Quyết định 18/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định phân loại đê và hành lang bảo vệ đê đối với các tuyến đê cấp IV, cấp V của tỉnh Hà Tĩnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành
Số hiệu: 18/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh Người ký: Trần Minh Kỳ
Ngày ban hành: 28/09/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 18/2010/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 28 tháng 9 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN LOẠI ĐÊ VÀ HÀNH LANG BẢO VỆ ĐÊ ĐỐI VỚI CÁC TUYẾN ĐÊ CẤP IV, CẤP V CỦA TỈNH HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đê điều ban hành ngày 29/11/2006; Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;
Căn cứ Quyết định số 41/2009/QĐ-UBND ngày 11/12/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định phân cấp công tác quản lý, bảo vệ đê điều cho các cấp và tổ chức lực lượng quản lý đê nhân dân;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2361/SNN-ĐĐ ngày 01/9/2010, kèm Báo cáo thẩm định số 680/BC-STP ngày 13/9/2010 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân loại đê và hành lang bảo vệ đê đối với các tuyến đê cấp IV, cấp V của tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ban hành và thay thế Quyết định số 105/2004/QĐ/UB-NL1 ngày 24/12/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi Nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Website Chính phủ;
- Cục Quản lý đê điều và PCLB;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TTr Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó CT. UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Các Phó VP.UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo - tin học tỉnh;
- Lưu: VT, NL1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
K.T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Minh Kỳ

 

QUY ĐỊNH

PHÂN LOẠI ĐÊ VÀ HÀNH LANG BẢO VỆ ĐÊ ĐỐI VỚI CÁC TUYẾN ĐÊ CẤP IV, CẤP V CỦA TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18 /2010/QĐ-UBND ngày 28 /9 /2010 của Ủy ban nhân tỉnh Hà Tĩnh)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về phân loại đê và hành lang bảo vệ đối với các tuyến đê cấp IV, cấp V; hành lang bảo vệ các tuyến kè cấp IV bảo vệ bờ sông, bờ biển độc lập không gắn với đê.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động về đê điều, các hoạt động có liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 3. Phân loại và phân cấp đê

1. Đê được phân loại thành: đê sông, đê biển, đê cửa sông, đê bối, đê bao, đê trong và đê chuyên dùng (như phụ lục kèm theo).

2. Các tuyến kè bảo vệ bờ sông, bờ biển độc lập không gắn với đê được xây dựng trên địa bàn tỉnh được xếp vào loại cấp IV (những tuyến kè có quy mô lớn hơn thì có văn bản quy định cấp cụ thể).

3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hàng năm rà soát cấp đê theo tiêu chí quy định tại khoản 3, Điều 4 của Luật Đê điều phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và PTNT xét nâng cấp đê cho những tuyến cần thiết.

Điều 4. Hành lang bảo vệ đê

1. Đê sông:

- Những vị trí đê đi qua khu dân cư, đô thị và khu du lịch, hành lang bảo vệ được tính từ chân đê trở ra 5m (năm mét) về phía sông và phía đồng.

- Hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 15m (mười lăm mét) về phía sông và phía đồng.

2. Đê biển:

- Những vị trí đê đi qua khu dân cư, đô thị và khu du lịch, hành lang bảo vệ được tính từ chân đê trở ra 5m (năm mét) về phía biển và phía đồng.

- Hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 15m (mười lăm mét) về phía đồng và 200m (hai trăm mét) về phía biển (hoặc phía cửa sông).

3. Đê cửa sông:

- Những vị trí đê đi qua khu dân cư, đô thị và khu du lịch, hành lang bảo vệ được tính từ chân đê trở ra 5m (năm mét) về phía sông và phía đồng.

- Hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 15m (mười lăm mét) về phía đồng và 100m (một trăm mét) về phía sông.

4. Đê bối và đê bao: hành lang bảo vệ đê được tính từ chân đê trở ra 5m (năm mét) về phía đồng và phía sông.

5. Đê trong: hành lang bảo vệ đê được tính từ chân đê trở ra 5m (năm mét) về phía đồng và phía sông.

6. Hành lang bảo vệ đối với kè bảo vệ đê, cống qua đê được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của kè bảo vệ đê, cống qua đê trở ra mỗi phía 50m (năm mươi mét).

Điều 5. Hàng lang bảo vệ kè độc lập

Hành lang bảo vệ đối với các tuyến kè (cấp IV) bảo vệ bờ sông, bờ biển độc lập không gắn với đê, được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng về phía bãi hoặc phía làng, xóm tối thiểu là 5m (năm mét) và 3 phía còn lại mỗi phía là 50m (năm mươi mét).

Điều 6. Cắm mốc km, biển báo các loại và mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều:

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm tổ chức cắm mốc km, biển báo các loại và mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê, kè, cống trên thực địa cho tất cả các tuyến đê, kè được giao quản lý trực tiếp theo phân cấp quản lý tại Quyết định số 41/2009/QĐ-UBND ngày 11/12/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Đối với các Dự án được đầu tư xây dựng mới, tu bổ, nâng cấp về đê điều và kè bảo vệ bờ sông, bờ biển độc lập thì các chủ đầu tư, các Ban Quản lý Dự án có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn đầu tư dự án thực hiện cắm mốc km, biển báo các loại và mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê, kè, cống trên thực địa trước khi bàn giao cho đơn vị quản lý, sử dụng.

Điều 7. Việc quy hoạch khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch, dịch vụ và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác dọc theo hành lang các tuyến đê cấp IV, cấp V trên địa bàn phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 8. Tổ chức thực hiện:

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Công an tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định này nhằm quản lý, bảo vệ đê điều an toàn, bền vững.

Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão) để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung./.





Nghị định 113/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đê điều Ban hành: 28/06/2007 | Cập nhật: 04/07/2007