Quyết định 1952/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Số hiệu: 1952/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang Người ký: Lại Thanh Sơn
Ngày ban hành: 29/10/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1952/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 29 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG TAXI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND số 11/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 05/2012/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 308/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 136/TTr-SGTVT ngày 25 tháng 9 năm 2015 và Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 323a/TTr-SKHĐT ngày 29 tháng 9 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

Phát triển mạng lưới vận tải hành khách bằng taxi phù hợp, thống nhất với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải, quy hoạch phát triển xe buýt, định hướng phát triển không gian đô thị tỉnh Bắc Giang.

Phát triển lực lượng vận tải hành khách bằng xe taxi (doanh nghiệp, hợp tác xã) phù hợp và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn tỉnh với độ tin cậy cao, chất lượng phục vụ tốt.

Từng bước hiện đại hóa phương tiện taxi, tiếp cận dần với phương tiện vận tải có chất lượng cao, thân thiện với môi trường, hạn chế ảnh hưởng của hoạt động phương tiện tới môi trường đô thị.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát: Từng bước tổ chức nâng cao chất lượng vận tải hành khách nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi; dành quỹ đất và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tĩnh, nhất là hệ thống các điểm dừng đỗ xe taxi đồng bộ và hoàn chỉnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

2.2. Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đô thị đảm bảo vận chuyển được khoảng 40% nhu cầu; vận tải hành khách bằng taxi đảm nhận khoảng 8% thị phần so với tổng nhu cầu vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

3. Nội dung Quy hoạch

3.1. Quy hoạch phát triển đến năm 2020

a) Quy hoạch lực lượng, phương tiện taxi:

- Đến năm 2020 số lượng phương tiện taxi đạt khoảng từ 1.429 - 1.453 xe, trong đó số lượng phương tiện taxi trên địa bàn thành phố Bắc Giang đạt khoảng 1030-1050 xe.

- Định hướng sử dụng nhiên liệu: đối với các doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải khách bằng taxi, nghiên cứu định hướng đến năm 2030 khuyến khích sử dụng các phương tiện sử dụng năng lượng điện và nhiên liệu sạch (CNG, LPG, LNG) trong cơ cấu đoàn xe hoạt động; để đảm bảo cung cấp nhiên liệu sạch, giai đoạn đến năm 2030 nghiên cứu lắp đặt các trạm nạp nhiên liệu sạch (CNG, LPG, LNG) ở vị trí thuận lợi cho vận hành xe taxi (đặc biệt nghiên cứu đối với phạm vi thành phố Bắc Giang).

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi nghiên cứu sử dụng phương tiện hỗ trợ cho người khuyết tật trong từng thời kỳ cho phù hợp. Những phương tiện taxi này ngoài màu sơn chung, cần được sơn thêm màu đặc biệt dễ quan sát để giúp phân biệt với taxi thường.

- Nghiên cứu loại hình xe taxi lắp đặt khoang bảo vệ cho tài xế, ngăn cách giữa hàng ghế trên và hàng ghế dưới vào thời điểm thích hợp.

- Phương tiện kinh doanh vận tải bằng taxi phải có gắn đồng hồ tính cước tự in hóa đơn, hóa đơn phải tuân thủ theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước, đồng thời phải có gắn thiết bị giám sát hành trình (GPS).

- Nghiên cứu quy định niên hạn phương tiện hoạt động vận tải taxi giới hạn theo số năm hoặc số km xe chạy, đặc biệt đối với các phương tiện taxi hoạt động trong khu vực thành phố Bắc Giang; thực hiện đúng các quy định về màu sơn, logo, hộp đèn, niêm yết giá của phương tiện taxi theo quy định hiện hành.

b) Định hướng phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi:

Các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi có trụ sở đóng tại thành phố Bắc Giang phải có tối thiểu 20 xe, tại các huyện phải có tối thiểu 15 xe; có tối thiểu 02 hãng taxi tại các huyện và tối thiểu 05 hãng tại thành phố Bắc Giang; đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khoảng từ 26 đến 29 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.

c) Quy hoạch hệ thống điểm đỗ taxi:

Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 182 điểm đỗ taxi, cụ thể như sau:

- Thành phố Bắc Giang: 56 điểm.

- Huyện Hiệp Hòa: 16 điểm.

- Huyện Lục Nam: 11 điểm.

- Huyện Yên Thế: 18 điểm.

- Huyện Tân Yên: 15 điểm.

- Huyện Việt Yên: 31 điểm.

- Huyện Lục Ngạn: 13 điểm.

- Huyện Yên Dũng: 5 điểm.

- Huyện Sơn Động: 13 điểm.

- Huyện Lạng Giang: 4 điểm.

Các điểm đỗ phải đảm bảo tiện lợi cho hành khách, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và các yêu cầu về môi trường. Trên cơ sở các điểm đỗ được phê duyệt, căn cứ nhu cầu phát triển vận tải hành khách bằng taxi tại địa phương, các huyện, thành phố ra quyết định công bố các điểm đỗ, điểm đón, trả khách sau khi khảo sát, cắm biển, kẻ vẽ vạch sơn đầy đủ theo quy định.

Đối với điểm đỗ của các doanh nghiệp: các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng taxi chủ động tự bố trí các điểm đỗ bằng cách mua, thuê mặt bằng phù hợp với phương án, kế hoạch kinh doanh vận tải của đơn vị. Các điểm đỗ của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng taxi phải đáp ứng đủ các điều kiện và yêu cầu về báo hiệu, diện tích, an toàn, môi trường, sự thuận tiện cho hoạt động của phương tiện và phải được các huyện, thành phố ra quyết định công bố.

3.2. Định hướng phát triển đến năm 2030

Tiếp tục phát triển hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi đảm bảo phù hợp với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải, định hướng phát triển đô thị của tỉnh; phù hợp với định hướng phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh; đảm bảo tính hợp lý và đầy đủ về cơ cấu phương tiện đi lại trong đô thị giữa các loại hình bằng taxi, xe buýt công cộng kết hợp với vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh tạo thành hệ thống vận tải thống nhất, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho các thành phần kinh tế tham gia; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi; nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, kinh doanh có hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định của phát luật. Một số định hướng phát triển cụ thể như sau:

- Số lượng phương tiện taxi trên toàn tỉnh đạt khoảng từ 2000-2.500 xe.

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi thực hiện sử dụng các phương tiện sử dụng năng lượng điện hoặc nhiên liệu sạch (CNG, LPG, LNG) trong cơ cấu đoàn xe hoạt động; nghiên cứu lắp đặt các trạm cấp nhiên liệu sạch (CNG, LPG, LNG) ở các vị trí thuận lợi (trung tâm huyện, thành phố) để đảm bảo vận hành các xe taxi được thuận lợi.

- Thực hiện màu sơn xe taxi thống nhất cho từng khu vực hoạt động (trung tâm thành phố, ngoại thành thành phố và khu vực trung tâm các huyện). Các phương tiện taxi chỉ được chờ đón khách tại các khu vực đã đăng ký.

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật.

3.3. Nhu cầu sử dụng đất

Nhu cầu sử dụng đất để xây dựng các bãi đỗ xe taxi đến năm 2020 là 45.003m2.

3.4. Nhu cầu vốn đầu tư và nguồn vốn đầu tư:

Nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2020 là 679,574 tỷ đồng, trong đó: vốn đầu tư phương tiện là 319,550 tỷ đồng; vốn đầu tư bãi đỗ xe là 360,024 tỷ đồng. 100% nguồn vốn đầu tư là vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.

4. Các giải pháp thực hiện Quy hoạch

Có 5 nhóm giải pháp chính được đưa để quản lý và thực hiện Quy hoạch gồm:

- Giải pháp về hệ thống thể chế quản lý;

- Giải pháp về chính sách quản lý phát triển;

- Chính sách và giải pháp hỗ trợ thực hiện;

- Giải pháp quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông;

- Giải pháp về quản lý chất lượng hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi.

(Có Báo cáo Quy hoạch kèm theo)

Điều 2. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức công bố, công khai quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch đảm bảo tuân thủ các quy định của Nhà nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính, Sở Giao thông vận tải, Kho bạc Nhà nước tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lại Thanh Sơn