Quyết định 1686/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt danh mục Dự án do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ
Số hiệu: | 1686/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Hoàng Trung Hải |
Ngày ban hành: | 19/09/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1686/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DANH MỤC DỰ ÁN DO CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA LIÊN HỢP QUỐC (UNDP) TÀI TRỢ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 5648/BKHĐT-KTĐN ngày 26 tháng 8 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt danh mục Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do UNDP tài trợ không hoàn lại từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) với các nội dung chính sau:
1. Cơ quan chủ quản Dự án: Bộ Khoa học và Công nghệ.
Chủ Dự án: Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật.
Cơ quan đồng thực hiện: Bộ Xây dựng.
2. Mục tiêu của Dự án: Cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam. Mức phát thải khí nhà kính trực tiếp ước tính là 383 ktonnes CO2. Mức giảm phát thải khí nhà kính gián tiếp ước tính đạt 13.409 ktonnes CO2 được tích lũy trong vòng 10 năm sau khi dự án kết thúc.
3. Các kết quả chính của Dự án:
a) Ban hành chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng gạch không nung; Tăng cường năng lực và kiến thức cho cơ quan chính phủ trong việc điều tiết phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung.
b) Gia tăng số lượng các nhà cung cấp dịch vụ và cung ứng gạch không nung ở địa phương có năng lực chuyên môn và tay nghề kỹ thuật được nâng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế.
c) Các nhà đầu tư tiềm năng và doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nhiều hơn và bền vững hơn các nguồn tài chính để đầu tư các nhà máy sản xuất gạch không nung và chế tạo thiết bị sản xuất gạch không nung.
d) Tăng lòng tin của các định chế tài chính, các nhà đầu tư sản xuất gạch không nung và các cơ quan quản lý vào tính khả thi về mặt kỹ thuật và tài chính, lợi ích kinh tế môi trường của việc sản xuất gạch không nung.
đ) Tăng thị phần của gạch không nung trong thị trường gạch xây dựng nói chung.
4. Thời gian thực hiện: 5 năm kể từ khi Dự án được phê duyệt
Địa bàn thực hiện: Toàn quốc
5. Tổng hạn mức vốn của Dự án: 38.880.000 USD
a) Vốn ODA do GEF viện trợ không hoàn lại thông qua UNDP: 2.800.000 USD.
b) Vốn đối ứng bằng tiền mặt của Bộ Khoa học và Công nghệ: 140.000 USD tương đương 2,940 tỷ đồng.
c) Vốn đồng tài trợ:
- Vốn đồng tài trợ bằng hiện vật từ cơ quan phối hợp thực hiện của Việt Nam tương đương 10.190.000 USD, trong đó:
+ Bộ Khoa học và Công nghệ: 2.860.000 USD
+ Bộ Xây dựng: 1.000.000 USD
+ Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương: 220.000 USD
+ Các doanh nghiệp tư nhân: 3.000.000 USD
+ Tổng Công ty gốm - sứ xây dựng Việt Nam (VIGLACERA): 3.000.000 USD
+ Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam: 110.000 USD
- Vốn đồng tài trợ bằng hiện vật từ UNDP: 550.000 USD
- Vốn đồng tài trợ từ các định chế tài chính là 25.200.000 USD, trong đó:
+ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) (vốn vay ưu đãi): 3.000.000 USD
+ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) (bảo lãnh vay vốn): 1.000.000 USD
+ Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VIETINBANK) (vốn vay thương mại): 21.200.000 USD
6. Nguồn và cơ chế tài chính trong nước:
- Đối với vốn ODA: cấp phát 100% từ ngân sách trung ương.
- Vốn đối ứng bằng tiền mặt do cơ quan chủ quản tự bố trí theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
- Vốn đồng tài trợ bằng hiện vật do các bên liên quan đóng góp thông qua các chương trình, dự án đang triển khai tại Việt Nam. Vốn đồng tài trợ này không cung cấp trực tiếp cho Dự án trên.
Điều 2. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Văn phòng UNDP tại Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng, phê duyệt, ký Kế hoạch hoạt động hàng năm và triển khai thực hiện Dự án theo đúng các quy định hiện hành, bảo đảm sử dụng viện trợ ODA hiệu quả, Dự án đạt mục tiêu đề ra.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Bộ trưởng các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
Nghị định 38/2013/NĐ-CP quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ Ban hành: 23/04/2013 | Cập nhật: 26/04/2013