Quyết định 20/2014/QĐ-UBND về quy định mức vận động đóng góp, thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Bình Định
Số hiệu: 20/2014/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Lê Hữu Lộc
Ngày ban hành: 31/07/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Quốc phòng, Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2014/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 31 tháng 07 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC VẬN ĐỘNG ĐÓNG GÓP, THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Pháp lệnh Công an xã năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã;

Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;

Căn cứ Nghị quyết số 44/2011/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XI, kỳ họp thứ 3 về việc quy định mức vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Bình Định;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về mức vận động đóng góp, thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh và các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2014 và thay thế Quyết định số 56/2011/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc quy định mức vận động đóng góp, thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hữu Lộc

 

QUY ĐỊNH

MỨC VẬN ĐỘNG ĐÓNG GÓP, THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2014/QĐ-UBND ngày 30 tháng 7 năm 2014 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định việc tổ chức vận động tự nguyện đóng góp, nguyên tắc hoạt động, thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh ở các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) thuộc tỉnh Bình Định.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hộ gia đình cư trú trên địa bàn tỉnh Bình Định.

2. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức có hoạt động sản xuất kinh doanh, các tổ chức khác (trừ các đơn vị quân đội, công an) trên địa bàn tỉnh Bình Định.

3. Tiếp nhận mọi khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nộp vào Quỹ quốc phòng - an ninh.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động

1. Quỹ quốc phòng - an ninh được lập ở cấp xã do cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) và cá nhân hoạt động, cư trú trên địa bàn tự nguyện đóng góp theo quy định, nhằm tạo thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ cho xây dựng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ và hoạt động của Công an xã, tổ chức bảo vệ an ninh trật tự ngay tại địa bàn cấp xã.

2. Quỹ quốc phòng - an ninh tiếp nhận mọi khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ cho xây dựng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ và các hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

3. Việc vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh cho từng đối tượng phải đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, đúng pháp luật ở từng thôn, làng, khu phố, mang lại quyền và lợi ích thiết thực cho nhân dân.

4. Nguồn Quỹ quốc phòng - an ninh được quản lý theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước.

5. Quỹ quốc phòng - an ninh của địa phương không bao gồm kinh phí hàng năm cho việc xây dựng, hoạt động của lực lượng tự vệ ở các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp.

Điều 4. Đối tượng thuộc diện vận động tự nguyện đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh

1. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể, các tổ chức hợp tác xã, các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn cấp xã.

2. Các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, cá nhân và các tổ chức khác.

Điều 5. Đối tượng chưa thuộc diện vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh

1. Đối tượng chưa thuộc diện vận động.

a. Hộ gia đình có người là: cán bộ, chiến sỹ thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang tại ngũ; Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã; Thôn (làng, tổ, khu vực) đội trưởng; cán bộ dân quân từ tiểu đội trưởng và tương đương trở lên; dân quân cơ động, dân quân binh chủng, dân quân biển; Trưởng công an, Phó công an cấp xã và công an viên; lực lượng dân phòng, lực lượng bảo vệ dân phố do cấp xã thành lập;

b. Hộ gia đình có cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa;

c. Hộ gia đình liệt sỹ giữ bằng Tổ quốc ghi công;

d. Hộ gia đình có người được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng lao động”;

đ. Hộ gia đình có người là thương binh, bệnh binh hoặc có người đang hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh;

e. Hộ gia đình có người nhiễm chất độc da cam Dioxin;

g. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo theo quy định của pháp luật;

h. Hộ gia đình đang bị thiệt hại về người, tài sản do thiên tai xảy ra;

i. Hộ gia đình có người già neo đơn;

k. Hộ gia đình có người tàn tật nặng, không có khả năng tự phục vụ đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của Nhà nước.

2. Việc xác định đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều này do chính quyền cấp xã thực hiện mỗi năm một lần và công bố rộng rãi, công khai cho nhân dân biết để kiểm tra, giám sát.

3. Các đối tượng chưa thuộc diện vận động đóng góp nêu trên, nếu có nguyện vọng tham gia đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh đều được khuyến khích và tiếp nhận.

Điều 6. Các hành vi nghiêm cấm

1. Tuyên truyền xuyên tạc làm sai mục đích, ý nghĩa và bản chất của Quỹ quốc phòng - an ninh.

2. Xúi giục công dân, cơ quan, tổ chức không tự nguyện đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh.

3. Cản trở, gây khó khăn cho công dân, cơ quan, tổ chức tự nguyện đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh.

4. Ép buộc công dân, cơ quan, tổ chức đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh dưới mọi hình thức.

5. Gian lận trong thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh không đúng mục đích.

Chương II

MỨC VẬN ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH

Điều 7. Tổ chức thu, nộp và quản lý Quỹ quốc phòng - an ninh

1. Mức vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh.

Mức vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 44/2011/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XI, kỳ họp thứ 3 về việc quy định mức vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh, cụ thể như sau:

a. Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức khác: 50.000 đồng/đơn vị/tháng;

b. Hộ gia đình đang sinh sống trên địa bàn tỉnh (trừ hộ kinh doanh cá thể): 5.000 đồng/hộ/tháng;

c. Hộ kinh doanh cá thể: 10.000 đồng/hộ/tháng;

d. Các Hợp tác xã: 50.000 đồng/đơn vị/tháng;

đ. Các loại hình doanh nghiệp phân theo số lượng công nhân, lao động:

- Dưới 100 công nhân, lao động: 60.000 đồng/đơn vị/tháng;

- Từ 100 đến dưới 500 công nhân, lao động: 200.000 đồng/đơn vị/tháng;

- Từ 500 đến dưới 1.000 công nhân, lao động: 300.000 đồng/đơn vị/tháng;

- Từ 1.000 công nhân, lao động trở lên: 400.000 đồng/đơn vị/tháng.

2. Tổ chức thu, nộp và quản lý Quỹ quốc phòng - an ninh.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thu. Tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định việc thu Quỹ quốc phòng - an ninh theo hình thức thu một hoặc nhiều lần trong năm. Các đơn vị thu phải sử dụng biên lai thu do Sở Tài chính thống nhất phát hành để ghi thu tiền đóng góp của nhân dân và các tổ chức.

Toàn bộ số thu từ Quỹ quốc phòng - an ninh phải nộp vào tài khoản tiền gửi mở tại Kho bạc Nhà nước địa phương để chi cho các hoạt động phục vụ cho công tác quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Hàng tháng, các đơn vị thu Quỹ quốc phòng - an ninh phải quyết toán biên lai thu với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thị xã, thành phố theo đúng quy định. Cơ quan Tài chính có trách nhiệm kiểm tra việc thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh theo đúng chế độ quy định hiện hành.

Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã lập dự toán thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Việc thu, nộp, sử dụng và quyết toán Quỹ quốc phòng - an ninh phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước.

Điều 8. Mức chi Quỹ quốc phòng - an ninh

1. Trích 8% trên tổng số thực thu Quỹ quốc phòng - an ninh (không kể khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân không cư trú trên địa bàn cấp xã và số dư Quỹ quốc phòng - an ninh năm trước chuyển sang) để chi trả thù lao cho người trực tiếp làm công tác vận động, đi thu đối với cấp xã.

2. Trích 2% chi cho công tác quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã bao gồm: Chi phí chỉ đạo công tác thu và chi phí hành chính khác.

3. Lực lượng trực tiếp tham gia tuần tra, canh gác, trực sẵn sàng chiến đấu được chi mức bồi dưỡng từ 30.000 đến 60.000 đồng/người/ngày, đêm.

4. Lực lượng trực tiếp tham gia truy quét, vây bắt tội phạm được chi mức bồi dưỡng từ 40.000 đến 80.000 đồng/người/ngày, đêm.

5. Lực lượng huy động trực tiếp làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, huấn luyện được chi mức bồi dưỡng từ 30.000 đến 60.000 đồng/người/ngày đêm.

6. Chi khen thưởng thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

7. Chi hỗ trợ cho công tác tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn về chuyên môn được tổ chức theo kế hoạch và được cơ quan Quân sự, Công an cấp trên phê duyệt, thực hiện chi theo chế độ hiện hành (tập trung cho công tác tập huấn nghiệp vụ về quốc phòng - an ninh tại cấp xã).

8. Chi mua sắm công cụ hỗ trợ, vật chất; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị cần thiết phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ở cấp xã.

9. Chi hỗ trợ tiền thuốc trị bệnh cho lực lượng trong khi tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và huấn luyện tại cấp xã.

10. Quỹ Quốc phòng - an ninh cùng với nguồn ngân sách và các nguồn thu hợp pháp khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định chi theo nội dung chi quy định tại Điều này.

11. Tồn Quỹ quốc phòng - an ninh cuối năm được lưu chuyển sang năm sau.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.

a. Có trách nhiệm tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động các đối tượng đóng góp Quỹ Quốc phòng - an ninh theo đúng quy định; thực hiện công khai minh bạch việc thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh theo quy định của pháp luật;

b. Quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành;

c. Định kỳ hàng quý, 6 tháng và 1 năm báo cáo kết quả thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh về Ủy ban nhân dân cấp huyện (qua Phòng Tài chính - Kế hoạch) vào ngày 20 tháng cuối quý, ngày 15/6 và 15/12 hàng năm.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai, kiểm tra việc quản lý thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; định kỳ hàng quý, 6 tháng và 1 năm tổng hợp, báo cáo kết quả việc quản lý thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài chính) vào ngày 25 tháng cuối quý, ngày 20/6 và 20/12 hàng năm.

3. Sở Tài chính

Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh của các địa phương, cơ sở.

4. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

Có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc vận động đóng góp, thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo, phản ảnh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) để xem xét và chỉ đạo giải quyết kịp thời./.

 

 





Nghị định 58/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dân quân tự vệ Ban hành: 01/06/2010 | Cập nhật: 04/06/2010

Nghị định 73/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Công an xã Ban hành: 07/09/2009 | Cập nhật: 10/09/2009