là 210m về phía hạ lưu. Tiếp đó, tuyến rẽ trái đi song song với tuyến tránh quốc lộ 1 (đoạn qua TP. Vĩnh Long) cách khoảng 1,6km. Tuyến tiếp tục đi song song với QL1A hiện hữu với khoảng cách 02 km để đi về ga Vĩnh Long tại xã Phú Quối - Huyện Long Hồ. Qua ga Vĩnh Long tuyến tiếp tục đi về cầu Mù U, vị trí giao cắt với QL1A cách cầu Mù U 0,5km về phía Cần Thơ. Sau khi giao cắt với QL1A tuyến đi song song với kênh Phú Long để vào ga Bình Minh tại xã Tân Phú - Huyện Tam Bình, qua ga tuyến vượt quốc lộ 54 và sông Hậu để đi về quận Cái Răng - TP. Cần Thơ.

Từ ranh giới với huyện Bình Minh - Tỉnh Vĩnh Long với Quận Cái Răng - TP. Cần Thơ tuyến đi giữa trục đường 3C qua khu công nghiệp Hưng Phú 1, sau đó qua khu đô thị Nam Cần Thơ. Trên đoạn tuyến này đường sắt phải đi cao vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ để tránh giao cắt với hệ thống giao thông đường bộ. Qua khu đô thị mới, tuyến chuyển xuống đi trên mặt đất để đi về ga Cái Răng đặt tại phường Phú Thứ -  Quận Cái Răng.

- Chiều dài tuyến: L= 173,677 Km.

- Khổ đường: đường sắt đôi, khổ 1435 mm.

b. Quy hoạch ga

Đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ bố trí 14 ga và 2 trạm khách bao gồm:

- Các ga: An Bình (thuộc dự án đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng), Thạnh Xuân, Tân Chánh Hiệp, Vĩnh Lộc, Tân Kiên, Long Định, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Kim, Long Trung, Cái Bè, Vĩnh Long, Bình Minh, Cái Răng.

- Các trạm khách: Vĩnh Phú, Bà Điểm.

c. Quy hoạch các công trình cầu vượt sông lớn

Trên tuyến có các vị trí vượt sông lớn là sông Tiền và sông Hậu; công trình giao vượt có thể là cầu hoặc hầm.

d. Quy hoạch các giao cắt

Chi tiết như Phụ lục kèm theo.

e. Quy hoạch các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa đoàn tàu

Dọc tuyến bố trí 09 công trình depot và cơ sở sửa chữa đoàn tàu như sau: Xí nghiệp đầu máy hàng An Bình, Xí nghiệp toa xe hàng An Bình (thuộc dự án đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng); Xí nghiệp đầu máy khách Tân Kiên, Xí nghiệp toa xe khách Tân Kiên; Trạm khám xe Long Định, Trạm khám xe Mỹ Tho; Trạm khám xe Cái Bè, Trạm khám xe Bình Minh; Trạm khám chữa toa xe Cái Răng.

4. Quỹ đất dành cho quy hoạch:

Phạm vi hành lang an toàn, chỉ giới xây dựng của đường sắt theo quy định của Luật đường sắt là 797,82 ha. Chi tiết như Phụ lục đính kèm.

5. Khái toán tổng mức đầu tư và dự kiến nguồn vốn thực hiện:

5.1. Khái toán tổng mức đầu tư (làm tròn): 157.254 tỷ VNĐ.

Chi tiết như Phụ lục kèm theo.

5.2. Dự kiến nguồn vốn đầu tư: vay ODA, trái phiếu Chính phủ, ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, tư nhân...

6. Tiến độ đầu tư:

Theo Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

Giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp với các địa phương có liên quan: Tổ chức công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu cụ thể hóa các mục tiêu và triển khai thực hiện bằng các chương trình, các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch. Trong quá trình thực hiện quy hoạch phải thường xuyên cập nhật tình hình và có những đề nghị điều chỉnh kịp thời khi cần thiết.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị: Vụ Kế hoạch đầu tư, Vụ Tài chính, Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Môi trường, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường st Việt Nam và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng;
- Các UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt theo quy hoạch đi qua: Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ (để phối hợp);
- Cty CP TVTK GTVT phía Nam;
- Lưu: VT, KHĐT (3 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Đông

 

 

 





Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng Ban hành: 24/01/2005 | Cập nhật: 06/12/2012