Quyết định 1069/2016/QĐ-UBND sửa đổi Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long kèm theo Quyết định 4088/2015/QĐ-UBND
Số hiệu: 1069/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh Người ký: Lê Quang Tùng
Ngày ban hành: 08/04/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1069/2016/QĐ-UBND

 Quảng Ninh, ngày 08 tháng 4 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TÀU DU LỊCH TRÊN VỊNH HẠ LONG, VỊNH BÁI TỬ LONG BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 4088/2015/QĐ-UBND NGÀY 21/12/2015 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/3/2011; Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2014;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Di sản Văn hóa ngày 29/6/2001, Luật số 32/2009/QH12 ngày 18/6/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Luật Phòng cháy chữa cháy ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy ngày 22/11/2013.

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15/6/2004, Luật số 48/2014/QH13 ngày 17/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014; Căn cứ Luật Du lịch ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2016/NQ-HĐND ngày 08/4/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh “Về việc thông qua một số quy định đặc thù tạm thời để nâng cao chất lượng và quản lý hoạt động của tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long”;

Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1342/TTr-SGTVT ngày 08/4/2016 và Báo cáo thẩm định số 43/BC-STP ngày 08/4/2016 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long ban hành kèm theo Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cụ thể:

1. Sửa đổi Điều 1 như sau.

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về quản lý hoạt động của tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long.”

2. Sửa đổi Điều 2 như sau.

“Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có tàu hoạt động tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long.”

3. Sửa đổi Khoản 2 Điều 3 như sau.

“2. Tàu du lịch: Là phương tiện vận tải hành khách du lịch tham quan và lưu trú trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, bao gồm:

a) Tàu tham quan: Là tàu du lịch chuyên vận chuyển và phục vụ khách tham quan;

b) Tàu lưu trú: Là tàu du lịch có buồng ngủ, trên hành trình có neo đậu lại để cho khách du lịch ngủ qua đêm trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long;

c) Tàu nhà hàng: Là tàu du lịch có đăng ký hoạt động nhà hàng nổi phục vụ ăn uống, không bố trí các buồng ngủ lưu trú trên phương tiện”.

4. Sửa đổi tên gọi của Chương II như sau.

“Chương II. QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA TÀU DU LỊCH.”

5. Sửa đổi Điều 4 như sau:

“Điều 4. Quy định về an toàn, kỹ thuật.”

1. Đối với tàu tham quan

a) Thỏa mãn tiêu chuẩn ổn định cấp tàu SI theo Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801 ÷2005 hoặc QCVN 72:2013/BGTVT có hệ số an toàn (k) khi kiểm tra ổn định theo tiêu chuẩn thời tiết theo quy định phải lớn hơn hoặc bằng 1,50.

b) Thời hạn hoạt động của tàu vận chuyển khách du lịch tham quan, lưu trú trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long: Thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 241/2016/NQ-HĐND ngày 08/4/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh: Tàu vận chuyển khách du lịch tham quan, lưu trú trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long có thời hạn hoạt động không vượt quá 15 năm đối với tàu vỏ gỗ; 25 năm đối với tàu vỏ kim loại (hoặc vật liệu tương đương) kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới. Hết thời hạn trên, tàu hoạt động với mục đích kinh doanh khác theo quy định chung về niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa”.

c) Trang bị thiết bị định vị vệ tinh (GPS) đảm bảo hoạt động liên tục, đồng bộ theo yêu cầu kỹ thuật của hệ thống thông tin quản lý, điều hành hoạt động tàu du lịch.

d) Trang bị thiết bị thông tin liên lạc bằng VHF đảm bảo hoạt động tốt trong bán kính 35km, liên lạc thông suốt 24/24h.

2. Đối với tàu 1ưu trú, tàu nhà hàng.

a) Đảm bảo tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT ngày 23/10/2012 của Bộ Giao thông vận tải

b) Đảm bảo yêu cầu quy định tại khoản l của Điều này”.

6. Sửa đổi tên gọi của Điều 5; sửa đổi Điểm c Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều 5 như sau:

“Điều 5. Quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.”

1c. “Đối với tàu đóng mới phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động cho buồng máy của tàu.”

2b. “Đối với tàu đóng mới phải trang bị hệ thống chữa cháy cố định bằng nước và tối thiểu 01 bình bột MFZ4 hoặc MFZ2 (ABC) cho các phòng ngủ của tàu.”

7. Sửa đổi Điều 6 như sau:

“Điều 6. Quy định về bảo vệ môi trường.”

1. Đối với chủ tàu du lịch

a) Lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nêu trong kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận và tuân thủ tiêu chuẩn môi trường.

c) Phải khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động của mình gây ra.

d) Thực hiện chế độ báo cáo về môi trường theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

đ) Trước và sau mỗi chuyến vận chuyển khách phải làm vệ sinh phương tiện sạch sẽ.

e) Có hợp đồng thu gom, xử lý chất thải trên tàu, chất thải từ bể phốt vệ sinh, dầu cặn thu được khi sử dụng thiết bị phân ly dầu nước (hoặc thiết bị tương đương) với các đơn vị có chức năng đã được cấp phép theo quy định.

f) Không được ăn ở, sinh hoạt theo quy mô hộ gia đình trên các phương tiện.

g) Trong quá trình vận chuyển khách, thuyền viên phải có trách nhiệm nhắc nhở hành khách ý thức bảo vệ môi trường.

h) Hàng ngày chủ phương tiện có trách nhiệm tập kết chất thải rắn đến các điểm thu gom tập trung đã được chủ cảng, bến quy định.

i) Thực hiện nghĩa vụ nộp phí vệ sinh môi trường theo quy định.

k) Tuân thủ các quy định về xả thải các chất thải và nước thải lẫn dầu theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 17:2011/BGTVT và các quy định khác về bảo vệ môi trường trên đường thủy nội địa.

2. Đối với chủ cảng, bến

a) Lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Có trách nhiệm tổ chức thu gom, xử lý hoặc hợp đồng thuê thu gom, xử lý các loại chất thải (rắn, lỏng) trên mặt bến và từ các tàu du lịch trong vùng nước cảng, bến theo quy định.”

8. Sửa đổi Điều 9 như sau: “Điều 9. Các quy định khác l. Đối với tàu tham quan

a) Tàu phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL

b) Các hướng dẫn về an toàn và giá dịch vụ thể hiện bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung.

c) Trang bị tủ thuốc và các dụng cụ sơ cứu, cứu nạn theo danh mục quy định của ngành Y tế,

d) Xây dựng và thực hiện phương án phòng chống giông bão, chống đắm và cứu nạn tại chỗ.

đ) Mỗi tàu bố trí 01 két sắt chống cháy có khóa bằng mật mã để bảo quản tài sản của khách du lịch.

e) Lập danh sách hành khách

- Danh sách khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long sử dụng theo mẫu quy định tại Phụ lục IV kèm theo bản Quy định này.

- Người lập danh sách phải ghi đầy đủ các cột, mục theo yêu cầu, chịu trách nhiệm về tính chính xác của danh sách được lập.

- Danh sách hành khách được lập thành 02 bản cho mỗi chuyến tàu, 0 l bản giao cho thuyền trưởng, 01 bản lưu tại cảng vụ nơi cấp phép rời cảng, bến trong 30 ngày.

2. Đối với tàu lưu trú.

a) Đảm bảo quy định tại Khoản l của Điều này (trừ Điểm e).

b) Đảm bảo các điều kiện quy định tại Khoản l Điều 5 Thông tư liên tịch số 22/2012/ TTLT-BGTVT-BVHTTDL.

c) Chủ thể quản lý, sử dụng, khai thác tàu lưu trú phải có bộ phận kỹ thuật - pháp chế - an toàn; người phụ trách công tác này phải có kinh nghiệm, hiểu biết về phương tiện thủy nội địa và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.

d) Trang bị mỗi phòng ngủ của khách 01 két sắt chống cháy có khóa bằng mật mã để bảo quản tài sản của khách du lịch.

đ) Khai báo tạm trú cho khách du lịch lưu trú.

- Chủ tàu lưu trú có trách nhiệm khai báo đăng ký tạm trú cho khách du lịch lưu trú với cơ quan Công an theo quy định tại Thông tư số 33/2010/TT-BCA .

- Danh sách khai báo đăng ký tạm trú cho khách du lịch lưu trú thay thế danh sách hành khách quy định tại Điểm e Khoản l của Điều này.

- Danh sách khách du lịch lưu trú sau khi truyền qua mạng được in thành 02 bản, 01 bản thuyền trưởng mang theo chuyến hành trình, 01 bản nộp cho Cảng vụ khi làm giấy phép rời cảng, bến.

- Danh sách khách du lịch lưu trú được lưu trữ tại Cảng vụ và trên tàu tối thiểu 06 tháng.

e) Tàu lưu trú chỉ được đón, trả khách nghỉ đêm tại các cảng, bến du lịch đã được công bố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

f) Khi tàu đã có khách lưu trú, chủ tàu, thuyền trưởng không được kết hợp đón khách tham quan du lịch.

g) Trường hợp có trẻ em (dưới 12 tuổi) đi cùng thì chỉ được ghép không quá 01 trẻ em/ phòng, và tàu phải trang bị bổ sung phao cứu sinh, thiết bị an toàn cho số khách ghép này.

3. Đối với tàu nhà hàng

a) Có phương án hành trình, neo đậu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. b) Đảm bảo quy định tại Khoản l của Điều này (trừ Điểm e).”

9. Sửa đổi tên gọi của chương III như sau:

“Chương III. KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ CHẤT lƯỢNG TÀU DU lỊCH”

10. Sửa đổi Điều 10, Điều 11 và gộp thành Điều 10 như sau:

“Điều 10. Kiểm tra, đánh giá chất lượng tàu du lịch

Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng tàu du lịch được tổ chức thực hiện tập trung, thống nhất vào một thời điểm trong năm và được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan và chính xác.”

11. Sửa đổi tên gọi của Điều 14 như sau:

“Điều 14. Quy định về cấp phép tàu rời cảng, bến”.

12. Sửa đổi tên gọi của Điều 15 như sau:

“Điều 15. Thời gian tàu vào cảng, bến”.

13. Sửa đổi Khoản 1 Điều 16 như sau:

“1. Thiếu 01 trong 12 tiêu chí quy định tại Điều 14 của bản Quy định này”.

14. Sửa đổi Khoản 2 Điều 18, sửa đổi tên gọi của Điều 18 như sau:

“Điều 18. Quản lý hoạt động của cảng, bến tàu khách du lịch.

2. “Chủ cảng, bến muốn hoạt động phục vụ khách du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh

Bái Tử Long cần đảm bảo các quy định sau:”

15. Sửa đổi Điều 19 như sau:

“Điều 19. Trách nhiệm chủ cảng, bến

Thực hiện theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT .”

16. Sửa đổi Điều 21 như sau:

“Điều 21. Lập, điều chỉnh, bổ sung danh bạ thuyền viên

Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 47/2015/TT-BGTVT .”

17. Sửa đổi Điều 23 như sau:

“Điều 23. Nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí.

1. Chủ tàu du lịch phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về đăng ký thuế, khai và nộp thuế, phí, lệ phí... theo đúng các quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản pháp luật về thuế, phí, lệ phí hiện hành.

2. Phí, lệ phí được thực hiện thu theo danh mục và mức thu phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền quy định.

3. Đối với cơ sở kinh doanh có nhiều hoạt động khác nhau như: Vận chuyển khách, lưu trú, ăn uống, bán hàng lưu niệm... thì lập hóa đơn và khai thuế phải tách riêng hoạt động vận chuyển khách, hoạt động lưu trú.’’

18. Sửa đổi Điều 27 như sau:

“Điều 27. Phát triển tàu du lịch

Thực hiện theo kế hoạch phát triển đội tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đến năm 2020 được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 998/QĐ-UBND ngày 01/4/2016”.

19. Sửa đổi Điều 28 như sau:

“Điều 28. Trách nhiệm của chủ tàu du lịch

Thực hiện theo các quy định của Pháp luật và nội quy của cảng, bến.”

20. Sửa đổi Điều 30 như sau:

“Điều 30. Trách nhiệm của khách du lịch

Thực hiện theo các quy định tại Luật Du lịch, Điều 10 Thông tư liên tịch số 22/2012/ TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 26/6/2012 của Liên Bộ: Giao thông vận tải - Văn hóa, thể thao và du lịch.”

21. Sửa đổi Khoản 1, 5 Điều 31 như sau:

“1. Tuyên truyền, phổ biến cho các hội viên (chủ tàu) hiểu rõ và thực hiện theo đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý hoạt động của tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long”.

“5. Giúp đỡ các hội viên tháo gỡ vướng mắc, giải quyết những vụ việc phát sinh từ hoạt động phục vụ khách du lịch như: Tranh chấp, khiếu kiện, thủ tục hành chính, quan hệ lao động, các vấn đề liên quan đến giá, thuế…”.

22. Sửa đổi Khoản 5 Điều 32 như sau:

5. “Chủ trì việc tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng tàu du lịch hàng năm phải công khai, minh mạch, khách quan và chính xác.”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và là một bộ phận cấu thành của Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Tùng

 

 

- Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 3 Điều 1 Quyết định 110/2017/QĐ-UBND

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long ban hành kèm theo Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 và Quyết định số 1069/2016/QĐ-UBND ngày 08/4/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh để điều chuyển một số nhiệm vụ quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, cụ thể:
...
3. Bãi bỏ Khoản 22 Điều 1 Quyết định số 1069/2016/QĐ-UBND.

Xem nội dung VB