Quyết định 2298/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp - TTCN tỉnh Quảng Nam đến 2020, xét đến 2025
Số hiệu: 2298/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Đinh Văn Thu
Ngày ban hành: 26/07/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2298/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 26 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TTCN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020, CÓ XÉT ĐẾN 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Quyết định 2836/QĐ-BCT ngày 06/5/2013 của Bộ Công Thương về phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 998/QĐ-UBND ngày 01/4/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp - TTCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025;

Theo Công văn của Bộ Công Thương số 12766/BCT-KH ngày 28/12/2012 về việc góp ý dự thảo báo cáo Quy hoạch phát triển công nghiệp - TTCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến 2020, có xét đến 2025;

Xét hồ sơ quy hoạch kèm theo Công văn số 131/SCT-QLCN ngày 30/01/2013 của Sở Công Thương Quảng Nam;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 213/TTr-SKHĐT ngày 16/5/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển công nghiệp - TTCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, có xét đến 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung:

Mục tiêu từ nay đến năm 2020 là huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển nhanh, bền vững nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Phấn đấu đưa Quảng Nam đạt mức khá ở khu vực miền Trung, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

b) Một số chỉ tiêu chủ yếu cụ thể:

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 là 20%/năm, giai đoạn 2016-2020: 17%/năm và giai đoạn 2021 - 2025: 15%/năm;

- Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu GDP năm 2015 chiếm 43,5% và năm 2020 chiếm 46,5% (trong đó tỷ trọng công nghiệp là 36,5% và 41%);

- Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt khoảng 61.180 tỷ đồng vào năm 2015; 134.130 tỷ đồng vào 2020 và 269.790 tỷ đồng vào 2025 (tính theo GCĐ 94 đạt khoảng 25.250 tỷ đồng vào năm 2015; 55.200 tỷ đồng vào 2020 và 111.000 tỷ đồng vào 2025).

- Lao động công nghiệp chiếm tỷ trọng 19,9% trong tổng số lao động các ngành kinh tế vào năm 2015; 26,5% vào năm 2020 và 33% vào năm 2025 tương ứng với số lao động là 175.000 người vào năm 2015; 250.000 người vào năm 2020 và 346.000 người vào năm 2025;

- Phủ điện đến 100% số xã và 99% số hộ trong toàn tỉnh vào năm 2020;

- Cơ cấu trong nội bộ ngành công nghiệp giai đoạn 2015 và 2020 (theo giá so sánh 2010) tương ứng với ngành khai khoáng: 6,6% và 5,4%; ngành chế biến: 84,9% và 84,7%; ngành điện nước, khí đốt: 8% và 8,9% và hoạt động cung cấp nước, xử lý rác thải là 0,58 và 0,95;

- Tốc độ tăng trưởng ngành khai khoáng giai đoạn 2011-2015: 18%, 2016 - 2020: 10,4%; ngành chế biến giai đoạn 2011-2015: 19,9%, 2016-2020: 17,1%; ngành SX, PP điện nước, khí đốt giai đoạn 2011-2015: 21,6%, 2016-2020: 18,5% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải 2011-2015 là 33,1% và 2016 - 2020 là 26,2%.

2. Định hướng phát triển công nghiệp

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp tăng trưởng nhanh, bền vững, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo với hàm lượng khoa học công nghệ trong giá trị sản phẩm ngày càng cao.

- Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn và chủ lực như: công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, công nghiệp sản xuất và phân phối điện; công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm, thức uống; công nghiệp dệt may - da giày; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp khai khoáng; công nghiệp cơ khí; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề...

- Hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng gắn với lợi thế và nguồn lực của từng vùng để ưu tiên phát triển:

+ Đối với vùng Đông (vùng đồng bằng ven biển, hải đảo): Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, công nghiệp chế biến... ; lấy công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp cơ khí làm ngành mũi nhọn kết hợp với phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách. Tập trung phát triển công nghiệp tại một số khu vực trọng điểm có tác động lan tỏa, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Huy động nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp: Bắc Chu Lai, Tam Hiệp, Tam Anh, Tam Thăng, Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, Điện Nam - Điện Ngọc, Đông Quế Sơn, Thuận Yên, Phú Xuân... để nâng cao tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp. Đầu tư nâng cấp một số cụm công nghiệp ở các huyện, thành phố nhằm thu hút đầu tư tạo động lực phát triển cho cả vùng. Đây là vùng phát triển công nghiệp động lực của tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và năm 2025.

+ Đối với vùng Tây (vùng trung du, miền núi): Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng... gắn với việc quy hoạch vùng nguyên liệu. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp và có cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào khu vực nông thôn, miền núi. Thu hút lao động tại địa phương vào làm việc tại các cơ sở sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn để nâng cao tỷ lệ người làm việc trên dân số trong độ tuổi lao động đảm bảo đạt tiêu chí về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đối với các xã nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu khoáng sản, vật liệu xây dựng đảm bảo hiệu quả kinh tế, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống như cơ khí, dệt thổ cẩm, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ,... sử dụng nhiều lao động, nguyên liệu tại chỗ. Thúc đẩy xây dựng Nhà máy Xi măng Thạnh Mỹ, Nhà máy Nhiệt điện Nông Sơn và các nhà máy thủy điện theo quy hoạch. Từng bước hình thành các cụm công nghiệp chế biến nguyên liệu cao su, bột giấy và các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung...

- Xây dựng và hoàn chỉnh các khu, cụm công nghiệp, kết hợp với các khu dân cư, khu đô thị dịch vụ công nghiệp và kết cấu hạ tầng đồng bộ để phát triển các địa bàn kinh tế công nghiệp vùng động lực (vùng Đông) làm đầu tàu phát triển các vùng còn lại làm vệ tinh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động khu vực nông thôn, miền núi.

- Tạo bước đột phá về công nghiệp, phát triển công nghiệp năng lượng và các ngành công nghiệp có công nghệ cao, các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tổ chức xúc tiến đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, hạn chế việc xây dựng các cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp nhằm thuận lợi hơn trong việc cung cấp kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu quả sản xuất và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

- Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu đảm bảo phục vụ ngành công nghiệp chế biến. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển các ngành dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và hàng tiêu dùng.

3. Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp

a) Ngành công nghiệp khai khoáng:

- Định hướng phát triển: Ngừng xuất khẩu các khoáng sản thô, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất chế biến sâu, trước hết ưu tiên phục vụ cho các nhu cầu trong tỉnh, trong nước và tiến tới xuất khẩu. Công tác khai thác khoáng sản phải gắn với xây dựng nhà máy chế biến sâu tại địa phương (sản xuất thủy tinh, kính tấm từ cát trắng; chế biến sâu vàng...). Khuyến khích đầu tư các dự án khai thác khoáng sản có xây dựng nhà máy chế biến sâu trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích đầu tư công nghệ tiên tiến, đồng bộ, công nghệ sạch ít hoặc không gây ô nhiễm môi trường. Gắn việc khai thác, chế biến với việc xử lý triệt để chất thải, hoàn thổ và khôi phục môi trường trong khai thác mỏ. Nguồn nguyên liệu khoáng sản ưu tiên phục vụ cho dự án đầu tư chế biến sâu như dự án nhà máy sản xuất thuỷ tinh mỹ nghệ và gia dụng, nhà máy sản xuất sợi thuỷ tinh, nhà máy sản xuất kính tấm, sứ cao cấp... Việc phân bố các cơ sở khai thác, chế biến phải gắn với thị trường, gần nguồn tài nguyên và xa các khu du dịch đã được quy hoạch, đặc biệt là khu phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn...

Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng (giá so sánh 2010) đến năm 2015 khoảng 4.019 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 6.618 tỷ đồng và năm 2025 khoảng 10.450 tỷ đồng (tính theo GCĐ 94: năm 2015 khoảng 808 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 1.347 tỷ đồng và năm 2025 khoảng 1.998 tỷ đồng).

b) Ngành công nghiệp chế biến:

- Định hướng phát triển:

+ Quy hoạch đối với từng ngành và từng vùng để phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu. Tiếp tục hình thành các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung với quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng nguyên liệu như giao thông, thủy lợi, hệ thống điện,... Đầu tư thay thế thiết bị, công nghệ chế biến lạc hậu, phát triển công nghệ chế biến sâu, chế biến các sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và hạ giá thành sản phẩm. Tập trung phát triển thương hiệu để tăng năng lực cạnh tranh. Phát triển phải gắn với bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

+ Tập trung hình thành Trung tâm cơ khí ô tô quốc gia tại khu KTM Chu Lai, hình thành Trung tâm dệt may tại Quảng Nam và hình thành vành đai cung cấp thực phẩm chế biến cho các đô thị lớn đông dân cư (KKTM Chu Lai, KKT Dung Quất, KCN Điện Nam-Điện Ngọc...) và các tỉnh, thành phố lân cận.

+ Tiếp tục mở rộng về số lượng và chủng loại các sản phẩm tinh chế bằng công nghệ tiên tiến. Ưu tiên phát triển các dự án có trình độ công nghệ cao, trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, sản phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu vào thị trường EU và Bắc Mỹ.

+ Kêu gọi đầu tư các ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp dệt may, da giày và ngành công nghiệp chế tạo.

- Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến (giá so sánh 2010) đến năm 2015 khoảng 51.924 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 114.931 tỷ đồng và năm 2025 khoảng 230.733 tỷ đồng (tính theo GCĐ 94: năm 2015 khoảng 22.281 tỷ đồng, năm 2020 khoảng 48.554 tỷ đồng và năm 2025 khoảng 96.071 tỷ đồng).

c) Ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước, khí đốt và xử lý rác thải:

- Định hướng phát triển:

+ Phát huy tối đa công suất các Nhà máy thủy điện đã có, xây dựng các Nhà máy thủy điện theo quy hoạch, đúng tiến độ, kết hợp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh và đảm bảo về môi trường.

+ Phát triển nguồn năng lượng sạch, tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời...) tập trung tại thành phố Hội An và một số vùng có điều kiện thuận lợi. Khuyến khích sử dụng điện từ năng lượng mặt trời.

+ Hiện đại hóa hệ thống cấp nước sạch phục vụ tiêu dùng cho dân cư trong và ngoài tỉnh. Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho các khu, cụm, các cơ sở công nghiệp để đảm bảo sản xuất.

+ Xây dựng các công trình xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp và xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn.

- Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước, khí đốt và xử lý rác thải (giá so sánh 2010) đến năm 2015 khoảng 5.176,9 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 12.580 tỷ đồng và năm 2025 khoảng 28.607 tỷ đồng (tính theo GCĐ 94: năm 2015 khoảng 2.161 tỷ đồng, năm 2020 khoảng 5.299 tỷ đồng và năm 2025 khoảng 12.932 tỷ đồng).

4. Quy hoạch phân bổ các khu, cụm công nghiệp và làng nghề

a) Khu công nghiệp (KCN):

- Đối với các KCN ngoài Khu KTM Chu Lai: Đẩy mạnh công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư lấp đầy diện tích vào các +KCN hiện có (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Đông Quế Sơn, Thuận Yên, Phú Xuân). Nâng cấp 07 CCN lên thành các KCN chuyên ngành (KCN Trảng Nhật 1,2; Đại Tân 1,2; Hà Lam - Chợ Được; Tây An và Tiên Thọ), thành lập mới 1 khu (KCN An Hòa - Nông Sơn) và mở rộng 02 KCN (Đông Quế Sơn, Thuận Yên), nâng tổng số KCN là 10 KCN với diện tích dự kiến là 3.195 ha.

- Các KCN thuộc Khu KTM Chu Lai: Đẩy mạnh công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư vào 05 KCN (KCN Bắc Chu Lai, Tam Hiệp,

Cơ khí Ô tô Trường Hải, Tam Anh, Tam Thăng) với tổng diện tích đất KCN đã được phê duyệt là 3.537,3 ha.

b) Cụm công nghiệp (CCN):

- Quy mô phát triển đến năm 2015: Tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật các CCN đang đầu tư; ổn định sử dụng đất theo Quy hoạch mạng lưới CCN gồm 108 CCN, với tổng diện tích là 2.313 ha.

- Quy mô phát triển từ sau năm 2015 đến 2025: Quy hoạch phát triển mạng lưới CCN còn lại 100 cụm với tổng diện tích khoảng 1.809 ha (07 CCN chuyển lên KCN với tổng diện tích là 398 ha và 01 CCN chuyển mục đích sử dụng với diện tích 51,66 ha).

c) Làng nghề:

- Phát triển 19 làng nghề gắn với du lịch, gồm những làng có nghề, có tiềm năng phát triển du lịch, vị trí và cảnh quan thích hợp liên kết với các tuyến du lịch.

- Phát triển 60 nghề mới, bao gồm những làng nghề phát triển lan toả từ các làng nghề truyền thống, làng nghề du lịch, hoặc những làng nghề hình thành do hoạt động gia công cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.

5. Nhu cầu vốn đầu tư theo các thời kỳ quy hoạch

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành công nghiệp tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2011-2025 khoảng 169.366 tỷ đồng: giai đoạn 2011 - 2015: 51.126 tỷ đồng (30,19%); giai đoạn 2016 - 2020: 34.121 tỷ đồng (20,15%); giai đoạn 2021 - 2025: 84.119 tỷ đồng (49,66%); trong đó, chuyên ngành công nghiệp: 84.483 tỷ đồng; điện, nước và xử lý rác thải: 33.343 tỷ đồng; cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề: 51.540 tỷ đồng.

6. Các giải pháp chủ yếu

a) Đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển công nghiệp:

Tập trung huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng các KCN trong Khu KTM Chu Lai, KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Đông Quế Sơn, Thuận Yên, Phú Xuân... và các KCN được nâng cấp lên từ các CCN gắn với thu hút có hiệu quả đầu tư để tránh lãng phí tài nguyên, đất đai. Rà soát, lựa chọn các cụm công nghiệp thật sự phát huy hiệu quả để đầu tư hạ tầng đồng bộ nhằm thu hút đầu tư. Phát triển các khu, cụm công nghiệp trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, lao động và đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Việc phát triển các khu, cụm công nghiệp phải gắn với việc phát triển hệ thống đô thị, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, đảm bảo cân đối việc xây dựng kết cấu hạ tầng bên trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp.

Bên cạnh việc huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng bên trong hàng rào các khu, cụm công nghiệp, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách hàng năm để phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào để tạo sự liên kết vùng, đồng thời tập trung đầu tư hạ tầng xã hội (nhà ở, bệnh viện, chợ, khu vui chơi giải trí...) để phát triển đồng bộ các hạ tầng khác, ưu tiên trước cho các khu công nghiệp có sử dụng nhiều lao động.

b) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực:

Rà soát, điều chỉnh và quy hoạch lại hệ thống đào tạo và dạy nghề trên địa bàn tỉnh theo hướng đào tạo phải gắn với yêu cầu, mục tiêu của sự phát triển. Củng cố các trường và trung tâm dạy nghề để đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Tiếp tục đầu tư đồng bộ, nâng cấp một số trường dạy nghề hiện có với các trang thiết bị hiện đại. Có chính sách khuyến khích thu hút nhân tài về làm việc tại Quảng Nam nói chung, trong đó có ngành công nghiệp.

Đa dạng hóa các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực. Tập trung đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhất là công nhân kỹ thuật bậc cao sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại. Nâng cao chất lượng các trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố. Mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế về đào tạo công nhân kỹ thuật. Tranh thủ các nguồn tài trợ của nước ngoài về vốn, chuyên gia kỹ thuật để đào tạo thợ bậc cao, cán bộ quản lý cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động phát triển sản xuất kinh doanh.

c) Giải pháp về môi trường đầu tư:

Tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Trước tiên cần công bố danh mục các dự án công nghiệp kêu gọi đầu tư theo thứ tự ưu tiên, nhóm dự án trọng điểm, nhóm dự án khuyến khích đầu tư; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư.

Để tập trung quyết liệt cho việc phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ cần có bộ phận chuyên trách đủ mạnh để xây dựng và hoàn thiện chính sách, kế hoạch hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu cho công nghiệp hỗ trợ, lựa chọn nhóm ngành cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể từng giai đoạn; chọn quỹ đất cho các KCN hỗ trợ làm điểm. Khuyến khích, hỗ trợ lao động có chuyên môn cao, tay nghề giỏi về làm việc lâu dài tại các KCN, khu KTM Chu Lai.

Xem cải cách hành chính là khâu then chốt, tạo bước đột phá trong việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch; cụ thể hóa toàn bộ thủ tục hành chính cần thiết mà nhà đầu tư phải thực hiện khi triển khai một dự án đầu tư, theo thứ tự các bước từ khi đăng ký dự án và thỏa thuận địa điểm đến khi được cấp phép đầu tư xây dựng.

d) Giải pháp về bảo vệ môi trường:

Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý về môi trường trên địa bàn tỉnh, tiến hành sớm việc đánh giá hiện trạng môi trường đối với toàn bộ các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất hiện có để có phương án xử lý chung trên địa bàn cũng như từng khu vực. Các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép đầu tư, xây dựng. Có kế hoạch và kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường cách xa các khu dân cư. Các dự án đầu tư mới, đặc biệt là sản xuất sản phẩm mới, bảo vệ môi trường là một yếu tố bắt buộc được thể hiện trong nội dung dự án khi thẩm định dự án. Đưa 100% cơ sở sản xuất công nghiệp vào diện kiểm soát, thực hiện thanh tra, kiểm tra về xử lý chất thải, nước thải bảo vệ môi trường. Khuyến khích và tạo điều kiện đổi mới công nghệ, hạn chế gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, nhất là đối với các cơ sở chế biến tinh bột sắn, chế biến thủy sản, bột giấy, sản xuất vật liệu xây dựng... Tăng cường triển khai chương trình sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp.

Đối với các khu, cụm công nghiệp - TTCN, làng nghề tập trung, cần nghiên cứu ứng dụng các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, xây dựng giải pháp xử lý nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt để hạn chế nhiễm bẩn nguồn nước mặt; tổ chức quản lý việc xả nước thải vào nguồn nước, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Trước mắt, bắt buộc và giám sát các nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp phải thiết kế và trình thẩm định hệ thống thu gom và xử lý nước thải; phải xây dựng hệ thống đồng bộ với kết cấu hạ tầng khu, cụm CN và phải vận hành hệ thống ngay trước khi khu, cụm CN lấp đầy khoảng 30% - 50% diện tích đất.

e) Giải pháp về quy hoạch:

Quy hoạch các ngành công nghiệp phải gắn với quy hoạch phát triển vùng để ưu tiên đầu tư phát triển theo lợi thế từng vùng. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đã có và xây dựng mới các quy hoạch còn thiếu. Mặt khác, cần coi trọng công tác quản lý quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch theo đúng tiến độ, kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế trong quá trình phát triển.

g) Giải pháp về phát triển nguồn nguyên liệu:

Quy hoạch và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến để phục vụ sản xuất công nghiệp - TTCN. Cần rà soát lại một số vùng nguyên liệu để cung ứng cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng; quy hoạch lại vùng nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; trồng mới các loại cây công nghiệp để cung ứng nguyên liệu như: sắn, cây keo, cao su… Tăng cường công tác thăm dò, điều tra tài nguyên để phát triển ngành công nghiệp chế biến bền vững, hiệu quả. Cần xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung trên cơ sở thực hiện phân công lao động và chuyên môn hóa sản xuất, đồng thời phải tiêu chuẩn hóa các loại nguyên liệu để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiết kiệm cho sản xuất. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người sản xuất nguyên liệu được tham gia góp vốn với nhà máy.

h) Giải pháp về phát triển doanh nghiệp và thị trường:

Xây dựng chính sách mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, kích cầu, sản xuất hàng xuất khẩu,... hỗ trợ cơ sở sản xuất tham gia sàn thương mại điện tử. Xây dựng chiến lược phát triển thị trường trong và ngoài nước, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ để doanh nghiệp tìm kiếm phát triển thị trường.

Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao, nhất là hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài để các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các hiệp hội ngành nghề trong phát triển TTCN nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp có tính bền vững, hỗ trợ và liên kết, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

i) Giải pháp về khoa học và công nghệ:

Đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học - kỹ thuật; tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm. Khuyến khích ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất, đặc biệt các công đoạn có tính quyết định đến chất lượng sản phẩm. Kiên quyết không nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu, đã qua sử dụng.

Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn quốc tế. Mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, đa dạng hoá các loại hình hợp tác để tranh thủ tối đa việc chuyển giao công nghệ hiện đại từ nước ngoài cho phát triển công nghiệp. Khuyến khích phát triển các dịch vụ công nghệ, xây dựng thị trường công nghệ. Hình thành các trung tâm chuyển giao công nghệ. Thực hiện Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

k) Đẩy mạnh hoạt động khuyến công:

Đẩy mạnh công tác khuyến công và hoạt động có hiệu quả nguồn vốn từ quỹ khuyến công. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức, tạo sự quan tâm chú ý đối với việc thành lập doanh nghiệp công nghiệp nông thôn; xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, tạo điều kiện để các cơ sở công nghiệp nông thôn liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia các hiệp hội ngành nghề. Đổi mới nội dung và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, hướng các hoạt động này thiết thực cho kêu gọi đầu tư, duy trì và phát triển sản xuất, đặc biệt các ngành nghề mới, thủ công mỹ nghệ và làng nghề, các sản phẩm mũi nhọn có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm cả tiểu thủ công nghiệp và làng nghề). Huy động các nguồn tài trợ cho công tác khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Xây dựng mạng lưới khuyến công ở các xã và kế hoạch dài hạn cho chương trình khuyến công.

l) Nâng cao năng lực bộ máy hành chính địa phương:

Tiếp tục nâng cao năng lực bộ máy hành chính các cấp theo hướng gọn nhẹ, nâng cao trình độ chuyên môn, tăng tính chuyên nghiệp cao, trong đó chú trọng đến công tác phân tích và dự báo.

Nghiên cứu và thực hiện theo lộ trình tiêu chuẩn ISO trong quản lý hành chính. Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, cập nhật, phổ biến văn bản pháp luật mới, chính sách mới và nâng cao nhận thức cho cán bộ xã, huyện về chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, về những chính sách liên quan đến hội nhập. Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ cấp tỉnh và huyện. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế tham vấn doanh nghiệp và các nhà khoa học trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế địa phương.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan công bố, tổ chức triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Cụ thể hoá các mục tiêu và triển khai thực hiện bằng các chương trình, dự án phát triển của ngành.

Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển đảm bảo tính bền vững, đồng bộ và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quốc phòng an ninh, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn thực hiện các mục tiêu quy hoạch đề ra.

Trong quá trình thực hiện quy hoạch phải thường xuyên cập nhật tình hình và đề xuất điều chỉnh kịp thời khi cần thiết.

- Các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối với Sở Công Thương cụ thể hoá các nội dung quy hoạch có liên quan bằng các chương trình, dự án đầu tư cụ thể, tạo điều kiện phát triển công nghiệp - TTCN trên địa bàn tỉnh hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh văn Thu