Quyết định 2352/QĐ-UBND năm 2009 về phê duyệt Đề án "Giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2008-2015"
Số hiệu: 2352/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị Người ký: Nguyễn Đức Cường
Ngày ban hành: 16/11/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2352/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 16 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2008 - 2015”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đất đai năm 2003; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về Thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn;

Căn cứ Quyết định số 2740/QĐ-BNN-KL ngày 20 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2007- 2010; Công văn số 2963/BNN-KL ngày 26 tháng 10 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Triển khai Đề án giao rừng, cho thuê rừng và đề án nương rẫy;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 869/TTr-SNN ngày 20 tháng 8 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2008- 2015” với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án: Giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2008- 2015.

2. Đơn vị xây dựng đề án: Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị.

3. Mục tiêu:

- Xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng nhằm sử dụng có hiệu quả diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị;

- Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có;

- Đảm bảo trên 80% diện tích rừng của tỉnh (Bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng, tương đương 175.000 ha) có chủ rừng;

- Thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế cho công tác bảo vệ và phát triển rừng;

- Giao rừng, cho thuê rừng ổn định, lâu dài để các chủ rừng an tâm quản lý, bảo vệ và đầu tư phát triển rừng; chủ động sản xuất kinh doanh;

- Khuyến khích nhân dân tham gia nhận rừng để bảo vệ và hưởng lợi trên diện tích được giao, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của nhân dân sống ở trong rừng và ven rừng;

- Đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của người trực tiếp bảo vệ rừng, gắn lợi ích kinh tế của rừng với lợi ích phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và quốc phòng- an ninh, giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.

4. Địa điểm thực hiện đề án: Trên địa bàn toàn tỉnh.

5. Nội dung chủ yếu của đề án

- Nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng:

Việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; không giao, cho thuê những diện tích rừng đang có tranh chấp.

- Đối tượng áp dụng:

Các cơ quan quản lý của nhà nước, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trong nước có liên quan đến việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng.

Đối tượng rừng được giao, cho thuê bao gồm toàn bộ diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng trồng bằng kinh phí nhà nước, nhưng chưa được giao hoặc cho thuê.

Diện tích rừng trước đây được giao theo quy hoạch, luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư nhưng chưa có đầy đủ thủ tục giao rừng, cho thuê rừng theo quy định.

Diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng không nằm trong ranh giới của các Ban Quản lý.

Diện tích rừng do UBND cấp xã đang quản lý.

Đối tượng được nhận rừng, thuê rừng (Gọi là chủ rừng):

Đối tượng được nhận rừng bao gồm: Hộ gia đình, cá nhân thường trú tại địa phương, cộng đồng dân cư, đơn vị vũ trang đóng quân ở gần rừng và trong rừng, các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các doanh nghiệp và các tổ chức khác ở trong và ngoài tỉnh.

Đối tượng được thuê rừng: Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được thuê rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

- Căn cứ giao rừng, cho thuê rừng:

Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2006- 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt; phương án giao rừng, cho thuê rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; diện tích rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của địa phương; nhu cầu, khả năng của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thể hiện trong dự án đầu tư hoặc đơn xin giao rừng, thuê rừng.

- Trình tự, thủ tục giao rừng, thuê rừng và thu hồi rừng:

Thực hiện theo Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

- Hạn mức giao rừng và cho thuê rừng:

Đối với hộ gia đình, cá nhân tối đa không quá 30 ha rừng/hộ/cá nhân; đối với cộng đồng dân cư căn cứ vào quỹ rừng của địa phương và nhu cầu của cộng đồng để quy định hạn mức; đối với các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty lâm nghiệp, căn cứ vào quy hoạch, dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh để quy định hạn mức giao, cho thuê; đối với các chủ rừng khác căn cứ vào nhu cầu thực tế, năng lực của chủ rừng và dự án đầu tư được phê duyệt để quy định hạn mức giao, cho thuê rừng.

- Thời hạn sử dụng rừng được nhà nước giao, cho thuê:

Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được giao để quản lý, bảo vệ và sử dụng ổn định lâu dài; được thuê để kết hợp kinh doanh cảnh quan nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái- môi trường với thời gian 50 năm.

Rừng sản xuất được giao, cho thuê để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp kinh doanh cảnh quan nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái- môi trường với thời gian 50 năm.

Khi hết thời gian sử dụng rừng, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được xem xét gia hạn sử dụng rừng.

- Thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng và thu hồi rừng:

UBND tỉnh quyết định giao, cho thuê rừng đối với các tổ chức;

UBND huyện, thị xã, quyết định giao, cho thuê rừng đối với cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân;

UBND có thẩm quyền giao, cho thuê rừng đối với chủ rừng nào thì có quyền quyết định thu hồi rừng đối với chủ rừng đó.

- Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ rừng:

Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ rừng chỉ thực hiện trong thời gian được giao rừng, thuê rừng theo quy định tại Điều 59 đến Điều 78 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

- Chính sách hưởng lợi:

Đối với rừng tự nhiên

Các loại lâm sản ngoài gỗ được phép khai thác, hưởng lợi 100%.

Khi rừng được phép khai thác gỗ chủ rừng được hưởng như sau:

Rừng nghèo kiệt khi giao có trữ lượng gỗ dưới 40m3/ha, được khai thác 95% lượng tăng trưởng của rừng, phần tăng trưởng còn lại được bổ sung vào trữ lượng của rừng cho nhà nước.

Rừng phục hồi khi giao có trữ lượng gỗ 41- 70m3/ha, được khai thác 90% lượng tăng trưởng của rừng, phần tăng trưởng còn lại được bổ sung vào trữ lượng của rừng cho nhà nước.

Rừng nghèo có trữ lượng gỗ khi giao 71- 90m3/ha, được khai thác 85% lượng tăng trưởng của rừng, phần tăng trưởng còn lại được bổ sung vào trữ lượng của rừng cho nhà nước.

Rừng trung bình có trữ lượng gỗ khi giao 91- 110m3/ha, được khai thác 75% lượng tăng trưởng của rừng, phần tăng trưởng còn lại được bổ sung vào trữ lượng của rừng cho nhà nước.

Rừng giàu có trữ lượng gỗ khi giao trên 110m3/ha, được khai thác 50% lượng tăng trưởng của rừng, phần tăng trưởng còn lại được bổ sung vào trữ lượng của rừng cho nhà nước.

Đối với rừng trồng

Rừng phòng hộ: được hưởng 100% sản phẩm khai thác từ cây phụ trợ trồng xen; khi được phép khai thác theo quy chế quản lý rừng phòng hộ sau khi nộp thuế chủ rừng được hưởng 90- 95% sản phẩm (Tùy thuộc số năm nhận quản lý bảo vệ rừng để xác định tỷ lệ %: Cứ 01 năm nhận quản lý bảo vệ được hưởng 3 -3,5%) , phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.

Rừng sản xuất: chủ rừng được hưởng 75-85% giá trị lâm sản khai thác sau khi nộp thuế (Tùy theo cấp tuổi rừng trồng khi giao để xác định tỷ lệ % được hưởng: Rừng trồng nguyên liệu cứ 01 năm nhận quản lý bảo vệ được hưởng 15%, rừng trồng gỗ lớn cứ 01 năm nhận quản lý bảo vệ được hưởng 3%); phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.

- Cơ chế ứng trước sản phẩm gỗ đối với hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư:

Nếu sau 5 năm mà chủ rừng quản lý bảo vệ tốt khu rừng được giao thì được ứng trước một lần sản phẩm gỗ bằng phương thức chặt chọn ở những khu rừng có trữ lượng trên 70 m3/ha. Lượng sản phẩm gỗ ứng trước không vượt quá 30% lượng tăng trưởng của khu rừng trong 5 năm và được trừ dần vào sản phẩm gỗ được hưởng lợi khi khu rừng được phép khai thác chính.

6. Giải pháp thực hiện

- Rà soát điều chỉnh lại quy hoạch các loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; sau khi giao rừng phải xác định ranh giới, diện tích các loại rừng trên bản đồ và đóng cọc mốc trên thực địa để theo dõi, quản lý;

- Xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng:

Năm 2008- 2010 tập trung giao xong diện tích rừng trồng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân và giao một số diện tích rừng tự nhiên ở nơi thuận lợi cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân; giao xong diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên cho các công ty lâm nghiệp; dự kiến 32.490 ha.

Năm 2011- 2015 tập trung giao hết diện tích rừng tự nhiên mà cộng đồng dân cư, hộ và nhóm hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và tiến hành giao diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng; dự kiến 108.880 ha.

Tổng diện tích dự kiến giao là 141.370 ha (Trong đó giao cho các Ban Quản lý rừng đặc dụng: 58.304,7 ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ: 37.921 ha; các Công ty lâm nghiệp: 19.596,3 ha; cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân: 25.548,5ha)

- Đào tạo, tập huấn và tuyên truyền về giao rừng, cho thuê rừng:

Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật để tổ chức giám sát và thực hiện phương án giao rừng, cho thuê rừng.

Tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ về điều tra tài nguyên rừng và các nội dung liên quan khác phục vụ cho công tác giao rừng, thuê rừng cho lực lượng Kiểm lâm, cán bộ chuyên ngành, chủ rừng và các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về chính sách giao rừng, cho thuê rừng; quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Ứng dụng khoa học công nghệ giao rừng, cho thuê rừng:

Xây dựng cơ sở dữ liệu về giao rừng, cho thuê rừng để theo dõi, cập nhật và quản lý các chủ rừng.

Nghiên cứu sử dụng ảnh vệ tinh độ phân giải cao để làm cơ sở đánh giá chất lượng rừng.

Hợp tác trao đổi kinh nghiệm, tham quan học tập, nghiên cứu các mô hình giao rừng, cho thuê rừng, quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

- Tổ chức thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng:

Thành lập các Ban Chỉ đạo và tổ công tác thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng:

Ở cấp tỉnh

Không thành lập Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện công tác giao, cho thuê rừng, kiểm tra chỉ đạo và xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện ở các địa phương.

Ở cấp huyện

Thành lập Ban Chỉ đạo giao rừng, cho thuê rừng do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; Hạt trưởng Kiểm lâm làm Phó ban Thường trực.

Các thành viên:

- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường;

- Trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch;

- Đại diện các Hội: Nông dân, Phụ nữ, Cựu Chiến binh…

Thành lập tổ công tác giao rừng cấp huyện có các thành viên là cán bộ chuyên môn về lâm nghiệp và địa chính, do cán bộ Kiểm lâm làm tổ trưởng; Tổ công tác chịu sự quản lý chỉ đạo của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm.

Những địa phương đã có Ban Chỉ đạo giao đất cấp huyện thì bổ sung thêm thành phần liên quan đến giao rừng, cho thuê rừng và gọi là Ban Chỉ đạo giao đất giao rừng cấp huyện.

Ở cấp xã

UBND cấp xã thành lập Hội đồng giao rừng của xã. Hội đồng giao rừng cấp xã do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên: Đại diện của MTTQ Việt Nam, đại diện Hội Nông dân và các đoàn thể liên quan, đại diện các thôn xã; Trường hợp xã đã thành lập Hội đồng giao đất thì bổ sung nhiệm vụ cho Hội đồng giao đất thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng của xã.

Thành lập tổ công tác giao rừng để thực hiện các công việc về chuyên môn; tổ công tác do một cán bộ UBND xã làm tổ trưởng, các thành viên của tổ có cán bộ chuyên môn về Nông- Lâm nghiệp, Địa chính, Kiểm lâm địa bàn, Trưởng thôn và đại diện cho các tổ chức có sử dụng rừng trên địa bàn xã.

- Kinh phí thực hiện:

Nguồn kinh phí thực hiện giao rừng, cho thuê rừng bao gồm: Ngân sách nhà nước cấp, ngân sách địa phương (Nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế được bổ sung hàng năm; nguồn kinh phí bán lâm sản xử lý tịch thu và nguồn thu từ khai thác rừng trồng của các dự án); nguồn kinh phí của các chủ rừng tự đầu tư (Các công ty lâm nghiệp, các tổ chức khác, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân) được giao rừng trồng bằng vốn của nhà nước phải tự đóng góp kinh phí để thực việc giao rừng, thuê rừng cho mình; nguồn kinh phí tài trợ của các chương trình, dự án .

7. Tổng kinh phí và nguồn vốn đầu tư: 21.950, 562 triệu đồng (Hai mươi mốt tỷ, chín trăm năm mươi triệu năm trăm sáu mươi hai nghìn đồng)

a) Kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương cấp: 14.964,811 triệu đồng:

- Kinh phí giao rừng cho các Ban Quản lý (PH, ĐD): 13.764,811 triệu đồng;

- Kinh phí hỗ trợ giao rừng, cho thuê rừng tự nhiên cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân: 1.200 triệu đồng.

b) Kinh phí từ ngân sách địa phương: 2.810,900 triệu đồng

- Kinh phí sự nghiệp kinh tế hàng năm để thực hiện công tác giao rừng tự nhiên cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân: 1.310,900 triệu đồng;

- Kinh phí bổ sung từ nguồn bán lâm sản tịch thu và khai thác từ rừng trồng để thực hiện công tác giao rừng tự nhiên cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân: 1.500 triệu đồng.

c) Kinh phí chủ rừng tự đóng góp: 2.674,851 triệu đồng.

- Kinh phí giao rừng, cho thuê rừng của các Công ty lâm nghiệp (Bến Hải, Triệu Hải, Đường 9): 1.554,051 triệu đồng;

- Kinh phí giao rừng, cho thuê rừng là rừng trồng của cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân: 1.120,8 triệu đồng.

d) Kinh phí tài trợ của các dự án để giao rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình: 1.500 triệu đồng.

8. Nhu cầu vốn theo tiến độ

Giai đoạn 2008- 2010 nhu cầu vốn là : 3.883,221 triệu đồng. Giai đoạn 2011- 2015 nhu cầu vốn là: 18.067,341 triệu đồng.

9. Thời gian thực hiện đề án: Từ năm 2008 - 2015 (Năm 2008 đã giao rừng thí điểm do các chương trình tài trợ).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh, Thủ trưởng các Ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện có rừng trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Cường