Quyết định 10/2020/QĐ-UBND quy định về phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi khác và trường hợp cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Số hiệu: 10/2020/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Nguyễn Ngọc Hai
Ngày ban hành: 14/02/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2020/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 14 tháng 02 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHẠM VI VÙNG PHỤ CẬN ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH THỦY LỢI KHÁC VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP CẮM MỐC CHỈ GIỚI PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

Căn cứ Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi khác và các trường hợp cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 02 năm 2020 và thay thế Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc ban hành Quy định phạm vi bảo vệ công trình kè bảo vệ bờ sông, bờ biển và đê bao trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Báo BT, Đài PT và TH tỉnh;
- TTTT tỉnh;
- Lưu: VT, ĐTQH. Tr.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

QUY ĐỊNH

PHẠM VI VÙNG PHỤ CẬN ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH THỦY LỢI KHÁC VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP CẮM MỐC CHỈ GIỚI PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10 /2020/QĐ-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh ngoài quy định tại Điều 40 của Luật Thủy lợi năm 2017; các trường hợp phải cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh ngoài quy định tại Điều 19 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là Thông tư 05).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi, có các hoạt động liên quan đến công trình thủy lợi, công trình đê, kè trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình thủy lợi khác: Là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi ngoài các công trình đã được quy định tại Điều 40 Luật Thủy lợi.

2. Kênh chìm: Là kênh có mặt cắt ngang kênh theo thiết kế đào hoàn toàn trong nền đất tự nhiên.

3. Kênh nổi: Là kênh có mặt cắt ngang kênh theo thiết kế đắp nổi trên nền đất tự nhiên hoặc nửa đào, nửa đắp.

4. Đập dâng: Là vật kiến trúc chắn ngang dòng chảy để nâng cao mực nước thượng lưu và cho phép dòng chảy tràn qua đập.

5. Công trình trên kênh: Là công trình lấy nước, các công trình điều tiết, công trình đo nước, công trình chuyển nước, công trình tiêu nước, công trình xả nước khi có sự cố và xả nước cuối kênh, công trình giao thông và các công trình phục vụ quản lý hệ thống kênh tưới.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Phạm vi vùng phụ cận

1. Đập và lòng hồ chứa nước: Vùng phụ cận thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Luật Thủy lợi.

2. Đập dâng:

a) Phần thuộc lòng sông, suối: Phạm vi vùng phụ cận tính từ phần xây đúc cuối cùng trở ra về phía thượng lưu và hạ lưu. Đập cấp II tối thiểu là 50 m, đập cấp III tối thiểu là 30 m, đập cấp IV tối thiểu là 20 m. Cấp công trình đập dâng căn cứ theo quy định tại Phụ lục II, Bảng 2. Phân cấp công trình theo đặc tính kỹ thuật (Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ).

b) Phần trên cạn của hai vai đập dâng: Phạm vi vùng phụ cận được tính từ phần xây đúc ngoài cùng trở ra, tối thiểu là 20 m. Đối với công trình có hồ sơ thu hồi đất thì phạm vi vùng phụ cận tính từ ranh thu hồi đất.

3. Kênh:

Kênh bao gồm: Kênh chìm, kênh nổi và kênh dạng đường ống đi ngầm hoặc đi nổi. Đối với kênh có hồ sơ thu hồi đất thì phạm vi vùng phụ cận tính từ ranh thu hồi đất. Đối với kênh chưa có hồ sơ thu hồi đất thì phạm vi vùng phụ cận của kênh (trong đó, kênh đã bao gồm bờ kênh có hoặc không có kết hợp đường quản lý) được tính như sau: Đối với kênh nổi được tính từ chân mái ngoài trở ra, đối với kênh chìm được tính từ ranh ngoài cùng của bờ kênh; đối với kênh dạng đường ống được tính từ mép ngoài cùng của đường ống, trường hợp đường ống đặt trong máng bảo vệ được tính từ mép ngoài cùng của máng bảo vệ, trường hợp có đường quản lý được tính từ mép ngoài cùng của đường quản lý. Vùng phụ cận kênh được quy định như sau:

a) Kênh có lưu lượng từ 2 m3/s trở lên, vùng phụ cận thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 40 Luật Thủy lợi.

b) Kênh có lưu lượng từ 0,5 m3/s đến dưới 2 m3/s, phạm vi vùng phụ cận từ 01 m đến 02 m.

c) Kênh có lưu lượng dưới 0,5 m3/s, phạm vi vùng phụ cận từ 0,5 m đến 01 m.

d) Đối với những đoạn kênh, tuyến kênh có bờ kết hợp làm đường giao thông, phạm vi vùng phụ cận ngoài việc đảm bảo quy định trên còn phù hợp với quy định về hành lang bảo vệ công trình giao thông.

e) Khi kênh đi dưới đường dây tải điện hoặc đi song song với đường dây tải điện, phạm vi vùng phụ cận ngoài việc đảm bảo các quy định trên, hành lang bảo vệ an toàn tuân theo tiêu chuẩn của đường dây tải điện hiện hành.

4. Trạm bơm: Phạm vi vùng phụ cận là toàn bộ diện tích được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng công trình.

5. Công trình trên kênh: Đối với công trình có hồ sơ thu hồi đất thì phạm vi vùng phụ cận tính từ ranh thu hồi đất. Đối với công trình chưa có hồ sơ thu hồi đất thì phạm vi vùng phụ cận được tính như sau:

a) Công trình vượt sông, suối (cầu máng, xi phông, vv.)

- Phần thân cầu máng, xi phông qua sông, suối tính từ mép ngoài phần xây đúc của thành cầu máng hoặc thân xi phông trở ra về phía thượng, hạ lưu tối thiểu là 30 m.

- Phần hạng mục công trình trên cạn (mố biên cầu máng, cửa vào, cửa ra xi phông) tính từ mép ngoài phần xây đúc công trình trở ra mỗi bên tối thiểu là 05 m.

b) Công trình không vượt sông, suối: Phạm vi vùng phụ cận tính từ mép ngoài phần xây đúc công trình trở ra từ 02 m đến 03 m.

6. Vùng phụ cận của kè bảo vệ bờ sông, bờ biển và đê bao:

Đối với công trình có hồ sơ thu hồi đất thì phạm vi vùng phụ cận tính từ ranh thu hồi đất. Đối với công trình chưa có hồ sơ thu hồi đất thì phạm vi vùng phụ cận được tính như sau:

a) Vùng phụ cận của kè bảo vệ bờ sông, bờ biển được tính từ phần xây đúc ngoài cùng trở ra mỗi phía 15 m. Riêng đoạn kè bảo vệ bờ sông, bờ biển trong khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch và dịch vụ, thương mại được tính từ phần xây đúc ngoài cùng trở ra mỗi phía 5 m.

b) Vùng phụ cận của đê bao được tính từ chân đê trở ra 5 m về phía đồng và phía sông. Riêng đê bao Võ Xu, huyện Đức Linh vùng phụ cận được tính từ chân đê trở ra 10 m về phía đồng và 20 m về phía sông.

Điều 5. Yêu cầu về cắm mốc chỉ giới

Thực hiện theo quy định tại Điều 18 Thông tư 05.

Điều 6. Các trường hợp phải cắm mốc chỉ giới

1. Các trường hợp phải cắm mốc chỉ giới thực hiện theo quy định tại Điều 19 Thông tư 05.

2. Đường quản lý.

3. Kè bảo vệ bờ sông, bờ biển và đê bao cấp IV, cấp V thuộc công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, trừ các công trình kè tạm.

Điều 7. Cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi

1. Trách nhiệm cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện theo Điều 24 Thông tư 05.

2. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi được thực hiện theo quy định tại Thông tư 05.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của các sở, ngành

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, tổ chức hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến công trình thủy lợi thực hiện Quy định này.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định hiện hành.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Hướng dẫn chi tiết thủ tục giao đất, thu hồi đất, quản lý, sử dụng đất trong phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi.

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo thẩm quyền; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị quản lý công trình thủy lợi và các cơ quan có liên quan thực hiện việc quản lý và sử dụng đất theo quy định.

3. Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị quản lý công trình thủy lợi trong việc xác định lộ giới, phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi có kết hợp giao thông.

4. Sở Công thương: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị quản lý công trình thủy lợi trong việc xác định phạm vi vùng phụ cận có liên quan đến quy định về hành lang bảo vệ đường dây tải điện.

5. Các sở, ngành khác: Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi thực hiện Quy định này.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Tổ chức triển khai thực hiện quy định này.

b) Tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này trên địa bàn; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý khai thác công trình thủy lợi, các đơn vị có liên quan trên địa bàn thực hiện Quy định này.

c) Thực hiện bảo vệ công trình thủy lợi tại địa phương theo quy định của pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm vùng phụ cận công trình thủy lợi theo thẩm quyền.

d) Tổ chức thực hiện việc thu hồi đất, giao đất theo thẩm quyền.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Tuyên truyền, phổ biến Quy định này tại địa phương.

b) Thực hiện bảo vệ công trình thủy lợi tại địa phương theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác công trình thực hiện cắm mốc và quản lý mốc giới phạm vi vùng phụ cận công trình khi được bàn giao.

c) Phối hợp kịp thời với các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trong việc rà soát hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định.

d) Kịp thời xử lý những hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi trên địa bàn theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền xử lý thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý.

Điều 10. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác công trình thủy lợi

1. Lập, trình thẩm định, trình phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới vùng phụ cận công trình thủy lợi hiện hữu. Sử dụng nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi để chi phí cho công tác cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

2. Tổ chức cắm mốc, quản lý các mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận công trình.

3. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nơi có công trình rà soát hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định hiện hành.

4. Lập và bàn giao hồ sơ quản lý phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi cho Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn để phối hợp quản lý.

5. Chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ, quản lý phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi, mốc chỉ giới bảo vệ công trình. Trường hợp vùng phụ cận công trình thủy lợi bị lấn chiếm, sử dụng trái phép phải kịp thời báo cáo và đề nghị Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn để xử lý.

6. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất tình hình quản lý, sử dụng vùng phụ cận công trình thủy lợi với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

7. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm; phối hợp các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức tuyên truyền việc thực hiện Quy định này trên địa bàn.

Điều 11. Điều khoản thi hành

1. Các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được giao thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.





Quyết định 04/2019/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 39/2015/QĐ-UBND Ban hành: 18/01/2019 | Cập nhật: 30/01/2019

Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn Luật Thủy lợi Ban hành: 15/05/2018 | Cập nhật: 15/05/2018

Nghị định 67/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy lợi Ban hành: 14/05/2018 | Cập nhật: 14/05/2018