Quyết định 166/1999/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2020
Số hiệu: 166/1999/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 10/08/1999 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/09/1999 Số công báo: Số 34
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 166/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 166/1999/QĐ-TTG NGÀY 10 THÁNG 8 NĂM 1999 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ HUẾ ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại công văn số 831/TT/UB-BXD ngày 10 tháng 5 năm 1999,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu:

Xác định vị trí, vai trò quan trọng của thành phố Huế trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung và trong Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị toàn quốc với ý nghĩa là một trong 5 đô thị trung tâm cấp Quốc gia; kết hợp tốt giữa xây dựng phát triển với bảo vệ và tôn tạo, nhằm xây dựng cố đô Huế trở thành một thành phố mang đặc tính dân tộc, hiện đại, đậm đà bản sắc và truyền thống; trở thành một trung tâm văn hoá - du lịch của cả nước, trung tâm giáo dục đào tạo và trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Phạm vi Quy hoạch và định hướng phát triển không gian:

Cơ cấu quy hoạch không gian bao gồm thành phố Huế và các đô thị vệ tinh thuộc các huyện Phú Vang, Hương Trà, Hương Thuỷ với bán kính ảnh hưởng từ 13 đến 15 km.

Hướng phát triển lâu dài của thành phố Huế chủ yếu về phía Bắc sông Hương (phía Bắc và phía Tây kinh thành Huế) tại khu vực Hương Sơ và An Hoà; về phía Nam sông Hương tại khu vực Vĩ Dạ - Ngự Bình, Thuỷ An, Trường An; phát triển không gian đô thị để bảo vệ, tôn tạo và khai thác tiềm năng khu vực di tích văn hoá - lịch sử thuộc các xã: Thuỷ Bằng (huyện Hương Thuỷ), Hương Hồ, Hương Vinh (huyện Hương Trà), Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu (huyện Phú Vang).

3. Tính chất thành phố Huế:

- Cố đô Huế là di sản văn hoá thế giới, là trung tâm văn hoá, du lịch của cả nước và có ý nghĩa quốc tế;

- Là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật của tỉnh Thừa Thiên Huế; là trung tâm y tế chuyên sâu, là một trong những trung tâm đào tạo đại học đa ngành và dạy nghề chất lượng cao của khu vực;

- Là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hoá trong vùng và trong trục hành lang thương mại quốc tế.

4. Quy mô dân số:

Đến năm 2020, dân số thành phố Huế và các đô thị trong phạm vi nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung khoảng 710.000 người, trong đó quy mô dân số thành phố Huế khoảng 410.000 người và quy mô dân số các đô thị vệ tinh khoảng 300.000 người.

5. Quy hoạch sử dụng đất đai và kiến trúc cảnh quan đô thị:

a) Về chỉ tiêu sử dụng đất:

Chỉ tiêu sử dụng đất đô thị bình quân đối với thành phố Huế là 144 m2/người, chỉ tiêu sử dụng đất đối với các đô thị vệ tinh là 120 m2/người vào năm 2020.

b) Về phân khu chức năng:

- Các khu dân cư bao gồm:

+ Khu vực bảo tồn có 3 khu: khu I bao gồm 4 phường trong kinh thành Huế, được quản lý cải tạo, xây dựng theo Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh và theo Công ước quốc tế về bảo vệ Di sản Văn hoá Thế giới của UNESCO; khu II là khu phố cổ Bao Vinh; khu III là khu làng nghề truyền thống Kim Long, Vĩ Dạ;

+ Khu vực hạn chế phát triển nằm trong vành đai 2 (khu phố cũ, các khu dân cư nằm dọc sông An Cựu, khu Bãi Dâu, khu Kiểm Huệ): khống chế quy mô dân số khoảng 120.000 người;

+ Khu vực phát triển mở rộng (gồm các khu Phú Thượng - huyện Phú Vang; Hương Sơ, Thuỷ An - huyện Hương Thủy): phát triển hợp lý các khu nhà ở cao tầng và các công trình có quy mô lớn của thành phố Huế trong tương lai, nối kết thành phố Huế với các đô thị vệ tinh.

- Các khu công nghiệp tập trung được bố trí tại các đô thị vệ tinh, gồm: các khu công nghiệp Phú Bài (300 ha), Tứ Hạ (100 - 150 ha), Thuận An (50 ha); các cụm công nghiệp trong thành phố Huế: phía Tây (8,5 ha), phía Đông Bắc (11,5 ha) và phía Tây Bắc (20 ha).

- Hệ thống các trung tâm công cộng, bao gồm trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh và của thành phố được xác định tại vị trí hiện nay trên bờ Nam sông Hương; các công trình công cộng phục vụ không thường xuyên (cấp tỉnh, cấp thành phố) được bố trí phân tán gắn với hệ thống trung tâm của các khu thành phố; các trung tâm phục vụ định kỳ bố trí gắn với các khu thành phố; các công trình công cộng phục vụ hàng ngày gắn với các đơn vị ở.

- Các trung tâm chuyên ngành gồm:

+ Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp được bố trí tại trung tâm hành chính của tỉnh và thành phố trên bờ Nam sông Hương;

+ Các trường đào tạo: ngoài các cơ sở hiện có trong nội thành hiện nay, xây dựng Đại học Huế tại khu vực phía Đông Nam núi Ngự Bình - Tam Thai;

+ Các trung tâm y tế: cải tạo và nâng cấp các cơ sở hiện có, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị; trong các khu đô thị mới phải dành đất xây dựng các cơ sở y tế;

+ Các trung tâm văn hoá, thể dục thể thao: ngoài Trung tâm văn hoá, thể dục thể thao hiện có tại bờ Nam sông Hương, tổ chức trung tâm văn hoá, thể dục thể thao cấp tỉnh và cấp vùng tại khu vực Ngự Bình - Tam Thai, cấp thành phố tại Hương Sơ, Ngự Bình, Phú Thượng; xây dựng Cung Văn hoá Lao động, Trung tâm Thanh thiếu niên và Trung tâm Hội chợ triển lãm tại Phú Hội, Xuân Phú; tổ chức các khu du lịch Tân Mỹ - Thuận An, Thuỷ Tiên (trong chùm đô thị Huế).

+ Công viên cây xanh: ngoài các công viên Ngọ Môn, sông Hương, hồ Tịnh Tâm hiện có, bổ sung một số khu công viên cây xanh mới trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo, khai thác các khu di tích, các khu vực có cảnh quan đẹp, như: Ngự Bình - Tam Thai, Nam Giao, Thuỷ Tiên, Cồn Hến; tôn tạo hai bờ sông Hương, sông An Cựu và vùng cảnh quan phía Tây Nam thành phố Huế.

- Các cơ sở quốc phòng, an ninh hiện có, đặc biệt đồn Mang Cá, vẫn được giữ nguyên trong đô thị. Việc cải tạo, xây dựng trong các cơ sở này phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản lý xây dựng trong khu vực bảo tồn kinh thành Huế.

c) Về kiến trúc và cảnh quan đô thị:

- Bảo tồn và khai thác các di tích trong khu vực kinh thành Huế, phố cổ Bao Vinh và các khu vực khác đã được UNESCO công nhận theo Công ước quốc tế;

- Bảo tồn các làng nghề truyền thống: giữ gìn các khu nhà vườn điển hình tại Thuỷ Biều, Hương Hồ, Hương Long, Kim Long, Vĩ Dạ, Phường Đúc và các phường trong Thành Nội;

- Khai thác triệt để những lợi thế về cảnh quan môi trường của thành phố và các vùng lân cận, đặc biệt là sông Hương, sông An Cựu, Ngự Hà, hồ Tịnh Tâm, hồ Thuỷ Tiên, khu vực lâm viên, núi Ngự Bình - Tam Thai, Vọng Cảnh, Thiên Thai;

- Bảo vệ rừng đầu nguồn kết hợp bảo tồn và khai thác khu vực lâm viên cùng với các lăng tẩm phía Tây Nam thành phố Huế; tổ chức các tuyến cảnh quan nối thành phố Huế với trục cảnh quan ven biển (từ Thuận An, phá Tam Giang đến đầm Cầu Hai, Cảnh Dương, Bạch Mã, Lăng Cô...).

6. Về quy hoạch giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật:

a) Về quy hoạch giao thông:

- Giao thông đối ngoại:

+ Đường bộ: mở rộng nâng cấp các đoạn thuộc Quốc lộ 1A: Huế - Tứ Hạ, Huế - Phú Bài; kéo dài tuyến Vĩ Dạ - Chợ Mai, nối với Tân Mỹ kết hợp việc nâng cấp đường Nguyễn Tất Thành; cải tạo mở rộng các trục đường Bùi Thị Xuân, Kim Long, Điện Biên Phủ, Phan Bội Châu nối với khu lăng tẩm phía Tây Nam thành phố Huế; xây dựng mới cầu Chợ Dinh để nối Bãi Dâu với Phú Thượng;

+ Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua thành phố Huế giữ nguyên hiện trạng, cải tạo và nâng cấp đường sắt và ga;

+ Đường hàng không: nâng cấp sân bay Phú Bài, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách trong nước và nước ngoài;

+ Đường thuỷ: nâng cấp cảng Thuận An, bảo đảm yêu cầu vận chuyển hàng hoá và du lịch; thiết lập và nâng cấp hệ thống bến tầu trên sông Hương phục vụ khách du lịch và dịch vụ vận chuyển.

- Giao thông đô thị: đất dành cho hệ thống giao thông trong đô thị phải đạt tỷ lệ 20 - 25% tổng quỹ đất của thành phố, trong đó giao thông tĩnh đạt 4 - 5%. Mạng lưới đường được quy hoạch theo 4 khu vực như sau:

+ Khu kinh thành: hạn chế mật độ xe chạy; điều chỉnh mặt cắt đường phù hợp với chiều rộng của 10 cổng thành; nâng cấp 4 tuyến đường chính theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây trong Thành Nội;

+ Khu trung tâm công cộng thành phố trên bờ Nam sông Hương: các tuyến đường giữ nguyên hiện trạng; mở rộng một số tuyến chính như Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Hùng Vương, Bà Triệu, An Dương Vương;

+ Khu vực phía Tây Nam kinh thành: chỉnh trang mạng lưới đường, mở rộng một số tuyến có quy mô phù hợp với khu lâm viên và các lăng tẩm;

+ Khu đô thị phát triển: tổ chức tuyến từ khu Hương Sơ đi cảng Thuận An; mở rộng đường Bà Triệu đi cảng Thuận An; đường Lê Duẩn qua cầu Bạch Hổ nối với đường Bùi Thị Xuân.

b) Về chuẩn bị kỹ thuật đất đai:

- Cốt cao độ nền xây dựng được tính toán để khống chế cốt cụ thể từng khu vực nhằm giải quyết tốt hệ thống thoát nước, tránh úng ngập cục bộ;

- Trong khu vực Thành Nội: cải tạo hệ thống cống, mương hiện có, thoát nước ra sông Ngự Hà và Hào Thành; nạo vét sông Ngự Hà và Hào Thành;

- Trong khu phố cũ: cải tạo, xây dựng hệ thống cống ngầm thoát nước chung ra sông An Cựu, Đập Đá; từng bước tách thành hệ thống thoát nước riêng;

- Trong các khu đô thị mới: sử dụng hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt riêng, thoát ra sông Hương, sông Đông Ba và sông Bạch Yến.

c) Về cấp nước:

- Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt đến năm 2010 là 100 lít/người/ngày, với 80% dân số đô thị được cấp nước; đến năm 2020 là 150 lít/người/ngày, với 85% dân số đô thị được cấp nước;

- Nguồn nước: trước mắt sử dụng nước mặt sông Hương; lâu dài sử dụng nước hồ Tả Trạch;

- Tận dụng những nhà máy nước và trạm bơm hiện có; nâng cấp nhà máy nước Quảng Tế; thiết kế mạng lưới đường ống cấp nước khép kín toàn thành phố.

d) Về cấp điện:

- Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các trạm biến thế có công suất phù hợp, bảo đảm cung cấp điện sản xuất, sinh hoạt, chiếu sáng và dịch vụ cho từng khu vực;

- Cải thiện và xây dựng các đường dây 220 KV, 110 KV và 22 KV, bảo đảm hiện đại, mỹ quan và sử dụng an toàn.

e) Về thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường:

- Cải tạo, nâng cấp và sử dụng hệ thống cống chung thoát nước bẩn và nước mưa tại khu vực nội thành cũ và xây dựng hệ thống cống thoát nước bẩn riêng tại các khu vực mới xây dựng;

- Đến năm 2020, bảo đảm 100% khối lượng chất thải rắn của thành phố được thu gom, vận chuyển, xử lý bằng công nghệ thích hợp;

- Cải tạo và xây dựng các nghĩa địa, nghĩa trang tập trung, kết hợp với việc chỉnh trang các nghĩa địa, nghĩa trang nhỏ hiện còn phân tán trong các khu vực; tiến tới chấm dứt việc an táng phân tán và xây lăng mộ quá to, chiếm nhiều diện tích.

7. Quy hoạch xây dựng đợt đầu:

Đến năm 2005, tập trung thực hiện một số công tác trọng điểm về quản lý và phát triển đô thị, gồm:

a) Hoàn chỉnh việc lập, xét duyệt các quy hoạch chi tiết;

b) Cải tạo, nâng cấp, phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là chống ách tắc giao thông và úng ngập cục bộ;

c) Cải tạo các khu dân cư hiện có, đặc biệt trong khu vực kinh thành Huế, các làng nghề truyền thống, khu phố cũ, các khu dân cư dọc sông An Cựu; xây dựng các khu dân cư tại Kim Long, Hương Sơ, Bãi Dâu để dãn dân trong khu vực bảo tồn di tích và dân vạn đò hiện đang sinh sống trên sông Hương;

d) Cải tạo, nâng cấp các cơ sở phục vụ công cộng về y tế, văn hoá, giáo dục, dịch vụ, công viên cây xanh, thể dục thể thao, nghỉ ngơi giải trí;

e) Di chuyển ra ngoại thành các cơ sở sản xuất, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường; bảo vệ tôn tạo cảnh quan môi trường sông Hương;

g) Đầu tư và phát triển đô thị: xây dựng nhà ở và các khu di dân tái định cư; mạng lưới giao thông đối ngoại và giao thông đô thị; cơ sở hạ tầng cho các khu đô thị dự kiến phát triển, các cụm công nghiệp tại Thủy An, Hương Sơ; xây dựng Đại học Quốc gia Huế tại Ngự Bình - Tam Thai và trung tâm văn hoá - thể dục thể thao tại Ngự Bình;

h) Từng bước hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, có kế hoạch phát triển các công trình hạ tầng khu vực ngoại thành.

Điều 2. Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan phê duyệt hồ sơ thiết; tổ chức công bố và thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2020 theo các nội dung tại Điều 1 của Quyết định này và theo các quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)