Quyết định 23/2015/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo đảm tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
Số hiệu: 23/2015/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh Người ký: Nguyễn Thị Thu Thủy
Ngày ban hành: 13/05/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2015/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 13 tháng 5 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “BẢO ĐẢM TÀI CHÍNH CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS GIAI ĐOẠN 2015 - 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Thực hiện Quyết định số 608/QĐ-TTg , ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Thực hiện Quyết định số 1899/QĐ-TTg , ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020”;

Căn cứ Nghị quyết số 07/2015/NQ-HĐND , ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 127/TTr-SYT, ngày 08 tháng 5 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, gồm các nội dung sau:

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đảm bảo đáp ứng được 60% nhu cầu kinh phí phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh vào năm 2015 và 80% vào năm 2020.

b) Bảo đảm số người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả theo quy định vào năm 2018 và đạt 80% vào năm 2020.

c) Đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả và theo quy định hiện hành.

d) Đảm bảo quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí huy động được theo các quy định hiện hành.

3. Các giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch

a) Nhóm giải pháp huy động kinh phí

- Tăng cường vận động và kêu gọi hỗ trợ của ngân sách Trung ương và các Bộ ngành, đoàn thể qua các chương trình, đề án để đảm bảo nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thiết yếu và bền vững thông qua việc cung cấp thông tin và bằng chứng về việc thiếu hụt nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.

- Tăng cường đầu tư ngân sách của tỉnh và phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS.

- Huy động nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS từ nguồn kinh phí thường xuyên của các địa phương, cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân, nhà hảo tâm, tổ chức xã hội… cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các đơn vị này và cho cả chương trình chung.

- Tăng sự đóng góp của người sử dụng dịch vụ thông qua việc thực hiện chi trả các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

- Huy động nguồn lực từ các dự án quốc tế.

b) Nhóm giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí

- Điều phối, phân bổ và kiểm soát hiệu quả nguồn kinh phí huy động được.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí.

c) Nhóm giải pháp quản lý chương trình nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực

4. Kinh phí bảo đảm thực hiện Kế hoạch

Đơn vị tính: Tỷ đồng

Năm

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Tổng

Tỷ lệ %

Tổng nhu cầu

21,933

29,279

37,054

45,498

53,546

61,755

249,065

100

Dự kiến thu từ tiền thuốc Methadone

 

 

 

29,382

35,770

42,157

107,309

43,08

Chương trình mục tiêu phòng, chống HIV huy động được

0,695

0,500

0

0

0

0

1,195

32,39

Nguồn viện trợ huy động được

19,238

26,379

33,854

0

0

0

79,471

Ngân sách địa phương đảm bảo

1,661

1,910

2,197

2,527

2,906

3,342

14,543

5,84

Nguồn KP còn thiếu hụt ngân sách địa phương không đảm bảo được

0,339

0,490

1,003

13,589

14,870

16,256

46,547

18,69

5. Tổ chức thực hiện

a) Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch; tham mưu cho UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm tỉnh sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động của kế hoạch theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện kế hoạch này.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động tài chính cụ thể cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm cả việc huy động các nguồn viện trợ mới.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm tỉnh tổ chức triển khai các nội dung kế hoạch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành giá thu một số dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 38/2014/TTLT-BYT-BTC , ngày 14/11/2014 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính về việc ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch huy động nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

- Thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện Đề án của các sở, ngành, đoàn thể và địa phương.

b) Sở Tài chính

- Căn cứ tình hình khả năng ngân sách hàng năm, Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

- Hướng dẫn, kiểm tra đơn vị thực hiện kinh phí phòng, chống HIV/AIDS theo quy định.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường, huy động vốn đầu tư phát triển cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và thực hiện việc phân bổ, điều phối các nguồn đầu tư cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo đúng các quy định hiện hành.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách Nhà nước hàng năm để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

- Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, vận động tài trợ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời hướng dẫn các sở, ngành, địa phương triển khai các hoạt động này.

d) Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí trong tỉnh thực hiện thông tin, truyền thông về HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh.

e) Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe tuyên truyền về các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong trường học. Hàng năm, ngành giáo dục lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình giảng dạy tích hợp theo nhiệm vụ năm học.

g) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Sở Y tế và các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của Sở. Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, đơn vị tạo điều kiện để người nhiễm HIV/AIDS và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tiếp cận được các chính sách xã hội hiện hành dành cho những người yếu thế, những người dễ bị tổn thương.

h) Sở Nội vụ

Đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cụ thể là hoạt động can thiệp giảm tác hại và Methadone.

i) Công an tỉnh

Chỉ đạo Công an các cấp tổ chức triển khai các nội dung của Chiến lược trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; đặc biệt chú trọng hoạt động phối hợp và hỗ trợ triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, Methadone tại cộng đồng.

k) Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các cơ quan trực thuộc thực hiện chi trả một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS qua hệ thống bảo hiểm y tế.

- Đẩy mạnh và mở rộng việc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người nhiễm HIV/AIDS thông qua hệ thống bảo hiểm y tế.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan thực hiện mở rộng cung cấp và chi trả một số dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS thông qua hệ thống bảo hiểm y tế theo quy định.

l) Các sở, ngành, cơ quan khác

- Chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí phòng, chống HIV/AIDS đúng mục đích, có hiệu quả, thanh quyết toán đúng quy định hiện hành.

- Ngoài nguồn kinh phí được giao, chủ động huy động nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để bổ sung tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. Báo cáo mức huy động kinh phí bổ sung về Sở Y tế để tổng hợp.

- Quản lý sử dụng kinh phí phòng, chống HIV/AIDS đúng mục đích, có hiệu quả và theo quy định hiện hành.

m) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

- Chủ động tham gia triển khai thực hiện kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của mình.

- Phối hợp với Sở Y tế và các ngành có liên quan tăng cường huy động các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn kinh phí tự huy động được.

- Triển khai rộng khắp phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các phong trào, các cuộc vận động quần chúng, các sinh hoạt cộng đồng ở cơ sở.

n) Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố

Chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nội dung của Kế hoạch trên địa bàn. Chỉ đạo, kiểm tra, hỗ trợ UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện kế hoạch. Bên cạnh nguồn ngân sách được cấp thông qua Sở Y tế, chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất cũng như huy động sự đóng góp của xã hội, các tổ chức nhân đạo, doanh nghiệp để triển khai thành công Kế hoạch.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định, hàng năm báo cáo Hội đồng Nhân dân tỉnh và Ủy ban Nhân dân tỉnh về tình hình triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Y tế, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Công an; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ngành có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thu Thủy