Thông báo 307/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai
Số hiệu: 307/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 07/10/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 307/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH ĐỒNG NAI

Ngày 03 tháng 10 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Cùng dự và làm việc với Thủ tướng có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ.

Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng còn lại của năm 2009, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2010 và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau.

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Đồng Nai là tỉnh lớn, có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện các mục tiêu Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ và đã đạt kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực; tăng trưởng kinh tế 3 năm 2006 - 2008 bình quân đạt gần 15%/ năm. Đặc biệt 9 tháng đầu năm 2009 mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh vẫn đạt trên 8%, trong đó công nghiệp tăng 7,8% dịch vụ tăng 10,6%, nông nghiệp tăng 4%, thu ngân sách tăng 4,4%. Tỉnh đã triển khai thực hiện tốt chính sách kích cầu đầu tư của Chính phủ và tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước, tạo đà cho kế hoạch phát triển năm 2010 .

Lĩnh vực văn hoá xã hội chuyển biến tích cực: tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế cao, chiếm 96,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; cải cách hành chính có tiến bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Bên cạnh những kết quả nêu trên còn có một số hạn chế như: kim ngạch xuất khẩu giảm, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu có giá trị công nghệ cao còn thấp; tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo, có tay nghề còn thấp; công tác bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh cần quan tâm hơn nữa, sớm khắc phục những hạn chế này để bảo đảm phát triển bền vững trong những năm tới như mục tiêu đã đề ra.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Về cơ bản nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong báo cáo của Tỉnh. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đặt ra cho tỉnh Đồng Nai trong những tháng cuối năm 2009 và năm 2010 là rất nặng nề với hai nội dung chủ yếu: vừa phải phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra về phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải chuẩn bị thật tốt để triển khai thắng lợi Đại hội Đảng các cấp. Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ sau:

1. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Về công nghiệp, trên cơ sở khai thác tốt lợi thế về diện tích lớn, dân số đông, nằm trên truc giao thông của khu vực phát triển, trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tỉnh cần lựa chọn từng phương án đầu tư hiệu quả để phát triển các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm công nghệ cao, nhất là các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin, các dịch vụ tư vấn, dịch vụ kỹ thuật cao,... Về nông nghiệp, tối ưu hoá giá trị và giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương như cao su, điều, cà phê, ngô,... trên cơ sở chủ động về thị trường, nguồn hàng và công nghiệp chế biến; đồng thời, chú trọng khai thác hết khả năng phát triển triển du lịch với lợi thế về vườn quốc gia Cát Tiên.

2. Tập trung nguồn lực cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, cả trong và ngoài khu công nghiệp. Trong xây dựng hạ tầng, cần chú ý đến tính đồng bộ và toàn diện các yếu tố như nước điện, giao thông đồng thời với việc làm thật tốt khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.

3. Có giải pháp, kế hoạch cụ thể phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh cần phải xem lại các nội dung liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là hệ thống đào tạo nghề, trường nghề. Phải coi đây là một khâu đột phá trong chiến lược 10 năm tới của Tỉnh.

4. Chú trọng nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước tập trung vào 3 trọng tâm: rà soát thủ tục hành chính, công tác quy hoạch và phân cấp quản lý. Tập trung cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, đất đai theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Công khai các thủ tục hành chính để tạo môi trường minh bạch, bình đẳng cho cạnh tranh phát triển để người dân và doanh nghiệp cùng tham gia kiểm soát việc thực hiện.

Về công tác quy hoạch, cần nâng cao chất lượng và tính ổn định của các quy hoạch trên tất cả các lĩnh vực: quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới. Về phân cấp, đặc biệt chú trọng hoàn thiện phân cấp theo hướng tạo thuận lợi cho cơ sở, thuận tiện cho quản lý ở cấp địa phương, nhất là trong một số lĩnh vực đòi hỏi tính thực tiễn, tính linh hoạt trong điều hành, như đền bù giải phóng mặt bằng, kiểm soát môi trường,...

5. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt lĩnh vực văn hoá, xã hội; quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn và các vùng tái định cư; chú trọng công tác an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Tập trung chỉ đạo các hoạt động phòng, chống các loại dịch bệnh.

6. Chỉ đạo tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, quan tâm hơn nữa đến bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước sông Đồng Nai, sông Thị Vải.

Sớm có kế hoạch xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, nước thải trong Tỉnh với công nghệ phù hợp, nhất là tại các thành phố, thị xã, khu công nghiệp, các khu tập trung dân cư.

7. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Kết hợp tốt yêu cầu xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân với việc tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

III. VỀ NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Đồng ý về nguyên tắc hỗ trợ tỉnh Đồng Nai xây dựng phần cầu chính cầu Hóa An từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu năm 2010, phần còn lại Tỉnh bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện .

2. Đồng ý chủ trương thành lập Khu Công nghệ cao chuyên ngành sinh học tỉnh Đồng Nai. Tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập Đề án và trình duyệt theo quy định. Việc xử lý các ưu đãi về đất đai, thuế sẽ xem xét cụ thể sau khi Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Về việc vay vốn ngân sách Trung ương để đầu tư các dự án của Tỉnh và đầu tư hạ tầng các khu tái định cư tỉnh Đồng Nai: đồng ý, giao Bộ Tài chính xem xét, xử lý cụ thể.

4. Đồng ý chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Thành. Tỉnh lập Đề án gửi Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Về chủ trương đầu tư xây dựng cầu và đường từ Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh qua huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai: giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với tỉnh Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất quy mô, hình thức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Đồng ý về chủ trương chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I thành Khu đô thị thương mại dịch vụ. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập Dự án, trong đó làm rõ cơ chế, chính sách và điều kiện thuận lợi để di chuyển các doanh nghiệp, nhà máy ra ngoài Khu công nghiệp Biên Hòa, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và trình duyệt theo quy định.

7. Về bổ sung và ứng vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án đầu tư xây dựng bệnh viện tuyến huyện: Tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân số vốn đã được bố trí trong Danh mục, nếu đã giải ngân hết thì cho phép ứng trước vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010 để thực hiện theo tiến độ dự án.

8. Về vốn đầu tư các dự án đường ô tô đến trung tâm xã: Tỉnh rà soát, xác định cụ thể từng tuyến đường đến xã cần được đầu tư, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp chung vào vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

9. Về việc hỗ trợ chi thực hiện một số chính sách an sinh xã hội theo Nghị định số 67/2007/NĐ- CP của Chính phủ: đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính. Văn phòng Chính phủ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TKBT, TH, KTTH, KTN, KGVX;
- Lưu: VT, ĐP (5). 35

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Phúc

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.