Công văn số 2963/BNN- KL về việc triển khai đề án giao rừng, cho thuê rừng và đề án nương rẫy
Số hiệu: 2963/BNN-KL Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Hứa Đức Nhị
Ngày ban hành: 26/10/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
*******

Số: 2963/BNN-KL
Về việc triển khai đề án giao rừng, cho thuê rừng và đề án nương rẫy.

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2007

 

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương

 

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng; phát huy sức mạnh của toàn xã hội để bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, kết hợp giữa bảo vệ rừng với phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành đề án “Giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2007- 2010” tại Quyết định số 2740/QĐ-BNN-KL ngày 20/09/2007 và Đề án “Hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy giai đoạn 2008- 2012” tại Quyết định số 2945/QĐ-BNN-KL ngày 05/10/2007.

Nhằm triển khai thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng và quản lý canh tác nương rẫy đạt hiệu quả thiết thực, để phát huy thế mạnh của rừng, tiềm năng lao động ở địa phương và huy động mọi thành phần kinh tế tham gia nhằm bảo vệ và phát triển được vốn rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp; đồng thời cải thiện đời sống cho người dân ở địa phương, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ở miền núi, vùng sâu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo đạo Uỷ ban nhân dân các cấp và các Sở, Ban ngành ở địa phương tổ chức triển khai thực hiện ngay hai Đề án nói trên. Trước mắt, cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

1. Đối với công tác giao rừng, cho thuê rừng

- Rà soát, thống kê, phân loại và xác định các diện tích rừng đã giao, cho thuê và đối tượng đã được nhận rừng, thuê rừng qua các thời kỳ; diện tích và loại rừng chưa giao để lập phương án đẩy mạnh việc giao rừng, cho thuê rừng cấp tỉnh và chỉ đạo, phê duyệt phương án giao rừng, cho thuê rừng các cấp theo thẩm quyền làm cơ sở tổ chức thực hiện;

- Giao rừng phải đồng thời gắn với giao đất lâm nghiệp và theo đúng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt; trong triển khai thực hiện phải đảm bảo công khai, công bằng và bàn bạc dân chủ, tôn trọng nguyện vọng chính đáng của người dân, đặc biệt là phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc ít người tại địa phương;

- Xác định cụ thể các khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên nhận rừng, thuê rừng. Ưu tiên giao rừng, cho thuê rừng cho đồng bào dân tộc tại chỗ; cộng đồng thôn bản theo tập quán đang quản lý rừng trên thực tế, các hộ gia đình, cá nhân đã nhận khóan bảo vệ rừng để cải thiện đời sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo;

- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động giao rừng, cho thuê rừng. Nghiêm cấm việc lợi dụng giao rừng, thuê rừng để chiếm đoạt vốn rừng và khai thác trái phép tài nguyên rừng, chuyển đổi, chuyển nhượng bất hợp pháp. Xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm;

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho người dân về chủ trương giao rừng, cho thuê rừng và các chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng;

- Chỉ đạo các cấp, các ngành ở địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau khi đã giao rừng, cho thuê rừng; đồng thời có chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho các chủ rừng sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên rừng theo đúng quy định của pháp luật; thu hồi rừng và đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích, không đúng quy định của pháp luật để giao cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư khác có nhu cầu sử dụng đảm bảo hiệu quả hơn;

- Thành lập Ban chỉ đạo giao rừng, cho thuê rừng ở các cấp để thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; đảm bảo đủ nhân lực, vật lực và kinh phí để thực hiện việc giao rừng cho các chủ rừng và hộ gia đình, cá nhân đạt hiệu quả theo đúng yêu cầu đặt ra.

2. Về hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy

- Rà soát, thống kê, phân loại và xác định cụ thể diện tích đất canh tác nương rẫy, phân loại xác định từng loại đất nương rẫy phù hợp có thể chuyển sang trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, trồng cây công nghiệp, cây lương thực, cây ăn quả, trồng cỏ chăn nuôi, nương rẫy cố định và nương rẫy tiếp tục để đồng bào canh tác nương rẫy theo tập tục truyền thống; các đối tượng đang sử dụng theo phong tục, tập quán để làm cơ sở cho việc xây dựng dự án hỗ trợ canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy.

- Kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất trên nương rẫy hiện có, qui định cụ thể việc đốt dọn nương rẫy. Nghiêm cấm canh tác nương rẫy xâm hại vào rừng, chỉ được phát nương làm rẫy trên những diện tích đã được quy hoạch cho sản xuất nương rẫy. Nếu không nằm trong quy hoạch cho sản xuất nương rẫy phải cương quyết thu hồi và phục hồi lại rừng nếu là diện tích rừng đã bị phát đốt nương trái phép.

- Giao diện tích đất nương rẫy đã quy hoạch ổn định cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn bản để sản xuất kinh doanh.

- Đảm bảo sự hỗ trợ canh tác nương rẫy bình đẳng đối với mọi người dân;  ưu tiên hỗ trợ cho đồng bào ở những khu vực khó khăn, trọng điểm về hoạt động nương rẫy, đồng bào dân tộc canh tác nương rẫy theo tập quán đã quản lý nương rẫy trên thực tế và tồn tại từ lâu, không tranh chấp, các hộ gia đình, cá nhân đã nhận khóan bảo vệ rừng để cải thiện đời sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo.

- Tuyên truyền giáo dục cho người dân về quản lý tài nguyên thiên nhiên, nâng cao nhận thức và kiến thức cho họ về quản lý tài nguyên thiên nhiên và tác hại của việc đốt nương làm rẫy; về chủ trương của Nhà nước trong việc hỗ trợ người dân sản xuất nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy để đồng bào tự nguyện tham gia.

- Xây dựng mô hình thí điểm tại một số thôn bản, để rút ra kinh nghiệm và nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh.

Để công tác giao đất lâm nghiệp, giao rừng, cho thuê rừng và hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ và thống nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cấp ngành ở địa phương khẩn trương xây dựng phương án giao rừng, cho thuê rừng và dự án hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy, kinh phí xây dựng phương án và dự án do ngân sách địa phương bố trí và thực hiện trong năm 2008. Nguồn ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ triển khai các phương án và dự án được lồng ghép tại các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, cụ thể: kinh phí giao rừng, cho thuê rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và trồng rừng phòng hộ quy định tại Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06/07/2007 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/07/1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; kinh phí trồng rừng sản xuất quy định tại Quyết định 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/09/2007 về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007- 2015; kinh phí chương trình 134, 135…. Ngoài ra, có thể huy động nguồn kinh phí từ các dự án ODA./.

 

Nơi nhận:
-
Như trên;
- Phó Thủ tướng Hòang Trung Hải (để b/c);
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp;
Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh thành phố trực thuộc TW;
- Lưu VT
.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hứa Đức Nhị