Quyết định 1904/QĐ-UBND năm 2020 về "Kế hoạch tái đàn lợn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi sau dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2025"
Số hiệu: 1904/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Văn Phương
Ngày ban hành: 29/07/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1904/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 29 tháng 7 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “KẾ HOẠCH TÁI ĐÀN LỢN GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU CHĂN NUÔI SAU DỊCH BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2020-2025”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018;

Căn cứ Hướng dẫn số 4249/HD-BNN-TY ngày 18/6/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm soát vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi;

Căn cứ Công văn số 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi;

Căn cứ Công văn số 13/BCĐDTLCP ngày 19/12/2019 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi về tái đàn trong chăn nuôi lợn;

Căn cứ Kế hoạch số 871/KH-BNN-CN ngày 06/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, lĩnh vực chăn nuôi;

Căn cứ Công văn số 1964/BNN-TY ngày 18/3/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học;

Căn cứ Công văn số 1965/BNN-TY ngày 18/3/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch tái đàn lợn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi sau dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2025”.

Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng ỤBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Chăn nuôi;
- Cục Thú y;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
- VP: LĐ và các CV: KH, TH, TC, YT, CT;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH


Nguyễn Văn Phương

 

KẾ HOẠCH

TÁI ĐÀN LỢN GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU CHĂN NUÔI SAU DỊCH BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2020-2025
(Kèm theo Quyết định số 1904/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Thống kê những năm gần đây, toàn tỉnh có khoảng 100.000 hộ chăn nuôi. Trong đó, có khoảng 22.000 hộ chăn nuôi lợn với số lượng chiếm từ 70-75% tổng đàn. Chăn nuôi nông hộ thường theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ xen lẫn trong khu dân cư là chủ yếu. Do đó, gặp khó khăn trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y, dịch vụ hỗ trợ và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời dễ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (sau đây viết tắt là bệnh DTLCP) đã xảy ra tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại Thừa Thiên Huế bệnh DTLCP đã xảy ra tại 124 xã, phường, thị trấn (viết tắt là cấp xã) thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố Huế (viết tắt là cấp huyện); gần 13.330 hộ có lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy gần 75.550 con với tổng trọng lượng tiêu hủy gần 4.600 tấn đã làm giảm đáng kể tổng đàn lợn trong tỉnh; ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của người chăn nuôi; làm mất cân đối cung - cầu sản phẩm thịt lợn, đẩy giá tăng cao, ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân.

Nhờ chủ động, kịp thời chỉ đạo trong công tác phòng, chống và nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương nên đến nay, dịch bệnh trong tỉnh đã được khống chế và cần có chủ trương hỗ trợ tái đàn, tăng đàn lợn kịp thời nhằm tăng nguồn cung cấp sản phẩm để bình ổn giá thịt lợn, cơ bản phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, khôi phục công ăn việc làm cho người dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo theo tinh thần Công văn số 2260/UBND-NN ngày 21/3/2020 của UBND tỉnh để tổ chức hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm ATSH, giảm thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra; hạn chế ô nhiễm môi trường; tiến tới chấm dứt tình trạng chăn nuôi trong khu vực dân cư, bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Tái đàn lợn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi sau dịch bệnh DTLCP giai đoạn 2020-2025, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Kiểm soát dịch bệnh DTLCP, thực hiện tái đàn lợn góp phần ổn định sản xuất, bình ổn giá thịt lợn, cơ bản cung cấp đủ thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

- Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi - thú y và biện pháp chăn nuôi ATSH, chăn nuôi theo hướng hữu cơ cho các đối tượng liên quan để áp dụng triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

- Tái đàn, tăng đàn phải gắn với tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn; tổ chức lại sản xuất, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại; thực hiện chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, ATSH, liên kết theo chuỗi giá trị, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra; tiến tới chấm dứt tình trạng chăn nuôi trong khu vực dân cư, bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Từ năm 2020, giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng dần số cơ sở chăn nuôi tập trung trang trại (đạt quy mô theo Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi và Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí kinh tế trang trại).

- Từng bước phục hồi tổng đàn lợn trong tỉnh. Đến năm 2025 tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt trên 207.000 con và phát triển nâng dần tổng đàn để cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh (chi tiết tại Phụ lục I kèm theo).

- Đến năm 2025, có ít nhất 50% tổng đàn lợn trong tỉnh chăn nuôi theo quy mô trang trại, đảm bảo các yêu cầu về ATSH và quy định về bảo vệ môi trường; có trên 80% hộ, cơ sở chăn nuôi nằm ngoài khu vực dân cư theo quy định.

II. NỘI DUNG TÁI ĐÀN LỢN GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU CHĂN NUÔI

1. Nguyên tắc tái đàn

Tái đàn, tăng đàn lợn với nguyên tắc đảm bảo áp dụng được các biện pháp ATSH theo hướng dẫn tại Công văn số 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019, Công văn số 4249/HD-BNN-TY ngày 18/6/2019 và Công văn số 13/BCĐDTLCP ngày 19/12/2019 và chủ động được thị trường đầu vào, đầu ra theo quy luật cung - cầu.

Tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn phải có đủ quỹ đất, nguồn lực; phải khai báo và chịu sự quản lý, hướng dẫn của ngành chuyên môn trong việc tái đàn gắn với tái cơ cấu sản xuất; tuân thủ quy định về vệ sinh môi trường. Các cơ sở chăn nuôi chưa bảo đảm các điều kiện để áp dụng biện pháp ATSH và xử lý chất thải để bảo vệ môi trường thì không được tái đàn.

2. Điều kiện tái đàn lợn

Các cơ sở tái đàn cần đáp ứng cơ bản các nội dung quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-14:2010/BNNPTNT Điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học ban hành theo Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/01/2010 và các văn bản hướng dẫn khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó:

a) Vị trí, địa điểm

- Vị trí xây dựng trại chăn nuôi phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương hoặc được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Khoảng cách từ trại chăn nuôi đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt đúng theo quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.

b) Yêu cầu về chuồng trại

- Chuồng trại phải cách biệt với nơi ở; đảm bảo thông thoáng và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

- Trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào trại.

- Cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi phải có hố khử trùng. Các thiết bị, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh tẩy rữa.

- Nên bố trí thêm chuồng nuôi cách ly lợn mới mua về trước khi cho nhập đàn hoặc đưa vào khu vực chăn nuôi.

c) Yêu cầu về con giống

Con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có đầy đủ giấy kiểm dịch (nếu nhập từ ngoại tỉnh). Trước khi nhập đàn, phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành.

d) Thức ăn, nước uống

- Thức ăn sử dụng cho chăn nuôi phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn và khẩu phần ăn của các loại vật nuôi.

- Không sử dụng thức ăn thừa trong máng ăn của đàn vật nuôi đã xuất chuồng, thức ăn của đàn vật nuôi đã bị dịch cho đàn vật nuôi mới.

- Nước dùng cho vật nuôi uống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

đ) Vệ sinh thú y

- Thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo quy định. Trong trường hợp trại có dịch, phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về chống dịch. Các cơ sở chăn nuôi tập trung, trang trại phải có quỹ đất dự phòng để tiêu hủy trong trường hợp lợn chết do dịch bệnh xảy ra.

- Định kỳ vệ sinh và phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi; phải thực hiện sát trùng phương tiện trước và sau khi vận chuyển. Chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào trại, khu chăn nuôi và chuồng nuôi phải bổ sung hoặc thay thường xuyên.

- Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh trong khu chăn nuôi ít nhất 1 lần/tháng.

e) Xử lý chất thải và bảo vệ môi trường

- Các trại chăn nuôi bắt buộc phải có Đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định.

- Các cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải: Chất thải rắn phải được thu gom, trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch bệnh; nước thải sau khi xử lý, thải ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn; không để chất thải gây ô nhiễm môi trường.

3. Bố trí lại khu vực chăn nuôi

Cấp huyện chủ động bố trí lại khu vực chăn nuôi theo Kế hoạch sử dụng đất ở địa phương để từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại theo hướng hữu cơ, ATSH; chuyển dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao đến nơi có mật độ dân số thấp; hình thành các vùng chăn nuôi xa khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư,...; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.

4. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra

- Khuyến cáo những cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo chăn nuôi ATSH thì không nên nuôi tái đàn lợn. Các cơ sở cố tình tái đàn mà không khai báo với chính quyền và cơ quan thú y để được theo dõi, quản lý thì sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

- Kiểm tra việc xuất, nhập, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn và sản phẩm thịt lợn vào địa bàn tỉnh. Hướng dẫn cho người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi ATSH, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

- Kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm các quy định về chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, xã thải,... theo Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và Luật Bảo vệ môi trường.

5. Xây dựng, triển khai thực hiện các Đề án

Cấp huyện nghiên cứu lập đề án chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, ATSH gắn với tái cơ cấu ngành chăn nuôi giai đoạn 2020-2025, hoàn thành trong Quý II năm 2020. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan thẩm định báo cáo UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

Định kỳ 6 tháng, hàng năm, 5 năm các huyện tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện công tác triển khai thực hiện Đề án, rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thực hiện cho thời gian tiếp theo.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, hối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn, thẩm định, kiểm tra công tác tái đàn lợn của các địa phương; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất UBND tỉnh biện pháp giải quyết; hằng năm triển khai công tác tập huấn, tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và biện pháp chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi ATSH đến các đối tượng có liên quan; tiến hành tổ chức sơ kết, tổng kết 6 tháng, hàng năm, 5 năm về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch tái đàn lợn của tỉnh, đánh giá kết quả thực hiện, rút khinh nghiệm, đề xuất giải pháp thực hiện cho thời gian tiếp theo báo cáo UBND tỉnh.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về con giống

- Khuyến khích các cơ sở đầu tư tự sản xuất con giống tại chỗ để nuôi theo chuỗi khép kín. Cấp huyện rà soát, cân đối nhu cầu lợn giống để hỗ trợ hình thành thêm các trang trại nuôi lợn đực giống, lợn nái lai, nái ngoại đủ cung cấp con giống cho người chăn nuôi. Các địa phương có cơ sở nuôi lợn đực giống để sản xuất tinh trước đây đã ngừng nuôi do ảnh hưởng của dịch bệnh, cần khuyến khích để chủ cơ sở đầu tư cải tạo, nâng cấp chuồng trại, cơ sở vật chất, mua lại lợn đực giống,... nhằm khôi phục sản xuất tinh lợn cung cấp cho thị trường.

- Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi chọn mua con giống rõ nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất giống có uy tín, có chất lượng.

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện giám sát dịch tễ định kỳ; thường xuyên kiểm tra, giám định, bình tuyển lợn đực giống tại các cơ sở nhằm loại thải lợn đực giống không đảm bảo, chỉ sử dụng lợn đực giống đạt tiêu chuẩn để khai thác, cung cấp tinh có chất lượng cho người chăn nuôi.

2. Giải pháp về đất đai, tổ chức sản xuất

Cấp huyện rà soát lại quỹ đất của địa phương và xác định quy hoạch nhằm chủ động kêu gọi đầu tư (vùng đất đã quy hoạch cho chăn nuôi tập trung, trang trại nhưng chưa sử dụng, đất xa khu vực dân cư, đất hoang hóa hoặc đất chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng trọt hiệu quả thấp, đất rừng trồng kinh tế,...).

Khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, Hội, Hiệp hội,... liên kết sản xuất và tiêu thụ, kết nối cung cầu giữa các công ty, doanh nghiệp với các hộ chăn nuôi nhằm tiết kiệm được chi phí đầu vào để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá đầu ra, từ đó nâng cao lợi nhuận sản xuất.

3. Giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ, gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi

- Tiếp tục tạo điều kiện, mở rộng các mô hình chăn nuôi lợn có liên kết với Doanh nghiệp như: Tập đoàn Quế Lâm, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Mavin,... theo hướng chủ cơ sở đầu tư đất đai, chuồng trại, hạ tầng (đường, điện, nước,...) các Doanh nghiệp cung cấp con giống, trang thiết bị, kỹ thuật khoa học công nghệ về chăn nuôi, thú y, thức ăn chăn nuôi và bao tiêu thu mua, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để giúp người chăn nuôi ổn định được lợi nhuận và ít chịu ảnh hưởng của biến động thị trường.

- Kêu gọi, hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp nghiên cứu thực hiện đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chăn nuôi theo quy mô trang trại vừa và lớn, có ứng dụng công nghệ cao.

- Kêu gọi, hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư vào các lĩnh vực giết mổ, chế biến gắn liên kết sản xuất vói tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

4. Giải pháp vè giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

- Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ nâng cấp các cơ sở giết mổ tập trung trong tỉnh đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nhằm cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

- Kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở giết mổ tập trung với quy mô lớn (giết mổ trên 200 con gia súc hoặc trên 1.000 gia cầm hoặc trên 100 con gia súc và 500 con gia cầm/ngày đêm) đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung.

5. Giải pháp về chính sách

- Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển chăn nuôi hiện hành trên địa bàn tỉnh. Trong đó lưu ý một số chính sách được quy định tại các văn bản như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/01/2019 của Bộ Tài chính Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính; Quyết định số 32/QĐ-UBNĐ ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh về ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020;...

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương đề xuất UBND tỉnh ban hành bổ sung các chính sách để hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững, đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn tiếp theo.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí để thực hiện Kế hoạch (ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện, vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn vay Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, vốn của các chủ đầu tư,...). Trong đó khái toán như sau:

1. Kinh phí hỗ trợ các Đề án tái đàn lợn do cấp huyện xây dựng (theo chỉ đạo, hướng dẫn tại Công văn số 2062/UBND-NN ngày 16/3/2020 của UBND tỉnh về việc thực hiện đề án chăn nuôi lợn hữu cơ, ATSH trên địa bàn tỉnh và Công văn số 600/SNNPTNT-CCCNTY ngày 10/4/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng đề án tái chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Khái toán sơ bộ:

- Ước tổng kinh phí các Đề án cấp huyện thực hiện 5 năm là: Khoảng 210 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp, người chăn nuôi đầu tư 148 tỷ đồng (chiếm 70%) và kinh phí ngân sách hỗ trợ 62 tỷ đồng (chiếm 30%), trong đó:

+ Ngân sách từ Trung ương và của tỉnh hỗ trợ: 43,4 tỷ đồng (70%).

+ Ngân sách cấp huyện hỗ trợ: 18,6 tỷ đồng (30%).

- Phân kỳ hỗ trợ đầu tư: Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tập trung vào giai đoạn 2021-2023 để kích thích đẩy nhanh tái đàn, tăng đàn lợn (chiếm 80% tổng kinh phí hỗ trợ. Trong đó: Các năm 2021 và 2022 mỗi năm hỗ trợ 30%, năm 2023 hỗ trợ 20%). Từ 2024-2025 mỗi năm hỗ trợ 10% để thực hiện công tác vận động, khuyến khích mở rộng quy mô, tăng đàn theo hướng hữu cơ, ATSH,...; sơ kết, tổng kết Đề án... (Chi tiết tại các Phụ lục II và III kèm theo).

2. Hỗ trợ kinh phí cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, biện pháp kỹ thuật về chăn nuôi theo hướng hữu cơ, ATSH cho cán bộ kỹ thuật cấp huyện, cấp xã, chủ các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi; kiểm tra việc tái đàn theo quy định; tổ chức các Hội nghị sơ kết, tổng kết về triển khai, thực hiện Kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh. Giao Sở Tài chính xem xét và đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí hàng năm cho hoạt động này.

Khái toán kinh phí hoạt động 5 năm là: 552.300.000 đồng

Trong đó: Năm 2020, kinh phí cho Hội nghị triển khai: 2.300.000 đồng.

Năm 2021-2025, kinh phí hoạt động mỗi năm: 110.000.000 đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục IV kèm theo)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Hướng dẫn các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn lợn, tăng đàn lợn ATSH.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc cấp huyện xây dựng Đề án chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, ATSH; nghiên cứu, thẩm định các đề án, trong đó lưu ý đề xuất hỗ trợ theo đúng các quy định, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc phối hợp chặt chẽ vói các ngành, đơn vị có liên quan, UBND cấp huyện triển khai có hiệu quả các giải pháp tái đàn lợn, giúp người chăn nuôi sớm ổn định, phát triển sản xuất.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện:

+ Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, chủ động kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

+ Chủ động tổ chức phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi - thú y, tập huấn việc áp dụng các biện pháp ATSH trong chăn nuôi lợn cho người chăn nuôi để hỗ trợ cho quá trình tái đàn lợn.

+ Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện quản lý tốt công tác giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đúng quy định hiện hành.

2. Các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh

- Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch (ngân sách Trung ương, tỉnh, cấp huyện; vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vốn vay Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh;...).

- Căn cứ tình hình thực tế, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí bổ sung phù hợp kinh phí hằng năm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để lồng ghép, phối hợp sử dụng tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hội nghị sơ tổng kết.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện các điều kiện bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất chăn nuôi và xử lý vi phạm theo đúng quy định.

4. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường

- Sở Công thương dự báo nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm động vật, đặc biệt là sản phẩm thịt lợn trên địa bàn; tổ chức kết nối cung cầu để giúp người chăn nuôi có thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn.

- Đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc trên thị trường.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ, nhất là thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở về các biện pháp chăn nuôi ATSH, tái đàn lợn, tăng đàn lợn; tránh tình trạng găm hàng, đẩy giá tăng cao quá mức; bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối, cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng; tránh trường hợp tái đàn ồ ạt, mất kiểm soát dễ làm phát sinh dịch bệnh và gây ra tình trạng cung vượt cầu.

6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại vì dịch bệnh DTLCP được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn lợn, mở rộng mô hình chăn nuôi lợn hướng hữu cơ, ATSH theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Công văn số 1901/NHNN-TD ngày 21/3/2019 và Công văn số 4666/NHNN-TD ngày 19/6/2019 về việc hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh DTLCP.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế

- Nghiên cứu lập Đề án chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, ATSH, trình UBND tỉnh phê duyệt trong Quý III năm 2020; tổ chức lựa chọn thí điểm thực hiện theo 2 mô hình: (i) mô hình chăn nuôi tập trung; (ii) mô hình chăn nuôi hộ gia đình; trong đó ưu tiên thực hiện đối với các trường hợp đã có đủ điều kiện để thực hiện (đất đai, nguồn lực,...); nghiên cứu thành lập các Hợp tác xã để thực hiện đối với mô hình chăn nuôi tập trung.

- Tích cực rà soát lại quỹ đất của địa phương để quy hoạch, bố trí khu vực chăn nuôi tập trung; sử dụng một phần từ nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư Cơ sở hạ tầng khu chăn nuôi tập trung nhằm hỗ trợ người dân từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư.

- Chủ động nghiên cứu triển khai thực hiện liên kết trong sản xuất từ khâu con giống, thức ăn, thu mua, giết mổ, xây dựng thương hiệu; nghiên cứu áp dụng các mô hình liên kết sản xuất hiện có của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Cổ phần tập đoàn Quế Lâm,... trong quá trình thực hiện.

- Hướng dẫn các cơ sở sản xuất lợn giống tại địa phương tăng cường việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi để thực hiện việc tái đàn, tăng đàn lợn.

- Chủ động tổ chức thực hiện Kế hoạch, Đề án tái đàn tại địa phương. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt công tác thống kê tổng đàn, theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời báo cáo khi phát hiện dấu hiệu dịch bệnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để có giải pháp xử lý kịp thời, đúng quy định; tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về việc tái đàn phải gắn với chăn nuôi ATSH, không tái đàn ồ ạt, mất kiểm soát, dễ làm phát sinh dịch bệnh.

- Theo dõi quá trình thực hiện tái đàn lợn trên địa bàn quản lý, báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu UBND tỉnh giải quyết kịp thời.

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tổ chức thẩm định, chọn các hộ chăn nuôi đủ điều kiện để tái đàn và xúc tiến hỗ trợ các chính sách phát triển chăn nuôi của Trung ương, của tỉnh và của địa phương.

- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh theo Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và Luật Bảo vệ môi trường.

- Chỉ đạo UBND cấp xã giám sát chặt chẽ việc tái đàn lợn; tổ chức kiểm tra, thẩm định điều kiện tái đàn của các hộ chăn nuôi theo quy định; bố trí quỹ đất dự phòng để chủ động trong trường hợp tiêu hủy lợn chết do dịch bệnh xảy ra.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ, nhất là thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở về các biện pháp chăn nuôi ATSH; tránh tình trạng đầu cơ, đẩy giá cao quá mức; đảm bảo hài hòa lợi ít của người chăn nuôi, người phân phối, cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng.

8. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi

- Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã, theo quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi tái đàn để làm cơ sở thống kê đàn, tổ chức theo dõi và giám sát phòng, chống dịch bệnh. Trường hợp không kê khai sẽ không được hỗ trợ thiệt hại khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

- Thực hiện nghiêm các quy định về địa điểm chăn nuôi, chuồng trại, giống, thức ăn, ATSH, vệ sinh môi trường, thú y, giết mổ và chế biến./.

 

PHỤ LỤC I

DỰ KIẾN TỔNG ĐÀN LỢN GIAI ĐOẠN 2020-2025 TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG
(Kèm theo Quyết định số 1904/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Đơn vị tính: Con.

Đơn vị

Năm

Phong Điền

Quảng Điền

Hương Trà

Phủ Lộc

Phú Vang

Hương Thủy

Nam Đông

A Lưới

TP Huế

Toàn tỉnh

2020

36.000

28.000

20.000

17.000

22.000

17.000

7.000

4.000

2.000

153.000

2021

39.000

29.000

21.700

17.500

25.000

17.600

7.400

4.200

2.000

163.400

2022

43.000

30500

23.500

18.000

26.000

18.200

7.800

4.400

2.000

173.400

2023

47.000

32.000

25.500

19.000

27.000

18.800

8.100

4.600

2.000

184.000

2024

51.000

33.460

27.600

20.000

28.000

19.400

8.500

4.800

2.000

194.760

2025

56.000

35.000

30.000

21.000

29.000

20.000

9.000

5.000

2.000

207.000

% tăng 5 năm

55,56

25,00

50,00

23,53

31,82

17,65

28,57

25,00

0,00

35,29

% tăng/năm

9,24

4,56

8,45

4,32

5,68

3,30

5,15

4,56

0,00

6,23

Chú thích về dự kiến số lượng đàn lợn:

- Huyện Phong Điền: Căn cứ Chỉ tiêu đề ra tại Đề án của huyện.

- Thị xã Hương Trà: Căn cứ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn thị xã giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thị xã.

- Các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông và A Lưới dự kiến đến năm 2025 khôi phục số lượng đàn lợn tương đương như thời điểm chưa chịu ảnh hưởng của tình trạng cung vượt cầu trong nước và của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Thị xã Hương Thủy và thành phố Huế khôi phục và giữ ổn định đàn lợn (tiến tới không chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị và khu vực đông dân cư).

 

PHỤ LỤC II

KHÁI TOÁN KINH PHÍ HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH CHO CÁC ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số 1904/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Đơn vị tính: Tỷ đồng.

Đơn vị

Chỉ tiêu

Phong Điền

Quảng Điền

Hương Trà

Phú Lộc

Phú Vang

Hương Thủy

Nam Đông

A Lưới

TP Huế

Toàn tỉnh

Tổng kinh phí

15

10

10

6

9

5

3

3

1

62,00

Nguồn TW/Tỉnh

10,5

7

7

4,2

6,3

3,5

2,1

2,1

0,7

43,40

Nguồn cấp huyện

4,5

3

3

1,8

2,7

1,5

0,9

0,9

0,3

18,60

 

PHỤ LỤC III

DỰ KIẾN PHÂN KỲ KINH PHÍ HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH
(Kèm theo Quyết định số 1904/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Đơn vị tính: Tỷ đồng.

Đơn vị

Chỉ tiêu

Phong Điền

Quảng Điền

Hương Trà

Phú Lộc

Phú Vang

Hương Thủy

Nam Đông

A Lưới

TP Huế

Toàn tỉnh

Tổng kinh phí

15

10

10

6

9

5

3

3

1

62

Nguồn TW/Tỉnh

103

7

7

4,2

6,3

3,5

2,1

2,1

0,7

43,4

Phân bổ 2021

3,15

2,1

2,1

1,26

1,89

1,05

0,63

0,63

0,21

13,02

Phân bổ 2022

3,15

2,1

2,1

1,26

1,89

1,05

0,63

0,63

0,21

13,02

Phân bổ 2023

2,1

1,4

1,4

0,84

1,26

0,7

0,42

0,42

0,14

8,68

Phân bổ 2024

1,05

0,7

0,7

0,42

0,63

0,35

0,21

0,21

0,07

4,34

Phân bổ 2025

1,05

0,7

0,7

0,42

0,63

0,35

0,21

0,21

0,07

4,34

Nguồn cấp huyện

4,5

3

3

1,8

2,7

1,5

0,9

0,9

03

18,6

Phân bổ 2021

1,35

0,9

0,9

0,54

0,81

0,45

0,27

0,27

0,09

5,58

Phân bổ 2022

1,35

0,9

0,9

0,54

0,81

0,45

0,27

0,27

0,09

5,58

Phân bổ 2023

0,9

0,6

0,6

0,36

0,54

0,3

0,18

0,18

0,06

3,72

Phân bổ 2024

0,45

0,3

0,3

0,18

0,27

0,15

0,09

0,09

0,03

1,86

Phân bổ 2025

0,45

0,3

0,3

0,18

0,27

0,15

0,09

0,09

0,03

1,86

 

PHỤ LỤC IV

DỰ TOÁN KINH PHÍ KIỂM TRA, TUYÊN TRUYỀN, TẬP HUẤN TÁI ĐÀN LỢN GIAI ĐOẠN 2020-2025
(Kèm theo Quyết định số 1904/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Đơn vị tính: Đồng.

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

I

Dự toán kinh phí hàng năm

 

 

 

110.000.000

1

Hội nghị, Kiểm tra tiến độ, hướng dẫn (tạm tính)

Năm

1

56.668.800

56.668.800

2

Tập huấn, tuyên truyền (tạm tính)

Năm

1

49.680.000

49.680.000

3

Quản lý phí

 

 

 

3.651.200

II

Dự toán kinh phí 5 năm (2020-2025)

 

 

 

552.300.000

1

Hội nghị, kiểm tra tiến độ, hướng dẫn

 

 

 

285.644.000

1.1

Hội nghị

Lượt

6

2.300.000

13.800.000

1.2

Kiểm tra tiến độ, hướng dẫn

Năm

5

54.368.800

271.844.000

2

Tập huấn, tuyên truyền

Năm

5

49.680.000

248.400.000

3

Quản lý phí

Năm

5

3.651.200

18.256.000

 





Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi Ban hành: 21/01/2020 | Cập nhật: 23/01/2020

Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ Ban hành: 29/08/2018 | Cập nhật: 29/08/2018