Quyết định 1881/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020”
Số hiệu: 1881/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương Người ký: Trần Thanh Liêm
Ngày ban hành: 11/07/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1881/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 11 tháng 7 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2018-2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;

Căn cứ Quyết định số 3446/QĐ-BGTVT ngày 04 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 2367/TTr-SGTVT ngày 27 tháng 6 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020” với các nội dung chính như sau:

I. Mục tiêu và hiệu quả của Đề án

1. Mục tiêu

- Phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo quan điểm “tiện dụng cho hành khách, chất lượng tốt, văn minh và thân thiện với môi trường”; phát triển hợp lý về số lượng và chủng loại phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo hướng hiện đại, tiện nghi, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động xe buýt góp phần nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.

- Từng bước hoàn thành phát triển giao thông đô thị bền vững, thiết lập được một hệ thống giao thông hỗ trợ tốt cho việc phát triển kinh tế của đô thị gắn chặt với gìn giữ môi trường và đảm bảo quyền đi lại của mọi người dân.

- Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe buýt góp phần giảm mật độ giao thông trên đường, hạn chế ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đạt được tiêu chí 15% đến 20% người dân tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

- Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt, thu hút rộng rãi, hiệu quả các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào hoạt động xe buýt.

2. Hiệu quả

- Vận tải hành khách tải công cộng là một bộ phận cấu thành của giao thông đô thị và phát triển vận tải hành khách công cộng là biện pháp hữu hiệu để giảm lưu lượng phương tiện giao thông trên đường, góp phần giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông.

- Phát triển tốt vận tải hành khách công cộng sẽ góp phần làm giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm nhiên liệu tiêu thụ chung của toàn xã hội cho nhu cầu đi lại, tiết kiệm ngoại tệ đồng thời giảm áp lực đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

- Tạo liên kết đồng thuận về trách nhiệm và lợi ích giữa nhà nước - doanh nghiệp - người dân cùng tham gia xây dựng hệ thống giao thông công cộng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

II. Giải pháp nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2018-2020

1. Nhóm giải pháp về tài chính

a) Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn đối với phương án đầu tư phương tiện mới sử dụng năng lượng sạch (CNG, LNG) và hỗ trợ lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đối với phương án đầu tư phương tiện mới sử dụng nhiên liệu Diesel; thời hạn vay ưu đãi theo chu kỳ phương án được duyệt nhưng không vượt quá 07 năm để đầu tư phương tiện mới thay thế 111 phương tiện cũ hiện nay và 19 phương tiện dự kiến mở 3 tuyến mới. Tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất vay vốn để doanh nghiệp, hợp tác xã mua 130 phương tiện trong thời gian 7 năm là 42,061 tỷ đồng.

b) Ngân sách tỉnh hỗ trợ 80% vốn vay để đổi mới 111 phương tiện xe buýt cũ hiện nay và 19 phương tiện cho 3 tuyến mở mới với tổng số tiền là 197,420 tỷ đồng, trong đó năm 2018 nhu cầu vốn vay đầu tư 40 phương tiện là 65,9 tỷ đồng, năm 2019 nhu cầu vốn vay đầu tư 35 phương tiện là 57,2 tỷ đồng và năm 2020 nhu cầu vốn vay đầu tư 55 phương tiện là 74,32 tỷ đồng (nguồn vốn vay này các đơn vị sẽ trả dần cho ngân sách tỉnh trong thời gian 7 năm).

c) Miễn tiền vé cho các đối tượng: trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng và Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% giá vé đi suốt tuyến cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người cao tuổi, học sinh sinh viên; cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên các cơ quan, đơn vị với tổng số tiền là 4,531 tỷ đồng (thực hiện thông qua hình thức cấp vé tháng).

d) Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% giá dịch vụ lưu đậu cho các tuyến xe buýt nội tỉnh khi chờ đón, trả khách tại các bến xe khách trên địa bàn tỉnh là 2,039 tỷ đồng.

đ) Ngân sách tỉnh trợ giá 30% chi phí chuyến trong thời gian 03 năm đầu tiên cho các tuyến xe buýt mở mới thiết yếu như: Mỹ Phước – Cây Trường, thành phố mới – Bàu Bàng, thành phố mới – Bến xe Miền Đông mới; phương thức thực hiện theo hình thức đấu thầu lựa chọn đơn vị khai thác theo quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về sản xuất và cung ứng sản phảm công ích là 22,104 tỷ đồng.

Xem xét hỗ trợ đối với các tuyến xe buýt đang hoạt động khó khăn có doanh thu chưa đủ bù đắp chi phí để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đảm bảo tính ổn định của mạng lưới tuyến xe buýt theo quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025 (đơn vị phải thực hiện đổi mới phương tiện, lắp đặt thiết bị kiểm soát vé điện tử đảm bảo tính công khai minh bạch và hiện đại phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền).

e) Hỗ trợ cho doanh nghiệp, Hợp tác xã vay vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt bao gồm: đường dành riêng cho xe buýt, điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng, biển báo, nhà chờ, điểm trung chuyển, bãi đỗ xe buýt, trạm điều hành, trạm bảo dưỡng sửa chữa. Quy hoạch bổ sung tối thiểu 02 trạm cung cấp năng lượng sạch (CNG, LNG) phục vụ cho xe buýt của dự án.

g) Hỗ trợ giá dịch vụ sử dụng đường bộ: Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương thực hiện giảm 30% giá vé lượt qua trạm thu phí cho xe buýt hoặc tiếp tục thực hiện theo Quyết định 1816/QĐ-UBND ngày 10/9/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc quy định mức thu phí cầu đường cho xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cụ thể đối với vé quý cho xe buýt: 1.800.000 đồng/xe/quý; vé tháng cho xe buýt: 600.000 đồng/xe/tháng.

h) Hỗ trợ tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe buýt của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng theo Quyết định số 55/2012/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, bãi đỗ xe và điểm (bến) đầu, cuối tuyến do doanh nghiệp tự đầu tư thì được Nhà nước cho thuê đất và được miễn tiền thuê đất theo quy định.

k) Vốn đầu tư xây dựng mới 194 ô sơn, 440 bảng thông tin và 177 nhà chờ xe buýt phục vụ vận tải hành khách công cộng là 31,304 tỷ đồng (trong đó 25,8 tỷ đồng sẽ được các doanh nghiệp thuê quảng cáo trả lại cho ngân sách).

l) Vốn đầu tư xây dựng trang web và công tác tuyên truyền để cung cấp thông tin về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cho người dân trên địa bàn tỉnh là 190 triệu đồng.

Tổng kinh phí thực hiện đề án là 298,148 tỷ đồng trong giai đoạn 2018-2020 trong đó: nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách năm 2018 là 86,855 tỷ đồng, năm 2019 là 76,221 tỷ đồng, năm 2020 là 93,011 tỷ đồng và nguồn vốn hỗ trợ lãi suất mua 130 phương tiện trong thời gian 7 năm là 42,061 tỷ đồng (các phụ lục chi tiết kèm theo).

2. Nhóm giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận của hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

a) Thực hiện Quyết định số 4291/QĐ-UBND ngày 24/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc Quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025 và rà soát, triển khai thực hiện việc điều chỉnh luồng tuyến xe buýt theo quy hoạch đô thị của tỉnh.

b) Tiếp tục triển khai thực hiện dự án “Phát triển hạ tầng giao thông và tuyến xe buýt nhanh (BRT) thành phố mới Bình Dương Bến xe Miền Đông mới.

c) Hình thành các điểm trung chuyển xe buýt tại các trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, các thị xã: Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và thành phố mới Bình Dương đảm bảo kết nối với mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

d) Đầu tư xây dựng các điểm dừng, nhà chờ, điểm trung chuyển, bãi gừi xe cho người đi xe buýt; phấn đấu tất cả các điểm đầu cuối tuyến xe buýt tại bến xe đều được trang bị hệ thống camera giám sát nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của mọi đối tượng hành khách (kể cả người khuyết tật).

đ) Phấn đấu đạt tỷ lệ khoảng 70% về mật độ bao phủ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đối với các trung tâm huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi 500 m người dân có thể tiếp cận sử dụng xe buýt (danh mục đầu tư xây dựng các điểm dừng, nhà chờ cho người đi xe buýt kèm theo tại phụ lục 7 và 8).

3. Nhóm giải pháp tăng cường công tác quản lý

a) Tăng cường nhân lực và cơ sở vật chất cho Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng để thực hiện nhiệm vụ giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.

b) Từng bước nâng cao công tác quản lý, theo dõi chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bng xe buýt thông qua hệ thống giám sát ứng dụng công nghệ hiện đại (camera, thiết bị giám sát hành trình), kết hợp tăng cường tiếp nhận phản ảnh của khách hàng để kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

c) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên tuyến nhằm kiểm soát chất lượng phục vụ hành khách của xe buýt như: lộ trình, dừng đón trả khách đúng quy định, thời gian, chi phí, thái độ phục vụ…

d) Các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị hữu quan khi tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đầu tư xây dựng các khu dân cư, trung tâm thương mại thì phải gắn với việc bố trí xây dựng hạ tầng cho xe buýt.

đ) Tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chất lượng vận tải và chất lượng phục vụ của đơn vị cung ứng dịch vụ xe buýt công cộng.

e) Thực hiện việc đặt hàng khai thác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cho phù hợp với tình hình thực tế; đến năm 2020 thực hiện đấu thầu khai thác tuyến xe buýt có hiệu quả để hỗ trợ các tuyến chưa có doanh thu bù đắp chi phí nhằm nâng cao dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

g) Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt vi phạm các nội quy, quy định của ngành. Bổ sung, điều chỉnh nội dung hợp đồng đặt hàng.

4. Các nhóm giải pháp khác

4.1 Tăng cường thông tin hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

a) Tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc đi xe buýt, các thông tin về chất lượng dịch vụ xe buýt, các chính sách đối với người đi xe buýt như: miễn vé, giá vé ưu đãi cho hành khách thường xuyên, hành khách là công nhân, học sinh, sinh viên, người cao tuổi. Tuyên truyền vận động cán bộ công chức, viên chức, công nhân, học sinh, sinh viên và nhân dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, chuyển sang đi lại bằng xe buýt.

b) Xây dựng trang website và thường xuyên cập nhật kịp thời các thông tin về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

c) Lắp đặt bảng điện tử, bảng thông tin trên xe buýt, tại các điểm đầu cuối, điểm trung chuyển và nhà chờ xe buýt.

d) Nghiên cứu đưa vào sử dụng phần mềm dành cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và có khả năng sử dụng trên nhiều thiết bị (máy vi tính, điện thoại, máy tính bảng v.v...).

đ) Khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng chương trình nhận diện thương hiệu xe buýt (màu sơn phương tiện, logo, đồng phục ...).

4.2 Nâng cao tính tiện nghi của dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

a) Từ năm 2018, đảm bảo số chuyến xe buýt được vận hành theo đúng biểu đồ đã phê duyệt; dừng đúng vị trí đón trả khách và thời gian giãn cách giữa các chuyến đạt từ 80% trở lên và đến năm 2020 đạt 95%.

b) Tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; giảm hệ số trùng tuyến; từng bước tăng vận tốc khai thác và tăng tần suất hoạt động trên tuyến nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân bằng xe buýt; đảm bảo số chuyến xe buýt được vận hành theo đúng giờ, thời gian giãn cách.

c) Từ năm 2018 đến năm 2020 phấn đấu đạt tỷ lệ 50% phương tiện vận chuyển hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh được trang bị internet không dây (wifi), hệ thống thông báo điểm dừng bằng âm thanh, bảng thông tin điện tử và có máy lạnh phục vụ.

d) Phấn đấu từng bước sử dụng thẻ thông minh (smart card) trên vé tháng, vé lượt; từng bước đưa vào sử dụng thẻ thông minh thay thế vé giấy truyền thống, tiến tới kết nối các hệ thống vé điện tử chung cho các tuyến xe buýt trên toàn mạng lưới; kết nối đa phương thức giữa xe buýt và tuyến xe buýt BRT, tàu điện ngầm nhằm nâng cao công tác kiểm soát vé, phù hợp với cự ly vận chuyển trên xe buýt của hành khách.

đ) Rà soát, điều chỉnh các tuyến xe buýt trong quy hoạch phù hợp lộ trình đô thị hóa của tỉnh hiện nay để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

e) Từ năm 2018, đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 05% số phương tiện đầu tư mới (được sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách tỉnh) có phương thức hỗ trợ người khuyết tật sử dụng để tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

g) Đầu tư các bãi đỗ xe trung chuyển ở các trung tâm huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

4.3 Đảm bảo an ninh, an toàn giao thông

a) Khuyến khích doanh nghiệp vận tải tăng số lượng phương tiện được lắp đặt camera giám sát.

b) Định kỳ 06 tháng tổ chức các lớp tập huấn cho 100% lái xe, nhân viên phục vụ, đội ngũ quản lý về các kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh như: tai nạn, sự cố kỹ thuật, phòng chống khủng b v.v....

c) Tăng số lượng vịnh dng xe buýt đảm bảo được tách làn giao thông khi dừng đón, trả khách.

d) Tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp người lái xe để tăng cường trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật, trật tự an toàn giao thông trong quá trình làm việc.

4.4 Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

a) Tổ chc tập huấn, hội thảo trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

b) Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn cho lái xe, nhân viên bán vé, những người tiếp xúc trực tiếp với hành khách về kỹ năng, xử lý tình huống, văn hóa ứng xử, bo quản phương tiện và thực hiện tiết kiệm nhiên liệu.

c) Tổ chức đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ để đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông Vận tải

- Tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020” đến các đơn vị vận tải và các cơ quan ban ngành có liên quan để tổ chức thực hiện. Tổng hợp kết quả báo cáo của các cơ quan, ban ngành có liên quan định kỳ hàng 06 tháng năm về tình hình thực hiện đề án để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện Đề án “Giao thông công cộng thành phố mới Bình Dương bằng phương tiện giao thông mới” vận dụng thực hiện những kiến thức từ Dự án “Nâng cao năng lực quản lý giao thông tập trung chủ đạo vào giao thông công cộng tỉnh Bình Dương” vào tình hình thực tế tại địa phương để tiếp cận các dịch vụ và phương thức quản lý, vận hành hiện đại.

- Chủ trì, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc phê duyệt đầu tư xây dựng khu đô thị, trung tâm thương mại phải gắn với việc bố trí xây dựng hạ tầng cho xe buýt.

- Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và hỗ trợ người khuyết tật sử dụng vận tải hành khách công cộng tại khu vực các điểm dừng, nhà chờ xe buýt.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ 30% chi phí trong 03 năm đầu cho doanh nghiệp đăng ký khai thác các tuyến xe buýt mở mới nằm trong quy hoạch được duyệt để tổ chức đấu thầu theo quy định.

- Phối hợp với Sở Tài chính thực hiện thanh quyết toán các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải và các đơn vị liên quan khi thực hiện kế hoạch.

- Phối hợp với Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, tham mưu xử lý đối với các trường hợp sử dụng vốn vay không đúng mục đích.

- Phối hợp với sở ngành và đơn vị hữu quan trong công tác thông tin, truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

2. Sở Tài chính

- Căn cứ vào dự toán do Sở Giao thông Vận tải tổng hợp và khả năng cân đối ngân sách tỉnh hàng năm, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương” theo thẩm quyền.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện thanh quyết toán các hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh theo Đề án.

- Cấp vốn cho Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh theo Đề án.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí quỹ đất hợp lý dành cho phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn các nhà đầu tư, cơ quan quản lý thực hiện các thủ tục thu hồi đất, cho thuê đất hoặc giao đất.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn thực hiện việc miễn tiền thuê đất cho các dự án xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe buýt cho doanh nghiệp vận tải theo Quyết định 55/2012/QĐ-TTg ngày 19/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý và điều hành hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt.

- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, triển khai việc sử dụng thẻ thông minh (smart card) trên vé tháng, vé lượt để thay thế dần vé giấy truyền thống trên các tuyến xe buýt để kiểm soát lượng hành khách tham gia trên tuyến phục vụ công tác thanh quyết toán cho các đơn vị kinh doanh vận tải được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và các tiện ích khác cho người sử dụng vận tải hành khách công cộng.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải xây dựng các phần mềm ứng dụng như: ứng dụng tìm xe buýt, ứng dụng trên thiết bị di động… nhằm cung cấp thông tin cho người dân có thể tra cứu các thông tin về hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông Vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh trong công tác thông tin, truyền thông để khuyến khích học sinh, sinh viên sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

7. Sở Công thương

Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch bổ sung tối thiểu 02 vị trí và công bố, mời gọi các nhà đầu tư trạm cung cấp nhiên liệu sạch trên địa bàn tỉnh phục vụ dự án.

8. Cục Thuế tỉnh

Hướng dẫn, triển khai thực hiện các ưu đãi đầu tư về thuế theo quy định pháp luật hiện hành.

9. Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh

- Hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải bằng xe buýt thực hiện trình tự, hồ sơ vay vốn với lãi suất ưu đãi đầu tư hạ tầng và đầu tư mới phương tiện phục vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh với lãi suất ưu đãi.

- Xem xét, thẩm định và quyết định cho vay theo quy định đối với những phương án đủ điều kiện do Sở Giao thông Vận tải chuyển sang.

- Ban hành quy chế, quy trình nghiệp vụ thẩm định cho vay rút gọn đối với các Phương án vay vốn cho đề án này.

- Kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, xử lý đối với các trường hợp sử dụng vốn vay không đúng mục đích.

10. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Thực hiện giảm 30% giá vé lượt qua trạm thu phí cho xe buýt hoặc tiếp tục thực hiện theo Quyết định 1816/QĐ-UBND ngày 10/9/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc quy định mức thu phí cầu đường cho xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

11. Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Dương

Phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, viên chức, công nhân, học sinh, sinh viên và người dân hạn chế sử dụng xe gắn máy cá nhân, chuyển sang đi lại bằng xe buýt.

12. Hiệp hội vận tải tỉnh Bình Dương

Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia sử dụng xe buýt và tổ chức tập huấn nghiệp vụ, cho lái xe, nhân viên bán vé để tăng cường trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật, trật tự an toàn giao thông trong quá trình làm việc.

13. Các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt

- Đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt theo quy định để nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

- Có kế hoạch xây dựng phương án thay thế phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo lộ trình đăng ký với Sở Giao thông Vận tải.

- Thực hiện thu vé điện tử trên phương tiện vận tải hành khách công cộng đảm bảo tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý hành khách đi xe buýt.

- Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo hướng hiện đại, tiện nghi, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường

14. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Phối hợp với các sở, ngành có liên quan xem xét bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương để bố trí quỹ đất cho các công trình hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (điểm đầu, cuối tuyến, điểm trung chuyển, điểm dừng, nhà chờ, bãi đỗ xe trung chuyển …) theo Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đã được phê duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông Vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Liêm