Quyết định 2361/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Chương trình tổng thể đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
Số hiệu: 2361/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Đinh Quốc Thái
Ngày ban hành: 21/09/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2361/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 21 tháng 9 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ ĐÀO TẠO PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 51/2005/NQ-HĐND7 ngày 21/7/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án Phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1463/TTr-SNV ngày 24/8/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình tổng thể đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình triển khai thực hiện các nội dung và đạt được các mục tiêu đề ra trong Chương trình, đồng bộ với các Chương trình khác thuộc 08 Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 3. Giám đốc Sở Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định, cấp phát và quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình từ nguồn ngân sách của tỉnh cho Ban Chủ nhiệm Chương trình theo đúng quy định hiện hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Lao động - Thương binh & Xã hội, Khoa học & Công nghệ, Giáo dục & Đào tạo, Tài chính và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

CHƯƠNG TRÌNH

TỔNG THỂ ĐÀO TẠO PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2361/QĐ-UBND ngày 21/9/2011 của UBND tỉnh)

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ IX Đảng bộ tỉnh Đồng Nai;

Căn cứ Nghị quyết số 51/2005/NQ-HĐND7 ngày 21/7/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án Phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 12/2006/QĐ-UBND ngày 22/12/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực;

Căn cứ quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai 2011 - 2020 và kết quả thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2006 - 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình tổng thể đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015 gồm các nội dung chủ yếu sau:

Phần 1

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

I. Về tổ chức triển khai thực hiện

Thực hiện Nghị quyết số 51/2005/NQ-HĐND7 ngày 21/7/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các quyết định để triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2006 - 2010 gồm:

- Quyết định số 8750/QĐ-UBND ngày 15/9/2006 về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc của Ban Chỉ đạo Đề án;

- Quyết định số 12/2006/QĐ-UBND ngày 22/12/2006 về việc tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh;

- Quyết định số 1404/QĐ-UBND ngày 22/5/2007 về việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 01 - Đào tạo lao động kỹ thuật;

- Quyết định số 1405/QĐ-UBND ngày 22/5/2007 về việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 02 - Đào tạo sau đại học;

- Quyết định số 4442/QĐ-UBND ngày 18/12/2007 về tổ chức triển khai Chương trình 03 - Đào tạo cán bộ nữ;

- Quyết định số 834/QĐ-UBND ngày 09/4/2007 về việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch Chương trình 04 - Đào tạo bổ sung nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị;

- Quyết định số 1813/QĐ-UBND ngày 25/6/2007 về việc tổ chức triển khai Chương trình 05 - Đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu;

- Quyết định số 17/2006/QĐ-UBND ngày 02/3/2006 về việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch Chương trình 06 - Đào tạo, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ, kiến thức đối ngoại cho cán bộ chủ chốt và đào tạo phiên dịch;

Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm từng Chương trình đã tham mưu hoặc chủ động ban hành nhiều văn bản về quy chế tổ chức hoạt động, các văn bản triển khai, hướng dẫn để tổ chức thực hiện các nội dung cụ thể theo từng chương trình nhánh đặt ra.

II. Kết quả thực hiện

1. Chương trình 01: Đào tạo lao động kỹ thuật

Chương trình do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tham mưu thực hiện. Qua 05 năm triển khai đã đạt được những kết quả nhất định như sau:

- Mạng lưới cơ sở dạy nghề đã được đầu tư mở rộng trên toàn tỉnh với 76 đơn vị dạy nghề các loại hình, từ năm 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh đã thành lập 30 cơ sở dạy nghề mới, đáp ứng cơ bản nhu cầu đào tạo nghề của tỉnh.

- Chỉ tiêu tuyển mới và tốt nghiệp ở các lớp đào tạo nghề ngày càng tăng, trung bình mỗi năm tăng gần 5%, trong 05 năm trên địa bàn tỉnh có 278.382 người được tuyển mới, trong đó dài hạn (TC, CĐ) là 55.316 người, đào tạo nghề ngắn hạn là 225.066 người, tỷ lệ tốt nghiệp đạt trên 85%.

- Đội ngũ giáo viên dạy nghề đã được quan tâm đầu tư nâng cao cả về chất và lượng, tổng giáo viên dạy nghề hiện nay của tỉnh là 2.569 giáo viên, trong đó 87,7% là giáo viên có trình độ từ thợ bậc cao, cao đẳng và đại học, sau đại học là 12,3%. Trong 05 năm qua, đã bồi dưỡng cho 3.953 lượt giáo viên dạy nghề về chuyên môn, nghiệp vụ từ nguồn kinh phí của chương trình và nguồn xã hội hóa. Để phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế Quốc tế, hệ thống giáo trình, chương trình đã được cập nhật, chỉnh sửa, biên soạn lại nhằm bắt kịp với nhu cầu đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật công nghệ mới, sử dụng được thiết bị hiện đại của doanh nghiệp.

- Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nghề được đầu tư mạnh từ nhiều nguồn khác nhau, tổng mức đầu tư là gần 500 tỷ đồng và 241.821 Euro (ngân sách gần 330 tỷ đồng, xã hội hóa gần 160 tỷ đồng, còn lại là nguồn tài trợ trong và ngoài nước).

Kết quả trên đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ 32% năm 2005 lên 42,66% năm 2010 (kế hoạch là 40%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra). Số học viên có trình độ tay nghề chất lượng cao ngày càng tăng và tiếp cận với trình độ thế giới thể hiện qua những giải thưởng tại Hội tay nghề trẻ Asean, kỳ thi kỹ năng nghề thế giới (World Skill).

Ngoài ra, chương trình cũng đã lồng ghép thực hiện với các chương trình đào tạo nghề khác gồm: Đào tạo nghề cho 4.896 bộ đội xuất ngũ, 1.600 học sinh dân tộc thiểu số, 4.000 lao động nông thôn và hộ nghèo học nghề, 7.036 lao động nông thôn, hỗ trợ cho 150 đối tượng người khuyết tật học nghề và hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng lao động thuộc diện bị thu hồi đất, tái định cư, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, đối tượng đặc xá, thanh niên vi phạm pháp luật sau cải tạo trở về địa phương (Biểu 01-CT1 kèm theo).

Mặc dù còn những hạn chế nhất định nhưng nhờ sự nỗ lực phối hợp, đầu tư đồng bộ và có hiệu quả cho công tác đào tạo nghề đã đem lại những kết quả rất khích lệ. Chất lượng dạy và học nghề được cải thiện, từng bước tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới. Công tác xã hội hóa đào tạo nghề được đẩy mạnh và mở rộng.

2. Chương trình 02: Đào tạo sau đại học

Chương trình do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tham mưu thực hiện, qua 05 năm số lượng ứng viên đăng ký là 791 người, trong đó 613 ứng viên được xét duyệt tham gia chương trình, chiếm tỷ lệ 77%.

Tổng số đối tượng tham gia đào tạo trình độ thạc sỹ, chuyên khoa I là 547 người, vượt chỉ tiêu được giao; tham gia đào tạo trình độ tiến sỹ và chuyên khoa II là 66 người, đạt tỷ lệ 66% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra là phải đào tạo 400 thạc sỹ và 100 tiến sỹ giai đoạn 2006 - 2010.

Các ứng viên tham gia Chương trình 02 thuộc lĩnh vực y tế chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là các ngành giáo dục và đào tạo, dạy nghề và khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ. Như vậy, so với mục tiêu ưu tiên đào tạo những lĩnh vực mà tỉnh có nhu cầu thì chương trình tương đối đảm bảo tính định hướng mà chương trình đề ra. Tính đến nay số lượng học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo sau đại học là 66 người (Biểu 01-CT2 kèm theo).

Đề án Đào tạo sau đại học là định hướng đào tạo chuyên sâu quan trọng của tỉnh nhằm xây dựng đội ngũ CBCC có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực. Qua quá trình triển khai, chương trình đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn như: Số lượng ứng viên tham gia đào tạo liên kết và đào tạo toàn phần ở nước ngoài chiếm tỷ lệ rất thấp (đạt 12%) do hạn chế về trình độ ngoại ngữ của các ứng viên, trong khi chất lượng đào tạo trong nước chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu.

3. Chương trình 03: Đào tạo cán bộ nữ

Chương trình 03 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì tham mưu thực hiện, chương trình không triển khai nội dung đào tạo, kinh phí hoạt động riêng mà chuyển mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình đến các chương trình khác có liên quan để lồng ghép thực hiện. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng từ 2006 - 2010 như sau:

- Các lớp cao học tỷ lệ đạt 41,99% vượt so chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

- Các lớp đại học tỷ lệ đạt 41% vượt so chỉ tiêu kế hoạch.

- Lớp trung cấp chính trị tỷ lệ đạt 36% đạt và vượt so chỉ tiêu kế hoạch.

- Lớp cao cấp LLCT tỷ lệ đạt 29%, so chỉ tiêu kế hoạch tỷ lệ nữ chưa đạt.

- Các lớp bồi dưỡng tỷ lệ đạt 30,5%, đạt so với chỉ tiêu.

(Biểu 01-CT3 kèm theo).

Mặc dù không có đối tượng, kinh phí riêng, tuy nhiên các mục tiêu theo định hướng của chương trình đã được quan tâm thực hiện, tỷ lệ CBCC nữ tham gia các lớp đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.

4. Chương trình 04: Đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị

Chương trình 04 do Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì tham mưu thực hiện. Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2010 đã cử đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho 3.179 CBCC ở 03 cấp tỉnh, huyện và xã (trong đó: Cử nhân 481, cao cấp 634 và trung cấp là 2.064).

Đào tạo chuyên môn cho 2.556 CBCC ở 03 cấp tỉnh, huyện và xã (sau đại học: 245 CBCC; 107 bác sỹ chuyên khoa I; 17 bác sỹ chuyên khoa II, đại học: 1.261 CBCC chủ yếu là cán bộ dự nguồn ngành y tế và CBCC cấp xã; đào tạo trình độ trung cấp cho 926 cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã).

Toàn tỉnh đã cử 19.234 lượt CBCC tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ.

Kết quả đào tạo và chất lượng CBCC xem chi tiết biểu mẫu đính kèm (biểu 02-CT4, 03-CT4, 04-CT4 kèm theo). So sánh các chỉ tiêu thực hiện cụ thể và kế hoạch đặt ra của Chương trình chi tiết tại biểu 01-CT4 kèm theo.

Trong 05 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn như: Chỉ tiêu đào tạo được cấp từ Trung ương hạn chế; chất lượng đầu vào, đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị, các Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện còn thiếu, nhưng nhìn chung công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC đã được quan tâm đầu tư thực hiện và đạt kết quả tương đối tốt. Kết quả này đã góp phần từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC của tỉnh nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của hệ thống chính trị của tỉnh.

5. Chương trình 05: Đào tạo năng khiếu

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tham mưu thực hiện. Kết quả đã tổ chức đào tạo lớp thiết kế robot cho 220 thí sinh, đào tạo năng khiếu TDTT cho 57 vận động viên; đào tạo năng khiếu văn hóa, nghệ thuật cho 30 em; đào tạo năng khiếu ngoại ngữ cho 90 học sinh; đào tạo năng khiếu tin học cho 47 học sinh; tổ chức 02 lớp cán bộ trẻ tạo nguồn cán bộ quản lý cho 45 học sinh.

Ngoài ra chương trình đã tổ chức tuyển chọn, thành lập nhiều lớp năng khiếu đặc biệt dành cho thiếu nhi như: Tin học, thể dục nhịp điệu, bóng rổ, múa, đội kèn, văn học, nghệ thuật... Từ khi thực hiện Chương trình 05 đã đạt được những thành tích tiêu biểu như: Tại Hội khỏe Phù đổng toàn quốc lần thứ VII tại Phú Thọ năm 2008, Đồng Nai vươn lên giành vị trí thứ tư trong 63 tỉnh thành cả nước, số lượng vận động viên được tuyển chọn vào đội tuyển trẻ lứa tuổi Quốc gia (hiện nay là 09 VĐV so với 02 VĐV của năm 2006).

Chương trình đã lựa chọn từ số học sinh giỏi, xuất sắc đang học các bộ môn ở trường và học sinh phổ thông có năng khiếu TDTT, nghệ thuật để tạo nguồn cho tỉnh.

Các lớp, đội nhóm của Nhà thiếu nhi đã đạt nhiều thứ hạng cao trong các cuộc thi và phục vụ nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật của tỉnh.

(Biểu 01-CT5 kèm theo).

Đào tạo năng khiếu là chủ trương đúng đắn và phù hợp nhằm kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những tài năng phục vụ cho tỉnh và đất nước. Với đặc thù của chương trình bao quát trên nhiều nội dung: Văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ cho nhiều nhóm đối tượng, đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều cơ quan, đơn vị nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn và có chậm so với tiến độ chung. Tuy nhiên, với những kết quả ban đầu đã đạt được thời gian qua cho thấy hiệu quả và sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành.

6. Chương trình 06: Đào tạo tin học, ngoại ngữ cho cán bộ chủ chốt và đào tạo phiên dịch

Từ năm 2006 - 2010, đã đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng đối ngoại, tiếng Anh, tin học căn bản cho 1.370 CBCC cấp tỉnh, huyện và xã. Cụ thể như sau:

- Bồi dưỡng kiến thức ngoại giao: 749 CBCC, đạt 374,5% kế hoạch đề ra.

- Đào tạo tin học căn bản cho cán bộ chủ chốt: Tỉnh đã cử 549 CBCC cấp tỉnh, huyện đi đào tạo, đạt 274,5% kế hoạch đã đề ra.

- Đào tạo tiếng Anh trong nước: Đã cử 72 CBCC đi đào tạo tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh chuẩn bị dự tuyển các chương trình sau đại học, đạt 36% kế hoạch đã đề ra.

- Đào tạo tiếng Anh ở nước ngoài: Việc cử CBCC đi đào tạo tiếng Anh ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí của chương trình chưa thực hiện, chủ yếu là lồng ghép cử đi bồi dưỡng ngoại ngữ theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương.

- Đào tạo phiên dịch chuyên trách các ngôn ngữ Anh, Pháp, Hoa, Nhật, Hàn: Việc đào tạo phiên dịch các ngôn ngữ hiện nay còn hạn chế, trong 05 năm tỉnh đã cử 05 CBCC đi đào tạo phiên dịch tiếng Anh; 01 phiên dịch tiếng Hoa; 01 phiên dịch tiếng Hàn. Thực hiện được 10% kế hoạch đề ra.

(Biểu 01-CT6 kèm theo).

III. Đánh giá chung và bài học kinh nghiệm

1. Đánh giá chung a) Thuận lợi

Đề án đã được triển khai trong thời gian tương đối dài (Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước sớm có chương trình phát triển nguồn nhân lực mang tính dự báo cao), trong quá trình thực hiện đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm, hạn chế sai sót và có sự chỉ đạo sâu sát, nhất quán và quyết liệt của các cấp lãnh đạo trong tổ chức thực hiện.

Các cấp, các ngành và CBCCVC đều đánh giá rất cao đề án, tin rằng đây là một chính sách đúng đắn, phù hợp đối với yêu cầu phát triển của tỉnh nên dù có sự tham gia của nhiều ngành nhưng về cơ bản các cơ quan đã thống nhất và có sự phối hợp tương đối tốt để cùng thực hiện các nội dung của đề án.

Phần lớn các chương trình đã nỗ lực khắc phục những khó khăn, trở ngại phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, từng bước rút kinh nghiệm và đạt những kết quả nhất định.

Qua triển khai đề án, các cấp, các ngành và từng CBCC đã tích cực, chủ động nêu cao tinh thần học tập để nâng cao trình độ.

b) Hạn chế

Do là Đề án lớn, có nhiều nội dung thực hiện phức tạp, lại liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nên việc tổ chức thực hiện còn chậm.

Việc xây dựng và kiện toàn về cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký, Ban Chủ nhiệm chưa đầy đủ. Chưa xác định, phân công rõ cơ quan làm đầu mối theo dõi, tổng hợp chung cho chương trình.

Công tác xây dựng kế hoạch, quy hoạch và định hướng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trình độ ngoại ngữ hạn chế của một bộ phận CBCC dẫn đến tình trạng hạn chế số lượng CBCC tham gia các chương trình.

Vẫn còn một số ít CBCC chưa thực sự có ý thức kỷ luật cao trong học tập; một số các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện việc chọn cử CBCC đúng đối tượng, đúng quy hoạch để tham gia các lớp học nên đã ảnh hưởng đến chất lượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Việc cấp kinh phí đôi lúc còn chậm, các nội dung một số chương trình con bị trùng lắp, chồng chéo dẫn đến triển khai chưa đạt yêu cầu.

2. Bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ trong thời gian tới

Từ những đánh giá nêu trên, để phát huy hơn nữa những thuận lợi đã có đồng thời khắc phục những tồn tại hạn chế, đảm bảo kết quả thực hiện trong giai đoạn tiếp theo 2011 - 2015, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Hoàn chỉnh chương trình tổng thể báo cáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015.

- Điều chỉnh lại các chương trình để đảm bảo hiệu quả và tránh chồng chéo, theo đó sẽ nhập Chương trình 03 và Chương trình 06 (thời gian qua thực hiện chưa đạt yêu cầu và trùng lắp về đối tượng của Chương trình 04) vào Chương trình 04, tập trung thành 04 chương trình để thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 gồm:

+ Chương trình 01: Đào tạo lao động kỹ thuật do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì.

+ Chương trình 02: Đào tạo sau đại học do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì.

+ Chương trình 03: Đào tạo năng khiếu do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

+ Chương trình 04: Đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị (bao gồm hai Chương trình 03 và 06 gộp vào nhau) do Sở Nội vụ phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì.

Đưa các chỉ tiêu đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II vào chỉ tiêu đào tạo của Chương trình 02, dù không thuộc đối tượng công nhận là thạc sỹ, tiến sỹ nhưng là đào tạo chuyên sâu sau đại học, cơ bản đáp ứng mục tiêu của chương trình. Bổ sung thêm 10 chỉ tiêu đào tạo đại học ở nước ngoài nhằm tạo nguồn cho tỉnh.

- Kiện toàn lại Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký và Ban Chủ nhiệm 04 chương trình, xây dựng các quy chế hoạt động cụ thể cho Ban Chỉ đạo và các Ban Chủ nhiệm để đảm bảo phối hợp hoạt động, đảm bảo việc bố trí và cấp phát kinh phí kịp thời cho các chương trình.

- Tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện chương trình tổng thể. Giao trách nhiệm cho một cơ quan chịu trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp, tham mưu chương trình tổng thể để theo dõi và đảm bảo việc triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả.

Phần 2

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

A. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

Chương trình 01: Đào tạo lao động kỹ thuật

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát: Tập trung đào tạo lao động tay nghề cao, các ngành nghề có kỹ thuật công nghệ cao đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển khu công nghệ cao và đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể:

Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề: Phấn đấu đến năm 2015, có 90 cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: 06 trường cao đẳng nghề (01 cơ sở ngoài công lập), 12 trường trung cấp nghề (06 cơ sở công lập), trung tâm dạy nghề và cơ sở khác có dạy nghề là 72 đơn vị (ngoài công lập 55). Đến cuối năm 2015 trên địa bàn tỉnh có 01 trường cao đẳng nghề đạt chuẩn Quốc tế và đạt chuẩn khu vực, 02 trường đạt chuẩn Quốc gia của một số nghề trọng điểm trên địa bàn tỉnh được Bộ Lao động - TBXH, UBND tỉnh đầu tư.

Tuyển mới trong 05 năm (2011 - 2015), trên địa bàn tỉnh có 311.000 người được tuyển mới, trong đó trung cấp nghề, cao đẳng nghề là 45.660 người, đào tạo nghề ngắn hạn (sơ cấp nghề) là 265.340 người, bình quân tăng hàng năm khoảng 5% số học sinh tuyển mới.

Kết quả tốt nghiệp trong 05 năm (2011 - 2015), trên địa bàn tỉnh có 296.430 người tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề gồm: Trung cấp và cao đẳng nghề là 41.094 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên là 255.336 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 là 65% (trong đó đào tạo nghề là 50%).

Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề: Phấn đấu đến năm 2015, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh là 3.000 người, trong đó cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 85%, sau đại học chiếm 15% trong tổng số cán bộ, giáo viên.

Triển khai thực hiện hiệu quả và hoàn thành các mục tiêu chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 19/10/2010 của Tỉnh ủy, Quyết định số 2577/QĐ-UBND ngày 29/9/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Đẩy mạnh chính sách xã hội hóa công tác đào tạo nghề, phấn đấu huy động ít nhất 35% tổng mức đầu tư cho công tác dạy nghề từ nguồn xã hội hóa so với nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư.

2. Giải pháp

Phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục & Đào tạo trong nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo kỹ thuật trung cấp nghề chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp và đại học trên tổng số dân trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân lao động, hộ nghèo về các chính sách, dự án, chương trình của Nhà nước liên quan đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm để người dân nắm được thông tin đầy đủ, chính xác về các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Thực hiện tốt công tác quản lý đối tượng, đặc biệt là cấp xã trong việc quản lý hộ thuộc đối tượng chính sách (hộ nghèo, gia đình liệt sỹ, người có công...); Phổ biến, tuyên truyền người dân lao động nông thôn đăng ký học nghề thuộc đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Huy động các doanh nghiệp thành lập cơ sở dạy nghề nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo lao động có tay nghề phù hợp với công nghệ sản xuất, đồng thời gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp khóa học, khắc phục tình trạng thiết bị dạy nghề thực hành tại đơn vị dạy nghề được đầu tư không theo kịp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất của doanh nghiệp.

Phối hợp với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xây dựng chính sách giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, thông qua chương trình giáo viên dạy nghề và học sinh thực tập sản xuất tại doanh nghiệp, giúp cho giáo viên tiếp cận thiết bị công nghệ mới để thường xuyên đổi mới về nội dung và phương pháp, cập nhật kiến thức và kỹ năng, cải tiến chương trình đào tạo, xây dựng chương trình dạy nghề theo mô đun, đánh giá chất lượng đào tạo nghề.

Tranh thủ nguồn vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nguồn vốn tài trợ và huy động nguồn xã hội hóa để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề.

Rà soát lại quy hoạch ngành nghề và mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, đầu tư theo nghề trọng điểm của từng trường, trung tâm, trên cơ sở đó đầu tư trang thiết bị dạy nghề phù hợp với chương trình nhằm đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật đạt chuẩn Quốc gia, khu vực và Quốc tế, nâng cấp trường cao đẳng Nghề thành trường đại học Nghề và một số trường trung cấp Nghề, trung tâm dạy nghề đủ điều kiện theo đề án “Đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020” của Chính phủ phê duyệt.

Có kế hoạch phối hợp phân luồng học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp vào các trường nghề, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho học sinh cũng như đảm bảo chất lượng đào tạo theo nhu cầu thị trường sử dụng lao động.

Tiếp tục rà soát, đề xuất các chính sách hỗ trợ về kinh phí phù hợp với các đối tượng đặc thù như: Bộ đội xuất ngũ, học sinh dân tộc thiểu số, đối tượng lao động nông thôn và hộ nghèo, người khuyết tật học nghề, lao động thuộc diện thu hồi đất - tái định cư, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, đối tượng đặc xá, thanh niên vi phạm pháp luật sau cải tạo trở về địa phương.

Tăng cường thực hiện giám sát, đánh giá trên cơ sở thiết lập hệ thống tiêu chí theo dõi, đánh giá phù hợp ở các cấp.

Chương trình 02: Đào tạo sau đại học

1. Mục tiêu: Trong giai đoạn 2011 - 2015, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi đầu ngành ở lĩnh vực mũi nhọn mà nhu cầu tỉnh còn thiếu như: Công nghệ sinh học, tin học, viễn thông, y tế, vật liệu mới...

* Danh mục các ngành cần tập trung đào tạo (đang thiếu):

- Ngành y học, tư pháp.

- Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ đời sống nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao chất lượng cuộc sống nông thôn, công nghệ sinh học.

- Khoa học về yêu cầu ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới.

- Khoa học về công nghệ thông tin, truyền thông.

- Khoa học về chế biến nông sản thực phẩm.

- Khoa học ứng dụng về môi trường.

- Khoa học giáo dục.

* Chỉ tiêu cụ thể:

- Đào tạo trong nước: 208 thạc sỹ, 23 tiến sỹ ở các ngành nghề.

- Đào tạo nước ngoài: 20 thạc sỹ, 05 tiến sỹ.

- Đào tạo 182 bác sỹ chuyên khoa I và 72 bác sỹ chuyên khoa II.

- Tuyển chọn 10 học sinh xuất sắc cử đi học đại học tại các trường chất lượng cao ở nước ngoài để tạo nguồn.

2. Giải pháp

Phối hợp các ngành xây dựng cụ thể chỉ tiêu của từng ngành, lĩnh vực để quy hoạch đào tạo.

Cân đối giữa chỉ tiêu đào tạo trong nước và ngoài nước, giữa các ngành nghề để xây dựng kế hoạch cụ thể, đặc biệt là chủ động để đào tạo theo nhu cầu thực tế của tỉnh.

Chủ động sàng lọc, tìm kiếm các đối tác để đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo.

Xây dựng kế hoạch, chương trình định hướng để có biện pháp cụ thể thực hiện, tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng (chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo và hiệu quả công tác sau đào tạo), tránh việc chạy theo chỉ tiêu số lượng.

Đề xuất cơ chế đánh giá hiệu quả sau đào tạo và cơ chế thu hồi vốn để tái cho vay các đối tượng tiếp theo.

Tăng cường việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương khuyến học, khuyến tài của tỉnh để các đối tượng đủ điều kiện có thể tiếp cận và tham gia chương trình.

Định hướng phân bổ, sử dụng hiệu quả nhân lực sau đào tạo, trong đó có sự kết hợp giữa chính sách đào tạo với thu hút, sử dụng và các chính sách đãi ngộ khác của tỉnh.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giới thiệu ứng cử viên tham gia chương trình.

Bên cạnh việc cử đi học từ nguồn kinh phí của chương trình, chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ, hỗ trợ từ trong và ngoài nước để đầu tư cho công tác đào tạo chuyên sâu cho CBCC của tỉnh.

Chương trình 03: Đào tạo năng khiếu

1. Mục tiêu: Phát hiện kịp thời và đào tạo, xây dựng đội ngũ học sinh, sinh viên có năng khiếu, có tài năng trên các lĩnh vực để phục vụ cho xã hội.

* Các nội dung đào tạo:

- Đào tạo học sinh năng khiếu về khoa học kỹ thuật, công nghệ, ngoại ngữ.

- Đào tạo học sinh năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật.

- Đào tạo học sinh năng khiếu về thể dục thể thao.

- Bồi dưỡng các học sinh có năng lực đặc biệt khác.

* Mục tiêu cụ thể:

- Chương trình Đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu thiết kế robot: Triển khai trên diện rộng các lớp này tại 11/11 huyện, thị, thành phố, mỗi lớp 15 - 20 học sinh.

- Đào tạo năng khiếu TDTT: Nhiệm vụ đào tạo năng khiếu thể dục thể thao ở 04 bộ môn: Năng khiếu Bóng đá, Bơi lội, Cầu lông và Cầu mây, ít nhất đảm bảo hàng năm có các lớp:

- Năng khiếu Bóng đá: 25 vận động viên/năm.

- Năng khiếu Bơi lội: 20 vận động viên/năm.

- Năng khiếu Cầu lông: 12 vận động viên/năm.

- Năng khiếu Cầu mây: 10 vận động viên/năm. Tổng cộng 04 môn: 67 vận động viên/năm.

- Đào tạo năng khiếu văn hóa, nghệ thuật: Số lượng 30 em cho mỗi năm học ở các bộ môn: Âm nhạc truyền thống, âm nhạc phương Tây, thanh nhạc, múa.

- Đào tạo năng khiếu cho học sinh có năng lực đặc biệt: Tổ chức sàng lọc, tuyển chọn các em có năng khiếu đặc biệt về TDTT, văn hóa, văn nghệ để đào tạo, bồi dưỡng: Các lớp tin học nhi đồng và tin học lập trình Pascal, lớp năng khiếu thể dục nhịp điệu, bóng rổ, lớp sáng tác văn học, văn nghệ - rối, nhạc kèn...

- Đào tạo các lớp tin học trẻ và các năng khiếu ngoại ngữ: Triển khai trên toàn tỉnh các lớp năng khiếu tin học, ngoại ngữ; đưa các lớp tiếng Pháp chương trình song ngữ vào đào tạo, mỗi lớp từ 15 - 20 em, học ngoại khóa hàng năm.

2. Giải pháp

Xây dựng chương trình, kế hoạch và phân công cụ thể nhiệm vụ để tổ chức thực hiện.

Xây dựng tiêu chí và cơ chế phát hiện và bồi dưỡng tài năng trên các lĩnh vực.

Thực hiện việc tuyển chọn, sàng lọc các đối tượng để tổ chức các lớp năng khiếu phù hợp.

Hỗ trợ lồng ghép các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các ngành để khuyến khích việc phát triển tài năng.

Đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động của các lớp năng khiếu: Thành lập đội nhóm, câu lạc bộ, các cuộc thi… Để có thể tạo điều kiện cho các em phát huy năng khiếu của mình.

Nghiên cứu phối hợp với các trường chất lượng cao trong và ngoài nước để cử giáo viên, học sinh có năng khiếu đi đào tạo chuyên sâu.

Xây dựng các chính sách kêu gọi, khuyến khích các trường đầu tư cho việc giảng dạy năng khiếu cho trẻ song song với việc nâng cao chất lượng dạy văn hóa.

Đề xuất cải tiến chương trình, nội dung đào tạo theo hướng gắn việc học văn hóa với việc tham gia các lớp năng khiếu nhằm tạo điều kiện cho các em phát huy tài năng của mình.

Tăng cường tổ chức các hoạt động khoa học, văn hóa, nghệ thuật, thể thao nhằm tạo môi trường khuyến khích các em rèn luyện và là cơ sở phát hiện các tài năng để bồi dưỡng.

Tổ chức rà soát lại các chế độ, chính sách đang áp dụng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, huấn luyện viên và học viên để có sự điều chỉnh kịp thời phù hợp.

Chương trình 04: Đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị (bao gồm ba chương trình 03, 04 và 06 của giai đoạn 2005 - 2010)

1. Mục tiêu: Mục tiêu chung là tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao để bổ sung cho hệ thống chính trị đảm bảo đạt và vượt các mục tiêu của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong giai đoạn 2011 - 2015.

1.1. Định hướng đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới:

- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ tuyến cơ sở (xã, phường, thị trấn).

- Tập trung đào tạo sau đại học đối với đội ngũ CBCC làm công tác lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các ngành. Tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo trên chuẩn cho đội ngũ y, bác sỹ và giáo viên, giảng viên. Chú trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho CBCC ngành tư pháp.

- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho CBCC.

- Tập trung công tác bồi dưỡng thường xuyên về kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức QLNN cho CBCC trong thực thi công vụ và đào tạo tin học, ngoại ngữ, đối ngoại, phiên dịch.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng thường xuyên cho CBCC.

1.2. Chỉ tiêu cụ thể, đến cuối năm 2015 đạt được:

a) Đối với CBCC cấp xã, phường, thị trấn

- Về chuyên môn: 100% có trình độ đạt chuẩn theo quy định của tỉnh, trong đó 50 - 60% có trình độ CĐ, ĐH trở lên.

- Về chính trị: 60 - 70% có trình độ trung cấp, 20 - 30% có trình độ cao cấp, cử nhân.

- 100% CBCC cấp xã được bồi dưỡng về nghiệp vụ của vị trí công tác.

b) Đối với CBCC khối cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện

- Về chỉ tiêu trình độ chuyên môn: 100% đạt chuẩn chuyên môn theo vị trí việc làm.

- Kiến thức quản lý Nhà nước: 100% được bồi dưỡng QLNN phù hợp với ngạch theo quy định.

- Về trình độ lý luận chính trị: 60 - 80% có trình độ cao cấp, cử nhân, 100% cán bộ trong diện quy hoạch lãnh đạo có trình độ cao cấp.

- Về ngoại ngữ, tin học: 100% CBCC đạt tiêu chuẩn của ngạch theo quy định.

- Tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên hàng năm cho khoảng 5.000 lượt đối tượng (chú trọng đối tượng người dân tộc, ngành tư pháp, nông nghiệp...).

c) Đối với CCVC khối sự nghiệp

- 100% đạt chuẩn về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu vị trí việc làm của ngành.

- 100% viên chức quy hoạch lãnh đạo các đơn vị có trình độ cao cấp LLCT.

- Tỷ lệ CCVC có trình độ sau đại học là 2 - 3% (tương đương khoảng 800 - 1.200 người).

- 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Năm 2015, toàn ngành giáo dục có 500 thạc sỹ, 10 tiến sỹ.

- Năm 2015, toàn ngành y tế có 500 thạc sỹ hoặc chuyên khoa I, 40 tiến sỹ hoặc chuyên khoa II.

d) Chỉ tiêu nữ tham gia trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ít nhất 30%.

e) Chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đối ngoại, ngoại ngữ, tin học

- Bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho cán bộ chủ chốt của tỉnh: 200 CBCC/năm.

- Bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ chủ chốt: 335 CBCC.

- Đào tạo, bồi dưỡng phiên dịch bán chuyên trách: 58 CBCC (BD kiến thức ngoại giao: 20, Anh văn: 20, ngoại ngữ khác: 18).

- Đào tạo, bồi dưỡng phiên dịch chuyên trách: 100 CBCC (BD kiến thức ngoại giao: 20, Anh văn: 40, ngoại ngữ khác: 40).

- Bồi dưỡng cập nhật kiến thức tin học: 150 CBCC/năm.

Các chỉ tiêu cụ thể của các chương trình đính kèm các biểu mẫu 01-CT1, 01- CT2, 01-CT3, 01-CT4, 01-CT5 và 01-CT6.

2. Giải pháp

Tổ chức rà soát, đánh giá lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị, qua đó xác định nhu cầu, ngành nghề và định hướng đào tạo phù hợp từng năm, từng giai đoạn, trong đó chú ý đến tiêu chí cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ diện quy hoạch theo định hướng của Tỉnh ủy.

Tập trung rà soát, đánh giá việc triển khai các giải pháp của giai đoạn 2006 - 2010 để rút ra những bài học kinh nghiệm và tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.

Triển khai làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình đào tạo cụ thể gắn với yêu cầu thực tiễn của quản lý trong từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương, trong đó chú ý về tiêu chí tỷ lệ nữ.

Tập trung các giải pháp để nâng cao một bước chất lượng đào tạo: Cả về nội dung, phương pháp đào tạo và chất lượng đầu vào, đầu ra.

Xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả sử dụng sau đào tạo để có sự điều chỉnh phù hợp kế hoạch, quy hoạch đào tạo.

Chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để cử CBCC đi đào tạo.

Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ CBCC tự học tập nâng cao trình độ, đồng thời xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực từ bên ngoài, các nguồn tài trợ để tăng cường đào tạo CBCC.

Tăng cường công tác tuyên truyền và phối hợp để cả hệ thống chính trị và CBCC nhận thức và quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ đào tạo.

Rà soát lại quy định về tiêu chuẩn các chức danh, các đối tượng để điều chỉnh, bổ sung phù hợp nhằm đảm bảo cho việc đào tạo có hiệu quả.

Tổ chức tốt việc kết hợp giữa các chính sách thu hút, đãi ngộ, tuyển dụng với đào tạo, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo (đào tạo gắn với quy hoạch).

B. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Cơ cấu kinh phí

Nguồn từ ngân sách: Trong giai đoạn tiếp theo 2011 - 2015, hàng năm tiếp tục dành 2% ngân sách chi thường xuyên của tỉnh để thực hiện chương trình.

Nguồn xã hội hóa: Thông qua các nguồn quỹ đã được phép thực hiện. Các nguồn khác:

- Nguồn kinh phí tự đào tạo của cá nhân theo từng chương trình cụ thể.

- Các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi Chính phủ và chương trình liên kết, hợp tác đào tạo trong và ngoài nước.

2. Chính sách tài chính

- Triển khai các chính sách tài chính theo quy định của Trung ương và của tỉnh phù hợp với đối tượng, nội dung và mục tiêu đào tạo trong từng giai đoạn.

- Định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ và trang thiết bị phục vụ đào tạo.

- Chính sách đãi ngộ, thu hút đối với nhân tài vào các ngành nghề cần thiết và khu vực nông thôn.

- Chính sách về xã hội hóa.

- Chính sách động viên, khen thưởng, tôn vinh tài năng.

3. Dự toán kế hoạch kinh phí

Hàng năm, UBND tỉnh lập kế hoạch tài chính gắn với mục tiêu, chỉ tiêu đào tạo, tổng hợp trong kế hoạch tài chính hàng năm trình HĐND tỉnh. Dự toán cơ cấu kinh phí hàng năm:

Đơn vị tính: Tỷ đồng

STT

Chương trình đào tạo

Nguồn NS

Nguồn XHH

Nguồn khác

01

Chương trình đào tạo lao động kỹ thuật

5

1

1

02

Chương trình đào tạo sau đại học

12

4

4

03

Đào tạo năng khiếu

3

0,5

0,5

04

Chương trình đào tạo bổ sung nguồn nhân lực hệ thống chính trị, đào tạo cán bộ nữ, đào tạo đối ngoại, ngoại ngữ, tin học

8

1,5

3,5

Định hướng kế hoạch ngân sách mỗi năm 2% tổng chi thường xuyên:

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Số TT

Nội dung

2011

2012

2013

2014

2015

01

Chương trình 01

5

5

5,5

6

7

02

Chương trình 02

12

14

13

15

14

03

Chương trình 03

3

3

3

3,5

4

04

Chương trình 04

8

8,5

9

9,5

10

 

Cộng

28

30,5

30,5

34

35

Ban Chủ nhiệm các chương trình nhánh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch dự toán chi tiết kinh phí từng nội dung thực hiện cụ thể để trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện theo quy định.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để đảm bảo sự thống nhất trong điều hành và tổ chức thực hiện chương trình tổng thể một cách hiệu quả, đề nghị các cơ quan có liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung:

1. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện chương trình này.

2. Sở Nội vụ là đầu mối tổng hợp, tham mưu, trình UBND tỉnh tất cả các nội dung đề xuất của các Ban Chủ nhiệm từng chương trình nhánh (bao gồm các kế hoạch, quy chế, đề xuất, kiến nghị..., thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh quyết định) nhằm đảm bảo việc thống nhất tổng hợp, quản lý và đánh giá toàn bộ chương trình chung.

3. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiện toàn lại Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký và Ban Chủ nhiệm các chương trình mới để tổ chức thực hiện. Xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo đề án.

4. Giám đốc Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh về kinh phí cho các cơ quan, đơn vị thực hiện chương trình.

5. Ban Chủ nhiệm các chương trình chịu trách nhiệm cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung trong chương trình chung thành kế hoạch cụ thể của từng chương trình riêng trong đó xác định rõ thời gian, mục tiêu, nhiệm vụ, kinh phí thực hiện cụ thể từng năm, từng giai đoạn để trình UBND tỉnh phê duyệt tổ chức thực hiện.

6. Ban Chủ nhiệm các chương trình xây dựng lại quy chế hoạt động để tổ chức triển khai chương trình do đơn vị chủ trì.

Trên đây là chương trình thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015. Căn cứ các nội dung chương trình đã đề ra, các cơ quan có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm triển khai thực hiện theo yêu cầu đặt ra.

Giao Giám đốc Sở Nội vụ chịu trách nhiệm tổng hợp, theo dõi triển khai thực hiện chương trình này, định kỳ báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.