Quyết định 1111/QĐ-UBND năm 2013 về Quy chế xử lý nợ bị rủi ro thuộc nguồn vốn uỷ thác địa phương
Số hiệu: 1111/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Ngô Hòa
Ngày ban hành: 11/06/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Ngân hàng, tiền tệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1111/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 11 tháng 6 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ XỬ LÝ NỢ BỊ RỦI RO THUỘC NGUỒN VỐN ỦY THÁC ĐỊA PHƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Căn cứ Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội;

Căn cứ Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội;

Căn cứ Thông tư số 161/2010/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Công văn số 886/TC-HCSN ngày 26 tháng 4 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xử lý nợ bị rủi ro thuộc nguồn vốn uỷ thác địa phương cho hộ nghèo vay vốn và các đối tượng chính sách xã hội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa

 

QUY CHẾ

XỬ LÝ NỢ RỦI RO THUỘC NGUỒN VỐN UỶ THÁC ĐỊA PHƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thuộc nguồn vốn ủy thác địa phương cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

Điều 2. Nguyên tắc xử lý nợ bị rủi ro

1. Việc xem xét, xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

+ Khách hàng thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định, đã sử dụng vốn vay đúng mục đích ghi trong hợp đồng tín dụng;

+ Khách hàng bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan làm mất một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản;

+ Khách hàng gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả được nợ hoặc không trả được nợ cho ngân hàng;

2. Việc xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng được xem xét từng trường hợp cụ thể căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức độ rủi ro và khả năng trả nợ của khách hàng, đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý, đúng trình tự, khách quan và công bằng giữa các đối tượng vay vốn.

Điều 3. Phạm vi xử lý nợ bị rủi ro

1. Quy chế này chỉ áp dụng đối với việc xử lý nợ của khách hàng vay vốn tại NHCSXH bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.

2. Các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân chủ quan của tổ chức, cá nhân vay vốn tại NHCSXH thì tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Xử lý nợ bị rủi ro trong trường hợp khách hàng vay vốn có tài sản bảo đảm và có mua bảo hiểm:

a) Trường hợp khách hàng vay vốn tại NHCSXH có tài sản bảo đảm theo quy định gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, NHCSXH được quyền chủ động xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận với khách hàng và theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm dùng để bù đắp chi phí xử lý tài sản bảo đảm; hoản trả nợ gốc, nợ lãi cho NHCSXH; nếu thừa thì trả lại cho khách hàng, nếu thiếu thì phần thiếu được xử lý rủi ro theo Quy chế này.

b) Trường hợp tài sản của khách hàng vay vốn tại NHCSXH (tài sản bảo đảm, cây trồng, vật nuôi, gia súc, gia cầm và tài sản khác) có mua bảo hiểm nếu bị tổn thất thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm. Khoản tiền bồi thường của cơ quan bảo hiểm được dùng để hoàn trả nợ gốc, nợ lãi cho NHCSXH; nếu thừa thì trả lại cho khách hàng, nếu thiếu thì phần thiếu được xử lý rủi ro theo Quy định này.

Điều 4. Thời điểm xem xét xử lý nợ bị rủi ro

1. Việc áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro đối với khách hàng được tính từ thời điểm khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan.

2. Việc xem xét xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan được thực hiện tại thời điểm thực tế phát sinh rủi ro hoặc theo từng đợt trên cơ sở đề nghị của khách hàng, của NHCSXH và chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Định kỳ hàng năm, chi nhánh NHCSXH tỉnh kiểm tra, tổng hợp đề nghị xử lý nợ rủi ro của NHCSXH nơi cho vay gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Thời gian gửi trước ngày 01 tháng 12 hàng năm.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Quy định cụ thể về các nguyên nhân khách quan để xem xét xử lý nợ

1. Thiên tai và các tác động do biến đổi khí hậu gây thiệt hại đến vốn, tài sản của khách hàng gồm: bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, sạt lở đất, rét đậm rét hại, cháy rừng, địch họa, hỏa hoạn; Tai nạn, bệnh tật và các nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng đến thu nhập của khách hàng vay vốn dẫn đến tình trạng chưa có khả năng trả nợ ngân hàng; Các dịch bệnh liên quan đến gia súc, gia cầm, thủy hải sản, động vật nuôi khác và cây trồng;

2. Nhà nước điều chỉnh chính sách hoặc các nguyên nhân khác làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động SXKD của khách hàng như: không còn nguồn cung cấp nguyên vật liệu; không tiêu thụ được sản phẩm; mặt hàng SXKD bị cấm, bị hạn chế theo quy định của pháp luật hoặc khách hàng phải thực hiện việc chuyển đổi SXKD theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Do biến động chính trị, kinh tế - xã hội ở khu vực, quốc tế và nước nhận lao động của Việt Nam làm ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài như: doanh nghiệp tiếp nhận lao động bị phá sản, giải thể; doanh nghiệp tiếp nhận lao động bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động.

3. Khách hàng vay vốn, học sinh, sinh viên (HSSV) hoặc người đi lao động tại nước ngoài vay vốn thông qua hộ gia đình: bị mất năng lực hành vi dân sự; người lao động bị tai nạn nghề nghiệp trong quá trình lao động ở nước ngoài; ốm đau thường xuyên, mắc bệnh tâm thần, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không nơi nương tựa; chết; mất tích hoặc bị tuyên bố là chết, mất tích mà không còn tài sản để trả nợ, không có người thừa kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho khách hàng; Khách hàng bỏ đi khỏi địa phương lâu ngày không rõ tung tích (trên 2 năm) và không có người nhận nợ thay cho khách hàng.

4. Khách hàng là pháp nhân, tổ chức kinh tế đã có quyết định giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật mà không còn pháp nhân, không còn vốn, tài sản để trả nợ cho NHCSXH.

Điều 6. Xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản

1. Khi khách hàng vay vốn gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan và có đơn đề nghị xử lý nợ rủi ro, NHCSXH phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan tiến hành thẩm tra, lập biên bản xác nhận mức độ thiệt hại về vốn và tài sản của khách hàng.

2. Biên bản xác nhận mức độ thiệt hại về vốn và tài sản của khách hàng có xác nhận của lãnh đạo NHCSXH nơi cho vay; Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vốn vay (hoặc chủ dự án); lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay cấp xã; Chủ tịch UBND cấp xã nơi khách hàng cư trú; xác nhận của cơ quan chuyên ngành cấp xã (nếu có) như: cơ quan phòng chống lụt bão, cơ quan thú y...

3. Việc xác định mức độ (tỷ lệ) thiệt hại về vốn và tài sản của khách hàng để áp dụng các biện pháp xử lý nợ được căn cứ trên cơ sở số vốn, tài sản thực tế của khách hàng đầu tư vào dự án bị tổn thất do các nguyên nhân khách quan (được các cơ quan thẩm tra xác nhận) so với tổng số vốn để thực hiện dự án hoặc phương án SXKD của khách hàng được ghi trong hồ sơ vay vốn của khách hàng. Trường hợp đối tượng chính sách vay vốn để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài thì việc xác định mức độ thiệt hại được căn cứ trên cơ sở số vốn vay và tài sản hình thành từ vốn vay bị tổn thất so với tổng số vốn khách hàng đang vay tại NHCSXH.

Điều 7. Các biện pháp xử lý nợ bị rủi ro

1. Gia hạn nợ

a) Gia hạn nợ: Là việc NHCSXH cho phép khách hàng được kéo dài thời hạn trả nợ đã cam kết trong Hợp đồng tín dụng. Trong thời gian gia hạn nợ khách hàng vẫn phải trả lãi tiền vay.

b) Điều kiện gia hạn nợ:

Khách hàng được xem xét gia hạn nợ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Khách hàng vay vốn bị rủi ro do các nguyên nhân nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 của Quy chế này.

- Mức độ thiệt hại về vốn và tài sản dưới 40% so với số vốn thực hiện dự án;

c) Thời gian gia hạn nợ: Thời gian gia hạn nợ tối đa là 12 tháng đối với loại cho vay ngắn hạn; tối đa không quá 1/2 thời hạn cho vay đối với các khoản vay trung và dài hạn, được tính từ ngày khách hàng vay đến hạn trả nợ.

2. Khoanh nợ

a) Khoanh nợ: Là việc NHCSXH chưa thu nợ của khách hàng và không tính lãi tiền vay phát sinh trong thời gian được khoanh nợ.

b) Điều kiện khoanh nợ:

Khách hàng được xem xét khoanh nợ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Khách hàng vay vốn bị rủi ro do các nguyên nhân nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 của Quy chế này.

- Mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% đến 100%.

c) Thời gian khoanh nợ:

- Trường hợp mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% đến dưới 80%: thời gian khoanh nợ tối đa là 3 năm, tính từ ngày khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan.

- Trường hợp mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 80% đến 100%: thời gian khoanh nợ tối đa là 5 năm, tính từ ngày khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan.

- Trường hợp hết thời gian khoanh nợ, khách hàng vay vốn vẫn gặp khó khăn, chưa có khả năng trả nợ sẽ được xem xét tiếp tục cho khoanh nợ với thời gian tối đa không vượt quá thời gian đã được khoanh nợ lần trước theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

3. Xoá nợ (gốc, lãi)

a) Xoá nợ (gốc, lãi): Là việc NHCSXH không thu một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi của khách hàng đang còn dư nợ tại NHCSXH.

b) Điều kiện xóa nợ:

Khách hàng được xem xét xoá nợ trong các trường hợp sau:

- Khách hàng vay vốn bị rủi ro do các nguyên nhân nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 của Quy chế này nhưng sau khi đã hết thời gian khoanh nợ (kể cả trường hợp được khoanh nợ bổ sung) mà vẫn không có khả năng trả nợ và NHCSXH đã áp dụng các biện pháp tận thu mọi nguồn có khả năng thanh toán.

- Khách hàng vay vốn bị rủi ro do các nguyên nhân nêu tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 của Quy chế này và NHCSXH đã áp dụng các biện pháp tận thu mọi nguồn có khả năng thanh toán.

c) Số tiền xoá nợ (gốc, lãi) cho khách hàng bằng số tiền khách hàng còn phải trả cho ngân hàng sau khi ngân hàng đã áp dụng các biện pháp tận thu.

Điều 8. Hồ sơ pháp lý để xử lý nợ bị rủi ro

1. Đối với gia hạn nợ, khoanh nợ (kể cả trường hợp khoanh nợ bổ sung).

- Đơn đề nghị xử lý nợ của khách hàng (mẫu cụ thể mẫu NHCSXH): trong đơn khách hàng nêu rõ nguyên nhân gây thiệt hại; mức độ thiệt hại về vốn và tài sản; khả năng trả nợ; số tiền dư nợ gốc và lãi còn phải trả ngân hàng; số tiền đề nghị gia hạn nợ, khoanh nợ;

- Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản của khách hàng (mẫu NHCXSH) do NHCSXH và khách hàng lập có đầy đủ xác nhận của lãnh đạo NHCSXH nơi cho vay; Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (hoặc chủ dự án); lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay cấp xã; Chủ tịch UBND cấp xã nơi khách hàng cư trú; xác nhận của cơ quan chuyên ngành cấp xã (nếu có).

- Bản sao giấy nhận nợ như: Hợp đồng tín dụng, sổ vay vốn hoặc các loại giấy tờ nhận nợ khác có rút số dư nợ (gốc, lãi, tổng số) đến ngày bị rủi ro do NHCSXH nơi cho vay ký sao y, đóng dấu.

- Trường hợp khách hàng là tổ chức kinh tế thì ngoài các văn bản trên cần có thêm các giấy tờ sau:

+ Biên bản xác định mức độ tổn thất, thiệt hại về vốn và tài sản theo quy định của pháp luật kèm báo cáo tài chính 2 năm gần nhất của tổ chức kinh tế.

+ Phương án khôi phục SXKD của tổ chức kinh tế.

2. Đối với xóa nợ

- Đơn đề nghị xử lý nợ của khách hàng (mẫu cụ thể mẫu NHCSXH) nêu rõ nguyên nhân dẫn đến rủi ro không trả được nợ; mức độ thiệt hại về vốn và tài sản; khả năng trả nợ; số tiền gốc và lãi đang còn nợ ngân hàng; số tiền gốc và lãi đề nghị xóa nợ.

Trường hợp khách hàng vay chết, mất tích hoặc bị coi là chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, mắc bệnh tâm thần có người thừa kế thì người thừa kế viết đơn, trường hợp không có người thừa kế thì không cần đơn đề nghị xử lý nợ.

- Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản của khách hàng (mẫu NHCSXH).

Biên bản xác định mức độ thiệt hại do NHCSXH nơi cho vay và khách hàng lập có đầy đủ xác nhận của lãnh đạo NHCSXH nơi cho vay; Tổ trưởng Tổ TK&VV (hoặc chủ dự án); lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay cấp xã; Chủ tịch UBND cấp xã nơi khách hàng cư trú; xác nhận của cơ quan chuyên ngành cấp xã (nếu có). Trên biên bản ngoài việc xác định nguyên nhân và đánh giá mức độ thiệt hại phải thể hiện cụ thể các nội dung: đã áp dụng các biện pháp tận thu mọi nguồn có khả năng thanh toán của khách hàng; khách hàng không còn tài sản để trả nợ, không có người thừa kế hoặc còn người thừa kế nhưng người thừa kế không có khả năng trả nợ thay cho khách hàng.

+ Trường hợp khách hàng chết, mất tích hoặc bị coi là chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, mắc bệnh tâm thần còn người thừa kế thì NHCSXH nơi cho vay và người thừa kế lập biên bản có xác nhận của lãnh đạo NHCSXH nơi cho vay; Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (hoặc chủ dự án); lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay cấp xã; Chủ tịch UBND cấp xã nơi khách hàng cư trú; xác nhận của cơ quan chuyên ngành cấp xã (nếu có).

+ Trường hợp khách hàng chết, mất tích hoặc bị coi là chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, mắc bệnh tâm thần mà không có người thừa kế thì NHCSXH nơi cho vay phối hợp với Tổ trưởng Tổ TK&VV (hoặc chủ dự án) lập biên bản có xác nhận của lãnh đạo NHCSXH nơi cho vay; Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (hoặc chủ dự án); lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay cấp xã; Chủ tịch UBND cấp xã nơi khách hàng cư trú; xác nhận của cơ quan chuyên ngành cấp xã (nếu có).

+ Trường hợp khách hàng vay vốn hết thời gian khoanh nợ (kể cả trường hợp được khoanh nợ bổ sung) vẫn không có khả năng trả nợ: Trên biên bản phải đánh giá cụ thể về khả năng trả nợ của khách hàng và thể hiện nội dung: món vay đã hết thời gian khoanh nợ (kể cả trường hợp đã được khoanh nợ bổ sung) mà khách hàng vẫn không có khả năng trả nợ, NHCSXH đã áp dụng các biện pháp tận thu mọi nguồn có khả năng thanh toán.

- Các giấy tờ liên quan hoặc nội dung xác nhận của các cơ quan liên quan đối với khách hàng, HSSV, người đi lao động nước ngoài bị rủi ro đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

+ Trường hợp mất năng lực hành vi dân sự: Bản sao có chứng thực Quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự của Tòa án hoặc xác nhận cụ thể, rõ ràng về việc mất năng lực hành vi dân sự do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp.

+ Trường hợp ốm đau thường xuyên, mắc bệnh tâm thần: Bản sao có chứng thực giấy xác nhận về tình trạng sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp hoặc xác nhận của UBND và Hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã.

+ Trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa: Có xác nhận của UBND cấp xã trên biên bản về hoàn cảnh cụ thể của khách hàng: Khách hàng có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không nơi nương tựa.

+ Trường hợp chết, mất tích hoặc bị coi là chết, mất tích phải có bản sao có chứng thực Giấy chứng tử hoặc bản sao có chứng thực Quyết định tuyên bố chết, mất tích của Tòa án hoặc có xác nhận rõ ràng của UBND cấp xã và Hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã trên biên bản về các nội dung sau: Họ và tên, hộ khẩu thường trú, thời gian, địa điểm chết, mất tích.

+ Trường hợp người lao động bị tai nạn nghề nghiệp trong quá trình lao động ở nước ngoài: Các giấy tờ về mức độ thương tích hoặc hồ sơ bệnh án do doanh nghiệp tiếp nhận lao động ở nước ngoài hoặc cơ quan y tế nước ngoài xác nhận (bản dịch tiếng Việt qua công chứng).

+ Các giấy tờ liên quan khác: Trường hợp không còn người thừa kế: Bản sao có chứng thực Giấy chứng tử, Quyết định tuyên bố mất tích của người thừa kế (nếu người thừa kế chết, mất tích) hoặc xác nhận cụ thể của UBND cấp xã trên biên bản về tình trạng của người thừa kế: Người thừa kế chết; mất tích; không có người thừa kế. Trường hợp người thừa kế không có khả năng trả nợ có xác nhận của UBND cấp xã trên biên bản.

- Trường hợp khách hàng là pháp nhân, tổ chức kinh tế đã phá sản, giải thể phải có bản sao có chứng thực: Quyết định phá sản, giải thể của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tuyên bố của Tòa án và các văn bản có liên quan đến việc thanh lý tài sản của đơn vị bị phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật.

- Bản sao giấy nhận nợ như: Hợp đồng tín dụng, sổ vay vốn hoặc các giấy tờ nhận nợ khác có rút số dư nợ (gốc, lãi, tổng số) đến ngày bị rủi ro (NHCSXH nơi cho vay ký sao y, đóng dấu).

- Các giấy tờ liên quan khác (nếu có).

Điều 9. Trình tự thực hiện xử lý nợ bị rủi ro

Khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, khách hàng lập 01 liên Đơn đề nghị xử lý nợ (mẫu NHCSXH) kèm 01 liên các giấy tờ có liên quan gửi NHCSXH nơi vay vốn.

NHCSXH nơi cho vay kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp các giấy tờ do khách hàng gửi; phối hợp với khách hàng và cá nhân, tổ chức có thẩm quyền tiến hành thẩm tra, lập Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản (mẫu NHCSXH).

1. Tại NHCSXH nơi cho vay

a) Căn cứ báo cáo theo mẫu (mẫu cụ thể mẫu của NHCSXH) và các giấy tờ do khách hàng gửi, NHCSXH nơi cho vay kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp, hợp lệ của bộ hồ sơ và lập hồ sơ, biểu tổng hợp cụ thể:

- Đối với gia hạn nợ: lập 01 bộ hồ sơ pháp lý, 01 liên biểu tổng hợp đề nghị gia hạn nợ (mẫu số NHCSXH) trình Giám đốc NHCSXH nơi cho xay xem xét, quyết định.

- Đối với khoanh nợ: lập 02 bộ hồ sơ pháp lý, 02 liên biểu tổng hợp đề nghị khoanh nợ (mẫu NHCSXH): 01 liên gửi NHCSXH cấp tỉnh, 01 liên lưu hồ sơ.

- Đối với xóa nợ: lập 02 bộ hồ sơ pháp lý, 02 liên biểu tổng hợp đề nghị xóa nợ (mẫu số NHCSXH): 01 liên gửi NHCSXH cấp tỉnh, 01 liên lưu hồ sơ.

b) Hồ sơ gửi về NHCSXH cấp tỉnh

- 01 liên (mẫu NHCSXH) kèm bộ hồ sơ pháp lý đề nghị khoanh nợ, xóa nợ.

- Truyền file mềm (mẫu NHCSXH)

Đối với các trường hợp rủi ro đơn lẻ, cục bộ, NHCSXH cấp huyện gửi hồ sơ (hồ sơ pháp lý và mẫu biểu tổng hợp) đề nghị xử lý rủi ro về NHCSXH cấp tỉnh chậm nhất ngày 30/9 hàng năm. Trường hợp rủi ro xảy ra trên diện rộng, mức độ thiệt hại lớn phải thực hiện theo từng đợt gửi tổng hợp hồ sơ về NHCSXH cấp tỉnh để trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

2. Tại NHCSXH cấp tỉnh

Căn cứ hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro do NHCSXH nơi cho vay gửi, NHCSXH cấp tỉnh thực hiện:

a) Tổng hợp các khoản đề nghị xử lý nợ rủi ro của toàn chi nhánh.

- Đối với khoanh nợ: Tổng hợp và lập 02 liên đề nghị khoanh nợ của chi nhánh (mẫu NHCSXH): 01 liên lưu tại NHCSXH cấp tỉnh, 01 liên trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

- Đối với xóa nợ: Tổng hợp và lập 02 liên đề nghị xóa nợ của chi nhánh (mẫu NHCSXH) 01 liên lưu tại NHCSXH cấp tỉnh, 01 liên trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

b) Kiểm tra sau: Tiến hành kiểm tra tại chỗ (tại NHCSXH nơi cho vay) tính hợp lệ, hợp pháp của hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro.

3. Thông báo kết quả xử lý nợ rủi ro

Căn cứ quyết định xử lý nợ rủi ro của cấp có thẩm quyền, NHCSXH tỉnh gửi quyết định kèm danh sách khoanh nợ, xóa nợ. Căn cứ quyết định xử lý nợ rủi ro, chậm nhất sau 05 ngày làm việc, NHCSXH nơi cho vay thực hiện:

- Đối với khoanh nợ: NHCSXH nơi cho vay ghi thời gian được khoanh nợ vào sổ vay vốn (hoặc hợp đồng tín dụng) dòng chữ "Khoanh nợ... năm theo Quyết định số... từ ngày.../.../..." và hạch toán từ tài khoản cho vay có liên quan sang tài khoản nợ cho vay được khoanh. Trường hợp dư nợ tại thời điểm hạch toán nhỏ hơn số tiền được thông báo khoanh nợ thì khoanh nợ theo số dư thực tế.

- Đối với xóa nợ: NHCSXH nơi cho vay hạch toán xóa nợ gốc và lãi của khoản vay được thông báo xóa nợ. Trường hợp dư nợ tại thời điểm hạch toán nhỏ hơn số tiền được thông báo xóa nợ thì xóa nợ theo số dư thực tế. Số tiền chênh lệch thừa báo cáo, thuyết minh.

Căn cứ thông báo kết quả xử lý nợ NHCSXH nơi cho vay phải thông báo cho khách hàng biết thời gian, số tiền được xử lý nợ và đồng thời thực hiện công khai tại điểm giao dịch xã vào ngày giao dịch gần nhất.

Điều 10. Thẩm quyền và trách nhiệm xử lý nợ bị rủi ro

Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định việc khoanh nợ, xoá nợ cho khách hàng. Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh được uỷ quyền quyết định gia hạn nợ.

Điều 11. Nguồn vốn để xử lý nợ rủi ro

1. Nguồn vốn để xóa nợ gốc cho khách hàng được sử dụng từ quỹ dự phòng rủi ro tín dụng thuộc nguồn vốn địa phương. Trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng không đủ để xóa nợ cho khách hàng thì được UBND tỉnh cân đối, bổ sung nguồn vốn hoặc giảm trừ vào nguồn vốn ủy thác địa phương mà NHCSXH đang sử dụng. Việc trích lập và sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được quy định tại quy chế quản lý tài chính đối với NHCSXH.

2. Nguồn vốn để gia nợ hạn, khoanh nợ cho khách hàng được tính trong tổng nguồn vốn hoạt động hàng năm thuộc vốn uỷ thác địa phương.

- Trong thời gian gia hạn nợ, NHCSXH tính lãi, thu lãi đối với khách hàng theo hợp đồng tính dụng đã ký kết và theo chế độ quy định.

- Trong thời gian khoanh nợ, NHCSXH không tính lãi, không thu lãi đối với khách hàng.

Điều 12. Chế độ báo cáo

1. Sau khi thực hiện xử lý nợ bị rủi ro theo quyết định của cấp có thẩm quyền, NHCSXH nơi cho vay vốn uỷ thác địa phương lập báo cáo kết quả xử lý nợ bị rủi ro (theo mẫu của NHCSXH) gửi chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh.

2. Định kỳ ngày 30/9 hàng năm hoặc theo từng đợt xử lý, Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố Huế lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro gửi Chi nhánh NHCSXH tỉnh theo mẫu quy định của NHCSXH; chậm nhất ngày 31 tháng 10 hàng năm hoặc theo từng đợt xử lý, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tổng hợp gửi Sở Tài chính để báo cáo UBND tỉnh.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Giám đốc Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và xã hội, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế chịu trách nhiệm nhà nước thực hiện Quy chế này./.