Quyết định 1784/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hà Nam đến năm 2020
Số hiệu: 1784/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam Người ký: Phạm Sỹ Lợi
Ngày ban hành: 25/12/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1784/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 25 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân và Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007 về quản lý vật liệu xây dựng; Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2008 về phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2008 về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2008 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Quyết định số 1488/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2011 về phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1226/2011/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng (tại Báo cáo thẩm định số 972/SXD-VL và Tờ trình số 973/TTr-SXD ngày 21 tháng 11 năm 2012) và Biên bản Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển Vật liệu xây dựng tỉnh Hà Nam đến năm 2020 ngày 03 tháng 10 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hà Nam đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên Đồ án:

Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hà Nam đến năm 2020.

2. Chủ đầu tư: Sở Xây dựng.

3. Mục tiêu và định hướng quy hoạch:

3.1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của tỉnh để sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng với chất lượng cao; đáp ứng nhu cầu thị trường vật liệu xây dựng trong và ngoài nước. Đồng thời đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ cảnh quan, môi trường.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2020 dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng tăng 4,8 lần so với năm 2010; tốc độ tăng trung bình 17,5%/năm.

- Tăng sản lượng đối với một số sản phẩm có lợi thế để cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài (xi măng gấp khoảng 2 lần, vật liệu xây 4 lần, đá xây dựng 1,5 lần, bê tông các loại khoảng 6,4 lần so với hiện nay).

- Giải quyết thêm khoảng 7.000÷8.000 lao động tham gia vào sản xuất vật liệu xây dựng.

c) Các sản phẩm chủ yếu:

TT

Chủng loại Vật liệu xây dựng

Đơn vị

Năm 2015

Năm 2020

1

Xi măng

Triệu tấn

6,77

9,98

2

Vật liệu xây

Triệu viên

1.180

1.775

2.1

Gạch nung tuynen

465

565

2.2

Gạch xi măng cốt liệu

335

450

2.3

Bê tông khí chưng áp AAC

1.000 m3

350

700

2.4

Tấm 3D

1.000 m3

30

60

3

Vật liệu lợp

Triệu m2

5

4

3.1

Tấm lợp kim loại

0,5

2

3.2

Tấm lợp 3 lớp cách nhiệt

0,5

1,0

3.3

Tấm lợp polycacbonat- hợp kim nhôm

-

1

3.4

Tấm lợp amiăng-Xi măng

4

-

4

Đá xây dựng

Triệu m3

11

13

5

Vôi công nghiệp

Nghìn tấn

400

800

6

Gạch Terrazzo

1.000 m2

100

200

7

Đá ốp lát nhân tạo (terastone)

1.000 m2

-

400

8

Tấm nhựa

1.000 m2

200

400

9

Tấm bê tông cốt sợi gỗ

1.000 m3

15

30

10

Tấm thạch cao

Triệu m2

1

2

11

Tấm ốp tường alumin composite

1.000 m2

500

1.000

12

Bê tông

1.000 m3

1.560

2.200

12.1

Bê tông đúc sẵn

1.360

1.800

12.2

Bê tông thương phẩm

200

400

3.2. Định hướng quy hoạch:

a) Xi măng:

Quy hoạch phát triển sản xuất xi măng ở Hà Nam từ nay đến năm 2020 thực hiện theo Quyết định số 1488/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung chính sau:

- Tổ chức sản xuất ổn định và khai thác tối đa công suất các cơ sở xi măng lò quay hiện có;

- Hoàn thành đầu tư xây dựng xi măng Xuân Thành 1 công suất 0,91 triệu tấn/năm;

- Đầu tư mới xi măng Visai Hà Nam công suất 0,91 triệu tấn/năm, dây chuyền 2 xi măng Xuân Thành công suất 2,3 triệu tấn/năm, xi măng Tân Tạo công suất 0,91 triệu tấn/năm;

- Các cơ sở xi măng lò đứng thực hiện chuyển đổi sang sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng khác và không sản xuất xi măng lò đứng sau năm 2015.

b) Vật liệu xây:

Tiếp tục phát triển sản xuất gạch nung tuynen hợp lý, khuyến khích phát triển sản xuất gạch không nung, đồng thời phát triển sản xuất các loại vật liệu nhẹ, tấm 3D nhằm thay thế một phần gạch đất sét nung. Dự kiến đến năm 2015 khối lượng các loại vật liệu nhẹ và gạch không nung chiếm khoảng 60% và ở năm 2020 sẽ chiếm trên 70% tổng số lượng vật liệu xây được sản xuất trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:

- Tổ chức sản xuất gạch nung tuynen đạt công suất ở các cơ sở hiện có và hoàn thành xây dựng các cơ sở sản xuất gạch tuynen theo quy hoạch tại các huyện Duy Tiên, Lý Nhân và Kim Bảng, tổng công suất đến năm 2020 khoảng 565,0 triệu viên.

- Đầu tư sản xuất gạch xi măng cốt liệu tại các huyện Thanh Liêm và Kim Bảng với công suất khoảng 285,0 triệu viên/năm (quy tiêu chuẩn).

- Đầu tư các cơ sở sản xuất bê tông khí chưng áp tại các huyện Thanh Liêm và Kim Bảng với tổng công suất khoảng 1,0 triệu m3/năm và đầu tư sản xuất tấm 3D tại huyện Thanh Liêm với công suất khoảng 100,0 nghìn m3/năm.

c) Vật liệu lợp:

Phát triển sản xuất đa dạng các sản phẩm tấm lợp như tấm lợp kim loại, tấm lợp 3 lớp cách nhiệt, tấm lợp polycarbonate-hợp kim nhôm... để phục vụ nhu cầu xây dựng trong tỉnh và cung cấp cho thị trường các tỉnh lân cận, không đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng-xi măng. Cụ thể như sau:

Đầu tư cơ sở sản xuất tấm lợp kim loại với nhiều chủng loại và nhiều màu, công suất 0,5÷2,0 triệu m2/năm tại huyện Duy Tiên; đầu tư cơ sở sản xuất tấm lợp 3 lớp cách nhiệt, công suất 0,5÷1 triệu m2/năm tại thành phố Phủ Lý và cơ sở sản xuất tấm lợp polycacbonate-hợp kim nhôm, công suất 1,0 triệu m2/năm. Các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng-xi măng chỉ sản xuất theo đúng năng lực hiện tại và phải chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm khác trước năm 2020.

d) Đá xây dựng:

- Về tổ chức khai thác và công nghệ: Tất cả các doanh nghiệp khai thác đá trong tỉnh đều phải có công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, sản phẩm chế biến phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, phải đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường ở khu vực khai thác và chế biến.

- Về huy động sản lượng: Thực hiện khai thác theo đúng quy hoạch với công suất hợp lý (đến năm 2015 khoảng 11 triệu m3/năm và đến năm 2020 khoảng 13 triệu m3/năm; cụ thể các cơ sở tại huyện Kim Bảng khai thác khoảng 2÷4 triệu m3/năm và huyện Thanh Liêm 6,8÷8 triệu m3/năm).

e) Vôi công nghiệp:

Đầu tư xây dựng một số cơ sở sản xuất vôi công nghiệp tại huyện Thanh Liêm và Kim Bảng với công suất tổng cộng khoảng 300÷400 nghìn tấn/năm sau đó mở rộng lên 600÷800 nghìn tấn/năm.

f) Vật liệu ốp lát:

- Đầu tư cơ sở sản xuất gạch lát Terrazzo cao cấp công suất ban đầu 100 nghìn m2/năm sau đó mở rộng lên 200 nghìn m2/năm. Địa điểm dự kiến đầu tư tại huyện Duy Tiên.

- Đầu tư cơ sở sản xuất đá ốp lát nhân tạo Terastone công suất 400 nghìn m2/năm trong giai đoạn 2016-2020. Địa điểm dự kiến đầu tư tại thành phố Phủ Lý.

- Đầu tư cơ sở sản xuất tấm nhựa ốp trần và tường, công suất ban đầu 200 nghìn m2/năm, sau đó mở rộng lên 400 nghìn m2/năm. Địa điểm dự kiến đầu tư tại huyện Duy Tiên.

- Đầu tư cơ sở sản xuất tấm xi măng cốt sợi gỗ công suất 15 nghìn m3/năm; sau đó nâng sản lượng lên 30 nghìn m3/năm vào giai đoạn 2016-2020. Địa điểm dự kiến đầu tư tại huyện Bình Lục.

- Đầu tư cơ sở sản xuất tấm tường, tấm vách ngăn và tấm trần thạch cao, cách âm, cách nhiệt công suất 1 triệu m2/năm sau đó mở rộng lên 2 triệu m2/năm. Địa điểm dự kiến đầu tư tại thành phố Phủ Lý.

- Đầu tư cơ sở sản xuất tấm ốp tường alumin composite công suất 500 nghìn m2/năm sau đó mở rộng lên 1 triệu m2/năm. Địa điểm dự kiến đầu tư tại thành phố Phủ Lý.

g) Bê tông:

Tiếp tục sản xuất, mở rộng các cơ sở sản xuất bê tông hiện có và đầu tư các cơ sở sản xuất mới, đưa sản lượng bê tông các loại lên 1,36 triệu m3÷1,8 triệu m3, trong đó bê tông thương phẩm khoảng 200 nghìn m3÷400 nghìn m3.

h) Cát xây dựng:

Tổ chức khai thác cát tại các bãi bồi ven sông Hồng thuộc hai huyện Duy Tiên và Lý Nhân theo đúng quy hoạch với sản lượng khoảng 250.000 m3/năm.

4. Nhiệm vụ:

- Huy động các nguồn vốn đầu tư, có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất vật liệu xây dựng. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại. Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản để phục vụ cho yêu cầu phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Kết hợp khai thác khoáng sản cho sản xuất vật liệu xây dựng với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đối với các cơ sở sản xuất phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường.

- Đổi mới kỹ thuật và công nghệ sản xuất, lựa chọn công nghệ tiên tiến với quy mô phù hợp để sản xuất sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và ngoài nước.

- Nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích sử dụng vật liệu mới, nhất là vật liệu không nung trong xây dựng.

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, chú trọng đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề bằng nhiều hình thức. Có chính sách thu hút nhân tài vào việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo điều kiện mở rộng thị trường để thúc đẩy sản xuất vật liệu xây dựng và thống nhất quản lý Nhà nước đối với toàn ngành sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

5. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư:

a) Xi măng:

Tập trung hoàn thành sớm các dự án đang đầu tư (xi măng Vissai); nâng công suất các nhà máy đã có (Xi măng Xuân Thành, Vissai 3...).

b) Vôi công nghiệp:

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đã có chủ trương đầu tư và thu hút một số dự án mới có công nghệ và sản phẩm chất lượng cao tại địa bàn huyện Thanh Liêm, huyện Kim Bảng.

c) Tấm 3D, bê tông cấu kiện:

Khai thác tối đa công suất của các cơ sở sản xuất đã đầu tư; nâng công suất một số nhà máy và thu hút đầu tư một số dự án mới có công nghệ cao đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ xây dựng hiện đại.

d) Gạch không nung, bê tông khí chưng áp:

Khai thác có hiệu quả các dự án đã có. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đang đầu tư.

e) Các loại vật liệu khác:

Tập trung khai thác các cơ sở đã đầu tư gắn với ưu tiên đổi mới công nghệ, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được chấp thuận đầu tư.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

- Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Phủ Lý tổ chức công bố quy hoạch.

- Giao các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ thực hiện việc quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Ngành: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Phủ Lý và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Sỹ Lợi

 





Nghị định 124/2007/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng Ban hành: 31/07/2007 | Cập nhật: 04/08/2007