Quyết định 240/2005/QĐ-UB về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: 240/2005/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Đỗ Hoàng Ân
Ngày ban hành: 30/12/2005 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 240/2005/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ.
Căn cứ Nghị định số 14/2003/NĐ-CP ngày 19/2/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điểm của Luật giao thông đường bộ.
Căn cứ Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông công chính và Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 1019/TTr-GTCC-CATP ngày 29/12/2005,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi hạn chế hoạt động đối với các phương tiện giao thông

1. Từ các đường: Âu cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái, Minh Khai, Nguyễn Tam Trinh, Pháp Vân, Kim Giang, Khương Đình, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân, Trần Duy Hưng, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng trở vào trung tâm thành phố.

2. Các đoạn đường từ Trần Nhật Duật qua Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái rẽ vào phố Minh Khai qua đường Nguyễn Tam Trinh đến đường Pháp Vân, Quốc lộ 1A đến ngã ba Giải phóng - Kim Đồng và đoạn đường gồm các phố từ đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân, Trần Duy Hưng (đoạn từ Nguyễn Tuân đến nút Mai Dịch), Phạm Hùng đến đường Phạm Văn Đồng được hoạt động bình thường.

Điều 2. Thời gian hoạt động của các loại phương tiện trong khu vực hạn chế

1/ Các loại xe ôtô vận tải có tải trọng đến 1,25 tấn:

Cấm hoạt động từ 6h30 đến 8h30 đến 20h00 hàng ngày.

2/ Các loại xe ôtô vận tải có tải trọng từ trên 1,25 tấn đến 2,5 tấn:

Cấm hoạt động từ 6h00 đến 20h00 hàng ngày.

3/ Đối với các loại xe ôtô vận tải, có trọng tải trên 2,5 tấn và các loại xe máy thi công:

Cấm hoạt động từ 6h00 sáng đến 21h00 hàng ngày.

4/ Đối với các loại xe vận tải siêu trường, siêu trọng (theo Quyết định số 824/2002/QĐ-BGTVT ngày 25/3/2002 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải) và các xe ôtô tải có trọng lượng toàn bộ xe lớn hơn 10 tấn phải có giấy phép lưu hành đặc biệt do Sở giao thông công chính Hà Nội cấp và chỉ được hoạt động từ 21h00 đến 6h00 sáng ngày hôm sau.

5/ Đối với các loại xe ôtô chở khách (trừ xe hợp đồng đưa đón cán bộ công nhân viên, học sinh sinh viên, lực lượng vũ trang, xe phục vụ tang lễ, xe phục vụ đám cưới, xe cộng vụ, xe tham quan du lịch): Cấm hoạt động từ 6h30 đến 8h30 và từ 16h30 đến 23h00 hàng ngày.

Các loại xe khách liên tỉnh phải đỗ ở bến xe theo quy định của Thành phố.

6/ Đối với các xe buýt công cộng:

Hoạt động theo thời gian và lộ trình theo quy định của Thành phố.

7/ Đối với các loại xe chuyên dùng

a/ Các loại xe cấp nước sinh hoạt, xe chuyên dùng giải quyết các sự cố đột xuất về điện, nước, úng ngập do mưa, lún sụt đường, gẫy cành, đổ cây được phép hoạt động 24h/24h hàng ngày.

b/ Các loại xe cắt sửa cây, xe tưới nước rửa đường, xe hút bụi, xe hút phân, xe hút bùn, xe vận chuyển bùn phục vụ thoát nước, xe thu gom rác, xe và máy sửa chữa cầu đường, xe nâng đưa người làm việc trên cao được hoạt động trên các đường phố trừ giờ cao điểm: sáng từ 6h30 đến 8h30; Chiều từ 16h30 đến 20h00.

c/ Xe chở thực phẩm tươi sống, trọng tải đến 2,5 tấn được hoạt động trên đường phố trừ giờ cao điểm: Sáng từ 6h30 đến 8h30; Chiều từ 16h30 đến 30h00. Xe chở tiền, vàng bạc, ngoại tệ được hoạt động 24h00/24h00 theo quy định tại khoản 3 điều 16, chương 4 Nghị định số 81/1998/NĐ-CP ngày 01/10/1998 của Chính phủ.

d/Xe vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, báo chí bằng đường bộ được phép hoạt động 24h/24h theo quy định tại nghị định 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ.

e/ Các loại xe chuyên dùng vận chuyển rác, xe chở lương thực, chỉ được phép hoạt động trên các đường phố từ 19h00 đến 6h00 sáng hôm sau.

g/ Các loại xe khác hoạt động trái với quy định của quyết định này phải có giấy phép của Công an Thành phố.

Điều 3. Đối với các loại xe khác và xe thô sơ

1/ Cấm các loại xe Lambro, xe công nông, xe bông sen, máy trộn bê tông tự hành hoạt động trên tuyến đường vành đai III và các tuyến quốc lộ thuộc địa phận Hà Nội.

2/ Cấm sử dụng các loại xe môtô 3 bánh chuyên dùng để kinh doanh chở khách và hàng hóa.

3/ Cấm sử dụng các loại xe đạp từ 2 chỗ ngồi đạp trở lên hoạt động trên địa bàn Thành phố.

4/ Cấm các loại xe: Xe súc vật kéo, xe người kéo, xe đẩy (trừ xe dịch vụ chuyên dùng đô thị, xe của người tàn tật, xe nôi trẻ em), xe đạp thồ hoạt động trên các tuyến đường quy định tại điều 1.

5/ Cấm các loại xe xích lô hoạt động trên đường, phố quy định tại điều 1. Đối với xe xích lô du lịch chỉ cho phép những xe đã đăng ký, bảo đảm an toàn và mỹ thuật và chỉ được hoạt động ngoài giờ cao điểm (sáng từ 6h30 đến 8h30; chiều từ 16h30 đến 20h00).

Điều 4. Xử lý vi phạm

Tất cả các phương tiện giao thông vi phạm quy định tại Quyết định này bị xử lý:

1/ Đối với xe ôtô: Phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng đối với người điều khiển xe theo quy định tại điểm a khoản 5 điều 12 Nghị định 152/2005/NĐ-CP.

2/ Đối với xe máy kéo: Phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe theo quy định tại điểm c khoản 3 điều 14 Nghị định 152/2005/NĐ-CP.

3/ Đối với xe thô sơ: Phạt tiền từ 20.000 đến 40.000 đồng đối với người điều khiển theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 15 Nghị định 152/2005/NĐ-CP .

Biện pháp tạm giữ phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính đã quy định tại Điều Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005

Điều 5. Phân công trách nhiệm

1/ Sở Giao thông công chính có trách nhiệm:

a/ Tổ chức, kiểm tra cắm biển báo giao thông theo quy định trên.

b/ Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông công chính kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

c/ Tổ chức việc cấp phép lưu hành đặc biệt cho các xe siêu trường, siêu trọng, xe máy thi công vào đường cấm theo quy định tại khoản 4 điều II quy định này.

d/ Phối hợp với Sở Văn hóa thông tin và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền hướng dẫn thực hiện.

2/ Công an Thành phố có trách nhiệm:

a/ Tổ chức chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định tại quyết định này và các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

b/ Tổ chức việc cấp phép lưu hành đặc biệt cho các xe vào đường cấm theo quy định tại điểm g khoản 7 điều II quy định này.

Điều 6. Điều khoản thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định số 26/2003/QĐ-UB ngày 30/01/2003 và số 167/2003/QĐ-UB ngày 03/12/2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện; Giám đốc Công an Thành phố; Giám đốc Sở Giao thông công chính và Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, đơn vị có liên quan và mọi người tham gia giao thông chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; (để báo cáo)
- Ủy ban ATGT Quốc gia (để báo cáo)
- Bộ GTVT (để báo cáo)
- Bộ Công an (để báo cáo)
- T. trực Thành Ủy (để báo cáo)
- T. trực HĐND TP (để báo cáo)
- Đ/c Chủ tịch UBND TP
- Như điều 6
- Sở tư pháp
- Viện Kiểm sát nhân dân TP
- Ban Tuyên giáo Thành Ủy
- Đài PT-TH Hà Nội
- Báo Hà Nội mới, Báo KT&ĐT
- Lưu

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



 
Đỗ Hoàng Ân

 





Nghị định 109/1997/NĐ-CP về Bưu chính và Viễn thông Ban hành: 12/11/1997 | Cập nhật: 17/09/2012