Quyết định 21/2014/QĐ-UBND về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Long An
Số hiệu: 21/2014/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Long An Người ký: Đỗ Hữu Lâm
Ngày ban hành: 17/04/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 21/2014/QĐ-UBND

Long An, ngày 17 tháng 04 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI VÀ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị đinh số 80/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghi định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ Nghị đinh số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 16/2009/TT-BTNMT ngày 07/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

Căn cứ Thông tư số 31/2010/TT-BNNPTNT ngày 24/5/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực Thú y;

Căn cứ Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ lợn;

Căn cứ Thông tư số 61/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ gia cầm;

Căn cứ Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 47/2011/TT-BTNMT ngày 28/12/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 223/TTr-STNMTngày 11/4/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười (10) ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 30/2007/QĐ-UBND ngày 06/7/2007 của UBND tỉnh quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An và Quyết định số 77/2009/QĐ-UBND ngày 15/12/2009 của UBND tỉnh về việc sửa đổi một số điều của Quyết định số 30/2007/QĐ-UBND ngày 06/7/2007 của UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng NC-KT;
- Lưu: VT, STNMT, An,
QD-BVMT-CNUOI-GMO-GSG


TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đỗ Hữu Lâm

 

QUY ĐỊNH

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI VÀ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21//2014/QĐ-UBND ngày 17tháng 4 năm 2014 của UBND tỉnh Long An)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Long An và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở chăn nuôi bao gồm Cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và Cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ:

a) Cơ sở chăn nuôi quy mô lớn là cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô như sau: Từ 500 đầu gia súc trở lên đối với trâu, bò; từ 1.000 đầu gia súc trở lên đối với gia súc khác; từ 20.000 đầu gia cầm trở lên; đối với đà điểu từ 200 con trở lên; đối với chim cút từ 100.000 con trở lên.

b) Cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ là cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô từ 30 đến dưới 500 đầu gia súc đối với trâu, bò; từ 50 đến dưới 1.000 đầu gia súc đối với gia súc khác; từ 100 đến dưới 20.000 đầu gia cầm đối với gà, vịt; từ 30 đến dưới 200 con đối với đà điểu; từ 1.000 đến dưới 100.000 con đối với chim cút.

2. Chăn nuôi nông hộ là hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm có số lượng vật nuôi ít hơn cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ,

Đối với các cơ sở chăn nuôi đồng thời nhiều loại gia súc, gia cầm thì áp dụng quy đổi 01 con trâu, bò bằng 02 con gia súc loại khác; 01 con đà điểu quy đổi bằng 100 con gia cầm hoặc 500 con chim cút; 01 con gia cầm quy đổi bằng 05 con chim cút.

3. Chất thải chăn nuôi, giết mổ là các chất được thải ra trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ bao gồm:

a) Chất thải lỏng gồm nước phân, nước tiểu, nước rửa chuồng trại, nước vệ sinh dụng cụ chăn nuôi, giết mổ; thuốc thú y dạng lỏng, các dung dịch, hóa chất lỏng sử dụng trong chăn nuôi, giết mổ.

b) Chất thải rắn là phân vật nuôi, chất độn chuồng, xác vật nuôi, thức ăn thừa, phủ tạng động vật, da, lông, xương, sừng, móng, vỏ trứng và các vật dụng bị loại bỏ từ hoạt động chăn nuôi, giết mổ.

c) Chất thải khí là khí thải ra từ khu vực chăn nuôi, giết mổ như CO2, NH3, H2S, CH4 và các loại khí gây mùi khác.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi

1. Quy định về vị trí, địa điểm

a) Vị trí xây dựng cơ sở chăn nuôi phải phù hợp với quy hoạch chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt, trường hợp chưa có quy hoạch thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các Sở ngành liên quan và chính quyền địa phương xem xét trên cơ sở tham chiếu các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện đảm bảo trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học (QCVN 01 - 14:2010/BNNPTNT và QCVN 01-15 : 2010/BNNPTNT) và điều kiện cụ thể của địa phương để trình UBND tỉnh quyết định.

b) Địa điểm xây dựng cơ sở chăn nuôi phải có nguồn nước sạch đủ trữ lượng cho hoạt động chăn nuôi, đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định.

2. Quy định về chuồng, trại

a) Phải có đủ diện tích để bố trí nơi chứa chất thải và hệ thống xử lý chất thải. Khu xử lý chất thải phải được bố trí phía cuối, ở địa thế thấp nhất của chuồng, trại chăn nuôi.

b) Phải có hàng rào bao quanh, xây cao tối thiểu 2m, cổng ra vào phải có hố sát trùng, miệng hố sát trùng có độ rộng tối thiểu 3m.

c) Nền chuồng, trại phải đảm bảo không trơn trượt và phải có rãnh thoát nước đối với chuồng sàn, có độ dốc từ 3% - 5% đối với chuồng nền. Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không sử dụng chung với đường thoát nước khác.

d) Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ, bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh.

3. Quy định về xử lý chất thải

a) Các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống, giải pháp xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường trong quá trình chăn nuôi.

b) Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hóa chất hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định pháp luật thú y hiện hành. Nghiêm cấm việc chuyển giao (bán, cho, tặng...) chất thải rắn chưa xử lý cho các cá nhân, đơn vị không có chức năng xử lý. Khi chất thải rắn được đem đi xử lý bên ngoài cơ sở chăn nuôi, giết mổ phải đảm bảo quy định về vận chuyển chất thải hiện hành.

c) Các chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng hệ thống riêng. Chất thải lỏng từ hoạt động chăn nuôi trước khi thải ra môi trường phải được xử lý, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành.

Đối với gia súc, gia cầm mắc bệnh, xác vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch thì phải thực hiện công bố dịch và tiêu hủy theo quy định của Thông tư số 33/2011/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2011 của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện vệ sinh thú y - QCVN 01-41:2011 /BNNPTNT.

4. Đảm bảo chất lượng không khí xung quanh và tiếng ồn theo quy định hiện hành.

Điều 5. Bảo vệ môi trường đối với chăn nuôi nông hộ

1. Không chăn nuôi gia súc, gia cầm trong các khu vực dân cư tập trung.

2. Chuồng nuôi gia súc, gia cầm phải tách biệt với nhà ở; cách xa bệnh viện, trường học, chợ, công sở, trục giao thông chính; không được làm chuồng trên sông, kênh, mương, rạch công cộng.

3. Không thả rong, để gia súc, gia cầm nuôi gây mất vệ sinh môi trường.

4. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm phải đảm bảo vệ sinh, không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Điều 6. Bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm

1. Yêu cầu về vị trí, địa điểm, thiết kế và bố trí của cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm:

a) Vị trí xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải phù hợp với quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

b) Địa điểm xây dựng phải đảm bảo khoảng cách đến trường học, bệnh viện, công sở, cơ sở tôn giáo, chợ, trục đường giao thông chính và khu tập trung dân cư khác tối thiểu 100m; cách xa sông, kênh, rạch là nguồn cung cấp nước sinh hoạt; cách nhà máy sản xuất hóa chất có mùi hôi, hóa chất độc hại, bụi, bãi rác.., ít nhất 500m; phải trong khu vực có nguồn tiếp nhận nước thải sau xử lý.

c) Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải được thiết kế, bố trí phù hợp với quy định hiện hành như: Xây dựng tường rào bao quanh, vị trí hệ thống xử lý nước thải...

2. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm phải thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y và không để lây nhiễm cho gia súc, gia cầm và con người:

a) Các chất thải phát sinh từ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm phải được phân loại, thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và đúng các quy định của Thông tư số 31/2010/TT-BNNPTNT ngày 24/5/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực Thú y. Nghiêm cấm thải trực tiếp chất thải chưa xử lý đạt quy chuẩn quy định ra môi trường xung quanh.

b) Các chất thải phát sinh phải được xử lý trong ngày, trường hợp hệ thống xử lý bị hư hỏng thì được lưu giữ với thời gian không quá 03 ngày, việc lưu giữ đáp ứng các yêu cầu sau:

- Mỗi loại chất thải phải có nơi lưu giữ riêng biệt. Nơi lưu giữ chất thải tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải ở cuối hướng gió chính; cách xa nhà ăn, lối đi công cộng và khu vực sản xuất, nơi lưu giữ gia súc, gia cầm sống; có đường riêng để thuận tiện cho xe chuyên chở chất thải ra vào.

- Khu vực lưu giữ chất thải phải có mái che, có hàng rào cách biệt với các khu vực khác trong cơ sở. Không để súc vật, các loài gậm nhấm xâm nhập khu vực lưu giữ chất thải. Diện tích khu vực lưu giữ chất thải phù hợp với lượng chất thải phát sinh của cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Phải có phương tiện bảo hộ cho nhân viên, có dụng cụ, hóa chất khử mùi, ruồi nhặn, hóa chất khử trùng, vệ sinh, có hệ thống cống thoát nước, tường và nền chống thấm, thông khí tốt.

c) Không giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm bị bệnh hay nghi bệnh. Trong trường hợp phát hiện gia súc, gia cầm, bị bệnh phải kịp thời báo cáo cho cơ quan thú y và tổ chức tiêu hủy theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và tại vị trí do cơ quan thú y quy định.

Điều 7. Quy định về lập hồ sơ môi trường

1. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi quy mô lớn; cơ sở giết mổ gia súc gia cầm có công suất từ 500 gia súc/ngày trở lên; 5.000 gia cầm/ngày trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

a) Nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường lập theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và Phụ lục 2.4, 2.5 ban hành kèm theo Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường lập theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có công suất nhỏ hơn 500 gia súc/ngày; nhỏ hơn 5.000 gia cầm/ngày phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường.

a) Nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường lập theo quy định tại Khoản 1, Điều 30 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ và Phụ lục 5.1, 5.2, 5.3 ban hành kèm theo Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Hồ sơ đăng ký cam kết bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 46 Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Đối với chăn nuôi nông hộ thì thực hiện đăng ký cam kết bảo vệ môi trường với chính quyền địa phương (theo mẫu đính kèm Quy định này).

4. Chủ dự án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm phải trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký cam kết bảo vệ môi trường trước khi đầu tư xây dựng.

Chương 3.

QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC, THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của các Sở, ngành tỉnh

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các chủ trương, giải pháp về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm.

b) Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định, trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm quy định tại khoản 1 Điều 7 của Quy định này.

c) Chủ trì phối hợp với các ngành và địa phương có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật.

d) Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Hướng dẫn các địa phương công bố và triển khai quy hoạch của từng địa phương.

b) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thẩm định, tiếp nhận các dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm của tỉnh.

c) Tổ chức nghiên cứu, triển khai ứng dụng mô hình chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm bền vững và an toàn sinh học theo điều kiện cụ thể của địa phương.

b) Tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong hoạt động chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm.

đ) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật bảo vệ môi trường; phối hợp với các ngành, các cấp để hướng dẫn việc thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi.

e) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành các cấp ở địa phương trong công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án chăn nuôi; hướng dẫn tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và các hoạt động khác.

g) Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm và kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm.

3. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan tập huấn hướng dẫn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh lây nhiễm bệnh qua người và cộng đồng dân cư xung quanh,

4. Công an tỉnh

Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm.

5. Các cơ quan Thông tin truyền thông, Báo, Đài

Phối hợp Sở, ngành liên quan làm tốt công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường; xây dựng các chuyên mục bảo vệ môi trường; phát hiện và nêu gương các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình điển hình tích cực có các mô hình tốt về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm; phản ánh các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm.

6. Các Sở, ngành khác, Mặt trận tổ quốc, Đoàn thể trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao phối hợp với cơ quan chức năng chuyên môn tổ chức thực hiện, tuyên truyền, giám sát việc thực hiện Quy định này.

Điều 9. Trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã

1. Trách nhiệm UBND cấp huyện

a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều chỉnh, bổ sung, công bố quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện. Công bố, công khai quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm tại địa phương.

b) Hướng dẫn các chủ cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và giết mổ gia súc, gia cầm trình tự thủ tục lập, đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường; xem xét, cấp giấy chứng nhận bản cam kết bảo vệ môi trường theo thẩm quyền quy định.

c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và giết mổ gia súc, gia cầm thuộc đối tượng lập, đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và giết mổ gia súc gia cầm thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

đ) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc chấp hành Quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi gia súc và giết mổ gia súc, gia cầm; xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.

2. UBND cấp xã chịu trách nhiệm:

a) Hướng dẫn các hộ chăn nuôi đăng ký Giấy cam kết bảo vệ môi trường trong khu phố, tổ, ấp.

b) Giám sát, kiểm tra xây dựng phát triển cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm tại địa phương.

c) Quản lý các cơ sở chăn nuôi gia súc và giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thuộc vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm.

d) Kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn không cho phép xây dựng các cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm ở các vùng không quy hoạch phát triển chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm tại địa phương;

đ) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường theo Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Thay đổi, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện

1. Trường hợp có phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ảnh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, nghiên cứu và có ý kiến đề xuất trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

2. Đối với các cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc gia cầm đang hoạt động nhưng chưa đáp ứng quy định tại Điều 4 và Điều 6 của Quy định này thì phải khắc phục trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày Quy định này có hiệu lực thi hành./.

 

MẪU ĐĂNG KÝ

(Kèm theo Quyết định số /2014/QĐ-UBND ngày tháng 4 năm 2014 của UBND tỉnh Long An)

UBND HUYỆN………………
XÃ…………………………….
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

 

……………, ngày       tháng       năm

GIẤY ĐĂNG KÝ CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI
(áp dụng cho quy mô chăn nuôi nông hộ)

Kính gửi: UBND xã……………………………………….

Họ và tên chủ hộ:.............................................................................................................

Địa chỉ:...........................................................................................................................

- Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường..................................................................................... ;

- Căn cứ Quyết định số /2014/QĐ-UBND ngày tháng năm của UBND tỉnh Long An quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Long An,

Tôi đăng ký cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi tại gia đình, cụ thể như sau:

A. Hiện trạng:

1. Quy mô nuôi:

- Gia cầm:       vịt………con;      gà………con;      chim cút………con;       loại khác………con.

- Gia súc: heo………con; trâu………con; bò………con; loại khác………con.

2. Vị trí nuôi:

- Phía Nam giáp:..............................................................................................................

- Phía Bắc giáp:...............................................................................................................

- Phía Tây giáp:...............................................................................................................

- Phía Đông giáp:.............................................................................................................

3. Diện tích chuồng nuôi:………...m2, diện tích đất:…………m2. Loại chuồng (kín hay hở):……………………………………………………………………………………………………..

4. Nước thải phát sinh:………………………………..m3/ngày, nguồn tiếp nhận nước thải là:………………………………………………………………………………………………………

5. Phân phát sinh: ………………….……….kg/ngày, biện pháp xử lý/thu gom hiện tại………………………………………………………………………………………………….

B. Cam kết của hộ gia đình, cá nhân:

1. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại, hạn chế tối đa việc phát sinh mùi hôi và ruồi, nhặn bằng các giải pháp như phun xịt chế phẩm khử, không làm ảnh hưởng môi trường xung quanh.

2. Chất thải rắn phát sinh như phân, xác động vật chết phải được xử lý kịp thời, đảm bảo điều kiện thú y và vệ sinh môi trường.

3. Nước thải phát sinh phải được xử lý sơ bộ bằng các biện pháp như lắng, lọc, khử trùng trước khi thoát ra môi trường.

4. Tôi cam kết thực hiện các biện pháp xử lý chất thải phát sinh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh. Tiêm phòng dịch bệnh định kỳ, nếu xảy ra dịch bệnh, tôi sẽ báo cáo ngay cho UBND xã được biết để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Trong quá trình chăn nuôi, nếu để xảy ra việc ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến khu vực và người dân xung quanh, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm và chấp hành các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Giấy đăng ký cam kết này được lập thành 02 bản: UBND xã lưu giữ 01 bản và người đăng ký giữ 01 bản./.

 

XÁC NHẬN CỦA UBND XÃ

NGƯỜI ĐĂNG KÝ
(Ký và ghi rõ họ tên)

 





Thông tư 47/2011/TT-BTNMT quy chuẩn quốc gia về môi trường Ban hành: 28/12/2011 | Cập nhật: 30/12/2011

Nghị định 33/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Thú y Ban hành: 15/03/2005 | Cập nhật: 14/01/2013