Quyết định 369/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt Đề án Giải báo chí quốc gia
Số hiệu: 369/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 29/03/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thông tin báo chí, xuất bản, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 369/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIẢI BÁO CHÍ QUỐC GIA

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Chỉ thị số 37/CT-TW ngày 18 tháng 3 năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX);
Căn cứ Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Đề án Giải báo chí quốc gia với những nội dung chính sau đây:

1. Mục đích, yêu cầu:

a) Lựa chọn để trao giải cho những tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao về tư tưởng, chính trị, văn hóa; có nội dung và hình thức hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội to lớn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước;

b) Thông qua Giải báo chí quốc gia góp phần động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo của đội ngũ những người làm báo trong cả nước; phát hiện, bồi dưỡng những tài năng báo chí trong xã hội.

2. Tên gọi: Giải báo chí quốc gia.

3. Quy mô và thời gian tiến hành giải: Giải báo chí quốc gia được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 2006 và thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Năm sau tuyển chọn, thẩm định, chấm và trao giải cho các tác phẩm báo chí của năm trước đó.

4. Đối tượng tham gia: mọi công dân Việt Nam có tác phẩm báo chí đã được các cơ quan báo chí trong nước hoạt động hợp pháp, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Đề tài và tiêu chí Giải:

a) Đề tài: tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội;

b) Tiêu chí: các tác phẩm báo chí được tuyển chọn tham dự Giải báo chí quốc gia phải bảo đảm tính chính trị, tính tư tưởng, tính văn hóa và phải đạt chất lượng cao cả về nội dung thông tin, hình thức thể hiện và hiệu quả xã hội của tác phẩm.

6. Cơ cấu Giải báo chí quốc gia:

a) Giải báo chí quốc gia hàng năm có 03 loại giải, tương ứng với các loại hình báo chí sau:

- Giải dành cho loại hình báo in (báo, tạp chí, ảnh báo chí);

- Giải dành cho loại hình báo hình (truyền hình);

- Giải dành cho loại hình báo nói (phát thanh).

b) Riêng với loại hình báo điện tử trên Internet - là loại hình thông tin đa phương tiện (có cả chữ viết, âm thanh, hình ảnh động và tĩnh), giao cho Hội đồng Giải báo chí quốc gia nghiên cứu, xem xét để có hình thức chấm và quyết định giải thưởng theo hình thức thể hiện, tương ứng với 03 loại hình báo chí nói trên;

c) Hàng năm, căn cứ vào tình hình phát triển báo chí và nguồn kinh phí, Hội đồng Giải báo chí quốc gia xem xét, quyết định và công khai về cơ cấu giải thưởng đối với từng loại giải và mức tiền thưởng đối với các giải thưởng.

7. Tổ chức tuyển chọn, thẩm định và chấm giải: Giải báo chí quốc gia sẽ được tuyển chọn và chấm qua 3 vòng:

a) Vòng tuyển chọn: tiến hành ở các Chi hội, Liên chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương và Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Vòng sơ khảo: tiến hành ở Trung ương do Hội đồng sơ khảo chấm;

c) Vòng chung khảo: tiến hành ở Trung ương do Hội đồng chung khảo chấm.

8. Kinh phí thực hiện:

a) Nguồn kinh phí:

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm là: 1.810 triệu đồng/năm từ chi sự nghiệp văn hóa - thông tin và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Hội Nhà báo Việt Nam ;

- Nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.

b) Năm 2007, sử dụng 1.077 triệu đồng đã được giao trong dự toán thu, chi ngân sách trung ương năm 2007 của Hội Nhà báo Việt Nam để tổ chức thực hiện giải báo chí quốc gia của năm 2006.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Chỉ đạo thực hiện Giải báo chí quốc gia:

a) Cơ quan chủ trì: Hội Nhà báo Việt Nam ;

b) Cơ quan phối hợp: Bộ Văn hóa - Thông tin; mời Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương tham gia.

2. Hội Nhà báo Việt Nam :

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin, Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và các cơ quan liên quan :

- Đề xuất thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Giải báo chí quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

- Xây dựng và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng Giải báo chí quốc gia; xây dựng tiêu chí, quy chế tuyển chọn, thẩm định và chấm tác phẩm tham dự giải, bảo đảm công bằng, khách quan, minh bạch; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Giải báo chí quốc gia;

- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện Giải báo chí quốc gia; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức Giải báo chí quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Hàng năm, thực hiện việc báo cáo quyết toán kinh phí theo các quy chế, quy định hiện hành về quản lý tài chính.

3. Bộ Văn hóa - Thông tin:

a) Chủ trì, phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả xã hội của Giải báo chí quốc gia;

b) Phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng tiêu chí, quy chế tuyển chọn, thẩm định và chấm tác phẩm tham dự giải và hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Giải báo chí quốc gia;

c) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động của Giải báo chí quốc gia theo các quy định của pháp luật về báo chí.

4. Bộ Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa - Thông tin bố trí kinh phí thực hiện Giải báo chí quốc gia trong dự toán chi phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí Giải báo chí quốc gia theo các chế độ tài chính hiện hành.

b) Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Giải báo chí quốc gia.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương;
- Các Bộ: Văn hóa - Thông tin, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Hội Nhà báo Việt Nam ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, các Vụ: TH, KTTH, TTBC, ĐP, Công báo;
- Lưu: Văn thư, VX .

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng