Quyết định 1349/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Số hiệu: 1349/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Hoàng Trung Hải
Ngày ban hành: 09/08/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 21/08/2011 Số công báo: Từ số 461 đến số 462
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1349/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 08 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO CHO TÀU CÁ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tờ trình số 1291/TTr-BNN-TCTS ngày 12 tháng 5 năm 2011),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

1. Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá phải phù hợp với Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời phải tính đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

2. Các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được xây dựng thành một hệ thống, trên cơ sở lợi dụng tối đa các địa điểm có điều kiện tự nhiên thuận lợi, gần các ngư trường, vùng biển có tần suất bão cao, phù hợp tập quán của ngư dân, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

3. Chú trọng xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở hải đảo, nhất là những đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đảo có vị trí quan trọng về hậu cần dịch vụ nghề khai thác xa bờ; kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và các quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, quy hoạch cơ sở hạ tầng an ninh quốc phòng ở biển đảo, bảo đảm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển, góp phần thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và giữ vững an ninh, quốc phòng trên các vùng biển và hải đảo.

II. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Hoàn chỉnh hệ thống khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ven biển, đảo, các cửa sông, cửa lạch có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đáp ứng nhu cầu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ hậu cần cho tàu cá.

2. Từng bước tập trung đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão mới có vị trí quan trọng ở ven biển và hải đảo, đồng thời tập trung nâng cấp, hoàn chỉnh các khu neo đậu tránh trú bão hiện có, gắn với cảng cá, bến cá, khu hậu cần dịch vụ ở các địa phương ven biển và hải đảo, đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng của hệ thống khu trú bão cả khi có bão và khi không có bão.

III. PHẠM VI QUY HOẠCH

1. Hệ thống các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được quy hoạch và xây dựng tại các tỉnh, thành phố ven biển và một số đảo.

2. Thời gian quy hoạch: đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

IV. PHÂN LOẠI VÀ ĐỊNH HƯỚNG TIÊU CHÍ XÂY DỰNG

Căn cứ vào đặc điểm tự nhiên, tập quán của ngư dân, hệ thống các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được phân loại theo các tiêu chí như sau:

1. Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Gần ngư trường trọng điểm, tập trung tàu cá của nhiều tỉnh.

b) Vùng biển có tần suất bão cao;

c) Có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đảm bảo an toàn cho tàu cá neo đậu tránh trú bão;

d) Có khả năng neo đậu được khoảng 800 - 1.000 tàu cá các loại trở lên (kể cả loại tàu có công suất đến 1000 CV và tàu cá nước ngoài).

2. Khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh, thành phố đáp ứng đủ điều kiện điều kiện sau đây:

a) Gần ngư trường truyền thống của địa phương, đáp ứng thời gian di chuyển nhanh nhất cho tàu cá vào tránh trú bão;

b) Có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đảm bảo an toàn cho tàu cá neo đậu tránh trú bão;

c) Đáp ứng cho các loại tàu cá của địa phương và của các địa phương khác neo đậu tránh trú bão.

V. QUY HOẠCH HỆ THỐNG KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO CHO TÀU CÁ ĐẾN NĂM 2020 (có phụ lục kèm theo)

1. Quy hoạch theo tiêu chí

Đến năm 2020 có 131 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với năng lực đáp ứng chỗ neo đậu cho 84.200 tàu cá, gồm:

a) Tuyến bờ có 115 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với tổng năng lực đáp ứng neo đậu cho 75.650 tàu cá. Trong đó có 12 khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, 103 khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh.

b) Tuyến đảo có 16 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với tổng năng lực đáp ứng neo đậu cho 8.550 tàu cá. Trong đó có 5 khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, 11 khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh.

2. Quy hoạch theo vùng biển

a) Vùng biển vịnh Bắc Bộ: có 35 khu neo đậu, trong đó có 32 khu neo đậu ven bờ và 03 khu neo đậu ở đảo (Cô Tô - Thanh Lân, Cát Bà và Bạch Long Vỹ).

b) Vùng biển miền Trung: có 57 khu neo đậu, trong đó có 52 khu neo đậu ven bờ và 5 khu neo đậu ở đảo (Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Đá Tây, Phú Quý).

c) Vùng biển Đông Nam Bộ: có 23 khu neo đậu, trong đó có 21 khu neo đậu ven bờ và 2 khu neo đậu ở đảo (Côn Đảo và Hòn Khoai).

d) Vùng biển Tây Nam Bộ: có 16 khu neo đậu, trong đó có 9 khu neo đậu ven bờ và 7 khu neo đậu ở đảo (đảo Nam Du, đảo Hòn Tre và 5 khu ở đảo Phú Quốc: An Thới, Mùi Gành Dầu, Vũng Trâu Nằm, cửa Dương Đông, Cầu Sấu).

VI. ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Dự kiến năng lực đáp ứng chỗ neo đậu tránh trú bão của các khu neo đậu ổn định như năm quy hoạch 2020.

Hình thành hệ thống các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại với những công trình hỗ trợ neo đậu tàu, công trình cập tàu, công trình dịch vụ hậu cần gắn với khu neo đậu tàu; hệ thống thông tin liên lạc tại các khu neo đậu được tự động hóa, tin học hóa nhằm đạt trình độ hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

Hầu hết các công trình khu neo đậu tránh trú bão có kết hợp với cảng cá sẽ là những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ. Những khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá gắn với cảng cá loại I sẽ là những trung tâm công nghiệp nghề cá.

VII. CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ, THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Cơ chế, chính sách

a) Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

b) Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh gắn với khu neo đậu theo quy hoạch được phê duyệt.

c) Nghiên cứu cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng khu neo đậu tránh trú bão trong thời gian không có bão.

2. Về khoa học công nghệ

a) Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ mới trong xây dựng và bảo trì các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Trước mắt ứng dụng công nghệ tin học trong công tác quản lý, kiểm soát tàu ra vào, neo đậu trú bão.

b) Nghiên cứu xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật để áp dụng trong quản lý và hoạt động của hệ thống khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các hoạt động của khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

3. Bảo vệ môi trường

a) Tập trung thực hiện các giải pháp kỹ thuật xây dựng hệ thống cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, nước thải.

b) Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

c) Tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho cộng đồng ngư dân ngay tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bằng nhiều hình thức ngắn gọn, dễ hiểu

d) Phân công cụ thể trách nhiệm chủ trì, phối hợp quản lý giữa các cơ quan chức năng của địa phương trong việc chỉ đạo, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

4. Về cơ chế chính sách đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện quy hoạch được huy động từ nhiều nguồn: ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương, vốn của các thành phần kinh tế trong nước, vốn đầu tư, tài trợ từ nước ngoài.

Trong đó:

a) Ngân sách trung ương đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng; hỗ trợ đầu tư xây dựng các hạng mục công trình chủ yếu: nạo vét luồng lạch ra vào, nạo vét khu nước, xây dựng đê chắn sóng, kè chắn sóng, chắn cát, trụ neo nối bờ, trụ neo độc lập, phao neo, hệ thống đèn tín hiệu cho các địa phương thuộc diện khó khăn.

b) Ngân sách địa phương bố trí vốn hàng năm để thực hiện đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh; thực hiện duy tu các hạng mục công trình hạ tầng của khu neo đậu tránh trú bão và kinh phí quản lý sau đầu tư.

Đối với các địa phương thuộc diện khó khăn được ngân sách trung ương hỗ trợ theo quy định và trên cơ sở khả năng ngân sách nhà nước.

c) Huy động vốn của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các hạng mục công trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nghề cá theo quy hoạch.

d) Vốn nước ngoài tập trung thực hiện đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão có điều kiện thi công phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao và có tổng mức vốn lớn; đầu tư các thiết bị, công nghệ mới và hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, quản lý và bảo vệ môi trường các khu neo đậu tránh trú bão.

5. Tổng nhu cầu vốn đầu tư - phân kỳ đầu tư

a) Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 là 11.230 tỷ đồng.

b) Phân kỳ đầu tư:

- Giai đoạn 2010 - 2015: 6.393 tỷ đồng.

Tập trung đầu tư hoàn thành 17 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng là các dự án ưu tiên và một số dự án khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh đang đầu tư xây dựng dở dang.

- Giai đoạn 2016 - 2020: 4.837 tỷ đồng

Đầu tư các công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá còn lại theo quy hoạch.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện quy hoạch trong phạm vi cả nước; xây dựng và ban hành tiêu chí lựa chọn, quy chế quản lý và sử dụng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; tổ chức kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch.

b) Phối hợp với các địa phương ven biển để xác định vị trí cụ thể các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đảm bảo đúng mục tiêu, tiêu chí, tránh dàn trải và xếp thứ tự để ưu tiên đầu tư dứt điểm từng công trình.

c) Thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, đảm bảo đúng mục tiêu, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

d) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương ven biển tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm việc đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trong từng giai đoạn, đảm bảo thực hiện tốt quy hoạch này.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm:

a) Thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp tỉnh, đảm bảo đúng mục tiêu, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

b) Tổ chức quản lý, sử dụng các khu neo đậu tránh trú bão sau đầu tư, đảm bảo sử dụng lâu dài, có hiệu quả.

c) Bố trí sử dụng đất theo quy hoạch, cân đối bố trí vốn theo kế hoạch 5 năm, hàng năm trên cơ sở tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng để thực hiện quy hoạch và kinh phí bảo đảm việc duy tu, quản lý các công trình.

d) Tổ chức chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, thông báo vị trí, quy mô, năng lực phục vụ của các khu neo đậu tránh trú bão và hướng dẫn điều động tàu cá cho ngư dân tránh trú bão an toàn; huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở hậu cần dịch vụ, phục vụ nghề cá tại các vị trí có điều kiện, tăng hiệu quả sử dụng các khu neo đậu tránh trú bão.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí vốn theo kế hoạch 5 năm và hàng năm trên cơ sở tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng để thực hiện quy hoạch này, bảo đảm tập trung, hoàn thành dứt điểm từng công trình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 288/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005.

Điều 4. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển; Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương; Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW ven biển;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão TW;
- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

PHỤ LỤC

DANH SÁCH CÁC KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO CHO TÀU CÁ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1349/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Khu neo đậu tránh trú bão

Ghi chú

Tỉnh, Thành phố/Tên, vị trí

Quy mô

 

Quảng Ninh

 

 

1.

Vân Đồn, huyện Vân Đồn

800ch/600cv

Kết hợp cảng cá Cái Rồng

2.

Tiên Yên, huyện Tiên Yên

500ch/300cv

 

3.

Cô Tô - Thanh Lân, huyện Cô Tô

600ch/600cv

Kết hợp bến cá Thanh Lân và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc bộ tại huyện Cô Tô

4.

Thành phố Hạ Long

800ch/600cv

Kết hợp cảng cá Hòn Gai

5.

Thị trấn Quảng Hà, xã Phú Hải, huyện Hải Hà

500ch/200cv

 

6.

Xã Hải Xuân, xã Vĩnh Trung thành phố Móng Cái

500ch/200cv

 

7.

Xã Tân An, huyện Yên Hưng

500ch/300cv

Kết hợp bến cá Bến Giang

8.

Cửa Ông, thị xã Cẩm Phả

200ch/200cv

Kết hợp bến cá Cửa Ông

 

Hải Phòng

 

 

9.

Trân Châu (Cát Bà), huyện Cát Hải

1000ch/600cv

Cấp vùng. Kết hợp cảng cá Cát Bà mới

10.

Cửa sông Văn Úc, huyện Tiên Lãng

500ch/600cv

Kết hợp bến cá Vinh Quang

11.

Cửa sông Bạch Đằng, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên

1000ch/600cv

Kết hợp bến cá Mắt Rồng, bến cá Cống Sơn II

12.

Ngọc Hải, quận Đồ Sơn

500ch/250cv

Kết hợp cảng cá Ngọc Hải

13.

Bạch Long Vỹ, huyện Bạch Long Vỹ

300ch/600cv

Kết hợp cảng cá Bạch Long Vỹ

 

Thái Bình

 

 

14.

Cửa sông Trà Lý, xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy

300ch/300cv

 

15.

Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải

300ch/300cv

Kết hợp cảng cá Cửa Lân

16.

Cửa Diêm Hộ, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy

300ch/300cv

 

 

Nam Định

 

 

17.

Cửa Ninh Cơ, huyện Nghĩa Hưng

600ch/600cv

Kết hợp cảng cá Quần Vinh

18.

Hà Lạn (cửa sông Sò), huyện Hải Hậu

1000ch/200cv

Kết hợp bến cá Hà Lạn

19.

Thịnh Long, huyện Hải Hậu

500ch/400cv

Kết hợp cảng cá Ninh Cơ

 

Ninh Bình

 

 

20.

Cửa sông Đáy, xã Kim Tân, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn

500ch/300cv

Kết hợp bến cá Cửa Đáy

 

Thanh Hóa

 

 

21.

Lạch Trường, huyện Hậu Lộc

700ch/350cv

Kết hợp cảng cá Hòa Lộc

22.

Lạch Hới, thị xã Sầm Sơn

1000ch/600cv

Cấp vùng

23.

Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia

800ch/400cv

Kết hợp cảng cá Lạch Bạng

24.

Kênh Sao La, huyện Nga Sơn

300ch/200cv

 

25.

Cửa Sông Lý, huyện Quảng Xương

300ch/200cv

 

26.

Lạch Trào, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa

300ch/200cv

 

 

Nghệ An

 

 

27.

Lạch Cờn, huyện Quỳnh Lưu

400ch/200cv

Kết hợp cảng cá Quỳnh Phương

28.

Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu

500ch/400cv

Kết hợp cảng cá Lạch Quèn

29.

Lạch Vạn, huyện Diễn Châu

500ch/200cv

Kết hợp cảng cá Lạch Vạn

30.

Lạch Lò, thị xã Cửa Lò

500ch/400cv

Kết hợp bến cá Nghi Tân

31.

Lạch Thơi, huyện Quỳnh Lưu

300ch/200cv

 

 

Hà Tĩnh

 

 

32.

Cửa Hội - Xuân Phổ

1200ch/600cv

Cấp vùng

33.

Cửa Nhượng, huyện Cẩm Xuyên

300ch/300cv

Kết hợp cảng cá Cửa Nhượng

34.

Cửa Khẩu, huyện Kỳ Anh

200ch/150cv

Kết hợp cảng cá Kỳ Hà

35.

Cửa Sót, huyện Lộc Hà

300ch/150cv

Kết hợp cảng cá Thạch Kim

 

Quảng Bình

 

 

36.

Cửa Gianh, huyện Bố Trạch

800ch/300cv

Kết hợp cảng cá sông Gianh

37.

Cửa Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới

600ch/300cv

 

38.

Cửa Ròon, huyện Quảng Trạch

500ch/200cv

 

 

Quảng Trị

 

 

39.

Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh

250ch/150cv

Kết hợp cảng cá Cửa Tùng

40.

Cửa Việt, huyện Triệu Phong

350ch/300cv

Kết hợp cảng cá Cửa Việt

41.

Đảo Cồn Cỏ, huyện đảo Cồn Cỏ

200ch/600cv

Kết hợp cảng cá Cồn Cỏ

 

Thừa Thiên Huế

 

 

42.

Thuận An, huyện Phú Vang

500ch/300cv

Kết hợp cảng cá Thuận An

43.

Đầm Cầu Hai, huyện Phú Lộc

300ch/300cv

Kết hợp bến cá Cầu Hai

44.

Phú Hải, huyện Phú Vang

500ch/300cv

Kết hợp bến cá Phú Hải

 

Đà Nẵng

 

 

45.

Âu Thọ Quang, quận Sơn Trà

440ch/300cv

Kết hợp cảng cá Thọ Quang

46.

Phường Thọ Quang, quận Sơn Trà

800ch/600cv

 

 

Quảng Nam

 

 

47.

Cửa Đại, thành phố Hội An

600ch/300cv

Kết hợp cảng cá Cẩm Thanh

48.

An Hòa, huyện Núi Thành

1200ch/300cv

 

49.

Cù Lao Chàm, thành phố Hội An

100ch/90cv

 

50.

Vùng Hồng Triều, huyện Duy Xuyên

1000ch/350cv

Kết hợp cảng cá Hồng Triều

 

Quảng Ngãi

 

 

51.

Sa Kỳ, huyện Sơn Tịnh

1200ch/500cv

Kết hợp cảng cá Sa Kỳ

52.

Cổ Lũy, huyện Tư Nghĩa

800ch/400cv

Kết hợp cảng cá Cổ Lũy

53.

Cửa Mỹ Á, huyện Đức Phổ

400ch/400cv

Kết hợp cảng cá Mỹ Á

54.

Đảo Lý Sơn, huyện Lý Sơn

500ch/500cv

 

55.

Cửa Sa Cần, huyện Bình Sơn

800ch/400cv

 

56.

Cửa Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ

500ch/400cv

Kết hợp cảng cá Sa Huỳnh

57.

Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh

300ch/500cv

Kết hợp cảng cá Tịnh Hòa

 

Bình Định

 

 

58.

Cửa Tam Quan, huyện Hoài Nhơn

1200ch/400cv

Cấp vùng. Kết hợp cảng cá Tam Quan

59

Đầm Đề Gi, huyện Phù Cát

2000ch/300cv

Cấp vùng. Kết hợp cảng cá Đề Gi

60.

Cửa biển Hà Ra, huyện Phù Mỹ

800ch/300cv

 

 

Phú Yên

 

 

61.

Vũng Rô, huyện Đông Hòa

1000ch/600cv

 

62.

Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu

2000ch/500cv

Cấp vùng. Kết hợp cảng cá Dân Phước

63.

Đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu

800ch/500cv

 

64.

Đông Tác, thành phố Tuy Hòa

600ch/500cv

Kết hợp cảng cá Đông Tác

65.

Lạch xã An Hải - An Ninh Đông, huyện Tuy An

1000ch/500cv

 

66.

Lạch xã Hòa Hiệp Nam - Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa

1000ch/500cv

 

 

Khánh Hòa

 

 

67.

Đảo Đá Tây, huyện Trường Sa

200ch/600cv

Kết hợp cảng cá Đá Tây

68.

Sông Tắc - Hòn Rớ, TP Nha Trang

1200ch/300cv

Cấp vùng. Kết hợp cảng cá Hòn Rớ

69.

Vịnh Cam Ranh, thị xã Cam Ranh

1000ch/600cv

Kết hợp cảng cá Đá Bạc

70.

Vũng Me, TP Nha Trang

700ch/300cv

 

71.

Đầm Môn, huyện Vạn Ninh

300ch/300cv

Kết hợp cảng cá Đầm Môn

72.

Vĩnh Lương, TP Nha Trang

400ch/300cv

Kết hợp cảng cá Vĩnh Lương

73.

Bình Tây, huyện Ninh Hòa

300ch/300cv

Kết hợp cảng cá Ninh Vân

74.

Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh

300ch/300cv

Kết hợp cảng cá Đại Lãnh

75.

Cam Bình, thị xã Cam Ranh

300ch/300cv

Kết hợp cảng cá Bình Ba

76.

Ninh Hải, huyện Ninh Hòa

500ch/300cv

 

 

Ninh Thuận

 

 

77.

Cửa Sông Cái, TP Phan Rang Tháp Chàm

1000ch/200cv

Kết hợp cảng cá Đông Hải

78.

Cửa Ninh Chữ, huyện Ninh Hải

1000ch/600cv

Cấp vùng. Kết hợp cảng cá Ninh Chữ

79.

Cà Ná, huyện Thuận Nam

1000ch/800cv

Kết hợp cảng cá Cà Ná

80.

Vịnh Vĩnh Hy, huyện Ninh Hải

200ch/300cv

Kết hợp bến cá Vĩnh Hy

 

Bình Thuận

 

 

81.

Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong

1200ch/400cv

Kết hợp cảng cá Phan Rí Cửa

82.

Cửa Phú Hải, TP Phan Thiết

1200ch/400cv

Cấp vùng. Kết hợp bến cá Phú Hải

83.

Cửa La Gi, thị xã La Gi

1600ch/600cv

Kết hợp cảng cá La Gi

84.

Đảo Phú Quý, huyện đảo Phú Quý

1000ch/600cv

Cấp vùng. Kết hợp cảng cá Triều Dương

85.

Cửa Liên Hương, huyện Tuy Phong

300ch/300cv

Kết hợp bến cá Liên Hương

86.

Cửa sông Ba Đăng, thị xã La Gi

400ch/250cv

Kết hợp bến cá Ba Đăng

87.

Mũi Né, TP Phan Thiết

300ch/600cv

Kết hợp bến cá Mũi Né

88.

Chí Công, huyện Tuy Phong

300ch/300cv

Kết hợp bến cá Chí Công

89.

Tân Thắng (Hồ Lân), huyện Hàm Tân

200ch/200cv

Kết hợp bến cá Hồ Lân

90.

Bình Thạnh, huyện Tuy Phong

200ch/200cv

 

91.

Hòa Thắng, huyện Bắc Bình

200ch/200cv

 

92.

Cửa Hà Lãng, huyện Hàm Tân

200ch/200cv

 

 

Bà Rịa - Vũng Tàu

 

 

93.

Cửa sông Dinh, TP Vũng Tàu

1200ch/600cv

Cấp vùng

94.

Côn Đảo (vịnh Bến Đầm), huyện Côn Đảo

1200ch/600cv

Cấp vùng. Kết hợp cảng cá Bến Đầm

95.

Sông Cửa Lấp (Phước Tỉnh), huyện Long Điền

1200ch/300cv

Cấp vùng. Kết hợp cảng cá Tân Phước, cảng cá Phước Hiệp

96.

Lộc An, huyện Đất Đỏ

1000ch/200cv

Kết hợp cảng cá Lộc An

97.

Bình Châu, huyện Xuyên Mộc

300ch/90cv

Kết hợp cảng cá Bến Lội

 

Thành phố Hồ Chí Minh

 

 

98

Cần Giờ (sông Đồng Đình, sông Dinh Bà, cửa sông Lò Vôi, sông An Hòa)

2000ch/600cv

 

 

Tiền Giang

 

 

99.

Cửa sông Soài Rạp, huyện Gò Công Đông

350ch/600cv

Kết hợp bến cá Vàm Láng

 

Bến Tre

 

 

100.

Cửa Đại, huyện Bình Đại

1000ch/600cv

Kết hợp cảng cá Bình Đại

101.

Cửa Cổ Chiên, huyện Thạnh Phú

1000ch/600cv

Kết hợp cảng cá An Nhơn

102.

Ba Tri, huyện Ba Tri

1000ch/600cv

 

 

Trà Vinh

 

 

103.

Cửa Cung Hầu (Vàm Lầu), huyện Cầu Ngang

500ch/600cv

 

104.

Cửa Định An, huyện Trà Cú

500ch/600cv

Kết hợp cảng cá Định An

 

Sóc Trăng

 

 

105.

Cửa Trần Đề, huyện Trần Đề

1000ch/600cv

Kết hợp cảng cá Trần Đề

106.

Kênh Ba, huyện Trần Đề

400ch/600cv

Kết hợp bến cá Kênh Ba

107

Rạch Tráng, huyện Cù Lao Dung

400ch/150cv

 

 

Bạc Liêu

 

 

108.

Cửa Gành Hào, huyện Đông Hải

800ch/600cv

Kết hợp cảng cá Gành Hào

109.

Cửa Cái Cùng, huyện Đông Hải

250ch/150cv

Kết hợp bến cá Cái Cùng

110.

Cửa Nhà Mát, tp Bạc Liêu

300ch/300cv

Kết hợp cảng cá Nhà Mát

 

Cà Mau

 

 

111

Cửa Bồ Đề, huyện Năm Căn

1000ch/300cv

Kết hợp bến cá Bồ Đề

112.

Cửa sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời

1000ch/600cv

Cấp vùng. Kết hợp cảng cá sông Đốc

113.

Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân

600ch/150cv

Kết hợp bến cá Cái Đôi Vàm

114.

Cửa Khánh Hội, huyện U Minh

700ch/150cv

Kết hợp bến cá Khánh Hội

115.

Đảo Hòn Khoai, huyện Ngọc Hiển

200ch/300cv

Kết hợp cảng cá Hòn Khoai

116.

Cửa Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển

1000ch/400cv

Cấp vùng

117.

Hố Gùi, huyện Đầm Dơi

300ch/150cv

Kết hợp bến cá Hố Gùi

118.

Rạch Tàu, huyện Ngọc Hiển

300ch/150cv

Kết hợp bến cá cửa Rạch Tàu

 

Kiên Giang

 

 

119.

Cửa sông Cái Lớn, Cái Bé huyện Châu Thành

1000ch/600cv

Kết hợp cảng cá Tắc Cậu

120.

Cửa sông Xẻo Nhàu, huyện An Minh

400ch/400cv

Kết hợp cảng cá Xẻo Nhàu

121.

Cửa Ba Hòn, huyện Kiên Lương

300ch/300cv

Kết hợp cảng cá Ba Hòn

122.

Mương Đào, thị xã Hà Tiên

500ch/600cv

Kết hợp bến cá Mương Đào

123.

Đảo Nam Du, huyện Kiên Hải

1000ch/600cv

Cấp vùng. Kết hợp cảng cá đảo Nam Du

124.

Đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải

1000ch/600cv

Cấp vùng. Kết hợp bến cá Hòn Tre

125.

Vịnh An Thới, huyện Phú Quốc

600ch/600cv

Kết hợp cảng cá An Thới

126.

Mũi Gành Dầu, huyện Phú Quốc

400ch/450cv

Kết hợp bến cá Gành Dầu

127.

Vũng Trâu Nằm, huyện Phú Quốc

250ch/300cv

Kết hợp bến cá Vũng Trâu Nằm

128.

TP Rạch Giá

600ch/600cv

Kết hợp bến cá Rạch Giá

129.

Cửa sông Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất

500ch/600cv

Kết hợp cảng cá Lình Huỳnh

130.

Cầu Sấu, huyện Phú Quốc

400ch/600cv

Kết hợp bến cá Cầu Sấu

131.

Cửa sông Dương Đông

600ch/600cv