Quyết định 25/2004/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển hoạt động văn hóa - thông tin vùng Tây Nguyên đến năm 2010"
Số hiệu: 25/2004/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phạm Gia Khiêm
Ngày ban hành: 27/02/2004 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 04/03/2004 Số công báo: Số 4
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25/2004/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 2 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 25/2004/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 02 NĂM 2004 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA - THÔNG TIN VÙNG TÂY NGUYÊN ĐẾN NĂM 2010"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 19/2003/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đến năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng lâu dài, kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Phát triển hoạt động văn hóa - thông tin vùng Tây Nguyên đến năm 2010", với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án: "Phát triển hoạt động văn hóa - thông tin vùng Tây Nguyên đến năm 2010".

2. Chủ Đề án: Bộ Văn hóa - Thông tin và UỶ BAN nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên

3. Mục tiêu của Đề án:

a. Bảo tồn, kế thừa có chọn lọc, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và các giá trị văn hóa tiêu biểu, loại bỏ dần những cái lỗi thời lạc hậu; xây dựng và phát triển những giá trị mới về văn hoá, nghệ thuật; hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hoá mới vùng Tây Nguyên;

b. Đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội; góp phần đẩy lùi âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch, ngăn chặn và bài trừ các luận điệu lừa bịp, xuyên tạc, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội;

c. Phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ những người sáng tác văn học - nghệ thuật là người các dân tộc;

d) Tổ chức điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa - nghệ thuật; bảo tồn, phát huy các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên.

4. Nội dung phát triển hoạt động văn hóa - thông tin vùng Tây Nguyên:

a. Tăng cường công tác tuyên truyền về những nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội và vận động nhân dân thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc:

- Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc;

- Phát huy hiệu quả hoạt động của các đội thông tin lưu động, huy động lực lượng văn hoá nghệ thuật, thông tin cổ động, tập trung tuyên truyền ở các vùng có nhiều thành phần tôn giáo phức tạp, vùng đồng bào di dân tự do và các trọng điểm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các tỉnh vùng Tây Nguyên;

- Biên soạn và phát hành các chương trình, tài liệu tập huấn chuyên môn về văn hoá thông tin và các nội dung chương trình phù hợp theo từng địa bàn cơ sở, từng vùng dân tộc thiểu số có đặc thù riêng.

b) Tổ chức hoạt động văn hoá - thông tin các tỉnh vùng Tây Nguyên:

- Tổ chức các hội diễn, hội thi, lễ hội dân gian, ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc; đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá";

- Xây dựng hệ thống bảo tàng; đặt bia cho các di tích đã xếp hạng; xây dựng các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể;

- Xây dựng và hoàn thiện các cụm panô cổ động, các điểm sáng văn hoá tại các vùng biên giới.

c) Xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá - thông tin đồng bộ từ cấp tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn, làng, bản, buôn, khu phố.

- Lập quy hoạch về đất xây dựng các thiết chế văn hoá - thông tin từ tỉnh đến cơ sở; chú trọng xây dựng các tụ điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng, các khu vui chơi giải trí cho trẻ em;

- Khôi phục nhà Rông, nhà Gươl, nhà Dài truyền thống và xây dựng, đầu tư trang thiết bị cho các nhà Rông văn hoá, nhà Văn hoá cộng đồng;

- Nâng cấp hệ thống thư viện; mở rộng và xây dựng các Trung tâm sách, các cửa hàng sách;

- Xây dựng nhà hát, các trại sáng tác.

d) Xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển hoạt động văn hóa - thông tin.

- Xây dựng kế hoạch đầu tư về hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; đầu tư trang thiết bị cho các đội thông tin lưu động; xây dựng trạm phát thanh, truyền thanh; bưu điện văn hóa xã; sân bãi để hoạt động thể thao, văn hóa; cấp một số sản phẩm văn hóa cho các xã;

- Tăng cường các phương tiện hoạt động văn hóa - thông tin cho các Đồn biên phòng ở khu vực biên giới;

- Phấn đấu đến năm 2005 có 90% xã được phủ sóng truyền hình, xây dựng ăng-ten chảo ở các vùng lõm hoặc đầu tư phương tiện, thiết bị khác để nhân dân vùng sâu, vùng xa được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và xem được Đài Truyền hình ở Trung ương và địa phương.

đ) Phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động văn hóa - thông tin.

Kiện toàn bộ máy cán bộ quản lý về văn hóa - thông tin từ tỉnh đến cơ sở; bồi dưỡng về trình độ chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ; ưu tiên đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số; đầu tư, biên soạn giáo trình giảng dạy với nội dung thiết thực đối với cơ sở và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

e) Xây dựng mô hình hoạt động văn hóa - thông tin.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng mô hình hoạt động văn hóa - thông tin đã có ở mỗi tỉnh; nâng cao chất lượng, nội dung hoạt động, lựa chọn mô hình tốt để nhân rộng trong toàn tỉnh; sử dụng có hiệu quả mô hình đội chiếu bóng và xe văn hóa - thông tin lưu động tổng hợp; xây dựng mô hình hoạt động văn hóa thể thao tại nhà văn hóa và khu vui chơi giải trí;

- Duy trì mô hình hoạt động văn hóa - thông tin cấp cơ sở như làng, bản, buôn văn hóa, nhà Rông văn hóa, nhà Gươl, nhà Văn hóa cộng đồng.

- Xây dựng mô hình lễ hội văn hóa, nghệ thuật truyền thống để hoạt động có hiệu quả.

g) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động văn hóa - thông tin.

Củng cố đội thanh tra chuyên ngành, xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp sai phạm; chọn lựa và bồi dưỡng cán bộ thanh tra có đạo đức, năng lực chuyên môn.

h) Xây dựng chế độ ngân sách chi hoạt động văn hóa - thông tin.

Xây dựng kế hoạch phải phù hợp với nguồn thu của địa phương và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp với kế hoạch hành động; tranh thủ các nguồn của các quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa; huy động sự hỗ trợ của các cấp, các ngành.

5. Giải pháp thực hiện.

Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương trong từng thời gian, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp sau:

a) Thống nhất và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngành Văn hóa - Thông tin và của các cấp, các ngành có liên quan trong việc thực hiện Đề án;

b) Tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các cấp, ngành và các địa phương;

c) Đẩy mạnh công tác tổ chức và cán bộ;

d) Tăng cường cơ sở vật chất và trang bị cho hoạt động văn hóa - thông tin;

đ) Huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hoạt động văn hóa - thông tin;

e) Đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa thích hợp trong các hoạt động văn hóa - thông tin vùng Tây Nguyên nhằm huy động tiềm lực sẵn có ở cơ sở của các địa phương, các ngành và của người dân để nâng cao mức hưởng thụ về đời sống tinh thần của nhân dân;

g) Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của nhân dân vùng Tây Nguyên.

6. Thời gian thực hiện Đề án: từ năm 2004 đến năm 2010.

a) Giai đoạn 1: từ năm 2004 đến năm 2005;

b) Giai đoạn 2: từ năm 2006 đến năm 2010.

7. Kinh phí và nguồn vốn:

a) Kinh phí:

Tổng kinh phí ước tính khoảng 1.400 tỷ đồng.

b) Nguồn vốn:

- Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho ngành Văn hóa - Thông tin (xây dựng cơ bản, hoạt động sự nghiệp và vốn dành cho chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa);

- Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các địa phương (5 tỉnh vùng Tây Nguyên), trong đó có khoản ngân sách dành cho hoạt động văn hóa - thông tin;

- Nguồn ngân sách địa phương;

- Nguồn ngân sách của các Bộ, ngành dành cho hoạt động văn hóa - thông tin;

- Đóng góp của nhân dân;

- Đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội;

- Tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo triển khai Đề án này; cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên tổ chức thực hiện cụ thể Đề án theo các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra; hướng dẫn, lồng ghép thực hiện Đề án này với các Đề án về văn hóa - xã hội, kinh tế Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đến năm 2010.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức thực hiện Đề án này.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên căn cứ vào nội dung Đề án và theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thông tin xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm, bố trí kinh phí để thực hiện.

Điều 3.

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)