Quyết định 07/2013/QĐ-UBND quy định định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, mức hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 - 2015
Số hiệu: 07/2013/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang Người ký: Lê Văn Hưởng
Ngày ban hành: 28/03/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2013/QĐ-UBND

Tiền Giang, ngày 28 tháng 3 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐỊNH MỨC KINH TẾ KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG, MỨC HỖ TRỢ ĐẦU TƯ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh;

Căn cứ Quyết định số 38/2005/QĐ-BNN ngày 06/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng;

Căn cứ Thông tư số 69/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh ban hành kèm theo Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, mức hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 - 2015.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Hưởng

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐỊNH MỨC KINH TẾ KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG, MỨC HỖ TRỢ ĐẦU TƯ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND ngày 28/3/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quy định này quy định về định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, mức hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đối với các công trình đầu tư trồng rừng phòng hộ có sử dụng vốn từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 - 2015. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư xây dựng công trình trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ sử dụng các nguồn vốn khác áp dụng các quy định của Quy định này.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí đầu tư thực hiện do ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư phát triển rừng và bảo vệ rừng bền vững.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nguyên tắc chọn loài cây trồng

Chọn loài cây trồng rừng phải phù hợp với yêu cầu sinh thái của từng vùng, cụ thể:

- Đối với vùng sinh thái ngập mặn trồng các loài cây ngập mặn như: Mắm, Đước, Bần, Dà, Dừa nước, Phi lao.

- Đối với vùng sinh thái đất ngập phèn ưu tiên trồng cây Tràm cừ.

Điều 4. Định mức kinh tế kỹ thuật trồng 01 ha rừng

1. Loài cây Đước, Dà:

a) Mật độ trồng: 10.000 trái/ha (cây cách cây 1m, hàng cách hàng 1m);

b) Mô hình trồng rừng: Trồng thuần loại;

c) Phương pháp trồng: Trồng bằng trái;

d) Tiêu chuẩn trái giống: Chiều dài trên 22 cm, trọng lượng từ 40 trái/kg đến 45 trái/kg;

đ) Thời vụ trồng: tháng 5 đến tháng 11 dương lịch;

e) Nhân công phát dọn thực bì, vận chuyển và trồng cây: 32 nhân công;

g) Quản lý, chăm sóc và bảo vệ (thường xuyên kiểm tra, xác định cây chết để trồng dặm, bảo vệ, hạn chế các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản gây xâm hại đến rừng mới trồng): 06 nhân công.

2. Loài cây Mắm:

a) Mật độ trồng: 2.500 cây/ha (cây cách cây 2m, hàng cách hàng 2m);

b) Mô hình trồng rừng: Trồng thuần loại;

c) Phương pháp trồng: Trồng bằng cây con rễ trần dưỡng trong túi bầu;

d) Tiêu chuẩn cây giống: Chiều cao trên 50 cm; đường kính cổ rễ từ 1 cm đến 2 cm;

đ) Thời vụ trồng: tháng 5 đến tháng 11 dương lịch;

e) Nhân công phát dọn thực bì, vận chuyển và trồng cây: 41 nhân công;

g) Quản lý, chăm sóc và bảo vệ (thường xuyên kiểm tra, xác định cây chết để trồng dặm, bảo vệ, hạn chế các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản gây xâm hại đến rừng mới trồng): 09 nhân công.

3. Loài cây Bần:

a) Mật độ trồng: 2.500 cây/ha (cây cách cây 2m, hàng cách hàng 2m);

b) Mô hình trồng rừng: Trồng thuần loại;

c) Phương pháp trồng: Trồng bằng cây con rễ trần dưỡng trong túi bầu;

d) Tiêu chuẩn cây giống: Chiều cao từ 100 cm trở lên; đường kính cổ rễ từ 2 cm trở lên;

đ) Thời vụ trồng: tháng 5 đến tháng 11dương lịch;

e) Nhân công phát dọn thực bì, vận chuyển và trồng cây: 41 nhân công;

g) Quản lý, chăm sóc và bảo vệ (thường xuyên kiểm tra, xác định cây chết để trồng dặm, bảo vệ, hạn chế các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản gây xâm hại đến rừng mới trồng): 09 nhân công.

4. Loài cây Dừa nước:

a) Mật độ trồng: 1.250 trái/ha (cây cách cây 2m, hàng cách hàng 4m);

b) Mô hình trồng rừng: Trồng thuần loại;

c) Phương pháp trồng: Trồng bằng trái;

d) Tiêu chuẩn trái giống: Trái đã ươm mầm có chiều cao mầm trên 10 cm, trọng lượng từ 12 trái/kg đến 15 trái/kg;

đ) Thời vụ trồng: tháng 5 đến tháng 11 dương lịch;

e) Nhân công phát dọn thực bì, vận chuyển và trồng cây: 25 nhân công;

g) Quản lý, chăm sóc và bảo vệ (thường xuyên kiểm tra, xác định cây chết

để trồng dặm, bảo vệ, hạn chế các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản gây xâm hại đến rừng mới trồng): 04 nhân công.

5. Loài cây Phi lao:

a) Mật độ trồng: 2.000 cây/ha (cây cách cây 2m, hàng cách hàng 2,5m);

b) Mô hình trồng rừng: Trồng thuần loại;

c) Phương pháp trồng: Trồng bằng cây con rễ trần dưỡng trong túi bầu;

d) Tiêu chuẩn cây giống: Chiều cao từ 40 cm trở lên; đường kính cổ rễ từ 2 mm đến 3 mm;

đ) Thời vụ trồng: tháng 5 đến tháng 11 dương lịch;

e) Nhân công phát dọn thực bì, vận chuyển và trồng cây: 41 nhân công;

g) Quản lý, chăm sóc và bảo vệ (thường xuyên kiểm tra, xác định cây chết để trồng dặm, bảo vệ, hạn chế các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản gây xâm hại đến rừng mới trồng): 09 nhân công.

6. Loài cây Tràm cừ:

a) Mật độ trồng: 20.000 cây/ha (cây cách cây 0,5m, hàng cách hàng 1m);

b) Mô hình trồng rừng: Trồng thuần loại;

c) Phương pháp trồng: Trồng bằng cây con rễ trần;

d) Tiêu chuẩn cây giống: Chiều cao từ 1 m đến 1,5 m; đường kính cổ rễ từ 1 cm đến 2 cm;

đ) Thời vụ trồng: tháng 10 đến tháng 12 dương lịch;

e) Nhân công phát dọn thực bì, vận chuyển và trồng cây: 43 nhân công;

Điều 5. Đơn giá giống cây trồng

1. Đơn giá giống cây trồng năm 2012 (bao gồm giá cây trồng, chi phí nhân công vận chuyển, trung chuyển và bốc dở cây giống), như sau:

a) Đước - Dà: 250 đồng/trái;

b) Mắm - Bần: 1.800 đồng/cây;

c) Dừa nước: 1.100 đồng/trái;

d) Phi lao: 2.500 đồng/cây;

đ) Tràm: 300 đồng/cây.

2. Đơn giá giống cây trồng các năm 2013, 2014 và 2015 được tính bằng đơn giá giống cây trồng năm 2012 nhân với tỷ lệ lạm phát hàng năm. Tỷ lệ lạm phát hàng năm căn cứ vào Niên giám thống kê tỉnh Tiền Giang.

Điều 6. Lương ngày công trồng rừng; quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng

1. Lương ngày công trồng rừng hoặc lương ngày công quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng gọi chung là lương ngày công. Lương ngày công năm 2012 là 137.393 đồng/ngày/công lao động, được tính theo công thức:

Lương ngày công = (Lương ngày công thợ bậc 2,5/7) x (Hệ số điều chỉnh), trong đó:

- Lương ngày công bậc thợ 2,5/7 là 36,531 đồng

- Hệ số điều chỉnh là 3,761

2. Lương ngày công năm 2012 được giữ nguyên dùng làm lương ngày công cho những năm 2013, năm 2014 và năm 2015.

Điều 7. Định mức khoán quản lý bảo vệ rừng

Định mức khoán quản lý bảo vệ rừng là 200.000 đồng/ha/năm

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, theo dõi tình hình thực hiện quy định này và định kỳ báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Hàng năm, căn cứ vào khả năng huy động vốn, phối hợp với Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ vốn cho các đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan thẩm định các công trình trồng rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính: Căn cứ vào nguồn vốn nhà nước hỗ trợ hàng năm, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan trong việc hướng dẫn thực hiện thanh, quyết toán kinh phí theo đúng quy định.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố có diện tích đất trồng rừng

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan thực hiện các việc sau:

a) Xây dựng kế hoạch trồng rừng hàng năm, xác định cụ thể từng loại cây và diện tích trồng ở từng xã tại địa phương

b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã trực thuộc, các đơn vị, tổ chức có liên quan tại địa phương thực hiện đúng theo quy định này.

Điều 9. Sửa đổi, bổ sung

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.