Quyết định 118/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020
Số hiệu: 118/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Huỳnh Đức Hòa
Ngày ban hành: 22/01/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 22 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ Công Thương ban hành quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;

Căn cứ Văn bản thỏa thuận “Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020” tại Công văn số 3937/BCT-CNĐP ngày 04/5/2009 của Bộ Công Thương;

Căn cứ Kết luận số 353/KL-TU ngày 15/9/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy;

Xét Tờ trình số 333/TTr-SCT ngày 21/5/2009, Tờ trình số 849/TTr-SCT ngày 07/9/2009 và Công văn số 1101/SCT ngày 01/12/2009 của Sở Công Thương kèm hồ sơ điều chỉnh quy họach phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định số 929/KHĐT ngày 04/6/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 với những nội dung cơ bản như sau:

1. Quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển.

a) Quan điểm phát triển:

- Phát triển công nghiệp là khâu bức phá để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa;

- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, có lợi thế cạnh tranh, có khả năng xuất khẩu và giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội;

- Phát triển công nghiệp trên cơ sở đổi mới trình độ công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế;

- Kết hợp chặt chẽ phát triển công nghiệp với phát triển vùng nguyên liệu và phát triển nông thôn; thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ và thương mại liên quan, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động;

- Phát triển công nghiệp phải gắn liền với bảo vệ môi trường, đảm bảo ổn định xã hội và an ninh quốc phòng.

b) Định hướng phát triển:

- Phát triển công nghiệp theo hướng tạo điều kiện tối đa để thu hút mạnh các nguồn lực trong và ngoài nước, huy động nội lực, tranh thủ các nguồn hỗ trợ quốc tế, nâng cao hiệu quả hợp tác liên tỉnh, liên vùng và liên ngành để đảm bảo mục tiêu phát triển với tốc độ cao;

- Tập trung ưu tiên phát triển các ngành có tiềm năng và lợi thế của tỉnh như: công nghiệp khai khoáng, công nghiệp điện năng, công nghiệp chế biến nông, lâm, sản thực phẩm, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đồng thời với việc thu hút thêm các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện địa phương, phát triển các ngành có công nghệ cao như công nghiệp phần mềm, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu mới;

- Đổi mới thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm; mở rộng quy mô sản xuất đảm bảo lượng sản phẩm hàng hoá cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu;

- Đa dạng hóa về quy mô và các loại hình sản xuất công nghiệp, khuyến khích phát triển công nghiệp quy mô vừa và nhỏ; thực hiện tốt công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn; phát triển các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống.

c) Mục tiêu phát triển:

- Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2011-2015 là 23-24% và giai đoạn 2016-2020 là 24-25%;

- Tốc độ tăng giá trị gia tăng Công nghiệp (VA CN) giai đoạn 2011-2015 là 19-20% và giai đoạn 2016-2020 là 17-18%;

- Định hướng cơ cấu kinh tế: đến năm 2015 GDP lĩnh vực Công nghiệp-Xây dựng chiếm 30% và năm 2020 chiếm 38% GDP của toàn tỉnh; trong đó riêng lĩnh vực công nghiệp đạt 25% vào năm 2015 và 33% vào năm 2020 trong cơ cấu GDP của toàn tỉnh;

- Đến năm 2015 xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng và lấp đầy trên 80% các khu, cụm công nghiệp đã thành lập; tiếp tục xây dựng thêm 02 khu công nghiệp-đô thị đồng bộ, hiện đại là Tân Phú (Đức Trọng) và Đại Lào (Bảo Lộc).

d) Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp qua các thời kỳ theo bảng sau:

TT

Các phân ngành công nghiệp

2010

2015

2020

Tỷ trọng (%)

Tỷ trọng (%)

Tỷ trọng (%)

 

Tổng

100

100

100

I

Công nghiệp khai thác

2,93

1,73

0,90

II

Công nghiệp chế biến (nông lâm sản, khoáng sản) và các ngành khác

65,78

66,04

66,51

III

Công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước

31,29

32,23

32,59

2. Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp.

a) Công nghiệp năng lượng:

- Khuyến khích phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ có tổng công suất khoảng 506,2 MW với nhiều hình thức đầu tư thích hợp. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thuỷ điện lớn trên địa bàn như Đồng Nai 2, Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4; tạo điều kiện đầu tư thủy điện Đồng Nai 5, Đồng Nai 6A và 6B; đến năm 2015 hoàn thành và đưa vào sử dụng các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ như Đam B’Ri (70MW), Đa Dâng 2 (38MW), Bảo Lộc (24MW), cụm Đa Dâng - Đa Cho Mo (22MW), ĐaSiat (18MW), Yantansien (20 MW) và các nhà máy thủy điện nhỏ theo quy hoạch phát triển thủy điện đang được đầu tư; khuyến khích phát triển việc khai thác năng lượng từ gió và mặt trời;

- Phát triển hệ thống điện hạ thế đảm bảo cung cấp ổn định điện lưới cho nhân dân sử dụng; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình điện trung thế, hạ thế về thôn, buôn; đảm bảo cung ứng điện cho các khu, cụm điểm công nghiệp;

- Sản lượng điện thương phẩm đến năm 2015 đạt 3.151 triệu KWh, đến năm 2020 đạt 3.256 triệu KWh; điện sản xuất đến năm 2015 đạt triệu 31.970 KWh, năm 2020 đạt 37.842 triệu KWh.

b) Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản:

Đẩy mạnh công tác thăm dò và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản có trữ lượng lớn của tỉnh như bô xít, cao lanh, bentonit, diatomit và đá, cát làm vật liệu xây dựng thông thường; khuyến khích các dự án đầu tư chế biến sâu và tinh, nhằm nâng cao giá trị tài nguyên; đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm kiểm soát được ô nhiễm trong khai thác và chế biến khoáng sản và cải tạo phục hồi môi trường sau khi khai thác;

- Khai thác và chế biến quặng bôxit: thực hiện theo quy hoạch thăm dò khai thác chế biến và sử dụng quặng bô xít của cả nước, đáp ứng hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội lẫn môi trường; giai đoạn đầu triển khai dự án khai thác bôxit tại mỏ Tân Rai, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy alumin, công suất 650.000 tấn/năm; tiến đến luyện nhôm khi có đủ điều kiện về điện năng; tạo điều kiện thuận lợi nhà máy sản xuất hydroxyt và ôxyt nhôm công suất 550.000 tấn/năm tại Bảo Lộc; nhà máy Hydrat Nhôm, công suất 300.000 tấn/năm tại Di Linh-Bảo Lâm; từng bước phát triển ngành công nghiệp chế biến alumin, oxyt nhôm và nhôm theo hướng bền vững;

- Khai thác và chế biến cao lanh: hiện đại hoá và đổi mới công nghệ chế biến để sản xuất cao lanh chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và chế biến sản phẩm gốm sứ cao cấp, vật liệu chịu lửa và các ngành công nghiệp khác; phát triển các cơ sở khai thác và chế biến cao lanh tại Trại Mát (Đà Lạt), Lộc Châu (Bảo Lộc), Lộc Tân (Bảo Lâm) và các điểm khai thác khác theo quy hoạch khoáng sản được phê duyệt; sản lượng đến năm 2020 dự kiến đạt 500.000 tấn/năm.

- Khai thác và chế biến bentonit: xây dựng nhà máy khai thác và chế biến bentonit ở các huyện Di Linh, Đức Trọng; sản lượng đến năm 2020 dự kiến đạt 60.000 tấn/năm.

- Khai thác và chế biến diatomit: tạo điều kiên đầu tư xây dựng nhà máy khai thác và chế biến diatomit tại Đại Lào-Bảo Lộc, sản lượng đến năm 2020 đạt 120.000 tấn/năm.

- Khai thác sét làm gạch ngói và vật liệu xây dựng các loại: đổi mới thiết bị, nâng cấp và hiện đại hóa các cơ sở sản xuất gạch ngói hiện có theo công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường trong sản xuất gạch ngói; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ gạch không nung theo công nghệ mới như gạch bê tông nhẹ, kích thước lớn, độ rỗng cao; sử dụng tấm panel tường và cấu kiện nhà lắp ghép thay cho gạch nung truyền thống; đến năm 2020 sản lượng gạch, ngói đạt 770 triệu viên/năm trong đó gạch tuy-nen đạt trên 340 triệu viên/năm; khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng như đá, cát, sỏi đáp ứng nhu cầu các công trình xây dựng trong tỉnh; phát triển sản xuất bê tông tươi và cấu kiện bê tông đúc sẳn, khuyến khích đổi mới thiết bị, đầu tư mở rộng các cơ sở khai thác và chế biến đá ốp lát trong tỉnh; quy hoạch đến năm 2020, sản lượng đá xây dựng các loại từ 1,2-1,4 triệu m3/năm, cát, sỏi xây dựng các loại 1,1 triệu m3/năm.

- Sản xuất gốm sứ dân dụng và vật liệu chịu lửa: quy hoạch đến năm 2020 đạt trên 10.000 tấn/năm vật liệu chịu lửa các loại, hiện đại hóa và tăng năng lực sản xuất tại nhà máy sản xuất sứ cách nhiệt đạt công suất 4 triệu sản phẩm/năm; phát triển các cơ sở sản xuất bêtông tươi và cấu kiện bê tông nhẹ, bê tông chịu lực trong tỉnh đạt 700 ngàn m3/năm.

c) Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm:

Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản có lợi thế về nguồn nguyên liệu và có thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ổn định như chế biến cà phê, chè, dâu tằm, hạt tiêu, hạt điều, rau, hoa, quả, nấm các loại, sữa bò, thịt gia súc, gia cầm...theo hướng đa dạng hóa sản phẩm; tập trung đổi mới công nghệ để đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy chuẩn quốc tế.

- Chế biến rau, hoa, quả: phát triển vùng rau, hoa, quả tập trung chất lượng cao tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đạ Huoai, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt để cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; khuyến khích liên doanh, hợp tác đầu tư xây dựng các cơ sở có công nghệ và thiết bị hiện đại để chế biến rau, hoa, quả xuất khẩu trong tỉnh; tăng lượng rau quả chế biến xuất khẩu đến năm 2015 đạt khoảng 32.000 tấn/năm và đến năm 2020 đạt khoảng 36.500 tấn/năm;

- Chế biến chè: đầu tư chuyển đổi giống để hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao; đổi mới và hiện đại hoá khâu chế biến để đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng về xuất khẩu; củng cố, xây dựng thương hiệu Chè Lâm Đồng; sản lượng chè chế biến đến năm 2015 đạt khoảng 55.000 tấn thành phẩm/năm, đến năm 2020 đạt 70.000-80.000 tấn thành phẩm/năm;

- Chế biến cà phê: chuyển đổi giống và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sơ chế và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng cà phê, tăng giá trị thương phẩm xuất khẩu; từ nay đến 2015, khuyến khích đầu tư mới hoặc mở rộng, nâng cấp các nhà máy sơ chế cà phê hiện có, các nhà máy phân loại, đánh bóng cà phê xuất khẩu tại Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm; tạo điều kiện để phát triển các nhà máy cà phê hòa tan, cà phê bột tại Bảo Lộc để sản lượng cà phê chế biến trong toàn tỉnh đạt khoảng 6.500 tấn thành phẩm/năm; giai đoạn 2015- 2020: thu hút đầu tư để xây dựng và mở rộng nhà máy chế biến cà phê hòa tan và các sản phẩm cao cấp từ cà phê tại Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đức Trọng để đến năm 2020 sản lượng cà phê chế biến đạt khoảng 9.000 tấn thành phẩm/năm;

- Công nghiệp chế biến hạt điều: tập trung thâm canh, tăng năng suất vùng nguyên liệu; đầu tư đổi mới công nghệ chế biến hạt điều, nâng sản lượng chế biến lên 12.000 tấn nguyên liệu/năm;

- Xay xát lương thực và chế biến thức ăn gia súc: khuyến khích đầu tư các nhà máy sấy và xay xát lúa, ngũ cốc tại Đạ Tẻh, Cát Tiên (công suất 20.000-50.000 tấn/năm); nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng công suất đáp ứng nhu cầu thức ăn cho chăn nuôi, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh (công suất 80.000-100.000 tấn/năm);

- Chế biến thịt, sữa: đến năm 2010 dự kiến sản lượng sữa tươi trong tỉnh đạt 14 nghìn tấn, đến năm 2020 khoảng 30-32 nghìn tấn/năm; dự kiến phát triển nhà máy chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa đạt công suất 10 triệu lít/năm; trong giai đoạn 2011- 2020 khuyến khích xây dựng nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp;

- Sản xuất đồ uống: xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến rượu vang; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, nâng cao sản lượng và chất lượng các loại rượu vang Đà Lạt; đến năm 2015 sản xuất rượu vang các loại đạt 6,5 triệu lít/năm, đến năm 2020 đạt 8-9 triệu lít/năm; xây dựng các nhà máy bia chất lượng cao, nước khoáng, nước uống tinh lọc và đầu tư chế biến các loại đồ uống khác từ nguyên liệu địa phương;

- Chế biến lâm sản: hiện đại hoá và đổi mới công nghệ để chuyển từ sơ chế gỗ sang tinh chế gỗ, sản xuất đồ mộc cao cấp phục vụ xuất khẩu, nâng cao giá trị thương phẩm và tiết kiệm tài nguyên; đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nhân tạo từ gỗ tận dụng và phế liệu (ván dăm, ván sợi, bột giấy, carton, ván ép lớp...) bên cạnh những sản phẩm truyền thống; phát triển sản xuất các mặt hàng mây tre, hàng mỹ nghệ phục vụ du lịch; thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến bột giấy công suất khoảng 200.000 tấn/năm tại huyện Đạ Huoai theo công nghệ bột mài;

d) Công nghiệp cơ khí:

Phát triển ngành cơ khí để phục vụ các ngành kinh tế khác, trước mắt phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản; giai đoạn từ nay đến 2015, xây dựng nhà máy sản xuất thép, thanh nhôm định hình, nhà máy sản xuất và lắp ráp xe máy, đồ điện gia dụng; khuyến khích và kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy cơ khí, lắp ráp thiết bị điện tử dân dụng; các nhà máy cơ khí chính xác, sản xuất phụ tùng, lắp ráp và chế tạo máy động lực, máy nông nghiệp và ô tô;

đ) Công nghiệp hóa chất:

Mở rộng sản xuất phân vi sinh, phân hữu cơ từ các nguyên liệu sẵn có của địa phương; đầu tư nhà máy sản xuất phân bón vi sinh từ nguồn nguyên liệu than bùn, đất mùn và rác thải tại các huyện, công suất 100.000-150.000 tấn/năm; phát triển công nghiệp sản xuất hydroxit nhôm và ôxit nhôm xuất khẩu từ nguyên liệu bô xít; mở rộng quy mô và thu hút đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sơn và phụ liệu, chiết xuất dược liệu từ nguyên liệu địa phương; nghiên cứu sản xuất các loại thuốc trừ sâu sinh học; đầu tư nhà máy composit và sản xuất nhựa gia dụng và công nghiệp, nhà máy sơ chế mủ cao su ở Bảo Lâm công suất 10-15 ngàn tấn nguyên liệu/năm và nhà máy sản xuất các sản phẩm từ cao su sau năm 2015;

e) Công nghiệp dệt may:

- Hiện đại hóa thiết bị và nâng cao tay nghề công nhân, giảm dần tỷ trọng ngành may gia công và tăng sản phẩm có nguồn nguyên liệu trong nước để xuất khẩu. Chủ động sáng tạo mẫu thời trang, từng bước tham gia thị trường thời trang trong nước và quốc tế;

- Giai đoạn từ nay đến năm 2015: thu hút đầu tư xây dựng nhà máy dệt len pha tơ tằm, nhà máy sản xuất cà vạt, nhà máy may cao cấp, nhà máy dệt kim, nhà máy kéo sợi Spulsilk, nhà máy nhuộm, in hoa lụa tơ tằm, nhà máy dệt lụa tơ tằm, nhà máy sản xuất giày dự án, nhà máy sản xuất phụ liệu may tại Bảo Lộc; đến năm 2015 đạt sản lượng: 6 triệu sản phẩm may mặc, từ 2-2,5 triệu mét lụa tơ tằm/năm, 2 triệu tấn sợi tơ tằm /năm và 3 triệu sản phẩm thêu đan;

Giai đoạn 2016-2020: mở rộng công suất các nhà máy dệt, may; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa mẫu mã để mở rộng thị trường xuất khẩu; đến năm 2020 đạt sản lượng: 10 triệu sản phẩm may, 4 triệu mét lụa tơ tằm và 4 triệu tấn tơ tằm và 4- 5 triệu sản phẩm thêu đan.

g) Công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ cao:

- Thu hút đầu tư và chuẩn bị các điều kiện cho việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp phần mềm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại thành phố Đà Lạt; chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác trong và ngoài nước để đào tạo chuyên gia và công nhân công nghiệp phần mềm chuyên nghiệp; thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển công nghiệp phần mềm, chú trọng theo hướng gia công phần mềm; quy hoạch đến năm 2010 có 2-3 doanh nghiệp công nghiệp phần mềm trên địa bàn tỉnh; từng bước hình thành và phát triển công nghiệp phần cứng, đặc biệt là công nghiệp lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử.

- Khuyến khích đầu tư công nghệ cao, hiện đại hóa thiết bị máy móc theo hướng điều khiển theo chương trình số trong các ngành điện tử-tin học, cơ khí và công nghiệp chế biến.

h) Phát triển ngành nghề nông thôn:

Khai thác nguyên liệu, tay nghề tại chỗ và nguồn lao động nông thôn để sản xuất ra các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chổ, du lịch và xuất khẩu; xây dựng các làng nghề làm hạt nhân cho phát triển ngành nghề; củng cố, tạo điều kiện để phát triển các ngành hàng có lợi thế như: chế biến nông sản, mây tre đan, tơ lụa, dệt thổ cẩm, sản xuất hàng lưu niệm, chạm khắc tranh, đan, thêu, đồ gỗ dân dụng, gỗ cao cấp, gỗ mỹ nghệ, sản phẩm cơ khí;

g) Công nghiệp sản xuất nước sạch:

Nâng công suất cấp nước sạch tại thành phố Đà Lạt đạt 67.000m3/năm; đầu tư các nhà máy nước tại thị xã Bảo Lộc và các huyện: Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai, Đơn Dương; nâng tổng công suất cấp nước sạch trong toàn tỉnh đến năm 2020 đạt khoảng 155.000m3/năm.

3. Quy hoạch các khu, cụm, điểm công nghiệp.

Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ nhằm thu hút đầu tư lấp đầy các khu, cụm, điểm công nghiệp; quy hoạch quỹ đất dành cho khu, cụm, điểm công nghiệp tập trung của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 trên khoảng 2.000 ha, trong đó quỹ đất dành cho khu công nghiệp là 1.249 ha.

a) Khu công nghiệp:

- Khu Công nghiệp Lộc Sơn (thị xã Bảo Lộc), diện tích quy hoạch 185ha, đã được thành lập và đang đầu tư xây dựng hạ tầng đồng thời với thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp; ngành nghề chủ yếu là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp hàng tiêu dùng; đến năm 2010, hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư lấp đầy 80% diện tích;

- Khu Công nghiệp Phú Hội (huyện Đức Trọng): Diện tích 174 ha, đã được thành lập và đang đầu tư xây dựng hạ tầng đồng thời với thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp; ngành nghề chủ yếu: chế biến nông lâm sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch;

- Khu công nghiệp Đại Lào (thị xã Bảo Lộc), diện tích 475 ha là khu công nghiệp kết hợp thương mại, dịch vụ và đô thị;

- Khu Công nghiệp Tân Phú (Đức Trọng): Diện tích 415 ha là khu công nghiệp-dịch vụ -thương mại đa mục tiêu; đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020.

b) Cụm, điểm công nghiệp:

Quy hoạch 14 cụm, điểm công nghiệp trên toàn tỉnh, mỗi điểm hoặc cụm công nghiệp quy mô 30 ha - 50 ha, có khả năng mở rộng đến 70ha khi có điều kiện phát triển và phù hợp với khả năng thu hút đầu tư của từng vùng;

- Cụm công nghiệp Phát Chi - Xuân Trường (TP Đà Lạt): Diện tích: 26,4 ha, định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp may, công nghiệp kỹ thuật cao;

- Cụm công nghiệp Lộc Tiến (thị xã Bảo Lộc): diện tích là 47,17 ha, định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng;

- Cụm công nghiệp Lộc Phát (thị xã Bảo Lộc): diện tích là 52,69 ha, định hướng phát triển: công nghiệp chế biến nông sản;

- Cụm công nghiệp Ka Đô (huyện Đơn Dương): diện tích 47,2 ha, định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, công nghiệp cơ khí nhỏ và tiểu thủ công nghiệp;

- Cụm công nghiệp Đinh Văn (huyện Lâm Hà): diện tích: 35 ha, định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng;

- Cụm công nghiệp Gia Hiệp (huyện Di Linh): diện tích: 63,59 ha, định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, dệt may, cơ khí nhỏ và tiểu thủ công nghiệp;

- Cụm công nghiệp Tân Châu (huyện Di Linh): diện tích 78 ha, định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, dệt may, cơ khí nhỏ và vừa, tiểu thủ công nghiệp;

- Cụm công nghiệp Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm): diện tích khoảng 35 ha, định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, khoáng sản;

- Cụm công nghiệp Lộc An (huyện Bảo Lâm): diện tích 27,46 ha, định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản;

- Cụm công nghiệp Hà Lâm (huyện Đạ Huoai): diện tích: 66,6 ha, định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, cơ khí nhỏ và tiểu thủ công nghiệp;

- Cụm công nghiệp Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh): diện tích 44,84 ha, định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, cơ khí nhỏ, may mặc tiểu thủ công nghiệp;

- Cụm công nghiệp Đạ Oai, (huyện Đạ Huoai) diện tích 59,7 ha, định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông,lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng;

- Cụm công nghiệp Lạc Dương, (huyện Lạc Dương) diện tích khoảng 30 ha, định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản và ngành nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp;

- Cụm công nghiệp Đa R’sal (huyện Đam rông), diện tích 40 ha, định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng;

- Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao và công viên phần mềm Đà Lạt.

4. Các giải pháp phát triển ngành công nghiệp.

a) Giải pháp về vốn:

- Dự kiến tổng mức đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2009-2020 là 88.050 tỷ đồng. Nguồn vốn tích lũy GDP để phát triển công nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng 3-4% nhu cầu về vốn đầu tư, trong đó huy động khoảng 7-8% vốn xây dựng cơ bản hàng năm của ngân sách tỉnh để ưu tiên cho xây dựng kết cấu hạ tầng, bồi thường giải phóng mặt bằng, phát triển nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ;

- Xây dựng các chính sách thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức; tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước của các nhà đầu tư thực hiện các dự án cụ thể để phát triển công nghiệp theo quy hoạch; huy động các ngân hàng cung ứng nguồn tài chính cho các dự án ưu tiên;

- Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư và tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn vốn ngân sách và vốn vay nước ngoài.

b) Giải pháp về đất đai:

Tập trung thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp vào các khu, cụm ,điểm công nghiệp đã được quy hoạch; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đất; khuyến khích phát triển nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu; hạn chế sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ, phân tán trong nông nghiệp và khu dân cư.

c) Giải pháp về công nghệ:

Tập trung đổi mới công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật theo hướng chính là hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất; không đầu tư, nhập khẩu thiết bị, công nghệ lạc hậu; chú trọng đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ cho các ngành có thế mạnh của địa phương như khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nộng , lâm sản; đưa các kết quả nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu, đánh giá vào sản xuất.

d) Giải pháp về nguồn nhân lực:

Phát triển đồng bộ các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh với trang thiết bị hiện đại, đảm bảo tính cân đối giữa dạy lý thuyết và thực hành, đảm bảo cho người lao động sau đào tạo có thể sớm phát huy được kiến thức đào tạo trong thực tiễn; tăng tỷ lệ số người được đào tạo từ trường dạy nghề làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp của tỉnh lên 90 - 95%; đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với các nhà máy; hỗ trợ việc dạy nghề và nâng cao tay nghề tại các đơn vị sản xuất từ nguồn kinh phí dạy nghề và khuyến công hàng năm của tỉnh.

đ) Giải pháp phát triển thị trường:

Tạo điều kiện, hỗ trợ cho các nhà sản xuất tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường trong điều kiện của nền kinh tế hội nhập và toàn cầu hóa; khuyến khích thành lập các hiệp hội kinh doanh trong các ngành công nghiệp để hỗ trợ nhau về thông tin thị trường.

e) Giải pháp bảo vệ môi trường:

Thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường tại tất cả các đơn vị sản xuất, các khu, cụm điểm công nghiệp trong tỉnh; đánh giá đầy đủ các nguồn gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất để thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm; khuyến khích ngăn chặn ô nhiễm từ nguồn và áp dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường theo quy định; hỗ trợ kỹ thuật cho công tác quan trắc, thanh tra và quản lý môi trường.

5. Các chính sách phát triển ngành công nghiệp.

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các công ty đa quốc gia để tranh thủ tiếp cận công nghệ hiện đại và thâm nhập sâu vào thị trường thế giới;

- Đa dạng hóa các chính sách tạo vốn đầu tư, cải tiến thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vay vốn;

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng áp dụng công nghệ cao, ưu đãi các chuyên gia kỹ thuật đầu đàn, các nghệ nhân, công nhân có tay nghề cao đến làm việc tại tỉnh;

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và bảo hộ thương hiệu; tổ chức cho các doanh nghiệp tham dự hội chợ trong và ngoài nước để các có cơ hội tham gia quảng bá sản phẩm và thương hiệu.

Điều 2. Giao Sở Công Thương, Sở Kế hoạch Đầu tư, UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà lạt và các đơn vị có liên quan trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 được duyệt, cụ thể hoá vào kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm của tỉnh, ngành và từng địa phương; xây dựng thành các chương trình hành động, có kế hoạch tranh thủ tối đa các nguồn vốn Trung ương, huy động vốn đầu tư trong và ngoài nước của các thành phần kinh tế để thực hiện quy hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa