Quyết định 15/2012/QĐ-UBND về Quy chế thu, quản lý, sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Số hiệu: 15/2012/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Nguyễn Văn Hùng
Ngày ban hành: 19/04/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Quốc phòng, Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 15/2012/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 19 tháng 04 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ THU, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23/11/2009;

Căn cứ Nghị định 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ quy định chi tết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;

Căn cứ Nghị quyết số 39/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thu, quản lý, sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

Xét đề nghị của  Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tại Công văn số 408/BCH-TM ngày 7/3/2012 về việc ban hành Quyết định về Quy chế thu, quản lý, sử dụng Quỹ Quốc phòng - an ninh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thu, quản lý, sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Giám đốc Sở Tài chính, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ TP (b/c);
- Bộ Quốc phòng (b/c);
- Bộ Công an (b/c);
- Bộ Tài chính (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Kon Tum;
- Báo KT, Đài PT&TH, Công báo tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH3, NC2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hùng

 

QUY CHẾ

VỀ VIỆC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 15/2012/QĐ-UBND ngày 19/4/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng:

Quy chế này áp dụng đối với việc thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh (sau đây gọi là Quỹ) ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Nguyên tắc thu, chi Quỹ:

1. Về thu: Thu Quỹ phải sử dụng biên lai, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính, do cơ quan Tài chính phát hành; toàn bộ nguồn thu phải nộp vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước cấp  huyện và được quản lý, sử dụng theo quy định.

2. Về chi: Thực hiện theo Điều 7 tại Quy chế này. Quỹ được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng pháp luật và có hiệu quả thiết thực; nguồn kinh phí còn dư được chuyển sang năm sau sử dụng tiếp, không được dùng vào việc khác.

Chương 2.

ĐỐI TƯỢNG THU, ĐỐI TƯỢNG KHÔNG VẬN ĐỘNG, KHUYẾN KHÍCH ĐÓNG GÓP VÀ MỨC VẬN ĐỘNG, KHUYẾN KHÍCH ĐÓNG GÓP

Điều 3. Đối tượng:

1. Đối tượng vận động, khuyến khích đóng góp: Hộ gia đình cư trú từ 6 tháng trở lên trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của địa phương và Trung ương có trụ sở làm việc trên địa bàn tỉnh Kon Tum; hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, xí nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp doanh, công ty liên doanh, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

2. Đối tượng không vận động, khuyến khích đóng góp:

- Hộ nghèo được cấp có thẩm quyền công nhận;

- Hộ gia đình thuộc các đối tượng theo Khoản 1, Điều 2, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng được cơ quan thẩm quyền công nhận;

- Hộ gia đình cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, biên giới; hộ gia đình cư trú dưới 6 tháng ở địa bàn tỉnh.

- Hộ gia đình có quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; hộ gia đình có cán bộ, chiến sỹ Dân quân nòng cốt đang thực hiện nghĩa vụ Dân quân tự vệ.

- Hộ gia đình người già neo đơn, không có lương hưu; hộ gia đình có lao động chính duy nhất là người tàn tật, người không có khả năng lao động, người mất sức lao động có đời sống khó khăn.

- Trường hợp các đối tượng trên có điều kiện, tự nguyện đăng ký đóng góp cho Quỹ quốc phòng - an ninh ở xã, phường, thị trấn thì bộ phận quản lý Quỹ cấp xã trân trọng tiếp nhận bổ sung nguồn thu vào Quỹ theo qui định.

Điều 4. Mức vận động, khuyến khích đóng góp:

1. Đối với hộ gia đình:

- Hộ gia đình cư trú tại các phường, thị trấn: 20.000 đồng/hộ/năm.

- Hộ gia đình cư trú tại các xã: 15.000 đồng/hộ/năm.

2. Đối với hộ sản xuất, kinh doanh:

- Hộ sản xuất, kinh doanh có thuế môn bài bậc 1, 2: 160.000 đồng/hộ/năm.

- Hộ sản xuất, kinh doanh có thuế môn bài bậc 3, 4: 120.000 đồng/hộ/năm.

- Hộ sản xuất, kinh doanh có thuế môn bài bậc 5, 6: 80.000 đồng/hộ/năm.

3. Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức khác: 140.000 đồng/đơn vị/năm.

4. Doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã: 180.000 đồng/đơn vị/năm.

5. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp doanh, công ty liên doanh, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 200.000 đồng/đơn vị/năm.

Chương 3.

TỔ CHỨC THU, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ

Điều 5. Phân cấp quản lý Quỹ:

Toàn bộ số tiền Quỹ vận động được để lại 100% (một trăm phần trăm) cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, kết hợp với ngân sách cấp xã cân đối chi cho công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Điều 6. Phân bổ nguồn thu Quỹ để thực hiện các nhiệm vụ chi:

Quỹ được sử dụng để bổ sung kinh phí cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh tại địa phương. Nguồn thu được phân bổ như sau:

1. Trích 5% (năm phần trăm) trên tổng số thu được trang trải cho bộ phận làm nhiệm vụ huy động, quản lý nguồn quỹ quốc phòng, an ninh (chi bồi dưỡng cho cán bộ trực tiếp tham gia vận động, thu quỹ; mua văn phòng phẩm, sổ sách, hỗ trợ nhiên liệu đi lại…) trên tinh thần tiết kiệm, hiệu qủa.

2. Trích 60% số thu để chi hỗ trợ hoạt động đảm bảo quốc phòng cấp xã: Chi đăng ký, quản lý, xây dựng và phát triển lực lượng Dân quân tự vệ, tập huấn, huấn luyện, diễn tập và hội thao quốc phòng; hỗ trợ bồi dưỡng cho lực lượng Dân quân trực thường xuyên bảo vệ trụ sở Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn sẵn sàng chiến đấu, hoạt động kiểm tra, kiểm soát địa bàn, làm nhiệm vụ đột xuất, trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; Chi mua xăng, dầu, mua sắm tài sản, công cụ hỗ trợ cần thiết phục vụ công tác; Chi sở, tổng kết, khen thưởng hàng năm cho lực lượng Dân quân và các khoản chi liên quan trực tiếp đến công tác đảm bảo quốc phòng trên địa bàn.

3. Trích 35% số thu để chi cho công tác đảm bảo an ninh ở cấp xã: Chi hỗ trợ công tác tuyên truyền vận động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội; Hỗ trợ bồi dưỡng cho tổ an ninh nhân dân trong khi làm nhiệm vụ đột xuất ở cơ sở trong phòng, chống, khắc phục hậu qủa thiên tai, dịch bệnh; Chi mua xăng, dầu, mua sắm tài sản, công cụ hỗ trợ cần thiết phục vụ công tác; Chi sở, tổng kết, khen thưởng hàng năm cho lực lượng tổ an ninh nhân dân và các khoản chi liên quan trực tiếp đến công tác đảm bảo an ninh trên địa bàn.

Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ đặc thù của từng xã, phường, thị trấn ở từng thời điểm cần phải điều phối ngay nguồn kinh phí của Quỹ đã phân bổ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo tỷ lệ trên thì UBND cấp xã báo cáo Thường trực HĐND cấp xã xem xét cho chủ trương điều chỉnh cho phù hợp nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao và sau đó báo cáo HĐND cấp xã vào kỳ họp gần nhất.

4. Sử dụng và thanh quyết toán nguồn thu và công khai thu, chi Quỹ:

- Kê khai, nộp 100% số tiền huy động được vào tài khoản tiền gửi của Quỹ quốc phòng - an ninh do UBND cấp xã làm chủ tài khoản, mở tại Kho bạc nhà nước ở các huyện, thành phố để theo dõi quản lý, sử dụng theo quy định.

- Thực hiện thu Quỹ có biên lai thu theo quy định của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và quyết toán biên lai theo quy định hiện hành.

- Báo cáo HĐND cấp xã xem xét, phê duyệt phương án phân bổ nguồn thu, nhiệm vụ chi, báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ theo quy định hiện hành.

- Quản lý, sử dụng Quỹ đúng mục đích, nội dung, chế độ của Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch.

- Thực hiện công tác kế toán, thống kê Quỹ theo Luật kế toán và các văn bản của Nhà nước quy định hiện hành.

- Kết thúc năm nguồn thu Quỹ sử dụng không hết được chuyển nguồn Quỹ sang năm sau để tiếp tục sử dụng theo quy định.

- Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm giám sát toàn diện hoạt động thu, chi Quỹ QP-AN tại địa phương.

- Công khai thu, chi Quỹ: Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương 4.

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 7. Khen thưởng.

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Điều 8. Xử lý vi phạm.

Tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tùy theo mức độ, tính chất vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện Quyết định này; Đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện thu, quản lý và sử dụng Quỹ QP-AN tại các xã, phường, thị trấn nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những sai phạm trong tổ chức vận động.

2. Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức quán triệt, tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân nhận thức đúng việc tổ chức vận động, đóng góp xây dựng Quỹ QP-AN tại địa phương.

3. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm triển khai các quy định của pháp luật, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về Quỹ quốc phòng - an ninh; đồng thời tuyên truyền cán bộ, công nhân, viên chức trong đơn vị vận động gia đình tích cực tham gia đóng góp xây dựng Quỹ.





Nghị định 58/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dân quân tự vệ Ban hành: 01/06/2010 | Cập nhật: 04/06/2010