Quyết định 133/QĐ-UBND năm 2006 về định mức thiết kế và thẩm định trồng rừng, khai thác, cải tạo, tỉa thưa rừng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành
Số hiệu: 133/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau Người ký: Dương Tiến Dũng
Ngày ban hành: 14/03/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 133/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 14 tháng 03 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỊNH MỨC THIẾT KẾ VÀ THẨM ĐỊNH TRỒNG RỪNG, KHAI THÁC, CẢI TẠO, TỈA THƯA RỪNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;

Căn cứ Quyết định số 38/2005/QĐ-BNN ngày 06/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng;

Căn cứ Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN ngày 07/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy chế khai thác gỗ và lâm sản;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tờ trình số 150/TT.SNN ngày 21/12/2005) và Giám đốc Sở Tài chính (Công văn số 60/STC-ĐT ngày 08/02/2006),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành định mức thiết kế và thẩm định trồng rừng, khai thác, cải tạo, tỉa thưa rừng, cụ thể như sau:

I. Định mức về thiết kế các công trình phát triển rừng:

- Thiết kế trồng rừng: 7,03 công/ha;

- Thiết kế khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng: 4,91 công/ha;

- Thiết kế chăm sóc rừng: 4,61 công/ha;

II. Định mức về thiết kế khai thác, cải tạo và tỉa thưa rừng:

- Định mức về thiết kế khai thác và cải tạo rừng:

7,03 công/ha x 1 = 7,03 công/ha.

- Định mức về thiết kế tỉa thưa rừng: 4,61 công/ha.

Giá trị ngày công được thực hiện theo các văn bản quy định hiện hành.

III. Phí thẩm định thiết kế khai thác, cải tạo, tỉa thưa rừng: 1.000 đồng/1m3 sản lượng.

(Phí thẩm định chỉ thu đối với đối tượng do Quốc doanh trực tiếp quản lý).

IV. Đối tượng, thủ tục lập hồ sơ thiết kế:

1. Thủ tục và đối tượng lập hồ sơ thiết kế khai thác, cải tạo rừng:

Áp dụng theo Quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác ban hành kèm theo Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN ngày 07/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể:

a. Đối với rừng do chủ rừng tự bỏ vốn để trồng thì chủ rừng tự quyết định tuổi khai thác và phương thức khai thác, không phải lập hồ sơ thiết kế mà chỉ cần đăng ký diện tích, sản lượng khai thác với UBND cấp xã (nếu chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân) và với Hạt Kiểm lâm địa bàn (nếu chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp).

b. Đối với rừng trồng có sử dụng vốn ngân sách, vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại, vốn vay của Nhà nước hoặc các nguồn vốn vay của các tổ chức khác do Nhà nước bảo lãnh thực hiện như sau:

- Chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp: phải lập hồ sơ thiết kế khai thác trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và cấp phép khai thác;

- Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân: chỉ cần thống kê số cây, diện tích, sản lượng báo cáo UBND xã xác nhận, trình UBND cấp huyện cấp phép khai thác.

2. Đối tượng và thủ tục lập hồ sơ thiết kế trồng rừng, chăm sóc rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng được thực hiện như sau:

a. Đối với hộ gia đình, cá nhân:

- Trường hợp tự đầu tư thì không lập hồ sơ thiết kế; chủ hộ, cá nhân tự quyết định về biện pháp kỹ thuật và dự toán;

- Nếu có sử dụng vốn ngân sách, vốn viện trợ không hoàn lại, vốn vay thì phải lập hồ sơ thiết kế trình UBND huyện, thành phố phê duyệt.

b. Đối với tổ chức, doanh nghiệp:

- Trường hợp tự đầu tư thì không lập hồ sơ thiết kế, nhưng phải gửi bản kế hoạch thực hiện đến Chi cục Lâm nghiệp;

- Nếu có sử dụng vốn ngân sách, vốn viện trợ không hoàn lại, vốn vay thì phải lập hồ sơ thiết kế trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

3. Đối tượng, thủ tục lập hồ sơ thiết kế tỉa thưa rừng:

a. Trường hợp không tận thu lâm sản hoặc có tận thu lâm sản nhưng là rừng trồng do chủ rừng tự bỏ vốn đầu tư thì chủ rừng tự quyết định.

b. Trường hợp có tận thu lâm sản và là rừng trồng bằng vốn ngân sách, vốn vay, vốn viện trợ, chủ đầu tư phải lập hồ sơ phương án theo quy trình, quy phạm tỉa thưa nuôi dưỡng rừng. Hồ sơ phải gửi đến các cơ quan: Chi cục Lâm nghiệp, Hạt Kiểm lâm sở tại trước khi thực hiện.

4. Chủ trương tại Quyết định này là người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất theo Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ (không bao gồm các đối tượng hợp đồng nhận khoán đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ).

5. Việc lập hồ sơ thiết kế khai thác, cải tạo, tỉa thưa và phát triển rừng trên diện tích của hộ nhận khoán (hộ có sổ bìa xanh) do các Lâm ngư trường, Ban quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chịu trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch hàng năm của đơn vị. Các hộ nhận khoán đăng ký các hạng mục thực hiện để đơn vị thống nhất, tổng hợp và lập hồ sơ thiết kế trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, phê duyệt. Trên cơ sở đó, Giám đốc các Lâm ngư trường, Trưởng Ban quản lý bảo vệ phát triển rừng phải triển khai, hướng dẫn cụ thể trên thực địa cho từng hộ thành viên tác nghiệp.

Điều 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị có liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Thủ trưởng các sở, ngành và đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 324/QĐ-CTUB ngày 20/5/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- PVP Trịnh Văn Lên;
- CVKT, NN;
- Lưu VP.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Tiến Dũng