Quyết định 1077/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025
Số hiệu: 1077/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 20/08/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 01/09/2007 Số công báo: Từ số 632 đến số 633
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1077/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2025

 

 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chỉnh phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại văn bản số 43/TTr-BXD ngày 02 tháng 8 năm 2007, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tại văn bản số 13/TTr-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2007
,

 

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi quy hoạch

Phạm vi nghiên cứu quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hải Phòng và các tỉnh xung quanh như: Quảng Ninh, Ninh Bình , Nam Định, Thái Bình, Hải Dương.

Phạm vi ranh giới lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hải Phòng với diện tích 1.521,09 km2.

2. Tính chất

Là đô thị loại 1, một trung tâm lớn về kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ cảng, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng, dịch vụ du lịch của cả nước.

3. Quy mô

- Quy mô dân số: đến năm 2025 dân số toàn thành phố khoảng 2.200 nghìn người; phân bố như sau: khu vực nội thành hiện tại khoảng 1.700 - 1.800 nghìn người, trong đó khu vực đô thị  trung tâm khoảng 1.400 - 1.500 nghìn người; dân số các đô thị vệ tinh, các thị xã, thị trấn khoảng 310 - 370 nghìn người.

- Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2025 khoảng: 25.500 - 26.500 ha. Trong đó đô thị trung tâm khoảng 21.010 - 22.000 ha, các đô thị vệ tinh khoảng 4.490 -  4.500 ha.

4. Mục tiêu, quan điểm

a) Mục tiêu: xây dựng thành phố Hải Phòng hiện đại, phát triển bền vững, hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử, các di tích danh thắng, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào phát triển của khu vực phía Bắc và cả nước; từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng, dịch vụ du lịch, thương mại - tài chính của khu vực Đông Nam Á.

b) Quan điểm:

- Phát huy vai trò và vị thế của thành phố Hải Phòng trong mối quan hệ với vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của cả nước và quốc tế;

- Phát triển đồng bộ giữa xây dựng mới, cải tạo và chỉnh trang đô thị. Phát triển không gian đô thị, vùng nông thôn và hệ thống hạ tầng xã hội đồng bộ, bảo vệ môi trường;

- Phát triển thành phố hiện đại có bản sắc, phát huy thế mạnh đặc thù của thành phố có núi, có sông, có biển, tạo sức hấp dẫn về đô thị, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và nâng cao đời sống người dân.

5. Các chỉ tiêu chính

a) Chỉ tiêu đất xây dựng đô thị:

Đất xây dựng đô thị bình quân từ 145 - 160 m2/người, trong đó đất xây dựng dân dụng bình quân 61 - 65,5 m2/người; đất cây xanh và thể dục thể thao bình quân 17 - 19 m2/người; đất xây dựng công trình phúc lợi công cộng bình quân 4,5 - 6,5 m2/người.

b) Chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật:

- Giao thông: chỉ tiêu đất giao thông (động và tĩnh) 19 - 21 m2/người; đất dành cho giao thông chiếm 20 - 23% đất xây dựng đô thị; mật độ giao thông chính đạt 4,5 - 5 km/km2;

- Cấp nước: chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt khu vực nội thị 180 lít/người/ngày đêm; ngoại thị 120 - 180 lít/người/ngày đêm; cấp cho công nghiệp là 22 - 45 m3/ha. Tỷ lệ dân đô thị được cấp nước là 100%;

- Cấp điện: chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt khu vực nội thị 2400 Kwh/người/năm; khu vực ngoại thị 750 - 1000 Kwh/người/năm; cấp cho công nghiệp là 300 Kw/ha; cấp điện cho các dịch vụ công cộng, thương mại là 50% tiêu chuẩn điện sinh hoạt;

- Thoát nước và vệ sinh môi trường: tiêu chuẩn tính toán thu gom và xử lý nước thải bằng 90% tiêu chuẩn cấp nước tương ứng cho từng đối tượng, nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường đạt 90%. Rác thải thu gom và xử lý đạt 90%.

6. Các yêu cầu nghiên cứu

Định hướng phát triển thành phố Hải Phòng được xác định trong mối quan hệ kinh tế, xã hội với vùng duyên hải Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, với cả nước, khu vực và quốc tế bao gồm:

a) Đề xuất mô hình phát triển thành phố Hải Phòng trên nguyên tắc gắn kết với các đô thị trong vùng duyên hải Bắc Bộ; không gian phát triển đô thị với cảnh quan thiên nhiên và sinh thái;

b) Đề xuất định hướng phát triển không gian thành phố, bao gồm đô thị trung tâm các đô thị vệ tinh, các thị trấn, thị xã trong mối quan hệ phát triển bền vững của thành phố Hải Phòng;

c) Đề xuất các phương án phân vùng chức năng; xác định vùng phát triển đô thị, vùng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản, vùng phát triển sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vùng bảo tồn thiên nhiên;

d) Đề xuất các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật phù hợp với mô hình phát triển của thành phố, điều kiện địa hình địa chất thuỷ văn của từng vùng, từng khu chức năng và theo từng giai đoạn phát triển của thành phố;

đ) Đề xuất các khu chức năng, cơ cấu tổ chức không gian thành phố
bao gồm:

- Khu dân dụng:

+ Khu nội thành cũ: tập trung cải tạo chỉnh trang kết hợp xây mới, không thay đổi lớn về cơ cấu sử dụng đất. Khu vực cảng sau khi di dời dành cho phát triển các khu chức năng đô thị ưu tiên công trình dịch vụ công cộng, cây xanh, văn phòng thương mại.

+ Khu phát triển mới:

Mở rộng về phía Bắc: thành khu đô thị Bắc Sông Cấm, huyện Thuỷ Nguyên. 

Mở rộng về phía Đông và Đông Nam: gồm đảo Cát Hải, khu Tràng Cát, Đình Vũ và 8 xã thuộc huyện Thuỷ Nguyên thành Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Đây là khu kinh tế tổng hợp có cảng, công nghiệp, đô thị, dịch vụ du lịch vui chơi giải trí.

Phát triển dọc đường Phạm Văn Đồng thành khu đô thị mới Đường 353.

Mở rộng phía Tây Bắc: phát triển khu vực quận Hồng Bàng mở rộng sang huyện An Dương thành khu đô thị mới phía Tây Bắc.

Mở rộng phía Nam : phát triển khu vực quận Kiến An thành khu đô thị mới, khu du lịch, các cơ sở đào tạo gắn kết với khu vực cảnh quan ven sông
Lạch Tray.

+ Khu vực ngoại thành: phát triển đảo Cát Bà, Đồ Sơn thành Trung tâm Du lịch quốc tế. Phát triển hệ thống các đô thị vệ tinh và các thị trấn; một số thị trấn mới ở các huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thuỷ Nguyên, Kiến Thụy thành đô thị sinh thái gắn với vùng sản xuất nông nghiệp. Các khu dân cư nông thôn được nghiên cứu quy hoạch theo hướng tập trung, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

- Các khu, cụm công nghiệp: gồm 33 khu với diện tích khoảng 4.600 ha, về cơ bản vẫn giữ nguyên vị trí hiện nay, nghiên cứu điều chỉnh bố trí một số khu chưa hợp lý; phát triển các khu công nghiệp chủ yếu tại các huyện. Diện tích dành cho đất công nghiệp tập trung khoảng 14.500 - 15.500 ha. Diện tích kho bãi khoảng 3.000 - 3.500 ha.

- Hệ thống trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành (văn hoá, đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế, thể dục, thể thao, du lịch nghỉ dưỡng …), trung tâm khu đô thị.

- Hệ thống các khu công viên cây xanh, mặt nước, không gian mở, đặc biệt là cảnh quan dọc bờ sông Bạch Đằng, sông Lạch Tray, sông Cấm, sông Đa Độ và các khu cây xanh trong đô thị tạo thành các trục cảnh quan; gắn kết giữa các sông và hồ điều hoà thực hiện đồng thời các chức năng giao thông thuỷ, tiêu thoát - điều tiết nước và tạo trục cảnh quan.

- Các khu đất quốc phòng: trên cơ sở các khu đất quốc phòng hiện có, quy hoạch bố trí lại cho phù hợp với quy hoạch chung và đảm bảo yêu cầu kết hợp kinh tế và quốc phòng.

- Các khu vực cần được bảo tồn, đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển Cát Bà.

e) Đề xuất định hướng phát triển kiến trúc thành phố:

Dựa trên quan điểm và mục tiêu phát triển, định hướng phát triển không gian thành phố, nghiên cứu định hướng phát triển kiến trúc - cảnh quan các khu đô thị mới, các khu vực chỉnh trang đô thị cũ, các khu chức năng quan trọng; đặc biệt chú ý việc xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu trung tâm hiện nay theo hướng hiện đại kết hợp giữ gìn các công trình văn hoá, kiến trúc có giá trị; triển khai nghiên cứu thiết kế đô thị  tại các khu đô thị quan trọng, làm cơ sở cho công tác quản lý xây dựng.

g) Đề xuất định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị phải được thiết kế và xây dựng đồng bộ, hiện đại đáp ứng mục tiêu và quan điểm phát triển của thành phố, đáp ứng nhu cầu sử dụng, đảm bảo mỹ quan, an toàn và vệ sinh môi trường.

- Về giao thông:

+ Xác định mạng lưới  giao thông đối ngoại, dựa trên nghiên cứu mối quan hệ vùng và giao thông đối nội (đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thuỷ đặc biệt là hệ thống cảng biển), xác định hệ thống cảng cạn;

+ Đề xuất các giải pháp về hệ thống giao thông ngầm, tuyến và phương tiện giao thông công cộng;

+ Đề xuất bố trí đất dành cho giao thông tĩnh (bến xe, bãi đỗ xe ngầm và trên mặt đất).

- Về chuẩn bị kỹ thuật xây dựng: xác định cốt khống chế xây dựng cho từng khu vực, các tuyến giao thông chính; giải pháp thoát nước mưa (lưu vực, hướng thoát và hệ thống cống) kết hợp hệ thống cống, hồ điều hoà và các giải pháp chống ngập úng, ảnh hưởng của thủy triều.

- Về cấp nước: xác định nguồn cấp nước, nhu cầu, vị trí và quy mô của các công trình đầu mối; mạng lưới đường ống cấp nước, các thông số kỹ thuật chủ yếu; đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước.

- Về cấp điện: xác định nguồn cấp điện, công suất, nhu cầu phụ tải, vị trí qui mô các trạm biến áp, các mạng lưới phân phối chính.

- Về thoát nước và vệ sinh môi trường: xác định quy mô vị trí các trạm xử lý nước thải, các khu xử lý chất thải rắn; mạng lưới thoát nước chính; giải pháp bảo vệ môi trường; xác định vị trí, quy mô các nghĩa trang của thành phố.

- Quy hoạch hệ thống bưu chính, viễn thông hiện đại toàn thành phố.

h) Đánh giá tác động môi trường và đề xuất các giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.

i) Xác định các chương trình dự án ưu tiên đầu tư phù hợp với dự báo nguồn lực; đề xuất cơ chế, chính sách quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị, các giải pháp thực hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025.

k) Dự thảo quy định về quản lý xây dựng theo nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2025.

7. Thành phần hồ sơ

Hồ sơ đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng và Thông tư số 15/2005/TT-BXD ngày 19 tháng 8 năm 2005 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

- Cơ quan quản lý dự án quy hoạch: Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.

- Cơ quan chủ đầu tư dự án quy hoạch: Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.

- Cơ quan lập đồ án quy hoạch: Viện Quy hoạch thành phố Hải Phòng.

- Cơ quan thẩm định đồ án: Bộ Xây dựng.

- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.

- Thời gian lập đồ án: 18 tháng sau khi nhiệm vụ thiết kế được phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các Bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư,

  Tài chính, Giao thông vận tải, Công thương,

  Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng,

  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Văn phòng Trung ương Đảng;

- Văn phòng Quốc hội;

- Thành ủy, Hội đồng nhân dân,

  Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng;

- VPCP: BTCN, các PCN,

  Website Chính phủ,

- Các Vụ: KTTH, NN , NC , ĐP, TH,

- Công báo;

-  Lưu: Văn thư, CN (5b).

THỦ TƯỚNG

 

 

 

Nguyễn Tấn Dũng