Quyết định 1254/QĐ-TTg năm 2013 bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2013-2020
Số hiệu: 1254/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 02/08/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Ngân hàng, tiền tệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1254/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BỔ SUNG VỐN ĐIỀU LỆ CHO NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020 với những nội dung sau:

1. Mục tiêu

a) Đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính đã được xác định tại Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

b) Cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo hướng tăng tỷ trọng vốn chủ sở hữu trong tổng nguồn vốn hoạt động, nhằm cải thiện tính thanh khoản và giảm cấp bù lãi suất của ngân sách nhà nước.

2. Mức vốn điều lệ tăng thêm

a) Mức vốn điều lệ tăng thêm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam được xác định theo nguyên tắc cơ cấu vốn chủ sở hữu bằng khoảng 10% dư nợ tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước;

b) Đảm bảo vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đạt 20.000 tỷ đồng đến năm 2015 và đạt 30.000 tỷ đồng đến năm 2020 theo chiến lược phát triển của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Nguồn để bổ sung vốn điều lệ

a) Sử dụng các nguồn tích lũy của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để tăng vốn điều lệ theo chế độ qui định;

b) Sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

c) Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương) trong chi đầu tư phát triển được bố trí hàng năm.

4. Lộ trình thực hiện

a) Việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thực hiện theo lộ trình từ 2013 đến 2020;

b) Hàng năm căn cứ vào báo cáo tài chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bộ Tài chính chủ trì xác định mức vốn điều lệ tăng thêm, phần vốn bổ sung từ các nguồn tích lũy của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để bổ sung vốn điều lệ; phần còn lại phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí dự toán ngân sách trung ương (chi đầu tư phát triển), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài chính

a) Quyết định bổ sung vốn điều lệ từ nguồn tích lũy của Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

b) Trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp;

c) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc bố trí dự toán ngân sách trung ương hàng năm để bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí dự toán ngân sách trung ương hàng năm để cấp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

3. Ngân hàng Phát triển Việt Nam

a) Báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhu cầu bổ sung và khả năng bổ sung vốn điều lệ từ nguồn tích lũy của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, làm căn cứ để cấp bổ sung vốn theo mục tiêu đã được phê duyệt tại Quyết định này;

b) Chủ động có phương án tăng cường các nguồn tích lũy để có thêm nguồn lực bổ sung vốn điều lệ trong giai đoạn tiếp theo;

c) Tổ chức quản lý sử dụng vốn điều lệ đúng mục đích, có hiệu quả theo chế độ quy định.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng quản lý và Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng