Chương II TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ TRƯỜNG ĐẠI HỌC
...
Mục 2: TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP
Điều 9. Hội đồng trường
Hội đồng trường được thành lập theo quy định tại Điều 16 của Luật Giáo dục đại học và một số quy định cụ thể sau đây:
1. Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường
a) Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo, giải trình với cơ quan trực tiếp quản lý trường, cơ quan quản lý nhà nước về các điều kiện đảm bảo chất lượng, các kết quả hoạt động, việc thực hiện các cam kết và tài chính của trường;
b) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thông qua phương án bổ sung, miễn nhiệm hoặc thay thế các thành viên của hội đồng trường;
c) Thông qua các quy định về: Số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm; việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên hợp đồng của nhà trường;
d) Giới thiệu nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định; thực hiện đánh giá hàng năm việc hoàn thành nhiệm vụ của hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết;
đ) Yêu cầu hiệu trưởng giải trình về những vấn đề chưa được thực hiện đúng, chưa được thực hiện đầy đủ theo nghị quyết của hội đồng trường, nếu có. Nếu hội đồng trường không đồng ý với giải trình của hiệu trưởng thì báo cáo cơ quan trực tiếp quản lý trường.
2. Hội đồng trường có số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu là 15 thành viên; có 01 Chủ tịch và 01 thư ký hội đồng. Thành phần hội đồng trường gồm:
a) Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, Bí thư đảng ủy trường, Chủ tịch công đoàn trường, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường;
b) Đại diện giảng viên, nghiên cứu viên của một số khoa, viện;
c) Đại diện của cơ quan trực tiếp quản lý trường;
d) Một số thành viên bên ngoài, không phải là giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu của trường đáp ứng các yêu cầu sau đây: Đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhà trường; không phải là người có quan hệ bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột với các thành viên khác trong hội đồng trường. Nếu các thành viên này không phải là công chức, viên chức thì không đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch hoặc thư ký hội đồng trường. Số lượng thành viên thuộc thành phần này chiếm không dưới 20% tổng số thành viên của hội đồng trường;
đ) Số lượng, cơ cấu thành viên, quy trình, thủ tục lựa chọn các thành viên, bầu Chủ tịch, thư ký hội đồng trường phải được thể hiện cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
3. Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và phải được trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng trường đồng ý. Chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng của nhà trường và có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
a) Triệu tập các cuộc họp của hội đồng trường;
b) Quyết định về chương trình nghị sự, chủ tọa các cuộc họp và tổ chức bỏ phiếu tại cuộc họp;
c) Điều hành hội đồng trường thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 16 của Luật Giáo dục đại học và Khoản 1 Điều này.
4. Thư ký của hội đồng trường do Chủ tịch hội đồng trường giới thiệu trong số các thành viên của hội đồng trường và bổ nhiệm khi được hội đồng trường thông qua với trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng trường đồng ý. Thư ký hội đồng trường không kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng, trực tiếp giúp Chủ tịch hội đồng trường thực hiện một số nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể sau đây:
a) Tổng hợp thông tin về hoạt động của trường báo cáo Chủ tịch hội đồng trường; chuẩn bị chương trình nghị sự, nội dung, tài liệu, gửi giấy mời họp và làm thư ký các cuộc họp của hội đồng; xây dựng, hoàn chỉnh, lưu trữ các văn bản của hội đồng trường;
b) Chuẩn bị các báo cáo, giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan theo nhiệm vụ, chức năng của hội đồng trường;
c) Các nhiệm vụ khác do Chủ tịch hội đồng trường giao.
5. Các thành viên của hội đồng trường có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ do hội đồng trường phân công và các nhiệm vụ khác quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
Điều 10. Thủ tục thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường; hoạt động của hội đồng trường; miễn nhiệm Chủ tịch và các thành viên hội đồng trường
1. Thủ tục thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường
a) Đối với trường hợp trường đại học chưa có hội đồng trường, việc thành lập hội đồng trường nhiệm kỳ đầu tiên được thực hiện như sau: Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 9 Điều lệ này, Hiệu trưởng chủ trì cuộc họp gồm các thành phần: Bí thư Đảng ủy trường, các phó hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn trường, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường để xác định tổng số thành viên hội đồng trường và số lượng thành viên của từng thành phần tham gia hội đồng trường; tổ chức bầu các thành viên đại diện cho giảng viên và nghiên cứu viên; đề nghị cơ quan trực tiếp quản lý trường cử đại diện tham gia hội đồng trường; xác định danh sách các thành viên bên ngoài không phải giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của trường; báo cáo danh sách thành viên hội đồng trường với cơ quan trực tiếp quản lý trường. Sau thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày báo cáo, nếu không có ý kiến khác của cơ quan trực tiếp quản lý trường thì hiệu trưởng tổ chức họp các thành viên trong danh sách nêu trên để bầu Chủ tịch hội đồng trường. Trên cơ sở quyết nghị tại cuộc họp này, hiệu trưởng có văn bản đề nghị cơ quan trực tiếp quản lý trường ra Quyết định thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường;
b) Đối với trường hợp trường đại học đã có hội đồng trường, việc thành lập hội đồng trường nhiệm kỳ kế tiếp được thực hiện như sau: Chủ tịch hội đồng trường đương nhiệm tổ chức thực hiện các quy định tại Điểm a Khoản này để thành lập hội đồng trường nhiệm kỳ kế tiếp theo đúng quy định tại Điều lệ này và quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;
c) Hồ sơ đề nghị thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường gồm: Tờ trình đề nghị thành lập hội đồng trường, trong đó nêu rõ quy trình xác định các thành viên hội đồng trường; danh sách và sơ yếu lý lịch của chủ tịch và các thành viên của hội đồng trường; văn bản của cơ quan trực tiếp quản lý trường cử thành viên tham gia hội đồng trường; văn bản đồng ý tham gia hội đồng trường của các thành viên không phải giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường; biên bản họp, biên bản kiểm phiếu, phiếu bầu Chủ tịch hội đồng trường và các thành viên đại diện cho khoa, viện thuộc trường;
d) Thủ tục thay thế Chủ tịch và thành viên hội đồng trường: Trong trường hợp chủ tịch hội đồng trường tự nguyện xin thôi làm chủ tịch hội đồng trường hoặc không thể tiếp tục làm việc hoặc thuộc trường hợp bị miễn nhiệm theo quy định tại Khoản 3 Điều này thì hiệu trưởng tổ chức họp hội đồng trường để bầu Chủ tịch hội đồng trường mới và gửi hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thay thế Chủ tịch hội đồng trường đến cơ quan trực tiếp quản lý trường quyết định. Hồ sơ gồm: Tờ trình nêu rõ lý do bầu thay thế Chủ tịch hội đồng trường, văn bản liên quan đến chủ tịch hội đồng trường đương nhiệm, biên bản họp hội đồng trường, biên bản kiểm phiếu và phiếu bầu chủ tịch hội đồng trường mới.
Trường hợp hội đồng trường bị khuyết thành viên do có thành viên bị miễn nhiệm hoặc bị chết, nghỉ hưu, thuyên chuyển sang công tác khác không còn phù hợp với vị trí làm thành viên thì Chủ tịch hội đồng trường căn cứ vào thành phần của các thành viên bị khuyết để lựa chọn thành viên thay thế theo quy trình quy định tại Điểm a Khoản này. Hồ sơ đề nghị bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường gồm: Tờ trình nêu rõ lý do các trường hợp bổ sung thay thế, biên bản họp hội đồng trường, biên bản kiểm phiếu và phiếu bầu, các hồ sơ minh chứng liên quan (nếu có);
đ) Về quy trình, thủ tục: trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị của nhà trường, Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý trường ra quyết định thành lập hội đồng trường, bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường hoặc bổ sung thay thế thành viên hội đồng trường. Trường hợp không đồng ý do hồ sơ còn thiếu hoặc không bảo đảm quy định thì cơ quan thụ lý hồ sơ phải có trách nhiệm trả lời trường bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2. Hoạt động của hội đồng trường
a) Hội đồng trường họp thường kỳ ít nhất 6 tháng một lần và họp bất thường khi có đề nghị bằng văn bản của trên 30% tổng số thành viên hội đồng trường hoặc có đề nghị của hiệu trưởng hoặc của Chủ tịch hội đồng trường.
Cuộc họp của hội đồng trường được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên hội đồng tham dự. Quyết nghị của hội đồng chỉ có giá trị khi có trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng trường đồng ý. Các cuộc họp phải ghi biên bản và gửi đến cơ quan trực tiếp quản lý trường chậm nhất sau 15 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cuộc họp;
b) Hội đồng trường được sử dụng con dấu và bộ máy tổ chức của nhà trường để triển khai các công việc của hội đồng trường;
c) Chủ tịch hội đồng trường được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương hiệu trưởng; thư ký hội đồng trường được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trưởng phòng; phụ cấp cho các thành viên khác trong hội đồng trường được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động và quy chế tài chính nội bộ của nhà trường.
Kinh phí hoạt động của hội đồng trường, phụ cấp chức vụ của Chủ tịch, thư ký và phụ cấp cho các thành viên (nếu có) được tính trong kinh phí hoạt động của nhà trường;
d) Về việc ủy quyền điều hành hội đồng: Khi chủ tịch hội đồng trường không thể làm việc trong khoảng thời gian mà quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường đã quy định thì phải có trách nhiệm ủy quyền bằng văn bản cho một trong số các thành viên còn lại của hội đồng trường đảm nhận thay trách nhiệm của Chủ tịch hội đồng. Văn bản ủy quyền phải được gửi đến cơ quan trực tiếp quản lý trường và thông báo công khai. Thời gian ủy quyền không quá 6 tháng.
3. Miễn nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng trường
a) Thành viên của hội đồng trường bị miễn nhiệm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có đề nghị bằng văn bản của cá nhân xin thôi tham gia hội đồng trường; bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; sức khỏe không đủ khả năng đảm nhiệm công việc được giao, đã phải nghỉ làm việc để điều trị quá 6 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục; đang chấp hành bản án của tòa án; có trên 50% tổng số thành viên của hội đồng trường kiến nghị bằng văn bản đề nghị miễn nhiệm; mắc các vi phạm khác đã quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;
b) Hội đồng trường có trách nhiệm xem xét, quyết nghị việc miễn nhiệm Chủ tịch và thành viên hội đồng trường và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan trực tiếp quản lý trường quyết định. Hồ sơ gồm có: Tờ trình nêu rõ lý do miễn nhiệm và các văn bản, minh chứng liên quan;
c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị của nhà trường, Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý trường ra quyết định miễn nhiệm; trường hợp không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 11. Hiệu trưởng trường đại học
Hiệu trưởng trường đại học được quy định tại Điều 20 của Luật Giáo dục đại học và một số quy định cụ thể sau đây:
1. Hiệu trưởng là người điều hành tổ chức, bộ máy của trường đại học. Nếu được điều động từ cơ quan, tổ chức khác để bổ nhiệm vào chức vụ hiệu trưởng thì sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng được quy định tại Khoản 3, Điều 20 của Luật Giáo dục đại học và một số nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể sau đây:
a) Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường trình hội đồng trường phê duyệt;
b) Xây dựng quy định về: Số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý, người lao động trình hội đồng trường thông qua;
c) Tổ chức tuyển dụng, quản lý và sử dụng hiệu quả đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động khác theo quy định của pháp luật;
d) Hàng năm, tổ chức đánh giá giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động khác;
đ) Xem xét các ý kiến tư vấn của hội đồng khoa học và đào tạo trước khi quyết định các vấn đề đã giao cho hội đồng khoa học và đào tạo tư vấn. Trường hợp không đồng ý với nội dung tư vấn, hiệu trưởng được quyết định, chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định và báo cáo hội đồng trường trong kỳ họp hội đồng trường gần nhất;
e) Tổ chức thực hiện nghị quyết của hội đồng trường; trao đổi với chủ tịch hội đồng trường và thống nhất cách giải quyết theo quy định của pháp luật nếu phát hiện nghị quyết vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động chung của nhà trường. Trường hợp không thống nhất được cách giải quyết thì hiệu trưởng báo cáo với cơ quan trực tiếp quản lý trường.
3. Bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng:
a) Việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường đại học được thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Luật Giáo dục đại học và các quy định của pháp luật hiện hành. Độ tuổi bổ nhiệm nhiệm kỳ đầu của hiệu trưởng không quá 55 đối với nam; không quá 50 đối với nữ tính đến tháng thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi ra quyết định bổ nhiệm;
b) Việc miễn nhiệm hiệu trưởng được thực hiện đối với một trong các trường hợp sau đây: Có đề nghị bằng văn bản của hiệu trưởng xin thôi chức vụ; bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; sức khỏe không đủ khả năng đảm nhiệm công việc được giao, phải nghỉ làm việc để điều trị quá 6 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sử dụng văn bằng giả hoặc văn bằng không được cơ quan có thẩm quyền công nhận; có trên 3/4 tổng số thành viên của hội đồng trường kiến nghị bằng văn bản đề nghị miễn nhiệm hoặc mắc các vi phạm khác đã quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;
c) Hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 12. Phó hiệu trưởng trường đại học
1. Phó hiệu trưởng trường đại học là người giúp hiệu trưởng trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường. Mỗi trường đại học có không quá 03 phó hiệu trưởng. Trường hợp đặc biệt, đối với các trường đại học có tổng quy mô trên 20.000 sinh viên chính quy và được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì có thể bổ sung 01 hoặc 02 phó hiệu trưởng sau khi được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Phó hiệu trưởng trường đại học phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, sức khỏe tốt; có uy tín và năng lực quản lý, đã tham gia quản lý cấp bộ môn hoặc tương đương trở lên ở trường đại học ít nhất 5 năm; có trình độ tiến sĩ. Trường hợp trường đại học không có đủ người có trình độ tiến sĩ thì có thể bổ nhiệm người có trình độ thạc sĩ, nhưng không giao phụ trách hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ. Nếu được điều động từ cơ quan, tổ chức khác để bổ nhiệm vào chức vụ phó hiệu trưởng thì sau khi bổ nhiệm, phó hiệu trưởng phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường.
3. Phó hiệu trưởng trường đại học có nhiệm vụ trực tiếp phụ trách một số lĩnh vực công tác theo sự phân công của hiệu trưởng; được thay mặt hiệu trưởng giải quyết và chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng và pháp luật đối với công việc đã giải quyết; có trách nhiệm báo cáo với hiệu trưởng về tình hình công việc được giao.
4. Nhiệm kỳ, bổ nhiệm và miễn nhiệm phó hiệu trưởng: Nhiệm kỳ của phó hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng và có thể được bổ nhiệm lại. Việc bổ nhiệm và miễn nhiệm phó hiệu trưởng được thực hiện như đối với hiệu trưởng quy định tại Khoản 3 Điều 11 Điều lệ này.
Điều 13. Hội đồng khoa học và đào tạo
Hội đồng khoa học và đào tạo của trường đại học được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định tại Điều 19 của Luật Giáo dục đại học và một số quy định cụ thể như sau:
1. Hội đồng khoa học và đào tạo có nhiệm kỳ 5 năm theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng, thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho Hiệu trưởng về những công việc: đổi mới và phát triển chương trình đào tạo; định hướng phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; thẩm định chương trình đào tạo; xem xét công nhận chuyển đổi tín chỉ; kế hoạch hợp tác với cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức và cá nhân ở trong nước, nước ngoài để triển khai các hoạt động liên quan đến đào tạo, khoa học và công nghệ; đề xuất danh sách thành viên hội đồng chức danh giáo sư cơ sở; bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư trong trường; trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự, tiến sĩ danh dự của nhà trường cho các cá nhân; lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng nhà trường; các phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên; các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo chất lượng đầu ra; đánh giá giảng viên, đánh giá chất lượng của trang thông tin điện tử, tạp chí, tập san khoa học công nghệ (nếu có), đánh giá việc tổ chức và quản lý đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ của các đơn vị trong trường.
2. Hội đồng khoa học và đào tạo có Chủ tịch, thư ký và các thành viên; có số lượng thành viên là số lẻ từ 11 đến 25 thành viên, bao gồm: Hiệu trưởng, một số phó hiệu trưởng; trưởng của một số khoa, viện, phòng chức năng trong trường; đại diện giảng viên, nghiên cứu viên của nhà trường có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ; một số đại diện các nhà khoa học có liên quan hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường, không phải giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của trường (nếu cần thiết). Quy định cụ thể về hội đồng khoa học và đào tạo của trường đại học phải được thể hiện trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
3. Chủ tịch hội đồng khoa học và đào tạo do hội đồng bầu trong các thành viên của hội đồng theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và phải được trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng đồng ý; Chủ tịch hội đồng chỉ định thư ký hội đồng trong số các thành viên của hội đồng.
4. Hội đồng khoa học và đào tạo họp ít nhất 1 lần trong một học kỳ do Chủ tịch hội đồng triệu tập. Nội dung cuộc họp phải được thông báo trước cho tất cả các thành viên hội đồng ít nhất 03 ngày; cuộc họp được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự; kết luận của cuộc họp có hiệu lực khi có trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng khoa học và đào tạo biểu quyết đồng ý. Biên bản của cuộc họp phải được trình lên hiệu trưởng trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cuộc họp.
Điều 14. Hội đồng tư vấn
Hiệu trưởng có thể thành lập hội đồng tư vấn về một số công việc cần thiết, liên quan đến việc triển khai, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Hội đồng tư vấn làm theo vụ việc và không hưởng lương.
Hội đồng tư vấn có thể bao gồm các thành viên trong trường, thành viên ngoài trường đang hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến các hoạt động của nhà trường.
Việc thành lập, hoạt động và nhiệm vụ của hội đồng tư vấn phải được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
Điều 15. Khoa
1. Khoa là đơn vị chuyên môn thuộc trường đại học, có các nhiệm vụ sau đây:
a) Quản lý giảng viên, người lao động khác và người học thuộc khoa theo phân cấp của hiệu trưởng;
b) Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục đào tạo theo kế hoạch chung của trường, bao gồm: Xây dựng chương trình đào tạo của ngành, chuyên ngành được trường giao nhiệm vụ; tổ chức biên soạn đề cương chi tiết các môn học liên quan bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo giữa các môn học của chương trình đào tạo hoặc giữa các trình độ đào tạo; tổ chức phát triển chương trình đào tạo, xây dựng các đề án, biên soạn tài liệu, giáo trình theo định hướng phát triển của nhà trường; tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; xây dựng và thực hiện phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên, bảo đảm chuẩn đầu ra của người học theo cam kết đã được công bố, đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường lao động. Việc phát triển chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy phải thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến ngành nghề đào tạo và huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo của khoa;
d) Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, ngành nghề đào tạo và cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo;
đ) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giảng viên, người lao động, người học; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và người lao động khác thuộc khoa;
e) Tổ chức đánh giá cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên trong khoa và tham gia đánh giá cán bộ quản lý trong trường theo quy định của nhà trường.
2. Trưởng khoa, phó trưởng khoa
a) Trưởng khoa phải có trình độ tiến sĩ phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo tại khoa. Đối với khoa không đảm nhận chính việc đào tạo một ngành hoặc chuyên ngành để cấp một trong các văn bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, nếu không có tiến sĩ thì hiệu trưởng có thể xem xét bổ nhiệm người có trình độ thạc sĩ vào vị trí trưởng khoa. Trưởng khoa có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của khoa quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Mỗi khoa có không quá 02 phó trưởng khoa để giúp trưởng khoa trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của khoa. Đối với khoa được giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo ngành, chuyên ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và có quy mô trên 500 sinh viên chính quy thì có thể bổ sung 01 hoặc 02 phó trưởng khoa, nhưng phải được sự đồng ý của hội đồng trường.
Phó trưởng khoa phải có trình độ thạc sĩ trở lên, riêng phó trưởng khoa phụ trách hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ phải có trình độ tiến sĩ. Đối với khoa không đảm nhận chính việc đào tạo một ngành hoặc chuyên ngành để cấp một trong các văn bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, nếu không có tiến sĩ thì hiệu trưởng có thể xem xét bổ nhiệm người có trình độ thạc sĩ vào vị trí phó trưởng khoa phụ trách hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ;
c) Trưởng khoa, phó trưởng khoa phải có đủ tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy trình độ đại học, có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và năng lực quản lý. Nếu được điều động từ cơ quan, tổ chức khác để bổ nhiệm vào chức vụ trưởng khoa, phó trưởng khoa thì sau khi bổ nhiệm, trưởng khoa, phó trưởng khoa phải là giảng viên cơ hữu của nhà trường. Trưởng khoa có nhiệm kỳ 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại, nhưng không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Nhiệm kỳ của trưởng khoa có thể theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng và phải được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Nhiệm kỳ của phó trưởng khoa theo nhiệm kỳ của trưởng khoa và có thể được bổ nhiệm lại. Độ tuổi khi bổ nhiệm nhiệm kỳ đầu của trưởng khoa, phó trưởng khoa không quá 55 đối với nam và không quá 50 đối với nữ tính đến tháng thực hiện quy trình bổ nhiệm.
Quy trình giới thiệu, bổ nhiệm và miễn nhiệm trưởng khoa, phó trưởng khoa được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
3. Hội đồng khoa
a) Hội đồng khoa được thành lập để tư vấn cho trưởng khoa trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của khoa quy định tại Khoản 1 Điều này; tư vấn cho trưởng khoa trong đổi mới quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của khoa. Hội đồng khoa có Chủ tịch hội đồng khoa và các thành viên do hiệu trưởng bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của trưởng khoa; có số lượng thành viên là số lẻ và có tối thiểu 7 thành viên, gồm: Trưởng khoa, các phó trưởng khoa, các trưởng bộ môn, một số giảng viên, nghiên cứu viên trong khoa là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và một số thành viên bên ngoài khoa, ngoài trường có trình độ và kinh nghiệm liên quan đến phát triển chuyên môn của khoa (nếu cần thiết);
b) Chủ tịch hội đồng khoa do hội đồng khoa bầu trong số các thành viên hội đồng khoa theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và được trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng khoa đồng ý;
c) Hội đồng khoa họp ít nhất 1 lần trong một học kỳ do Chủ tịch hội đồng triệu tập. Nội dung cuộc họp phải được thông báo trước cho tất cả các thành viên hội đồng ít nhất 03 ngày; cuộc họp được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự; kết luận của cuộc họp có hiệu lực khi có trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng khoa biểu quyết đồng ý. Biên bản cuộc họp của hội đồng khoa phải được gửi kèm cùng với những đề xuất tương ứng của trưởng khoa khi trình hiệu trưởng xem xét quyết định những vấn đề liên quan đến tổ chức nhân sự, hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ của khoa;
d) Số lượng thành viên và thủ tục lựa chọn các thành viên, việc tổ chức và hoạt động của hội đồng khoa được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
4. Khoa của trường đại học có thể thành lập các hội đồng tư vấn ngành do hiệu trưởng trường đại học quyết định theo đề nghị của trưởng khoa để tư vấn cho trưởng khoa trong trường hợp cần thiết phục vụ cho công tác quản lý, điều hành khoa theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hội đồng tư vấn ngành có thể có các thành viên ngoài khoa hoặc ngoài trường, không phải là giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường (nếu thấy cần thiết), làm theo vụ việc và không hưởng lương. Thủ tục thành lập và hoạt động của hội đồng tư vấn ngành được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường.
5. Bộ môn thuộc trường đại học có tổ chức và hoạt động theo quy định tương tự như đối với bộ môn thuộc khoa quy định tại Điều 16 Điều lệ này và một số nhiệm vụ, chức năng như quy định đối với khoa tại Điều này. Những quy định cụ thể về bộ môn thuộc trường được thể hiện trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.
Điều 16. Bộ môn
1. Bộ môn là đơn vị chuyên môn thuộc khoa trong trường đại học. Quy định về tổ chức và hoạt động của bộ môn được thể hiện cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
2. Bộ môn có các nhiệm vụ sau đây:
a) Chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng, tiến độ giảng dạy của những môn học được giao trong chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy chung của trường, của khoa;
b) Xây dựng và hoàn thiện nội dung môn học; tổ chức biên soạn giáo trình, xây dựng tài liệu tham khảo phù hợp với nội dung môn học được trưởng khoa, hiệu trưởng giao;
c) Nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy; tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả học tập của sinh viên theo quy định của nhà trường;
d) Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ theo kế hoạch của trường và khoa;
đ) Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ của bộ môn; tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên thuộc lĩnh vực chuyên môn;
e) Tổ chức đánh giá công tác quản lý, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ của cá nhân, của bộ môn, của khoa và trường theo yêu cầu của hội đồng trường, hiệu trưởng, trưởng khoa.
3. Trưởng bộ môn phải có đủ tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy trình độ đại học, có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và năng lực quản lý, có trình độ tiến sĩ. Đối với bộ môn chỉ giảng dạy khối kiến thức giáo dục đại cương, nếu không có tiến sĩ có thể bổ nhiệm người có trình độ thạc sĩ làm trưởng bộ môn. Nếu được điều động từ cơ quan, tổ chức khác để bổ nhiệm vào chức vụ trưởng bộ môn thì sau khi bổ nhiệm, trưởng bộ môn phải là giảng viên cơ hữu của nhà trường.
Trưởng bộ môn có nhiệm kỳ 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Nhiệm kỳ của trưởng bộ môn có thể theo nhiệm kỳ của trưởng khoa và phải được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Độ tuổi bổ nhiệm của trưởng bộ môn phải bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được ít nhất nửa nhiệm kỳ. Quy trình giới thiệu, bổ nhiệm và miễn nhiệm trưởng bộ môn được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Trưởng bộ môn có quyền và nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của bộ môn quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Phó trưởng bộ môn phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Các quy định khác đối với phó trưởng bộ môn thực hiện tương tự như trưởng bộ môn và được cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
5. Bộ môn của trường đại học có thể thành lập hội đồng tư vấn chuyên ngành theo đề nghị của trưởng khoa và quyết định của hiệu trưởng để tư vấn cho trưởng bộ môn trong trường hợp cần thiết về các công việc liên quan đến triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ môn. Hội đồng tư vấn chuyên ngành có thể có các thành viên ở ngoài bộ môn, ngoài khoa, ngoài trường (nếu cần thiết) và làm theo vụ việc, không hưởng lương. Việc thành lập, tổ chức và hoạt động của hội đồng tư vấn chuyên ngành được xác định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.
Điều 17. Phòng chức năng
1. Các phòng chức năng có nhiệm vụ tham mưu và giúp hiệu trưởng trong việc quản lý, tổng hợp, đề xuất ý kiến, tổ chức thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được hiệu trưởng giao.
2. Trưởng phòng phải có trình độ đại học trở lên. Riêng trưởng phòng quản lý đào tạo, khoa học và công nghệ phải có trình độ tiến sĩ và có kinh nghiệm giảng dạy đại học ít nhất 5 năm; trưởng phòng hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ phải có kinh nghiệm giảng dạy đại học ít nhất 5 năm.
3. Phó trưởng phòng là người giúp trưởng phòng trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của phòng theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Phó trưởng phòng phải có trình độ đại học trở lên. Mỗi phòng chức năng của trường đại học có từ 02 đến 04 phó trưởng phòng tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy mô đào tạo của trường, được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
4. Trưởng phòng, phó trưởng phòng có nhiệm kỳ 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Độ tuổi khi bổ nhiệm nhiệm kỳ đầu tiên của trưởng phòng, phó trưởng phòng không quá 55 đối với nam và 50 đối với nữ tính đến tháng thực hiện quy trình bổ nhiệm. Nếu được điều động từ cơ quan, tổ chức khác để bổ nhiệm vào chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng thì sau khi bổ nhiệm, trưởng phòng, phó trưởng phòng phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường.
Điều 18. Thư viện, trang thông tin điện tử, tạp chí khoa học công nghệ
1. Thư viện, trung tâm thông tin tư liệu của nhà trường có nhiệm vụ cung cấp các thông tin, tư liệu khoa học và công nghệ phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và học tập của giảng viên và sinh viên; lưu trữ bản gốc các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã bảo vệ tại trường, các kết quả nghiên cứu khoa học, các ấn phẩm của trường. Thư viện, trung tâm thông tin tư liệu hoạt động theo quy chế do hiệu trưởng ban hành, phù hợp với pháp luật về thư viện, pháp luật về lưu trữ và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.
2. Trang thông tin điện tử của có nhiệm vụ đăng tải thông tin liên quan đến các hoạt động của nhà trường, đảm bảo các thông tin tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trang thông tin điện tử phải có ban biên tập chịu trách nhiệm về nội dung thông tin và quản trị hệ thống; có quy chế hoạt động và cung cấp thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, quản lý thông tin trên mạng Internet và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
3. Tạp chí, tập san khoa học công nghệ của trường đại học đăng tải các công trình nghiên cứu nhằm phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường phải có ban biên tập và ban trị sự. Trường đại học có đào tạo trình độ tiến sĩ phải có tạp chí khoa học công nghệ riêng. Bài đăng trên tạp chí, tập san khoa học công nghệ phải qua phản biện. Quy trình phản biện và điều kiện đăng bài phải được thông báo công khai. Tạp chí, tập san khoa học công nghệ có thể được xuất bản theo bản in hay bản điện tử theo quy định hiện hành về xuất bản. Trưởng ban biên tập hoặc tổng biên tập phải chịu trách nhiệm về thông tin và chất lượng khoa học của tạp chí, tập san khoa học công nghệ.
Điều 19. Các tổ chức nghiên cứu và phát triển, đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
1. Các tổ chức nghiên cứu và phát triển, đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong trường đại học được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế liên quan đến ngành nghề đào tạo của trường; được tổ chức thành các đơn vị thuộc trường, dưới các hình thức và có các nhiệm vụ sau đây:
a) Các tổ chức nghiên cứu và phát triển được tổ chức dưới hình thức viện nghiên cứu để triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ và áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng;
b) Các đơn vị sự nghiệp được tổ chức dưới hình thức trung tâm, xưởng in, nhà xuất bản và một số đơn vị khác để triển khai các hoạt động có liên quan đến sở hữu trí tuệ; tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc đào tạo ngắn hạn, cập nhật kiến thức cho các đối tượng có nhu cầu ở trong và ngoài trường; xúc tiến việc phát triển quan hệ quốc tế, kết nối với doanh nghiệp và cựu sinh viên; in ấn và xuất bản;
c) Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ: Được tổ chức theo hình thức doanh nghiệp hoặc trung tâm dịch vụ để triển khai các dịch vụ về cung cấp thông tin, tư vấn; phổ biến và ứng dụng tri thức khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất; dịch vụ sinh viên; dịch vụ phục vụ cộng đồng và đáp ứng các nhu cầu của xã hội;
d) Các đơn vị quy định tại Khoản này không có chức năng tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo để cấp văn bằng, trừ trường hợp viện nghiên cứu thuộc trường có đủ năng lực, được nhà trường giao tổ chức thực hiện hoạt động đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ do trường đại học cấp bằng, có quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường hoặc trong quy định về chức năng nhiệm vụ của các đơn vị thuộc trường.
2. Việc thành lập, giải thể, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các đơn vị quy định tại Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và phải được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
Xem nội dung VB