Quyết định 10/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Cần Giờ do Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ ban hành
Số hiệu: 10/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Huỳnh Cách Mạng
Ngày ban hành: 30/08/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/09/2010 Số công báo: Số 74
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN CẦN GIỜ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 10/2010/QĐ-UBND

Cần Giờ, ngày 30 tháng 8 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” HUYỆN CẦN GIỜ

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN CẦN GIỜ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khoá XII về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh sách huyện, quận, phường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Quyết định số 227/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”;
Căn cứ Chương trình số 2942/CTr-BCĐ ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Ban Chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố về thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2006-2010 tại thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Cần Giờ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 7 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, các thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Cách Mạng

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” HUYỆN CẦN GIỜ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân huyện)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Cần Giờ (dưới đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo).

Điều 2. Hoạt động của Ban Chỉ đạo nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và của nhân dân về nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chỉ đạo triển khai Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị ngày càng sâu rộng trên địa bàn huyện.

Điều 3. Ban Chỉ đạo hoạt động thường xuyên, có kế hoạch, thiết thực, hiệu quả, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung và phương thức hoạt động.

Điều 4. Ban Chỉ đạo thực hiện sự chỉ đạo tập trung, thống nhất; phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các thành viên Ban Chỉ đạo.

Chương II

NHIỆM VỤ CỦA BAN CHỈ ĐẠO

Điều 5. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo:

1. Xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị trên địa bàn huyện.

2. Chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện phong trào.

3. Đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực, tập hợp mọi lực lượng đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng phong trào.

4. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào ở cơ sở.

5. Tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, phổ biến nhân rộng các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới trong phong trào; đề nghị huyện, thành phố, trung ương khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào.

6. Chỉ đạo hoạt động, thành lập Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn theo hướng:

a) Ở xã, thị trấn: Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc làm Phó trưởng ban thường trực.

b) Ở ấp, khu phố: Trưởng Ban Công tác Mặt trận là Trưởng Ban Vận động Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Chương III

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN

Điều 6. Trưởng Ban Chỉ đạo:

1. Chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Ban Chỉ đạo, thay mặt Ủy ban nhân dân huyện điều hành việc triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của thành phố, huyện; chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo; giữ mối liên hệ thường xuyên với Ban Chỉ đạo thành phố.

2. Triệu tập, chủ trì, kết luận các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, các hội nghị triển khai công tác, sơ kết, tổng kết phong trào; Chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công thành viên trong Ban Chỉ đạo theo chức năng thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch do Ban Chỉ đạo đề ra.

3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể phối hợp, lồng ghép thực hiện các chương trình của huyện với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Chủ trì các cuộc họp giao ban quý, các hội nghị sơ kết, tổng kết, triển khai phong trào hoặc các hội nghị chuyên đề.

4. Chỉ đạo xây dựng các Chương trình kế hoạch hoạt động, ký ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo.

Điều 7. Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo - Phòng Văn hóa và Thông tin:

1. Thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành các công việc của Ban Chỉ đạo, chủ trì các hội nghị triển khai công tác, sơ kết, tổng kết, họp đột xuất khi được Trưởng Ban chỉ đạo ủy quyền.

2. Chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.

3. Tham mưu giúp Ban Chỉ đạo dự thảo các văn bản thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo; xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động 6 tháng, năm trên cơ sở thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Huyện ủy, của Ban Chỉ đạo thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị.

4. Xây dựng chương trình, kế hoạch phúc tra, kiểm tra kết quả triển khai thực hiện phong trào, đề xuất Ban Chỉ đạo công nhận các danh hiệu văn hóa và xếp loại thi đua thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị của các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn hàng năm.

5. Triển khai các tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị đến các cơ quan, đơn vị của huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thi trấn; Chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xây dựng và từng bước nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa - thể thao - du lịch; gắn kết Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của huyện.

6. Chỉ đạo thực hiện các hoạt động của Ban Chỉ đạo theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.

Điều 8. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện:

1. Trực tiếp chủ trì Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện.

2. Chủ trì, phối hợp các thành viên Ban Chỉ đạo huyện chỉ đạo thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng; giảm nghèo - tăng hộ khá; xây dựng xã, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội; giữ gìn trật tự an toàn giao thông, xây dựng nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị…

3. Chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.

Điều 9. Thành viên Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ:

1. Tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo; thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và nhiệm vụ cụ thể của thành viên được quy định tại Điều 5 và Điều 11 của Quy chế này.

2. Trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện phong trào theo chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, ban ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể gắn các nội dung của phong trào với phong trào Thi đua yêu nước trong các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể.

3. Xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình phối hợp liên ngành, lồng ghép thực hiện phong trào với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

4. Tham gia đầy đủ các hoạt động, các hội nghị và đóng góp ý kiến cho hoạt động của Ban Chỉ đạo.

5. Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Ban Chỉ đạo, điều động cán bộ của cơ quan, đơn vị phối hợp tham gia các đợt kiểm tra, phúc tra xét công nhận các danh hiệu văn hóa và kết quả thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị hàng năm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Điều 10. Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Ban Chỉ đạo:

1. Phòng Văn hóa và Thông tin: Là cơ quan thường trực, giữ mối liên hệ thường xuyên với Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện thực hiện nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo. Chủ trì: Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa; ấp, khu phố văn hóa, Đơn vị văn hóa; Công sở văn minh - sạch đẹp - an toàn; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo hướng dẫn, tổ chức kiểm tra công nhận các danh hiệu văn hóa và việc thực hiện chủ đề nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị hàng năm trên địa bàn huyện. Định kỳ 6 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện phong trào cho Thường trực Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo huyện và thành phố theo quy định.

2. Ban Dân vận Huyện ủy: Hướng dẫn các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện các nội dung Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mình trong khối Dân vận.

3. Ban Tuyên giáo Huyện ủy: Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phối hợp chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung phong trào; Kịp thời động viên, cổ vũ, giới thiệu, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, phê phán những biểu hiện tiêu cực để phong trào phát triển vững chắc.

4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện: Chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo và các đoàn thể huyện tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các nội dung xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị. Chủ trì Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

5. Phòng Công thương: Chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện tốt tiêu chí xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu (xanh - sạch - đẹp); xây dựng ý thức giao tiếp, ứng xử văn hóa trong các hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại, trong vận chuyển hành khách; làm Thường trực nhóm nội dung về xây dựng mỹ quan đô thị.

6. Phòng Tài nguyên - Môi trường: Chủ trì, phối hợp các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn để duy trì thành nề nếp phong trào tổng vệ sinh định kỳ hàng tuần, tháng ở công sở, địa bàn dân cư; tích cực vận động dân nhân tham gia trồng cây xanh, hoa kiểng để tạo mảng xanh, cảnh quan trong khu dân cư; xây dựng mô hình ấp, khu phố không rác; làm Thường trực nhóm nội dung về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.

7. Công an huyện: Chủ trì, phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, tăng cường kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về xây dựng nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị; làm Thường trực nhóm nội dung về trật tự an toàn giao thông.

8. Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện: phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Thường trực Ban Chỉ đạo.

9. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Vì người nghèo”, chăm lo gia đình chính sách, người cao tuổi, người già neo đơn, đồng bào bị thiên tai, hoạn nạn; có kế hoạch phối hợp giải quyết, giúp các hộ trong diện nghèo ra khỏi chương trình theo tiêu chí giảm nghèo của thành phố.

10. Phòng Y tế: Chủ trì triển khai thực hiện các chương trình, giải pháp về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh của nhân dân. Thực hiện các giải pháp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trong các ấp, khu phố văn hóa.

11. Phòng Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin thực hiện tốt các tiêu chuẩn “Trường học có đời sống văn hóa tốt”, “Cổng trường sạch đẹp - an toàn” và cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực” trong trường học. Xây dựng kế hoạch thực hiện tiêu chí chăm lo sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí trên địa bàn huyện.

12. Phòng Tư pháp: Chủ trì, phối hợp phòng Văn hóa và Thông tin trong việc chỉ đạo các địa phương xây dựng Quy ước phù hợp với nội dung pháp luật; định kỳ hàng tháng tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị; quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè theo chỉ đạo của thành phố.

13. Thanh tra Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai thực hiện Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành quy định quản lý và sử dụng lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Thường xuyên kiểm tra sắp xếp trật tự ở khu vực chợ trung tâm huyện; các xã, thị trấn và khu du lịch 30/4; chấn chỉnh tình trạng mua bán trước cổng trường học, bệnh viện, bến xe, bến đò, bến phà Bình Khánh. Xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh mua bán, gây cản trở giao thông và làm mất mỹ quan đô thị.

14. Liên đoàn Lao động huyện: Chủ trì, phối hợp phòng Văn hóa và Thông tin, các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động xây dựng “Công sở văn minh - sạch đẹp - an toàn”, “Đơn vị văn hóa” và thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị trong lực lượng công nhân, viên chức lao động.

15. Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân huyện: Chủ trì phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện phong trào theo hệ thống đoàn thể từ huyện đến cơ sở.

16. Phòng Nội vụ: Có kế hoạch phối hợp phòng Văn hóa và Thông tin giới thiệu các gương điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị để nhân rộng và phối hợp xem xét đề xuất công nhận, khen thưởng các danh hiệu văn hóa của huyện hàng năm.

17. Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Chủ trì, phối hợp phòng Văn hóa và Thông tin, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng của ngành trong Phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình xây dựng xã nông thôn mới Lý Nhơn.

18. Phòng Tài chính - Kế hoạch: Hướng dẫn, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí của Ban Chỉ đạo huyện, các xã, thị trấn.

19. Trung tâm Văn hóa huyện: Chịu trách nhiệm công tác tuyên truyền, vận động và chỉ đạo Đài, Trạm Truyền thanh các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung phong trào. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục giới thiệu, nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tạo dư luận xã hội rộng rãi, phê phán những biểu hiện tiêu cực, vi phạm nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị nhằm đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

20. Trung tâm Thể dục - Thể thao: Chủ trì Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phối hợp Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đẩy mạnh các hoạt động thể dục - thể thao ở khu dân cư.

21. Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích huyện: Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn củng cố, sắp xếp tổ chức và tăng cường lực lượng thu gom rác; thường xuyên kiểm tra đánh giá các phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong thu gom, vận chuyển rác hiện có để có kế hoạch bổ sung thay thế hoặc tăng cường phương tiện, tạo điều kiện, năng lực thực hiện tốt tiêu chí về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị trong các ấp, khu phố.

Chương IV

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO

Điều 11. Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

Điều 12. Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo của huyện Ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chỉ đạo thành phố; Thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện sự phân công của Trưởng ban, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo huyện.

Điều 13. Trưởng Ban Chỉ đạo giao Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thành lập Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ Ban Chỉ đạo phân công.

Điều 14. Trưởng Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân huyện; Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin được sử dụng con dấu của phòng Văn hóa và Thông tin; Phó Ban Chỉ đạo - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện được sử dụng con dấu của Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc huyện trong các quan hệ của Ban Chỉ đạo.

Điều 15. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo:

1. Nguồn kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo từ nguồn ngân sách huyện.

2. Chi kinh phí: Chi các hoạt động của Ban Chỉ đạo; Bồi dưỡng chế độ kiêm nhiệm theo quy định cho các thành viên Ban Chỉ đạo; Chi kinh phí cho hội họp, sơ kết, tổng kết, các Hội nghị chuyên đề… theo quy định hiện hành.

3. Trên cơ sở kế hoạch ngân sách được phê duyệt hàng năm, Giao thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lập dự toán chi tiết, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

Điều 16. Họp Ban Chỉ đạo:

1. Họp toàn thể Ban Chỉ đạo 6 tháng một lần (có thể họp đột xuất khi cần thiết).

2. Họp Thường trực Ban Chỉ đạo 3 tháng một lần (Khi cần có thể họp đột xuất).

3. Hội nghị giao ban cán bộ chuyên trách phong trào các xã, thị trấn, và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện 3 tháng một lần.

4. Hội nghị sơ kết phong trào toàn huyện 1 năm một lần

5. Các thành viên Ban Chỉ đạo bố trí dự họp đầy đủ, nếu vắng mặt phải có lý do và báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo.

Điều 17. Thực hiện chế độ báo cáo:

1. Hàng quý: Thành viên Ban Chỉ đạo huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn báo cáo bằng văn bản tình hình thực hiện phong trào với Thường trực Ban Chỉ đạo (Phòng Văn hóa và Thông tin) trước ngày 25 tháng cuối quý.

2. Sáu tháng và 1 năm: Thành viên Ban Chỉ đạo huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn báo cáo bằng văn bản tình hình thực hiện phong trào với Thường trực Ban Chỉ đạo (Phòng Văn hóa và Thông tin) trước ngày 30 tháng 11 hàng năm.

3. Trưởng Ban Chỉ đạo báo cáo bằng văn bản tình hình thực hiện phong trào toàn huyện với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố hàng năm.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Các thành viên Ban Chỉ đạo huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, xây dựng kế hoạch hàng năm để hướng dẫn, triển khai thực hiện ở các xã, thị trấn. Đồng thời phổ biến Quy chế này trong cán bộ, công chức của cơ quan, ban ngành, đoàn thể mình biết để thực hiện.

Điều 19. Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ Quy chế này, xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn (cơ cấu như Ban Chỉ đạo của huyện). Chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo Quy chế của Ban Chỉ đạo huyện.

Điều 20. Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì phối hợp với Trung tâm Văn hóa huyện, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn phổ biến, quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy chế này sâu, rộng trong cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện.

- Giao Phòng Văn hóa và Thông tin (Thường trực Ban Chỉ đạo huyện) chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo việc triển khai Quy chế này với Ban Chỉ đạo và Ủy ban nhân dân huyện.

- Trong quá trình thực hiện, nếu có điều khoản nào chưa phù hợp, đề nghị các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn kịp thời có văn bản gửi về Ban Chỉ đạo huyện (qua cơ quan Thường trực - Phòng Văn hóa và Thông tin) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung./.