Quyết định 2425/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp - phát triển công nghiệp hiệu quả cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 - 2010 do Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 2425/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Trung Tín
Ngày ban hành: 01/06/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/06/2007 Số công báo: Số 38
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2425/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 06 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ CÔNG NGHIỆP - PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HIỆU QUẢ CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 188/2004/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần VIII;
Căn cứ Quyết định số 164/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2006, của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề cương Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 - 2010;
Xét Tờ trình số 519/TTr-SCN ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Giám đốc Sở Công nghiệp về phê duyệt Đề án Chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp - phát triển công nghiệp hiệu quả cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 - 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp - phát triển công nghiệp hiệu quả cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 - 2010, với các nội dung chính như sau:

Phần 1:

CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ CÔNG NGHIỆP - PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HIỆU QUẢ CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

1. Quan điểm và mục tiêu của ngành công nghiệp:

1.1. Quan điểm:

- Phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố công nghiệp vào năm 2015 - 2017, là trung tâm công nghiệp, giữ vai trò đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.

- Phát triển mạnh các ngành công nghiệp đang là thế mạnh, có khả năng cạnh tranh, thị trường trong nước và xuất khẩu; ưu tiên phát triển các ngành có hàm lượng chất xám, công nghệ cao để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

- Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của thành phố theo hướng ưu tiên và tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các ngành: điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí, hóa chất - nhựa cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm và các ngành công nghiệp phụ trợ.

- Tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực và quốc tế, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, khai thác các nguồn vốn trong nhân dân để phát triển công nghiệp.

- Phát triển công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao cho quá trình phát triển công nghiệp và chủ động tham gia vào quá trình phân công lao động khu vực và quốc tế.

- Quy hoạch lại, sắp xếp, điều chỉnh các khu, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn theo hướng chuyên môn hóa và hợp tác hóa, tập trung xây dựng một số khu công nghiệp chuyên ngành.

Phân bổ hợp lý công nghiệp trong một không gian kinh tế thống nhất với toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trên cơ sở lợi thế của từng địa phương, gắn với bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng.

- Di dời các cơ sở công nghiệp sử dụng nhiều lao động giản đơn, gây ô nhiễm môi trường đến vùng quy hoạch ở ngoại thành và vùng lân cận.

1.2. Định hướng phát triển công nghiệp thành phố:

- Chuyển dịch cơ cấu: Công nghiệp trên địa bàn sẽ phải chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh các ngành công nghiệp công nghệ kỹ thuật cao, giá trị sản phẩm lớn, có hàm lượng tri thức, tỷ lệ giá trị tăng thêm cao như các ngành: điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí, hóa chất - nhựa cao su - công nghệ sinh học, chế biến tinh lương thực thực phẩm và ngành công nghiệp phụ trợ.

Giai đoạn 2006 - 2010, công nghiệp thành phố sẽ bớt dần các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, trình độ thấp và dựa chủ yếu vào nguồn tài nguyên thiên nhiên của các vùng xung quanh.

Chuyển đổi cơ bản về chất các ngành công nghiệp của thành phố, tạo dựng nhiều thương hiệu sản phẩm trên thị trường khu vực và thế giới, đưa thành phố trở thành thành phố công nghiệp vào năm 2015 - 2017.

- Phân bố lại các cơ sở sản xuất: trong giai đoạn đến 2010 định hướng không phát triển thêm các khu công nghiệp tổng hợp. Tập trung rà soát, sắp xếp các khu công nghiệp hiện có theo hướng củng cố, lấp đầy, sử dụng hiệu quả diện tích đã được cấp và đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường sinh thái.

Tập trung xây dựng một vài khu công nghiệp chuyên ngành như khu công nghiệp cơ khí chế tạo máy, khu công nghệ cao, khu công nghiệp hóa chất, khu công nghiệp dệt may, da giày... để tạo điều kiện thuận lợi phát triển các ngành công nghệ cao cũng như di dời các ngành công nghiệp ô nhiễm, sử dụng nhiều lao động giản đơn đến những khu đô thị mới, dãn bớt mật độ công nghiệp tại khu vực trung tâm thành phố.

- Đổi mới doanh nghiệp: Đối với các doanh nghiệp hiện có, cần tăng cường và đẩy mạnh việc đầu tư chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ mới, đổi mới sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội của việc sản xuất kinh doanh. Riêng đối với các doanh nghiệp Nhà nước, cần đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức lại theo hướng cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tập trung nguồn vốn để phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm.

- Liên kết trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cần có sự phối hợp với các địa phương xung quanh trong phát triển nhằm hạn chế tình trạng cục bộ, đầu tư chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh làm triệt tiêu nội lực phát triển của các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phát triển công nghiệp dựa vào thế mạnh, tiềm năng và nguồn lực đặc thù của các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam .

- Tổng nhu cầu đất dành cho phát triển công nghiệp trên địa bàn: 14.900ha (theo Quyết định số 188/2004/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ).

* Diện tích đất dành cho các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung: 7.000ha;

* Diện tích đất dành cho phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 1.900ha;

* Diện tích đất dành cho kho bãi: 4.000ha;

* Diện tích đất của các công trình kỹ thuật điện, nước: 2.000ha.

1.3. Mục tiêu của ngành công nghiệp thành phố giai đoạn 2006 - 2010:

a) Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp thành phố đến năm 2010 so với cả nước:

Chỉ tiêu

Đơn vị

Mục tiêu phấn đấu đến 2010

Thành phố

Cả nước

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp

%

12 - 13

15 - 16

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp

%

13

10,2

b) Tổng vốn, tỷ trọng đầu tư, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn - tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố so với cả nước.

Chỉ tiêu

Đơn vị

Giai đoạn              2006 - 2010

Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn

tỷ USD

26 - 28 

Trong đó đầu tư cho công nghiệp

tỷ USD

9,2 - 11,8

Tỷ trọng vốn đầu tư cho công nghiệp so với tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn

%

35 - 42

Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố so với cả nước

%

28 - 32,6 

Tỷ trọng giá trị hàng công nghiệp xuất khẩu so tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố (không kể dầu thô)

%

75 - 80

c) Cơ cấu và tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp thành phố đến năm 2010 (giá so sánh 1994)

Chỉ tiêu

Đơn vị

Tốc độ tăng trưởng

Tỷ trọng so với toàn ngành

Ngành điện tử - công nghệ thông tin

%

28 - 30

7

Ngành cơ khí

%

20

20

Ngành hóa chất - nhựa cao su

%

15

20

Ngành chế biến tinh lương thực - thực phẩm

%

7

17

Ngành dệt may, da giày

%

12

12 - 13

2. Định hướng phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm:

(1) Ngành điện tử - công nghệ thông tin: Tập trung ưu tiên cao các ngành sản xuất linh kiện phụ tùng, các sản phẩm điện tử gia dụng và công nghiệp, điện tử viễn thông, máy tính, các phần mềm xuất khẩu, các dịch vụ điện tử - tin học, dịch vụ trực tuyến đa truyền thông, nghiên cứu và phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

(2) Ngành cơ khí: Tập trung ưu tiên cao các ngành

- Các sản phẩm máy công cụ như máy cắt gọt kim loại, máy rèn dập, máy gia công các loại, máy công cụ chuyên dùng để trang bị cho ngành cơ khí, theo hướng tự động hóa.

- Các sản phẩm cơ khí chính xác như đồng hồ đo các loại, thiết bị dụng cụ y tế, kính mắt, cân bàn.

- Các sản phẩm ô tô các loại, đóng tàu các loại và động cơ quạt điện, xe máy, bếp gas, tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, bếp điện, máy nước nóng, đồ dùng dân dụng…

- Sản xuất các loại kết cấu kim loại, thiết bị có thiết kế và kết cấu khác nhau như cấu kiện thép cho xây dựng, tấm lợp kim loại, các loại bồn thùng, bể chứa bằng kim loại, các loại dụng cụ phục vụ xây dựng, phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến.

- Sản xuất trang thiết bị điện, cơ - điện tử,  robot công nghiệp,…

(3) Ngành hóa chất - nhựa cao su: Tập trung ưu tiên sản xuất các ngành:

- Công nghệ sinh học phục vụ lĩnh vực hóa dược, công nghệ chế biến, nông nghiệp như sản xuất dược liệu, bào chế thuốc, men vi sinh, phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu vi sinh,…

- Hóa chất phục vụ công nghiệp như sản xuất pin, ắc quy như chì hoàn nguyên, bột kẽm dioxyt mangan điện giải và sản xuất các loại pin ắc quy cao cấp. Các sản phẩm trung gian từ hóa dầu,…

- Vật liệu mới, chất dẻo, nhựa, cao su kỹ thuật cao, các loại sản phẩm như săm lốp ôtô, xe máy và các sản phẩm cao su kỹ thuật cao, bao bì các loại, vật liệu xây dựng, sản phẩm gia dụng,…

- Hóa chất phục vụ chế biến hương liệu, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa,… 

(4) Chế biến tinh lương thực - thực phẩm: Tập trung đầu tư chiều sâu nhằm năng cao chất lượng và giá trị sản phẩm (tinh chế nông sản dựa trên ứng dụng công nghệ sinh học) giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện tốt chương trình di dời và phát triển đến các vùng quy hoạch.

Phát triển các ngành đang là thế mạnh như: công nghiệp rượu bia nước giải khát, chế biến sữa, chế biến thịt, chế biến dầu thực vật, chế biến bánh kẹo, chế biến thủy - hải sản, chế biến thức ăn nhanh.

Cùng với việc ưu tiên phát triển 4 ngành công nghiệp có hiệu quả cao, định hướng phát triển một số ngành công nghiệp như:

(5) Ngành công nghiệp dệt may: Tập trung phát triển khâu thiết kế - tạo mẫu, xây dựng thương hiệu; giảm tỷ lệ sản xuất gia công trong ngành này; tăng cường đầu tư chiều sâu để sản xuất các sản phẩm cao cấp có hàm lượng sáng tạo và giá trị gia tăng cao như sợi chải kỹ chỉ số cao, vải dệt thoi khổ rộng chất lượng cao, vải dệt kim khổ rộng, công nghệ nhuộm, xử lý hoàn tất hoàn chỉnh, in vải kỹ thuật số, quần áo thời trang, veston, complet, jean và các mặt hàng nguyên phụ liệu.

(6) Ngành công nghiệp da giày: Tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển thiết kế - tạo mẫu, xây dựng thương hiệu phát triển thị trường; giảm tỷ lệ sản xuất gia công trong ngành này; tăng cường đầu tư chiều sâu để sản xuất các sản phẩm cao cấp có hàm lượng sáng tạo và giá trị gia tăng cao như: giày thể thao, giày da, cặp, vali túi xách cao cấp các loại.  

(7) Ngành sản xuất đồ gỗ, thủ công - mỹ nghệ: Tập trung phát triển khâu thiết kế - tạo mẫu, xây dựng thương hiệu; phát triển các sản phẩm gỗ xuất khẩu chế biến từ gỗ nhân tạo, rừng trồng, chế biến các sản phẩm gỗ tinh chế có giá trị cao và đồ thủ công - mỹ nghệ.

(8) Ngành sản xuất vật liệu xây dựng: Không mở rộng sản xuất mà chỉ phát huy các cơ sở sản xuất hiện có, nghiên cứu các mặt hàng vật liệu mới, vật liệu nhẹ, compozit. Bố trí lại sản xuất (gạch nung, xi măng, gốm sứ vệ sinh) phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, quy hoạch của thành phố.

(9) Ngành luyện kim: Định hướng chung là trên địa bàn trong tương lai sẽ không xây dựng thêm các nhà máy nấu, luyện thép; hạn chế phát triển thêm các cơ sở sản xuất phải xử lý bề mặt sản phẩm bằng hóa chất như xi mạ kim loại, tráng và phủ sơn, chất dẻo, ... có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Thúc đẩy đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị sản xuất. Trong tương lai trên địa bàn chỉ duy trì các cơ sở sản xuất của ngành đảm bảo đủ điều kiện an toàn cho môi trường.

(10) Ngành điện: Tập trung đẩy nhanh xây dựng các dự án lưới truyền tải 110, 220 kV. Xây dựng các mạch 500 kV, 220 kV và 110 kV từ ngoại ô vào thành phố để hỗ trợ, tạo khả năng an toàn cung cấp điện cao cho thành phố. Phát triển đồng bộ lưới phân phối với lưới truyền tải. Định hướng đưa về cấp điện áp chuẩn 22 kV. Sử dụng cáp ngầm trung áp tại các khu vực trung tâm thành phố, khu đô thị mới. Phấn đấu điện bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 3.225 kWh/người/năm (năm 2005 là 1.970 kWh/người/năm).

(11) Ngành cấp, thoát nước và môi trường: Cải tạo và phát triển mạng lưới phân phối đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt của thành phố. phấn đấu đến năm 2010 đáp ứng nhu cầu cấp nước là 2,44 triệu m3/ngày (năm 2005 là 1,78 triệu m3/ngày). Xây dựng, hoàn chỉnh và vận hành hệ thống xử lý nước thải, chất thải tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố.

Các dự án đầu tư chủ yếu của ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố được nêu trong đề án và được chuẩn xác trong quy hoạch chi tiết các chuyên ngành công nghiệp.

Phần 2:

GIẢI PHÁP, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THỰC HIỆN CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NGÀNH CÔNG NGHIỆP - PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HIỆU QUẢ CAO

1. Các giải pháp về quy hoạch:

- Hoàn thiện và triển khai quy hoạch chi tiết các ngành công nghiệp trọng điểm trên địa bàn như: điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí, hóa chất, chế biến tinh lương thực - thực phẩm, phát triển công nghiệp phụ trợ và hợp tác tỉnh.

- Xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển điện lực 24 quận - huyện trên địa bàn. 

- Rà soát và ban hành quy hoạch điều chỉnh các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn làm căn cứ bố trí các dự án đầu tư mới.

2. Giải pháp hỗ trợ thông tin đầu tư:

Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin công nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong các lĩnh vực như: nguồn cung cấp nguyên liệu, máy móc thiết bị, lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp.

3. Hỗ trợ trong quản lý:

- Xây dựng và triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp trọng điểm.

- Đào tạo nâng cao kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề.

- Đánh giá thực trạng công nghệ của các ngành công nghiệp và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ,...

4. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn thiết kế mẫu, đổi mới công nghệ:

- Đầu tư chiều sâu, nâng cấp các trung tâm tư vấn, thiết kế, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến.

- Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình nâng cao năng suất - chất lượng và hội nhập. Tập trung và ưu tiên các khoản chi ngân sách Nhà nước cho các hoạt động nghiên cứu, thu hút đầu tư đối với các dự án thuộc các ngành công nghiệp trọng điểm và công nghiệp phụ trợ. Xây dựng và đưa vào hoạt động Quỹ phát triển công nghiệp và khuyến công của thành phố.

- Xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn thiết kế mẫu, đổi mới công nghệ, gắn liền thị trường và xúc tiến thương mại. Thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo xúc tiến, kêu gọi đầu tư ở trong và ngoài nước, kết hợp công tác xúc tiến thương mại với tìm hiểu thâm nhập thị trường, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới.

Các giải pháp khác:

- Xây dựng và phát triển các loại thị trường như: thị trường khoa học công nghệ, thị trường vốn, thị trường lao động,...

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thí nghiệm,.. cho các trường, trung tâm đào tạo. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề lao động phù hợp với nhu cầu thực tế và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố.

- Tiếp tục phát huy công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.

- Xây dựng danh mục các dự án khuyến khích đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư đối với các ngành công nghiệp trọng điểm.

- Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, hệ thống kho bãi, thông tin liên lạc viễn thông.

5. Tổ chức thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp chuyển dịch cơ cấu công nghiệp:

- Thành lập Ban chỉ đạo và Tổ chuyên viên nhằm xây dựng và triển khai thực hiện đề án.

- Xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động.

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án.

Các chương trình, đề án phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp hiệu quả cao trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2006 - 2010 như sau:

(1) Xây dựng Quy hoạch phát triển ngành cơ khí đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020

- Cơ quan chủ trì: Sở Công nghiệp. Đơn vị phối hợp: Viện NC CLCS CN, các Sở - ngành, Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố.

- Người chủ trì: Ông Tôn Quang Trí, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp.

- Thời gian thực hiện: 2006 - 2007.

(2) Xây dựng Quy hoạch phát triển ngành hóa chất đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020

- Cơ quan chủ trì: Sở Công nghiệp. Đơn vị phối hợp: Viện NC CLCS CN, các Sở - ngành, Ban quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố.

- Người chủ trì: Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp.

- Thời gian thực hiện: 2006 - 2007.

(3) Xây dựng Quy hoạch phát triển ngành điện tử - công nghệ thông tin đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020

- Cơ quan chủ trì: Sở Bưu chính, Viễn thông.

- Người chủ trì: Ông Hoàng Lê Minh, Phó Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông.

- Thời gian thực hiện: 2007.

(4) Xây dựng Quy hoạch phát triển ngành chế biến tinh lương thực - thực phẩm đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020

- Cơ quan chủ trì: Sở Công nghiệp. Đơn vị phối hợp: Viện NC CLCS CN, các Sở - ngành, Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố.

- Người chủ trì: Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp.

- Thời gian thực hiện: 2007 - 6/2008.

(5) Xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực 24 quận - huyện

- Cơ quan chủ trì: Sở Công nghiệp. Đơn vị phối hợp: Viện Năng lượng (Tập đoàn Điện lực Việt Nam ), các Sở - ngành, các quận - huyện, Cty Điện lực thành phố.

- Người chủ trì: Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công nghiệp.

- Thời gian thực hiện: 2006 - 6/2008.

(6) Thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ và hợp tác tỉnh về công nghiệp

- Cơ quan chủ trì: Sở Công nghiệp.

- Người chủ trì: Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công nghiệp.

- Thời gian thực hiện: 2006 - 6/2008. 

(7) Chương trình cung cấp thông tin về lĩnh vực công nghiệp phục vụ doanh nghiệp và các nhà đầu tư

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ Doanh nghiệp Công nghiệp (Sở Công nghiệp). Đơn vị phối hợp: các Sở - ngành, Cục Thống kê thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, các Trung tâm khác.

- Người chủ trì: Ông Nguyễn Trung Luân, Giám đốc Trung tâm.

- Thời gian thực hiện: 2006 - 6/2008.

(8) Chương trình phát triển nguồn nhân lực cho các ngành trọng yếu trên địa bàn (gồm các ngành cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin và hóa chất)

- Cơ quan chủ trì: Trường TH Công nghiệp thành phố (Sở Công nghiệp).

- Người chủ trì: Ông Ngô Văn Hai, Hiệu trưởng Trường.

- Thời gian thực hiện: 2007 - 6/2008.

(9) Chương trình Nâng cao kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ Doanh nghiệp Công nghiệp (thuộc Sở Công nghiệp). Đơn vị phối hợp: Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, các phòng ban Sở Công nghiệp, các Sở - ngành, các Viện, các Trường, các Trung tâm khác.

- Người chủ trì: Ông Nguyễn Trung Luân, Giám đốc Trung tâm.

- Thời gian thực hiện: 2007.

(10) Chương trình đánh giá thực trạng công nghệ các ngành công nghiệp

- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

- Đơn vị phối hợp: Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp, các Sở - ngành.

- Người chủ trì: Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

- Thời gian thực hiện: 2007 - 6/2008.

(11) Trung tâm thiết kế chế tạo thiết bị mới (NEPTECH)

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm NEPTECH (Sở Khoa học và Công nghệ). Đơn vị phối hợp: các Sở - ngành, các Viện, các Trường.

- Người chủ trì: Ông Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

- Thời gian thực hiện: 2006 - 6/2008.

(12) Nâng cấp Trung tâm kỹ thuật chất dẻo và cao su

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm Kỹ thuật chất dẻo và cao su (Sở Công nghiệp). Đơn vị phối hợp: các Sở - ngành thành phố, các Viện, Trường, Trung tâm khác.

- Người chủ trì: Ông Trương Văn Long, Giám đốc Trung tâm.

- Thời gian thực hiện: 2006 - 6/2008.

(13) Đầu tư chiều sâu và mở rộng Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Doanh nghiệp Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ Doanh nghiệp Công nghiệp (Sở Công nghiệp). Đơn vị phối hợp: các Sở - ngành thành phố, các Viện, Trường, Trung tâm khác.

- Người chủ trì thực hiện: Ông Nguyễn Trung Luân, Giám đốc Trung tâm.

- Thời gian thực hiện: 2007 - 6/2008.

(14) Thực hiện Đề án Đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn thành phố (Chương trình nâng cao Năng suất - Chất lượng và Hội nhập).

- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ. Đơn vị phối hợp: các Sở - ngành, các Viện, Trường, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố.

- Người chủ trì: Ông Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

- Thời gian thực hiện: 2006 - 6/2008.

(15) Chương trình Hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư, tiếp thị và quảng bá thương hiệu, thị trường trong và ngoài nước

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư. Đơn vị phối hợp: các Sở - ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố.

- Người chủ trì: Ông Nguyễn Anh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm.

- Thời gian thực hiện: 2006 - 6/2008.

6. Các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển dịch cơ cấu công nghiệp:

6.1. Chính sách về đào tạo nhân lực:

- Phối hợp với Bộ - ngành liên quan nghiên cứu để xây dựng Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả vùng kinh tế.

- Tăng cường công tác đào tạo nghề cho người lao động, kết hợp việc đào tạo với thực tiễn sử dụng lao động của doanh nghiệp trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp.

- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động có cơ hội học nghề, gắn đào tạo với giải quyết việc làm.

- Đưa vào kế hoạch hàng năm, trích từ ngân sách thành phố để cấp học bổng cho các cán bộ nghiên cứu, quản lý, nhà doanh nghiệp,… có thành tích xuất sắc, gửi đi đào tạo ở các nước tiên tiến.

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, viện,… ngang tầm với các nước trong khu vực và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. 

6.2. Chính sách về quy hoạch, xây dựng hạ tầng:

- Tiến hành quy hoạch lại, sắp xếp, điều chỉnh các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trên địa bàn theo hướng chuyên môn hóa, hợp tác hóa kết hợp với phân bổ hợp lý và thống nhất với toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam .

- Tập trung xây dựng một số khu công nghiệp chuyên ngành, không phát triển thêm các khu công nghiệp tổng hợp.

- Đối với 3.000ha đã xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu: cần củng cố, lắp đầy và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả diện tích đất được cấp, thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, khuyến khích chuyển đổi các ngành công nghiệp lạc hậu, thâm dụng lao động, hiệu quả thấp chuyển sang ngành công nghiệp công nghệ cao, thâm dụng vốn.

- Đối với 4.000/7.000ha dành cho các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung, sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết, tập trung xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành, sản xuất chuyên môn hóa và liên kết dọc, trong đó, dành khoảng 300ha để xây dựng các cụm công nghiệp cơ khí chế tạo máy, cơ khí chính xác và gia công kim loại.

- Đối với 1.900ha đất dành phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, rà soát, di dời các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hiện hữu ra khỏi các khu dân cư.

- Quy hoạch khu đô thị, khu dân cư, khu dịch vụ,… không nhất thiết phải gắn liền với từng khu công nghiệp, mà có thể liên kết phục vụ cho nhiều khu công nghiệp.

- Tăng cường huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để đáp ứng yêu cầu xây dựng các khu tái định cư, cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp.

- Tạo quỹ đất để sẵn sàng thu hút đầu tư, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về đất đai, giành nguồn vốn để giải phóng mặt bằng, đơn giản hóa các thủ tục giao đất, cho thuê đất.

- Ban hành chính sách cho phép người dân (chủ đất) góp giá trị quyền sử dụng đất vào xây dựng phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Các chủ đất sẽ là cổ đông đối với phần vốn đã đóng góp bằng giá trị quyền sử dụng đất vào các Công ty cổ phần phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp.  

- Ban hành chính sách cho phép các dự án đầu tư vào các ngành công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn khoa học công nghệ cao, không nằm trong khu công nghệ cao được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư như đối với các dự án đầu tư vào các ngành công nghệ cao trong khu công nghệ cao, sử dụng nguồn vốn được trích từ nguồn vốn của thành phố.

6.3. Chính sách về xúc tiến đầu tư và quảng bá sản phẩm:

- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư và quảng bá sản phẩm để giới thiệu các sản phẩm của thành phố; đồng thời, thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại giữa thành phố với các nước trên thế giới.

- Tập trung vận động, thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư lớn, dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám, công nghệ cao.

- Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, mở rộng ngành nghề, chuyển dịch từ các ngành thâm dụng lao động giản đơn, giá trị gia tăng thấp sang các ngành có hàm lượng chất xám, công nghệ và giá trị gia tăng cao. 

- Tăng cường công tác hợp tác với các tỉnh nhằm phối hợp cung ứng nguồn lao động, nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm và phối kết hợp trong công tác tiếp nhận đầu tư của tiến trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm.

- Đưa vào chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu hàng năm; Xây dựng các kênh thông tin hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu. 

6.4. Chính sách về khoa học công nghệ:

- Tăng chi ngân sách đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ từ 3 - 5% tổng chi ngân sách hàng năm, để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa của thành phố.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc lựa chọn công nghệ, thiết bị sản xuất, bảo hộ sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, trước hết là các ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố như: cho vay với lãi suất thấp đối với các doanh nghiệp có nhu cầu.

Điều 2. Giao Ban Chỉ đạo Đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chủ trì, đôn đốc triển khai các chương trình, dự án hoàn thành theo kế hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Viện trưởng Viện Kinh tế, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Tín