Quyết định 1636/QĐ-LĐTBXH năm 2016 về Thể lệ Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu: 1636/QĐ-LĐTBXH Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Người ký: Nguyễn Trọng Đàm
Ngày ban hành: 29/11/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thông tin báo chí, xuất bản, Thi đua, khen thưởng, các danh hiệu vinh dự nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1636/QĐ-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH THỂ LỆ CUỘC THI CÁC TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2016-2020

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 2016;

Căn cứ Nghị định 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Thông báo số 307/TB-VPCP ngày 28 tháng 9 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 1330/QĐ-LĐTBXH ngày 7 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kế hoạch tổ chức Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Thể lệ Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng - Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Tổng Biên tập Báo Lao động và Xã hội, Thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Phó Thủ tướng CP Vương Đình Huệ (để b/c);
- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (để b/c);
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ TTTT (để phối hợp);

- Hội Nhà báo Việt Nam (để phối hợp);
- Lưu: VT, VPQGGN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trọng Đàm
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO CUỘC THI CÁC TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2016-2020

 

THỂ LỆ

CUỘC THI CÁC TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành theo Quyết định s 1636/QĐ-LĐTBXH ngày 28 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

I. Mục đích, ý nghĩa

Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 (sau đây gọi tắt là Cuộc thi) được tổ chức nhằm:

- Tăng cường sự quan tâm của các cơ quan báo chí, tạo đồng thuận xã hội đối với công tác giảm nghèo, đẩy mạnh việc thông tin về chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình về giảm nghèo. Tập trung tuyên truyền các gương điển hình vươn lên thoát nghèo, thực hiện tốt công tác trợ giúp cho người nghèo, phổ biến các kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình giảm nghèo có hiệu quả để phát huy và nhân rộng; phản ánh thực trạng tồn tại, hiện thực trong lĩnh vực giảm nghèo;

- Ghi nhận, cổ vũ, động viên các phóng viên, biên tập viên, tập thể, cá nhân tích cực tham gia và đóng góp trong công tác tuyên truyền về giảm nghèo; tuyên dương, khen thưởng những tác giả, tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao;

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo. Huy động sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là người nghèo, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo;

- Đề xuất những ý tưởng, giải pháp thiết thực, hiệu quả theo hướng quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn lực cho công tác giảm nghèo.

II. Đối tượng tham gia

Các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương, các cây viết không chuyên trong toàn quốc có tác phẩm báo chí được đăng tải trên báo chí và các phương tiện truyền thông do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép và phù hợp với Thể lệ này được tham gia dự thi.

Tác giả không vi phạm các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và pháp luật khác.

III. Nội dung dự thi

Tác phẩm báo chí dự thi Cuộc thi tập trung phản ánh nội dung trọng tâm sau đây:

- Chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo; cơ chế chính sách và việc thực thi pháp luật về giảm nghèo; tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

- Phản ánh thành tựu trong công tác giảm nghèo bền vững; thực trạng khó khăn, bất cập của cơ chế chính sách, các vấn đề bức xúc của xã hội liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo; nguyên nhân nghèo đói và những giải pháp trong công tác giảm nghèo;

- Gương điển hình (địa phương, tập thể, cá nhân, hộ gia đình), mô hình mới, cách làm mới, ý tưởng hiệu quả trong công tác giảm nghèo;

- Các gương điển hình trong Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” như: Hộ gia đình vượt khó, vươn lên thoát nghèo; Phát huy vai trò cộng đồng, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu; Tập trung hỗ trợ địa bàn nghèo, tăng cường giảm hộ nghèo và tăng hộ khá, giàu; Đồng thuận hợp tác, trách nhiệm vì người nghèo và công tác giảm nghèo; Cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; Cộng đồng doanh nghiệp đng hành cùng người nghèo, hướng tới một thế giới không để ai bị bỏ lại phía sau.

IV. Tiêu chí đánh giá

Các tác phẩm báo chí được tuyển chọn đánh giá qua các tiêu chí, cụ thể như sau:

+ Có tính thời sự cao;

+ Phản ánh chân thực, sinh động các gương điển hình trong công tác giảm nghèo, các mô hình giảm nghèo, các phong trào thi đua, các chương trình hợp tác, đồng hành cùng người nghèo, các chương trình phát huy nội lực cộng đồng hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững;

+ Phản ánh tình hình thực tế cuộc sống của người nghèo, cộng đồng nghèo; vướng mắc, bất cập của cơ chế chính sách; các vấn đề bức xúc của xã hội liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo có tính thời sự, chính xác, khách quan và có giá trị thông tin cao;

+ Tác phẩm tỏ rõ tinh thần phản biện xã hội lành mạnh, đề xuất được giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ sự bất cập, khó khăn;

+ Nội dung tác phẩm có ảnh hưởng rộng lớn, có sức lan tỏa lâu dài;

Các tác phẩm đoạt giải được lấy từ tác phẩm có điểm cao nhất trở xuống của kết quả chấm chung khảo.

V. Loại hình và thể loại tác phẩm dự thi

Gồm 5 loại giải tương ứng với 5 loại hình báo chí (Báo hình, báo phát thanh, báo in, báo ảnh, báo điện tử), cụ thể như sau:

- Báo hình (phóng sự, phóng sự điều tra có kết luận của cơ quan điều tra, chương trình phỏng vấn, tọa đàm, ký sự truyền hình);

- Báo phát thanh (bài phản ánh, phóng sự, phóng sự điều tra có kết luận của cơ quan điều tra, chương trình phỏng vấn, tọa đàm, ký sự);

- Báo in gồm báo, tạp chí (bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra có kết luận của cơ quan điều tra, bút ký báo chí);

- Báo ảnh (ảnh đơn, nhóm ảnh, phóng sự ảnh);

- Báo điện tử (bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra có kết luận của cơ quan điều tra, bút ký báo chí, phóng sự ảnh ghi nhận về nhân vật vùng đất thay đổi trong quá trình triển khai giảm nghèo);

Đối với loại hình báo chí phát thanh, truyền hình, thời lượng mỗi tác phẩm dự thi không quá 60 phút.

VI. Điều kiện và cách thức gửi bài dự thi

Tác phẩm dự thi chưa từng đoạt giải thưởng tại các cuộc thi báo chí cấp quốc gia và không cùng gửi dự thi các giải thưởng báo chí khác. Tác phẩm dự thi được đăng tải kể từ ngày 11 tháng 9 năm trước đến hết ngày 10 tháng 9 năm trao giải cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng (quy định tại mục II). Ban Tổ chức được toàn quyền sử dụng tác phẩm đoạt giải để phục vụ mục đích tuyên truyền;

Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và bản quyền tác phẩm;

Đối với tác phẩm báo chí loại hình phát thanh, truyền hình gửi kèm băng, đĩa ghi tiếng, hình (CD, VCD, DVD, file âm thanh, hình ảnh) có lời bình in trên giấy A4 (ghi rõ ngày, giờ phát sóng, chương trình, chuyên mục và gửi clip hoặc đường link đã đăng tải). Đối với tác phẩm báo chí loại hình báo viết, báo điện tử gửi kèm bản photo ấn phẩm báo chí và đường link đã đăng tải (ghi rõ tác phẩm ở số trang, số báo, ngày phát hành, địa chỉ đăng tải và tên báo). Tác phẩm tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng phổ thông. Ban Tổ chức sẽ không giải quyết các khiếu nại, đề nghị về việc thay đổi hoặc bổ sung tên tác giả đối với tác phẩm đoạt giải;

Các cơ quan báo chí lựa chọn tác phẩm báo chí, lập danh sách, xác nhận gửi bài dự thi. Tác phẩm dự thi gửi kèm theo tên thật, bút danh, địa chỉ, số điện thoại, email của tác giả hoặc cơ quan báo chí để thuận tiện liên lạc khi xét giải số lượng bài dự thi tham gia nhiều nhất cho một cơ quan báo chí;

Tác phẩm không đáp ứng quy định đã nêu trên bị coi là phạm quy (bị loại).

VII. Thời hạn và địa chỉ gửi tác phẩm dự thi

Ban Tổ chức tiếp nhận các tác phẩm dự thi đến hết ngày 10 tháng 9 năm trao giải cuộc thi (tính theo dấu bưu điện);

Địa chỉ gửi tác phẩm dự thi: Tổ Thư ký Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 (qua Phòng Truyền thông, Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số 12 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội).

VIII. Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo và Tổ Thư ký

1. Các thành viên tham gia Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo và Tổ Thư ký

a. Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo Cuộc thi do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập gồm 03 thành viên:

- 01 Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng ban;

- 01 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban;

- 01 Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban.

b. Ban Tổ chức

Ban Tổ chức Cuộc thi do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập bao gồm 10 thành viên:

1) Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng ban;

2) Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban;

3) Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban;

4) Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên;

5) Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên;

6) Chánh Văn phòng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên;

7) Phó Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên;

8) Phó Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên;

9) Trưởng phòng Thi đua - Khen thưởng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên;

10) Trưởng phòng Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên.

c. Hội đồng Giám khảo

Hội đồng Giám khảo do Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi quyết định thành lập gồm Ban Sơ khảo và Ban Chung khảo.

- Ban Sơ khảo bao gồm:

+ Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban;

+ Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó trưởng Ban;

+ Thành viên của Ban Sơ khảo bao gồm đại diện các đơn vị: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo có uy tín, địa diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

- Ban Chung khảo bao gồm:

+ Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng ban;

+ Lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban;

+ Thành viên của Ban Chung khảo bao gồm đại diện các đơn vị: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo có uy tín, đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

d. Tổ thư ký

Là bộ phận giúp việc cho Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và Hội đồng Giám khảo Cuộc thi gồm đại diện các đơn vị: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Nhà báo Việt Nam.

2. Thành viên Hội đồng giám khảo không được có tác phẩm tham gia Cuộc thi này.

3. Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng điều khiển các phiên họp của Hội đồng. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể. Các phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên tham dự. Quyết định của Hội đồng chỉ có giá trị khi có ít nhất ba phần tư (3/4) sthành viên Hội đồng biểu quyết đồng ý.

4. Chủ tịch Hội đồng có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng điều hành hoạt động của Hội đồng; Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm thay mặt Hội đồng báo cáo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả làm việc và đề xuất của Hội đồng về việc xét trao Giải thưởng.

Hội đồng Giám khảo có trách nhiệm tổ chức chấm thi, xét chọn, thẩm định các tác phẩm báo chí theo đúng các quy định Thể lệ Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

IX. Cơ cấu giải thưởng

1. Giải đối với cá nhân

- Báo hình: 01 giải A; 02 giải B; 03 giải C; 03 giải khuyến khích;

- Báo in: 01 giải A; 02 giải B; 03 giải C; 05 giải khuyến khích;

- Báo phát thanh: 01 giải A; 02 giải B; 03 giải C; 03 giải khuyến khích;

- Báo ảnh: 01 giải A; 02 giải B; 03 giải C; 03 giải khuyến khích;

- Báo điện tử: 01 giải A; 02 giải B; 03 giải C; 03 giải khuyến khích;

Ngoài tiền thưởng (Giải A: 15 triệu đồng/giải; Giải B: 10 triệu đồng/giải;

Giải C: 7 triệu đồng/giải; Giải khuyến khích: 3 triệu đồng/giải), các tác giả, tác phẩm đạt giải được kèm theo Giấy chứng nhận;

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với tác phẩm đoạt giải A của từng loại hình.

2. Giải đối với tập thể: 02 giải

Ban Tổ chức trao 01 giải thưởng cho cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm dự thi và 01 giải cho các cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm đạt giải trong cuộc thi. Giải thưởng trị giá 15 triệu đồng/giải và kèm theo Giấy chứng nhận, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Giải đặc biệt và giải phụ: Ban Chỉ đạo, Hội đồng Giám khảo xem xét, quyết định, tùy tình hình cụ thể.

X. Thời gian công bố và trao giải

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ công bố và tổ chức Lễ trao giải thưởng cuộc thi báo chí viết về công tác giảm nghèo vào dịp Ngày vì người nghèo 17 tháng 10 hằng năm hoặc thời điểm phù hợp và chính thức phát động Cuộc thi tiếp theo.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phát thanh và truyền hình trực tiếp Gala tổng kết, trao giải và vinh danh các nhà tài trợ Cuộc thi vào tháng 10/2020./.