Quyết định 2448/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020
Số hiệu: | 2448/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Vũ Đức Đam |
Ngày ban hành: | 16/12/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 01/01/2014 | Số công báo: | Từ số 3 đến số 4 |
Lĩnh vực: | Lao động, Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2448/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỘI NHẬP QUỐC TẾ VỀ GIÁO DỤC VÀ DẠY NGHỀ ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020” với nội dung cơ bản sau đây:
I. QUAN ĐIỂM
1. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về giáo dục và dạy nghề của thế giới theo nguyên tắc giữ vững độc lập, tự chủ, bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi.
2. Thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa các hình thức hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và dạy nghề ở trong và ngoài nước; tranh thủ các cơ hội để thu hút hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao quy mô và chất lượng nguồn nhân lực.
3. Hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng thị trường lao động và phát triển khoa học, công nghệ của đất nước; tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Đến năm 2020, phát triển một số cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và dạy nghề tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước; tiến tới công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới; tăng cường quy mô học sinh, sinh viên, học viên gửi đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, đồng thời thu hút học sinh, sinh viên, học viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục và dạy nghề các cấp phục vụ hội nhập quốc tế.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2014 - 2015
- Phấn đấu xây dựng 03 trường đại học xuất sắc; tuyển chọn khoảng 3.000 giảng viên gửi đi đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài, mỗi năm tiếp nhận khoảng 300 lượt sinh viên, học viên và 300 lượt giảng viên quốc tế đến học, giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam; đến năm 2015 có khoảng 50 chương trình đào tạo đại học được các tổ chức quốc tế có uy tín kiểm định.
- Phấn đấu xây dựng 05 trường nghề đạt cấp độ quốc tế; tiếp nhận và sử dụng 49 chương trình, giáo trình dạy nghề cấp độ khu vực ASEAN và 26 chương trình, giáo trình dạy nghề cấp độ quốc tế.
- Phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng khoảng 4.500 lượt giảng viên đại học, cao đẳng, giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 60.000 lượt giáo viên phổ thông, 25.000 lượt giáo viên mầm non, 4.100 lượt giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề phục vụ hội nhập quốc tế.
- Các sinh viên, đặc biệt là sinh viên 03 trường đại học xuất sắc và 05 trường nghề đạt cấp độ quốc tế có khả năng học tập tiếp tục hoặc làm việc tại các nước trong khu vực và thế giới.
b) Giai đoạn 2016 - 2020
- Phấn đấu nâng tổng số trường đại học xuất sắc lên 05 trường; tuyển chọn khoảng 7.000 giảng viên gửi đi đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài, mỗi năm tiếp nhận khoảng 500 lượt sinh viên và 400 lượt giảng viên quốc tế đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam; đến năm 2020 có khoảng 150 chương trình đào tạo đại học được các tổ chức quốc tế có uy tín kiểm định.
- Phấn đấu nâng tổng số trường nghề đạt cấp độ quốc tế lên thêm 10 trường; tiếp nhận và sử dụng 70 chương trình, giáo trình dạy nghề cấp độ khu vực ASEAN và 35 chương trình, giáo trình dạy nghề cấp độ quốc tế.
- Phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng khoảng 22.500 lượt giảng viên đại học, cao đẳng, giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 300.000 lượt giáo viên phổ thông, 130.000 lượt giáo viên mầm non, 5.500 lượt giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề phục vụ hội nhập quốc tế.
- Các sinh viên, đặc biệt là sinh viên 05 trường đại học xuất sắc và 10 trường nghề đạt cấp độ quốc tế có khả năng học tập tiếp tục hoặc làm việc tại các nước trong khu vực và thế giới.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA ĐỀ ÁN
1. Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề.
2. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục đại học, trong đó ưu tiên tăng cường cơ sở vật chất theo hướng hiện đại theo chuẩn khu vực và quốc tế. Trước mắt tập trung xây dựng và phát triển các trường: Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ Việt Nga.
3. Xây dựng khung trình độ quốc gia phù hợp với xu hướng thế giới và điều kiện phát triển của đất nước; tiếp nhận chuyển giao chương trình đào tạo, giáo trình và học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập từ các cơ sở giáo dục đại học của các nước tiên tiến, triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
4. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên theo chuẩn nghề nghiệp quốc gia, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; đào tạo cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn quốc tế, có năng lực tổ chức hoạt động quốc tế và hội nhập quốc tế.
5. Tăng cường liên kết đào tạo với những cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có uy tín, đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu với giáo dục và dạy nghề nhằm nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục và dạy nghề trong nước, trao đổi giảng viên và sinh viên quốc tế. Tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục và dạy nghề theo chuẩn khu vực và quốc tế.
6. Tăng cường dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, cho người nước ngoài thông qua việc xây dựng một số khoa, bộ môn tiếng Việt, trung tâm ngôn ngữ và giáo dục Việt Nam tại một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước mắt tập trung vào Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và một số nước Đông Âu; xây dựng bảng mô tả khung năng lực tiếng Việt, hình thức thi và đánh giá các trình độ tiếng Việt trên cơ sở tham khảo khung năng lực của APEC và các nước trong ASEAN, EU.
7. Phát triển công tác dạy nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế thông qua việc nâng cao năng lực tham gia hội nhập quốc tế cho học sinh, sinh viên, giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; tăng cường hợp tác với nước ngoài về các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề.
8. Tổ chức một số đoàn tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề ở một số nước, đàm phán và ký kết một số văn bản thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề của Việt Nam với các nước.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về giáo dục và dạy nghề
- Ký kết các hiệp định công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các quốc gia khác;
- Khuyến khích mở rộng các hoạt động hợp tác song phương, liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên và giảng viên giữa các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và dạy nghề của Việt Nam với các cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu nước ngoài; thu hút giáo viên, giảng viên là người nước ngoài hoặc người Việt Nam đang giảng dạy ở nước ngoài tham gia các chương trình đào tạo trong nước; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư; mở rộng quyền tự chủ của các trường;
- Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút và sử dụng có hiệu quả đội ngũ trí thức được đào tạo ở nước ngoài về nước nhằm thúc đẩy các hoạt động hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề;
- Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục và dạy nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế;
- Hoàn thiện quy hoạch cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề tham gia hợp tác và hội nhập quốc tế.
2. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước về giáo dục và dạy nghề
- Mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục và dạy nghề với các nước, trong đó ưu tiên các nước là đối tác chiến lược, đối tác thường xuyên;
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục và dạy nghề thông qua các hình thức phù hợp; mở rộng liên kết đào tạo và hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục và dạy nghề nước ngoài có uy tín; khuyến khích hình thành một số cơ sở giáo dục của Việt Nam ở nước ngoài, cơ sở giáo dục và nghiên cứu của nước ngoài ở Việt Nam;
- Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và dạy nghề của Việt Nam với nước ngoài trong việc tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập; tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập và gửi sinh viên Việt Nam đến cơ sở đối tác để học tập, nghiên cứu; mở rộng diện tuyển chọn sinh viên đi học tập tại các quốc gia phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác;
- Tiếp nhận giảng viên nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ ở Việt Nam và cử giảng viên Việt Nam đi công tác, giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật ở nước ngoài; tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế;
- Triển khai xây dựng khung trình độ quốc gia trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và điều kiện phát triển của đất nước;
- Triển khai và ký kết các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong việc hỗ trợ các cơ sở giáo dục và học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp;
- Thúc đẩy sự hình thành và phát triển của hệ thống chuyển đổi tín chỉ giữa các nước ASEAN; thực hiện công nhận văn bằng và chuyển đổi tín chỉ giữa các nước trong khu vực và thế giới; mở rộng các chương trình trao đổi và dịch chuyển sinh viên quốc tế.
3. Bảo đảm chất lượng trong giáo dục và dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới
- Tập trung nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng, đổi mới công tác quản lý và giảng dạy đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế;
- Tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục và dạy nghề theo chuẩn khu vực và quốc tế, khuyến khích các cơ sở giáo dục và dạy nghề thực hiện kiểm định trường và chương trình bởi tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín;
- Tăng cường đào tạo ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong công tác quản lý, giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Bảo đảm hiệu quả cao của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.
- Huy động nguồn lực tài chính để bảo đảm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề
- Ngân sách nhà nước kết hợp với huy động các nguồn vốn khác để xây dựng và cung cấp trang thiết bị cho các trường đại học xuất sắc, các trường nghề đạt cấp độ quốc tế;
- Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí để gửi học sinh, sinh viên, giảng viên và cán bộ quản lý đi đào tạo ở nước ngoài thông qua các Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008), Đề án 911 (Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010), Đề án 599 (Quyết định số 599/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2013), Đề án 371 (Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2013) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Ngân sách nhà nước kết hợp với các nguồn vốn khác để triển khai tăng cường dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, cho người nước ngoài; thu hút kiều bào tham gia giảng dạy trong nước; triển khai các hoạt động khác của đề án;
- Huy động nguồn lực tài chính từ các nước và các tổ chức quốc tế nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục và dạy nghề, thực hiện trao đổi giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên Việt Nam với các nước;
- Huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ cao.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Đề án
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thươmg binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức sơ kết việc thực hiện Đề án sau 3 năm thực hiện và tổng kết vào năm 2020;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng và thực hiện các chương trình xúc tiến các hoạt động hợp tác giáo dục và dạy nghề (song phương, đa phương, khu vực...).
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động hội nhập quốc tế về dạy nghề theo Đề án; hướng dẫn, kiểm tra giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Bộ Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể cơ chế tài chính và bố trí ngân sách cho hoạt động hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề;
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dự toán kinh phí cho các hoạt động chính của Đề án;
- Cân đối nguồn lực, bố trí nguồn vốn để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án được phê duyệt.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và dạy nghề theo yêu cầu hội nhập quốc tế;
- Cân đối và bố trí vốn đầu tư, vốn hợp tác phát triển để xây dựng cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề.
5. Bộ Ngoại giao
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề với các cơ sở đào tạo của nước ngoài.
6. Các Bộ, ngành, địa phương
- Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ có liên quan thuộc các chương trình, dự án của Đề án đã được phê duyệt;
- Hằng năm đánh giá kết quả các hoạt động hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
Quyết định 911/QĐ-TTg năm 2018 về Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc Ban hành: 25/07/2018 | Cập nhật: 28/07/2018
Quyết định 599/QĐ-TTg về xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Hà Giang trong thời gian giáp hạt năm 2018 Ban hành: 25/05/2018 | Cập nhật: 05/06/2018
Quyết định 371/QĐ-TTg về xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Điện Biên, Hòa Bình trong thời gian giáp hạt năm 2018 Ban hành: 04/04/2018 | Cập nhật: 06/04/2018
Quyết định 371/QĐ-TTg năm 2016 Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự Ban hành: 09/03/2016 | Cập nhật: 11/03/2016
Quyết định 1400/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 Ban hành: 18/08/2015 | Cập nhật: 19/08/2015
Quyết định 599/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2020” Ban hành: 17/04/2013 | Cập nhật: 18/04/2013
Quyết định 371/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án "Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế" giai đoạn 2012-2015 Ban hành: 28/02/2013 | Cập nhật: 05/03/2013
Quyết định 599/QĐ-TTg năm 2012 bổ nhiệm và thay đổi Ủy viên kiêm nhiệm Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội Ban hành: 22/05/2012 | Cập nhật: 28/05/2012
Quyết định 371/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh Ban hành: 03/04/2012 | Cập nhật: 05/04/2012
Quyết định 911/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020 Ban hành: 17/06/2010 | Cập nhật: 23/06/2010
Quyết định 599/QĐ-TTg năm 2009 về việc thành lập Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tuyên Quang Ban hành: 11/05/2009 | Cập nhật: 15/05/2009
Quyết định 1400/QĐ-TTg năm 2008 về việc phê duyệt đề án "dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" Ban hành: 30/09/2008 | Cập nhật: 04/10/2008
Quyết định 911/QĐ-TTg năm 2008 về việc phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc Ban hành: 14/07/2008 | Cập nhật: 23/07/2008
Quyết định 371/QĐ-TTg năm 2008 tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 01 tập thể và 10 cá nhân thuộc Bộ Y tế Ban hành: 10/04/2008 | Cập nhật: 14/04/2008
Quyết định 1400/QĐ-TTg năm 2007 về việc tặng thưởng bằng khen của Thủ tướng chính phủ Ban hành: 15/10/2007 | Cập nhật: 18/10/2007