Quyết định 2277/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2013 - 2018
Số hiệu: 2277/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình Người ký: Trần Tiến Dũng
Ngày ban hành: 18/09/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2277/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 18 tháng 9 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TẠI TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2013 - 2018

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);

Căn cứ Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

Căn cứ Thông tư số 12/2012/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 1294/TTr-SYT ngày 30/7/2013 về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2013 - 2018,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2013 - 2018.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế;
- Cục Phòng, chống HIV/AIDS;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- LĐ VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX, KTTH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2013 - 2018
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2277/QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình)

Phần I

CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. TÌNH HÌNH SỬ DỤNG MA TÚY, DỊCH HIV/AIDS VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI TỈNH QUẢNG BÌNH.

1. Tình hình sử dụng ma túy

Những năm qua, tình hình sử dụng ma túy và tội phạm về tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phức tạp và ngày càng gia tăng, đặc biệt ở thành phố Đồng Hới. Các đối tượng hoạt động về ma túy có nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Từ đầu năm 2012 đến nay nổi lên là tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy tổng hợp (dạng đá) do đối tượng ngoại tỉnh đưa vào địa bàn tỉnh Quảng Bình tiêu thụ và đã xuất hiện tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp trong thanh niên, học đường.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội - Cơ quan thường trực về công tác cai nghiện ma túy đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch 584/KH-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2012 về việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng giai đoạn 2012 - 2015 theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ; tổ chức cai nghiện ma túy cho đối tượng tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội theo Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ.

Ngành Công an đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy, nhiều điểm bán lẻ ma túy tồn tại trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Qua đó, giải quyết tình hình phức tạp của tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn, tạo lòng tin cho quần chúng nhân dân. Công an các xã, phường, thị trấn lập hồ sơ đưa đối tượng vào cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng dân cư theo Nghị định 94/2009/NĐ-CP và đưa các đối tượng nghiện đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh theo Nghị định 135/2004/NĐ-CP của Chính phủ; trực tiếp tuyên truyền, giáo dục trong trường học, khu dân cư, trong quần chúng nhân dân về pháp luật phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng chống ma túy trong cộng đồng dân cư, đẩy mạnh tinh thần đấu tranh với các đối tượng nghiện hút, mua bán ma túy.

Theo số liệu báo cáo của các ngành chức năng đến nay toàn tỉnh có 121/159 xã, phường, thị trấn có hơn 1.900 đối tượng liên quan đến ma túy, số người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý được là 1.900 người; số đối tượng cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội đến nay có gần 100 đối tượng. Trong 6 tháng đầu năm 2013 có 40 đối tượng, trong đó 16 đối tượng bắt buộc và 24 đối tượng tự nguyện. Các hình thức sử dụng ma túy rất đa dạng như hút, hít, tiêm chích..., loại ma túy sử dụng nhiều nhất hiện nay ở Quảng Bình là Heroin (trên 80%), phân bổ theo huyện, thành phố như sau:

Tiêu chí

Lệ Thuỷ

Quảng Ninh

Đồng Hới

Bố Trạch

Quảng Trạch

Tuyên Hóa

Minh Hóa

Ngoại tỉnh

Tổng cộng

Số đối tượng có hồ sơ quản lý

290

58

883

126

297

139

107

 

1900

2. Tình hình dịch HIV/AIDS trong nhóm nghiện chích ma túy

Tính đến 31/5/2013, số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là 1192; trong đó, số người bệnh AIDS là 242, số người bệnh đã tử vong là 79. Tại 7/7 (100%) huyện, thành phố và 86/159 ( 54%) xã, phường, thị trấn đã phát hiện có người nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở Quảng Bình là 0, 118%, tỷ suất số trường hợp nhiễm HIV tại tỉnh trên 100.000 dân là 25 người tuy thấp hơn so với tỷ suất nhiễm HIV chung trong toàn quốc (176 người trên 100.000 dân) nhưng đang có nguy cơ tăng nhanh.

Tình hình dịch HIV/AIDS phân bổ theo huyện, thành phố như sau:

Năm

Lệ Thủy

Quảng Ninh

Đồng Hới

Bố Trạch

Quảng Trạch

Tuyên Hoá

Minh Hoá

Toàn tỉnh

Ngoại tỉnh

Tổng cộng

1994-2000

1

1

1

1

8

0

0

12

30

42

2001-2005

6

2

6

2

8

2

0

26

518

544

2006

1

0

4

2

6

0

1

14

61

75

2007

5

3

16

4

13

4

0

48

59

107

2008

3

2

4

4

0

0

0

13

94

107

2009

2

3

13

6

5

3

0

34

71

105

2010

2

3

12

5

7

2

2

34

31

65

2011

2

4

6

7

9

1

0

29

1

30

2012

0

03

17

05

12

04

0

41

61

102

31/5/2013

02

02

02

01

06

02

0

15

01

16

Lũy tích

24

25

81

37

71

18

03

259

927

1192

%

2, 01

2, 1

6, 8

3, 1

5, 96

1, 51

0, 25

21, 83

77, 77

100

Phân tích theo nhóm đối tượng và nguy cơ lây nhiễm của người nội tỉnh như sau: nghiện chích ma túy (NCMT): 7, 25%, mại dâm: 0, 78%, tình dục khác giới: 35, 5%, tù nhân: 8, 02%, mẹ truyền sang con: 3, 44%, đối tượng khác: 45, 01%.

Phân tích theo đường lây nhiễm: theo đường tình dục: 74, 25%, theo đường máu: 20, 52%, mẹ truyền sang con: 4, 1%, không rõ: 1, 13%.

Nguy cơ lây nhiễm qua đường máu 20.52% không tương quan với tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy (7, 25%), điều này có thể giải thích do đối tượng đến xét nghiệm khai báo thông tin không trung thực về tình trạng có tiêm chích ma túy. Tỷ lệ lây nhiễm qua đường máu 20, 52% chủ yếu là do dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy; theo điều tra năm 2010 tại Quảng Bình có 16% đối t­ượng nghiện chích ma túy có dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy, cũng trong điều tra này có 36, 6% đối t­ượng nghiện chích ma túy không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng không thường xuyên khi quan hệ tình dục với phụ nữ bán dâm. Theo điều tra IBBS năm 2011, tỷ lệ sử dụng bao cao su của phụ nữ bán dâm khi quan hệ tình dục 84, 9%; kiến thức toàn diện về HIV/AIDS và tiếp cận với các chương trình can thiệp còn thấp. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, nhóm phụ nữ bán dâm và từ các nhóm này lây nhiễm ra cộng đồng sẽ làm gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV nếu không được can thiệp.

Mặt khác việc xét nghiệm HIV cho các đối tượng nghiện chích ma túy ở Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn do vậy tỷ lệ người nghiện chích ma túy bị nhiễm HIV/AIDS (7, 25%) chưa đánh giá đúng thực chất của tình hình dịch HIV/AIDS ở Quảng Bình.

II. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH METHADONE TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM

1. Tình hình triển khai Chương trình Methadone trên thế giới

Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone1 đã được triển khai tại rất nhiều nước trên thế giới như: Úc, Mỹ, Hà Lan, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Singapore, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Hồng Kông... Hiện nay trên thế giới có hơn 70 nước triển khai Chương trình Methadone với khoảng 580.000 bệnh nhân tại Châu Âu và hơn 200.000 bệnh nhân tại Châu Á, cụ thể như sau:

- Tại Hoa Kỳ: Hoa Kỳ đang điều trị cho 260.000 người trên tổng số gần một triệu người nghiện ma túy tại 1.200 cơ sở điều trị Methadone. Hiệu quả của chương trình điều trị Methadone tại Hoa Kỳ là rất lớn, chi phí cho 01 bệnh nhân trong 1 ngày là dưới 1 Đô la Mỹ, chương trình Methadone giúp bệnh nhân cải thiện đáng kể về tình hình sức khỏe, giảm tội phạm, giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV.

- Hồng Kông triển khai chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone từ năm 1972, hiện nay Hồng Kông có 20 cơ sở điều trị Methadone đang hoạt động. Tổng số người đăng ký tham gia chương trình Methadone là 8.159. Trung bình hàng ngày có khoảng 6.214 trường hợp tham gia điều trị. Kết quả của chương trình điều trị Methadone tại Hồng Kông đã điều trị cho khoảng 60% số người nghiện các chất dạng thuốc phiện; đã giúp cho 70% số bệnh nhân tham gia điều trị có việc làm. Tỷ lệ tội phạm giảm từ 26% xuống còn 4%. Tỷ lệ tiêm chích ma túy giảm rõ rệt từ 40% trước điều trị xuống còn dưới 10% sau điều trị. Tỷ lệ nhiễm HIV tính đến nay chỉ còn 0, 3% trong nhóm sử dụng Methadone. Chi phí trung bình cho một bệnh nhân tham gia điều trị methadone là 23 đô la Hồng Kông (tương đương khoảng 2, 5 Đô la Mỹ).

- Tại Trung Quốc: Từ đầu năm 2004 đã triển khai thí điểm chương trình Methadone tại 8 cơ sở điều trị ở 5 tỉnh. Đến 30/9/2011, Trung Quốc đã có 716 cơ sở điều trị tại 28 tỉnh, thành phố với khoảng 133.000 bệnh nhân đang điều trị.

- Tại Malaysia: từ tháng 10/2005 Malaysia bắt đầu triển khai chương trình Methadone. Đến cuối năm 2010 đã điều trị cho gần 20.700 người nghiện tại 211 cơ sở điều trị bao gồm cả nhà nước và tư nhân. Malaysia là nước trong khu vực đang tiến hành chuyển giao mô hình “Trung tâm cai nghiện bắt buộc” thành “Phòng khám tự nguyện”.

- Thái Lan đưa chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone vào hoạt động từ năm 1979. Hiện có khoảng hơn 4000 bệnh nhân đang được điều trị. Tuy nhiên Thái Lan là một nước không quan tâm đến việc mở rộng chương trình Methadone do đó tỷ lệ nhiễm HIV vẫn tiếp tục tăng cao trong nhóm nghiện chích ma túy tại nước này.

- Indonesia bắt đầu chương trình methadone từ năm 2003 và hiện có khoảng 1.300 bệnh nhân. Hiện nay có tổng cộng 7 cơ sở điều trị đang hoạt động tại Jakarta và hơn 10 cơ sở khác sẽ được triển khai trên toàn quốc trong thời gian tới.

2. Tình hình triển khai Chương trình Methadone tại Việt Nam

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được chính thức triển khai thí điểm tại thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2008. Kết quả đánh giá bước đầu Đề án triển khai thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone do Bộ Y tế tiến hành ghi nhận những kết quả hết sức tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho bản thân bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và xã hội.

Căn cứ trên những kết quả đã đạt được của Đề án thí điểm, Chính phủ đã cho phép nhiêu tỉnh/thành phố trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS tiến hành triển khai chương trình Methadone tại địa phương. Đến nay, chương trình Methadone tại Việt Nam đã mở rộng ra tại 20 tỉnh/thành phố với 60 cơ sở điều trị. Tổng số bệnh nhân đang được điều trị là hơn 13.000 bệnh nhân (tính đến quý I năm 2013) và dự tính số bệnh nhân có thể tăng lên đạt mức 80.000 bệnh nhân vào năm 2015.

Chương trình Methadone được triển khai tại Việt Nam cũng đã chứng minh tính hiệu quả tương đương với hiệu quả của chương trình tại nhiều nước trên thế giới. Một số kết quả đáng ghi nhận sau khi triển khai thí điểm lại Việt Nam có thể kể đến cụ thể như sau:

- Chương trình Methadone được triển khai đã làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng Heroin, sau 06 tháng điều trị tỷ lệ này đã giảm xuống còn 14, 05%, sau 12 tháng còn 9, 05% và sau 24 tháng chỉ còn 8, 41% số bệnh nhân tiếp tục sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng ma túy thì đã có sự giảm về tần suất sử dụng. Trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 48, 5% bệnh nhân sử dụng trên 05 lần/ngày, 45, 1% bệnh nhân sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ có 6, 3% bệnh nhân sử dụng với tần suất 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên sau 12 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng.

- Bệnh nhân tham gia chương trình Methadone đã có sự cải thiện về mặt sức khỏe (thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống). Đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống sau một thời gian điều trị. Sự cải thiện tích cực về sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống và quan hệ trong cộng đồng của bệnh nhân tham gia chương trình cũng là những thành công đáng ghi nhận của chương trình. Thời gian bệnh nhân tham gia điều trị càng dài thì mức độ ổn định về sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân càng cao. Tỷ lệ bệnh nhân có nguy cơ trầm cảm giảm từ 80% xuống còn 15% sau 12 tháng điều trị. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng có những chuyển biến tích cực. Theo thang đo của Tổ chức Y tế thế giới, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt sau 12 tháng đặc biệt về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần.

- Chương trình còn giúp giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Nếu trước điều trị có tới trên 86, 9% số bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy, thì sau 06 tháng điều trị tỷ lệ này chỉ còn 53, 9% và sau 24 tháng giảm xuống còn 42, 4% trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng. Phân tích tình trạng sử dụng chung bơm kim tiêm cho thấy tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm giảm rõ rệt chỉ còn 2% trong nhóm bệnh nhân còn tiêm chích ma túy đang tham gia điều trị trên 24 tháng so với 21% trước điều trị.

Tỷ lệ bệnh nhân sử dụng bao cao su thường xuyên khi quan hệ tình dục kể cả với phụ nữ bán dâm cũng như với bạn tình thường xuyên cũng tăng lên. Trước điều trị tỷ lệ sử dụng bao cao su thường xuyên với bạn tình thường xuyên và phụ nữ bán dâm lần lượt là 36, 3% và 92, 9% thì sau 12 tháng điều trị tỷ lệ này tăng lên lần lượt là 37, 5% và 95, 8%, sau 24 tháng tỷ lệ này đã tăng lên 43, 9% và 96, 8%.

Những thay đổi tích cực về giảm tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm trong nhóm tiêm chích ma túy và tăng tỷ lệ thường xuyên sử dụng bao cao su trong nhóm bệnh nhân tham gia chương trình sẽ góp phần dự phòng lây nhiễm HIV từ nhóm những người tiêm chích ma túy sang bạn tình của họ và cộng đồng.

- Chương trình cũng đem lại nhiều lợi ích về an ninh, xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40, 8% xuống chỉ còn 1, 34% sau 24 tháng tham gia vào chương trình điều trị. Mâu thuẫn trong gia đình, xã hội cũng giảm mạnh khi bệnh nhân tham gia điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân có các hành vi bán và cầm cố đồ đạc, nói dối hoặc thậm chí cưỡng ép người thân để có tiền sử dụng ma túy giảm nhanh chóng từ 90% trước điều trị xuống 1, 4% sau 12 tháng điều trị.

3. Nhu cầu triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Quảng Bình

Cũng như trong tình hình chung của cả nước, tại Quảng Bình tệ nạn ma túy đã và đang trở thành nỗi ám ảnh cho gia đình, dòng tộc, trong đó thế hệ trẻ chính là những nạn nhân chịu sự tác động lớn nhất. Mạng lưới phân phối ma túy đã đi vào từng ngõ hẻm, đường phố, trường học, công viên, các nơi vui chơi giải trí… ở thành thị cũng như nông thôn. Nó phá vỡ hạnh phúc của bao con người, gây ra nhiều hệ lụy cho toàn xã hội. Theo số liệu của lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy, số người nghiện chích ma túy có hồ sơ theo dõi, quản lý trong tỉnh xấp xỉ 1.900 người nhưng trên thực tế còn gấp nhiều hơn thế. Một điều đáng báo động là có trên 70% con nghiện ở dưới tuổi 30 và xu hướng càng ngày càng gia tăng ở lứa tuổi này. Thiệt hại về kinh tế do ma túy gây ra cho việc sử dụng các loại ma túy là rất lớn, chưa kể đó là nguồn gốc của tội phạm hình sự, tệ nạn mại dâm và lây nhiễm HIV/AIDS, băng hoại đạo đức xã hội. Nguy hại hơn nữa, khi nghiện ngập, không ít các con nghiện đã trở thành tội phạm buôn bán ma túy, gieo rắc tai họa cho nhiều người, nhiều gia đình và xã hội.

Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp, tăng cường các biện pháp phòng chống, thành lập các trung tâm cai nghiện, hoàn thiện hệ thống luật pháp, phát triển quan hệ phối hợp giữa các ngành, các tỉnh bạn trên mặt trận phòng chống ma túy, do đó công tác phòng chống ma túy cũng đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy, tệ nạn nghiện ma túy ở Quảng Bình vẫn diễn biến rất phức tạp. Tốc độ gia tăng người nghiện ở Quảng Bình vẫn đang trong xu thế tăng nhanh, tỷ lệ tái nghiện hiện nay rất cao lên đến 70-80%. Có bao nhiêu người đã chết vì ma túy ở Quảng Bình? Câu hỏi này thật khó trả lời chính xác, nhưng chắc chắn rằng con số đó là không nhỏ.

Để giảm thiểu tác hại gây ra do tệ nạn ma túy đòi hỏi cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp và sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Phòng chống ma túy là cuộc chiến lâu dài, cam go vấp phải nhiều khó khăn, thách thức; Có nhiều biện pháp phòng, chống các tệ nạn liên quan đến ma túy như: tìm hiểu những kiến thức cơ bản về ma túy, tác hại của ma túy và cách phòng chống ma túy để có thể giúp người thân, bạn bè có nhận thức đúng về ma túy...và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone là một trong những biện pháp đã đem lại nhiều hiệu quả cho các tỉnh đã triển khai và trên thực tế tại Quảng Bình triển khai chương trình là nhu cầu cấp thiết, đây chính là một trong những điểm nhấn quan trọng để bảo vệ mọi người giảm thiểu sự đe dọa của hiểm họa ma túy.

III. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);

2. Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy;

3. Luật Dược;

4. Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);

5. Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 khẳng định vai trò của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

6. Nghị định 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

7. Thông tư số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 10 tháng 02 năm 2012 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 09 năm 2010 của Chính phủ về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.

8. Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

9. Thông tư số 12/2012/ TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Phần II

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Góp phần làm giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện và từ nhóm nghiện các chất dạng thuốc phiện ra cộng đồng, cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone thí điểm trên địa bàn thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình.

- Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho khoảng 500 người nghiện các chất dạng thuốc phiện trong một năm.

- Giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng tham gia điều trị.

- Giảm tần suất sử dụng và tiến tới ngừng sử dụng chất dạng thuốc phiện trong nhóm đối tượng tham gia điều trị.

II. ĐỐI TƯỢNG THAM GIA VÀ ĐỊA ĐIỂM TRIỂN KHAI

1. Đối tượng tham gia

Đối tượng tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cần đáp ứng đủ các quy định của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau:

- Là người nghiện các chất dạng thuốc phiện;

- Có nơi cư trú rõ ràng;

- Tự nguyện tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện và cam kết tuân thủ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Đối với người nghiện chất dạng thuốc phiện chưa đủ 16 tuổi, chỉ được điều trị sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó.

- Không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp luật.

2. Địa điểm triển khai

Theo quy định của Bộ Y tế, địa bàn đặt cơ sở điều trị phải đáp ứng các yêu cầu:

a) Là quận, huyện có tình hình lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy cao.

b) Uỷ ban nhân dân quận, huyện cam kết ủng hộ triển khai Chương trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone trên địa bàn.

c) Bố trí được cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai Kế hoạch.

d) Có sự kết nối tốt với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS khác như tư vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT), các phòng khám ngoại trú (OPC)...

đ) Bố trí được cơ sở ở gần bệnh viện (để chuyển bệnh nhân cấp cứu khi có ca sốc thuốc hoặc tai biến).

Sau khảo sát ở 07 huyện/thành phố, đã thống nhất triển khai chương trình thí điểm tại thành phố Đồng Hới.

- Hiện có 883 người nghiện chích ma túy đang được quản lý, cao nhất tỉnh Quảng Bình

III. NGUYÊN TẮC TRIỂN KHAI

1. Người nghiện các chất dạng thuốc phiện được quyền lựa chọn tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện theo quy định tại Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc tự nguyện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo quy định tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 9/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

2. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, trừ các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 21 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

3. Nghiện chất dạng thuốc phiện là một bệnh mạn tính do đó cần được điều trị lâu dài.

4. Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone chỉ được thực hiện trên cơ sở người bệnh tự nguyện tham gia và có cam kết tuân thủ điều trị. Trong cùng một thời điểm, người bệnh chỉ được đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại một cơ sở.

5. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone chỉ được thực hiện tại cơ sở điều trị đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

6. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone phải tuân thủ hướng dẫn chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế và quản lý thuốc Methadone phải được thực hiện theo đúng các quy định của Bộ Y tế.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ

1. Thành lập Cơ sở điều trị Methadone và cơ sở cấp phát thuốc Methadone (Thành lập, giao nhiệm vụ cho Cơ sở điều trị và cấp phát thuốc thí điểm tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS).

Cơ sở điều trị phải đáp ứng đủ các điều kiện chi tiết về cơ sở vật chất, thiết bị, thuốc điều trị thay thế và nhân sự theo quy định tại Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

1.1. Điều kiện hoạt động của cơ sở điều trị thay thế bằng thuốc Methadone:

a. Cơ sở vật chất

- Có nơi tiếp đón, phòng hành chính, phòng cấp phát và bảo quản thuốc, phòng tư vấn, phòng khám bệnh và phòng xét nghiệm. Các phòng trong cơ sở điều trị thay thế phải có diện tích từ 10m2 trở lên;

- Bảo đảm các điều kiện về quản lý chất thải y tế, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật;

- Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

- Các phòng của cơ sở điều trị thay thế bằng thuốc Methadone phải được xây dựng chắc chắn, đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa làm vệ sinh, có cửa ra vào, cửa sổ chắc chắn và có khóa.

- Phòng xét nghiệm phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Tường của khu vực xét nghiệm, bàn xét nghiệm phải bằng phẳng, không thấm nước, chịu được nhiệt và các loại hóa chất ăn mòn;

+ Có bồn rửa tay, vòi rửa mắt khẩn cấp, hộp sơ cứu.

b. Trang thiết bị

- Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với quy mô hoạt động điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện;

- Có thiết bị để khử trùng dụng cụ và bệnh phẩm;

- Có các thiết bị giám sát việc thực hiện điều trị;

- Phòng cấp phát và bảo quản thuốc Methadone: ẩm kế, nhiệt kế đo nhiệt độ phòng, điều hòa nhiệt độ, 02 tủ có khóa trong đó 01 tủ đựng thuốc cấp phát hàng ngày và 01 tủ bảo quản thuốc, dụng cụ cấp phát thuốc Methadone, tủ hoặc giá đựng hồ sơ, sổ sách, phiếu theo dõi điều trị.

- Phòng khám bệnh: nhiệt kế, ống nghe, tủ thuốc cấp cứu (trong đó có thuốc giải độc), máy đo huyết áp, bộ trang thiết bị cấp cứu, cáng cứu thương hoặc xe đẩy, giường khám bệnh và cân đo sức khỏe - chiều cao.

- Phòng xét nghiệm: bộ dụng cụ xét nghiệm nước tiểu và lấy máu, tủ lạnh bảo quản sinh phẩm, bệnh phẩm.

- Nơi lấy nước tiểu của người bệnh: bộ bàn cầu (với đường cấp nước có van đặt ở bên ngoài nơi lấy nước tiểu), vách ngăn dán kính màu một chiều từ bên ngoài để nhân viên cơ sở điều trị quan sát được quá trình tự lấy mẫu nước tiểu của người bệnh.

- Các trang thiết bị khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng phòng.

c. Nhân sự

- Cơ sở điều trị thay thế bằng thuốc Methadone phải có đủ các tiêu chuẩn sau: có cán bộ y tế được phép khám bệnh, chữa bệnh, kê đơn thuốc gây nghiện; có nhân viên y tế hỗ trợ công tác khám bệnh, chữa bệnh, xét nghiệm, tư vấn; có nhân viên bảo quản và cấp phát thuốc Methadone; có nhân viên phụ trách hành chính. Số lượng nhân viên làm việc toàn thời gian phải đạt tỷ lệ từ 75% trở lên trên tổng số nhân viên của cơ sở điều trị.

- Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và người trực tiếp thực hiện việc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện của cơ sở điều trị thay thế bằng thuốc Methadone phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Là bác sỹ có giấy chứng nhận đã qua đào tạo, tập huấn về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được cấp bởi các cơ sở đào tạo được Bộ Y tế giao nhiệm vụ;

+ Là người làm việc toàn thời gian tại cơ sở điều trị thay thế bằng thuốc Methadone.

- Người phụ trách bộ phận dược của cơ sở điều trị thay thế bằng thuốc Methadone có thể là người làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nhưng phải đáp ứng các điều kiện về chuyên môn theo quy định của pháp luật về dược.

- Các nhân viên khác làm việc tại cơ sở điều trị thay thế phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc mà người đó được phân công.

- Số lượng nhân sự công tác tại cơ sở điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cần tuân theo quy định chi tiết tại Điều 5, Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ Y tế, chi tiết như sau:

+ Phòng khám bệnh có ít nhất 03 nhân viên có trình độ trung cấp chuyên ngành y trở lên, trong đó có ít nhất 01 bác sỹ phụ trách chuyên môn kỹ thuật có thời gian làm công tác khám bệnh, chữa bệnh từ 18 tháng trở lên.

+ Phòng cấp phát và bảo quản thuốc có ít nhất 02 nhân viên có trình độ trung cấp chuyên ngành dược hoặc trung cấp chuyên ngành y trở lên, trong đó nhân viên làm nhiệm vụ bảo quản thuốc phải có trình độ từ trung cấp chuyên ngành dược trở lên.

+ Phòng tư vấn có ít nhất 01 nhân viên có trình độ trung cấp chuyên ngành dược hoặc trung cấp chuyên ngành y hoặc trung cấp chuyên ngành xã hội trở lên.

+ Phòng xét nghiệm có ít nhất 01 nhân viên có trình độ trung cấp thuộc một trong các chuyên ngành y, dược, sinh học hoặc hóa học trở lên.

+ Phòng hành chính có ít nhất 01 nhân viên có trình độ trung cấp trở lên.

+ Có ít nhất 02 nhân viên bảo vệ

1.2. Điều kiện hoạt động của cơ sở cấp phát thuốc Methadone

a. Cơ sở vật chất

- Có nơi tiếp đón, phòng cấp phát và bảo quản thuốc. Phòng cấp phát và bảo quản thuốc phải có diện tích từ 15m2 trở lên;

- Bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật;

- Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ người bệnh;

- Các phòng của cơ sở điều trị thay thế bằng thuốc Methadone phải được xây dựng chắc chắn, đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa làm vệ sinh, có cửa ra vào, cửa sổ chắc chắn và có khóa.

b. Trang thiết bị

- Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế để thực hiện việc cấp phát, bảo quản thuốc Methadone;

- Có các dụng cụ chứa rác thải phù hợp với từng loại rác thải;

- Có các thiết bị giám sát việc thực hiện điều trị.

- Phòng cấp phát và bảo quản thuốc Methadone: ẩm kế, nhiệt kế đo nhiệt độ phòng, điều hòa nhiệt độ, 02 tủ có khóa trong đó 01 tủ đựng thuốc cấp phát hàng ngày và 01 tủ bảo quản thuốc, dụng cụ cấp phát thuốc Methadone, tủ hoặc giá đựng hồ sơ, sổ sách, phiếu theo dõi điều trị.

c. Nhân sự

- Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở cấp phát thuốc phải là người làm việc toàn thời gian tại cơ sở cấp phát thuốc và đáp ứng các điều kiện khác về chuyên môn theo quy định của pháp luật về dược;

- Các nhân viên khác làm việc tại cơ sở cấp phát thuốc Methadone phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc mà người đó được phân công.

- Số lượng nhân sự công tác tại cơ sở cấp phát thuốc Methadone cần tuân theo quy định chi tiết tại Khoản 2 và Khoản 6, Điều 5, Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ Y tế, chi tiết như sau:

+ Phòng cấp phát và bảo quản thuốc có ít nhất 02 nhân viên có trình độ trung cấp chuyên ngành dược hoặc trung cấp chuyên ngành y trở lên, trong đó nhân viên làm nhiệm vụ bảo quản thuốc phải có trình độ từ trung cấp chuyên ngành dược trở lên.

+ Có ít nhất 02 nhân viên bảo vệ.

Giao Sở Y tế phối hợp với Sở Nội vụ căn cứ vào các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và tình hình nhân lực thực tế của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS để xây dựng phương án bố trí đủ nhân lực làm việc tại cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc Methadone.

1.3. Chế độ cho cán bộ công tác tại Cơ sở điều trị thay thế bằng thuốc Methadone và cơ sở cấp phát thuốc Methadone

Chế độ, chính sách đối với người làm công tác điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện thuộc các cơ sở điều trị công lập:

a) Công chức, viên chức trực tiếp làm các công việc xét nghiệm, khám và điều trị cho người bệnh tại cơ sở điều trị công lập được hưởng mức phụ cấp bằng 70% mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có;

b) Công chức, viên chức chức làm công tác hành chính, tư vấn, dược và viên chức trực tiếp làm công việc cấp phát thuốc cho người bệnh tại cơ sở điều trị công lập được hưởng mức phụ cấp bằng 30% mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có.

2. Thẩm định, cấp phép hoạt động (cho Cơ sở điều trị và cấp phát thuốc thí điểm tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS)

Sở Y tế tổ chức thực hiện việc thẩm định, cấp phép hoạt động đối với cơ sở điều trị thay thế bằng thuốc Methadone và cơ sở cấp phát thuốc Methadone theo đúng quy định tại Nghị định số 96/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 12/2013/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.

3. Quy trình tiếp nhận điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone

3.1. Thủ tục, hồ sơ đăng ký tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đối với người nghiện chất dạng thuốc phiện đang cư trú tại cộng đồng

- Người nghiện chất dạng thuốc phiện nộp hồ sơ đăng ký điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện cho cơ sở điều trị có trụ sở đặt trên địa bàn nơi người đó đang cư trú.

- Hồ sơ đăng ký điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bao gồm:

+ Đơn đăng ký tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;

+ Bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau: Chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, giấy khai sinh hoặc hộ khẩu.

3.2. Quy trình xét chọn đối tượng tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện đối với người nghiện chất dạng thuốc phiện đang cư trú tại cộng đồng

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đăng ký tham gia điều trị, người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm:

- Tổ chức khám sức khỏe cho người đăng ký tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện;

- Quyết định bằng văn bản việc tiếp nhận trường hợp đủ điều kiện tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Trường hợp không đồng ý tiếp nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Quyết định tiếp nhận trường hợp đủ điều kiện tham gia điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được lập thành 04 bản và gửi tới các cơ quan, cá nhân liên quan sau đây:

- 01 bản gửi Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;

- 01 bản gửi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người được điều trị đang cư trú để theo dõi và hỗ trợ tuân thủ điều trị;

- 01 bản gửi người được tham gia điều trị thay thế hoặc cha, mẹ, người giám hộ hợp pháp của người được điều trị trong trường hợp người đó chưa đủ 16 tuổi;

- 01 bản lưu hồ sơ điều trị của người được điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại cơ sở điều trị thay thế bằng thuốc Methadone.

3.3. Quy trình điều trị:

Người nghiện chất dạng thuốc phiện sau khi có quyết định được tham gia điều trị sẽ tuân thủ đúng quy trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone theo đúng Hướng dẫn điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone do Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 3140/QĐ-BYT ngày 30/8/2010.

4. Quy trình tiếp nhận, bảo quản, phân phối và cấp phát thuốc Methadone (Thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý thuốc Methadone).

V. THEO DÕI VÀ ĐÁNH GIÁ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Chế độ báo cáo

- Hồ sơ bệnh án, sổ theo dõi và các biểu mẫu thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế.

- Chế độ báo cáo: thực hiện báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu theo đúng quy định của Bộ Y tế

2. Kiểm tra, giám sát hoạt động

- Tổ chức giao ban hàng tuần tại cơ sở điều trị.

- Tổ chức giao ban hàng tháng hoặc hàng quý giữa các cơ sở điều trị, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật và lãnh đạo các cấp để báo cáo tiến độ thực hiện và kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai.

- Tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất đến các cơ sở điều trị để tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình theo các mục tiêu và tiến độ đề ra.

VI. KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm:

+ Nguồn ngân sách Trung ương: Sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng, chống ma túy, mại dâm, phòng chống HIV/AIDS để triển khai thực hiện chương trình.

+ Ngân sách địa phương: Chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để đảm bảo kinh phí hoạt động của chương trình.

+ Nguồn kinh phí khác: Tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân để bổ sung cho việc triển khai thực hiện chương trình.

Trên cơ sở các nguồn kinh phí, hàng năm đơn vị phối hợp với Sở Tài chính tham mưu trình UBND tỉnh giao trong dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện Kế hoạch.

Phần III

LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Từ tháng 8/2013 - 12/2013:

- Phê duyệt Kế hoạch.

- Chuẩn bị và tiến hành sửa chữa cơ sở vật chất, chuẩn bị trang thiết bị cho Cơ sở điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động tạo môi trường thuận lợi cho việc triển khai Kế hoạch.

- Tổ chức thăm quan, học tập mô hình tại Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh.

- Thành lập Ban xét chọn người bệnh tuyến thành phố.

- Tuyển chọn cán bộ làm việc tại cơ sở điều trị.

- Tổ chức hội nghị đồng thuận cấp tỉnh và thành phố.

- Tập huấn chuyên môn cho cán bộ và nhân viên.

- Xét chọn chuẩn bị người bệnh tham gia chương trình điều trị Methadone.

2. Từ tháng 1/2014 - 12/2014:

- Triển khai và duy trì hoạt động Cơ sở điều trị Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS có kiểm tra, đánh giá kết quả.

- Họp tổng kết, rút kinh nghiện triển khai năm 2013.

- Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai năm thứ 2.

3. Từ năm 2015: Duy trì hoạt động, đánh giá hiệu quả và xem xét mở rộng thêm cơ sở điều trị.

- Duy trì hoạt động của Cơ sở điều trị Methadone.

- Đánh giá hiệu quả của Kế hoạch so với mục tiêu.

- Đánh giá tổng kết chương trình sau ba năm thực hiện, duy trì và triển khai thực hiện các năm tiếp theo.

- Triển khai thêm các Cơ sở điều trị Methadone ở địa bàn các huyện còn lại khi đủ điều kiện.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, ĐOÀN THỂ CẤP TỈNH

1. Sở Y tế

a. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án triển khai điều trị thay thế tại địa phương theo quy định của pháp luật.

b. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập cơ sở điều trị theo đúng quy định; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư số 12/2013/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế trên địa bàn quản lý.

c. Quản lý việc cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở điều trị tại địa phương; đăng tải công khai các dữ liệu liên quan đến việc cấp, cấp lại, danh sách các cơ sở điều trị đã được cấp, cấp lại, bị đình chỉ hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động trên trang tin điện tử của Sở Y tế.

d. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh xác định rõ trách nhiệm phối hợp trong công tác quản lý hoạt động điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện, xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành và các cơ quan liên quan trong triển khai các hoạt động điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện.

e. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các hoạt động liên quan đến điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện theo quy định.

g. Tổ chức kiểm tra, theo dõi hoạt động của các cơ sở điều trị; tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm liên quan đến việc triển khai hoạt động điều trị thay thế trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

h. Thực hiện chế độ báo cáo việc cấp, cấp lại và thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở điều trị theo quy định của pháp luật.

2. Công an tỉnh

a. Chỉ đạo cơ quan công an huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan thuộc ngành Y tế và Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp triển khai hoạt động điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các địa bàn có cơ sở điều trị.

b. Chỉ đạo các lực lượng liên quan nắm chắc tình hình, phát hiện các trường hợp vi phạm để kịp thời xử lý theo pháp luật hiện hành.

3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

a. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở điều trị thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện việc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện, quản lý người bệnh tại cộng đồng; hỗ trợ đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm để giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng; truyền thông về việc triển khai Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

b. Định kỳ kiểm tra, thanh tra, báo cáo, thống kê việc triển khai thực hiện điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các cơ sở điều trị thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.

4. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Y tế tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hằng năm để thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn các đơn vị sử dụng và thanh quyết toán kinh phí đúng quy định.

5. Sở Kế hoạch đầu tư

Phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ban, ngành liên quan xây dựng dự toán ngân sách, huy động các nguồn đầu tư cho công tác điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

6. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh bố trí đủ cán bộ làm việc tại cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc Methadone.

7. Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc triển khai Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và Kế hoạch của UBND tỉnh.

8. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên:

a. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan trong công tác thông tin, truyền thông, tạo sự đồng thuận của xã hội về việc triển khai Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

b. Tham gia công tác quản lý, hỗ trợ người bệnh tham gia Chương trình và tái hòa nhập cộng đồng.

9. Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh Đoàn, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tỉnh

Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện tốt Kế hoạch.

II. ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN, THÀNH PHỐ

a. Thực hiện quản lý nhà nước về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn.

b. Trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh, UBND thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai cho phù hợp với thực tế tại địa phương.

c. Chỉ đạo các Trung tâm Y tế đóng trên địa bàn, Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội, Công an và các ban, ngành có liên quan xác định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện, xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành và cơ quan liên quan trong triển khai hoạt động điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

d. Tổ chức kiểm tra hoạt động của cơ sở điều trị thay thế bằng thuốc Methadone thuộc thẩm quyền quản lý.

e. Ban Chỉ đạo Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm, AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các huyện, thành phố chịu trách nhiệm giúp UBND huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai Kế hoạch này tại địa phương.

f. Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền về Chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; vận động, giới thiệu người nghiện tham gia điều trị; quản lý, giáo dục và hỗ trợ người nghiện tham gia Chương trình.

g. Chỉ đạo, hướng dẫn các xã phường tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ; tổ chức rà soát phân loại đối tượng nghiện chất dạng thuốc phiện để tham gia Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

III. ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

a. Thông tin, truyền thông tạo môi trường đồng thuận cho việc triển khai Kế hoạch.

b. Xét chọn người nghiện tham gia Chương trình.

c. Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn cho Cơ sở điều trị Methadone.

d. Quản lý, giáo dục và hỗ trợ người nghiện tham gia Chương trình.

e. Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm giúp UBND xã, phường chỉ đạo và tổ chức triển khai các hoạt động của Kế hoạch tại địa phương.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ KHÁC

1. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh

a. Tham mưu cho Sở Y tế xây dựng dự án tổng thể về triển khai điều trị thay thế tại địa phương.

b. Hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật triển khai điều trị thay thế cho các cơ sở điều trị thuộc địa bàn phụ trách theo quy định của pháp luật.

c. Tham gia việc kiểm tra, theo dõi hoạt động của các cơ sở điều trị thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Cơ sở điều trị (Kế hoạch thí điểm tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS)

a. Tổ chức điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo hướng dẫn chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

b. Bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự phù hợp với nhu cầu công việc trong trường hợp cơ sở điều trị thay thế có số lượng người bệnh vượt quá 250 người, cơ sở cấp phát thuốc có số lượng người bệnh vượt quá 100 người.

c. Chịu sự kiểm tra, theo dõi của Sở Y tế và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh./.



1 Methadone được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1939 và được sử dụng là một loại thuốc giảm đau, năm 1941 được sử dụng để điều trị nghiện. Methadone được FDA Hoa Kỳ công nhận vào năm 1947, được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào danh mục thuốc thiết yếu để điều trị nghiện vào năm 2005.