Quyết định 07/2009/QĐ-UBND về bồi thường thiệt hại đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng áp dụng chế độ thu hút nhân tài; học sinh, sinh viên thuộc diện nguồn dự bị dài hạn khi vi phạm cam kết do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành
Số hiệu: 07/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa Người ký: Võ Lâm Phi
Ngày ban hành: 17/02/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 07/2009/QĐ-UBND

Nha Trang, ngày 17 tháng 02 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC,  VIÊN CHỨC THUỘC ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ THU HÚT NHÂN TÀI; HỌC SINH, SINH VIÊN THUỘC DIỆN NGUỒN DỰ BỊ DÀI HẠN KHI VI PHẠM CAM KẾT

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2008/NQ-HĐND ngày 06 tháng 5 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng nguồn cán bộ quy hoạch dự bị dài hạn và thu hút nhân tài;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về bồi thường thiệt hại đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng áp dụng chế độ thu hút nhân tài; học sinh, sinh viên thuộc nguồn cán bộ nguồn dự bị dài hạn khi vi phạm cam kết.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Lâm Phi

 

QUY ĐỊNH

VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THUỘC ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ THU HÚT NHÂN TÀI; HỌC SINH, SINH VIÊN THUỘC DIỆN NGUỒN DỰ BỊ DÀI HẠN KHI VI PHẠM CAM KẾT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2009/QĐ-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định bồi thường thiệt hại áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của nhà nước trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng theo chế độ thu hút nhân tài; học sinh, sinh viên trong diện quy hoạch dự bị dài hạn của tỉnh vi phạm cam kết đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

1. Đối tượng áp dụng quy định bồi thường thiệt hại được quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 6 Điều 1 Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2008/NQ-HĐND ngày 06 tháng 5 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đối tượng cụ thể sau:

a) Học sinh các trường Trung học phổ thông thuộc tỉnh quản lý có học lực giỏi và học sinh dân tộc thiểu số có học lực khá, có cam kết tham gia vào lực lượng nguồn quy hoạch dự bị dài hạn của tỉnh.

b) Sinh viên có hộ khẩu gia đình thường trú ở Khánh Hòa học tại các trường Đại học hệ chính quy có cam kết tham gia vào lực lượng nguồn quy hoạch dự bị dài hạn của tỉnh.

c) Những chuyên gia đầu ngành giỏi mà tỉnh có nhu cầu và tình nguyện về tỉnh Khánh Hòa công tác. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, có nguyện vọng về công tác tại tỉnh Khánh Hòa.

2. Đối tượng sau đây không áp dụng quy định này.

Cán bộ, công chức, viên chức ngoài quy định tại khoản 1 Điều 2 trên đây việc áp dụng chế độ bồi thường chi phí đào tạo thực hiện theo Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức.

Điều 3. Quy định thời gian công tác tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh

1. Đối với học sinh, sinh viên thuộc nguồn quy hoạch dài hạn của tỉnh:

a) Đối tượng là học sinh được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 trên đây khi trúng tuyển vào các trường Đại học hệ chính quy được Ủy ban nhân dân tỉnh cử và cấp kính phí đi học nước ngoài và khi tốt nghiệp ra trường về lại địa phương công tác thời gian yêu cầu phục vụ được quy định gấp 2 lần so với thời gian của chương trình đào tạo.

Trường hợp cá nhân nhận được học bổng nước ngoài và được tỉnh hỗ trợ bằng 50% mức học bổng được hưởng, khi tốt nghiệp ra trường về công tác tại địa phương thời gian yêu cầu phục vụ được quy định bằng 1 lần so với thời gian của chương trình đào tạo.

b) Đối tượng là sinh viên được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 trên đây học tại các trường Đại học hệ chính quy trong nước khi ra trường về địa phương công tác, thời gian yêu cầu phục vụ được quy định bằng 1 lần so với thời gian của chương trình đào tạo.

Trường hợp sinh viên sau khi tốt nghiệp được cấp kinh phí cử đi đào tạo trên đại học khi tốt nghiệp phải có thời gian công tác (ngoài thời gian quy định trên đây) được quy định như sau:

- Học ở nước ngoài gấp 2 lần so với thời gian của chương trình đào tạo.

- Học ở trong nước bằng 1 lần so với thời gian của chương trình đào tạo.

2. Đối với những sinh viên không thuộc diện quy hoạch dài hạn của tỉnh quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 trên đây sau khi tốt nghiệp Đại học đạt loại giỏi, xuất sắc; bác sĩ sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa tiếp tục đi học bác sĩ nội trú về địa phương công tác được tỉnh cấp kinh phí đi đào tạo trên đại học theo đúng chuyên ngành khi tốt nghiệp về địa phương công tác phải có thời gian công tác được quy định như sau:

- Đào tạo trong nước bằng 1 lần so với thời gian của chương trình đào tạo.

- Đào tạo nước ngoài gấp 2 lần so với thời gian của chương trình đào tạo.

3. Đối với cán bộ, công chức quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 trên đây là chuyên gia đầu ngành giỏi mà tỉnh có nhu cầu về địa phương công tác và đã hưởng các chế độ của địa phương phải có thời gian phục vụ công tác tại địa phương ít nhất 7 năm.

Điều 4. Các trường hợp phải bồi thường

Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Quy định này không thực hiện đầy đủ thời gian theo quy định tại Điều 3 nêu trên và tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải bồi thường chi phí đào tạo và các chi phí khác theo Quy định này.

Điều 5. Các khoản chi phí được tính để bồi thường và cách tính chi phí bồi thường

1. Các khoản chi phí được tính để bồi thường bao gồm các khoản chi mà ngân sách nhà nước đã chi cho cá nhân trong suốt thời gian thực hiện chế độ của địa phương ban hành (kể cả căn hộ chung cư được cấp đối với chuyên gia đầu ngành) và cộng với lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm bồi thường, cụ thể như sau:

a) Đối với học sinh, sinh viên được ngân sách nhà nước đài thọ tiền đi học và các khoản hỗ trợ khác nếu tự ý bỏ học thì phải bồi thường toàn bộ tiền đi học và các khoản hỗ trợ khác cộng với lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm bồi thường.

b) Đối với sinh viên ra trường được bố trí về đơn vị công tác và các chuyên gia đầu ngành tự ý bỏ nhiệm sở khi chưa đủ thời gian công tác theo quy định tại Điều 3 Quyết định này thì phải bồi thường thiệt hại các khoản hỗ trợ cộng với lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm bồi thường. Trường hợp người được cấp căn hộ chung cư được xác định giá trị căn hộ tại thời điểm bồi thường. Trong trường hợp người được cấp căn hộ chung cư trả lại căn hộ chung cư thì Hội đồng xét bồi thường xem xét trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.

2. Cách tính chi phí bồi thường:

Trường hợp phục vụ không đủ thời gian theo quy định nêu trên thì phải bồi thường thiệt hại như sau:

Chi phí đào tạo phải bồi thường

=

Thời gian yêu cầu phục vụ

-

Thời gian làm việc sau khi đào tạo

x

Tổng chi phí của khóa đào tạo

Thời gian yêu cầu phục vụ

Điều 6. Hội đồng xét bồi thường, quy trình xét chi phí bồi thường và thu hồi chi phí bồi thường

1. Hội đồng xét bồi thường:

a) Đối với cán bộ công chức thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức.

b) Đối với sinh viên, học sinh:

Thành phần Hội đồng xét bồi thường gồm:

- Giám đốc Sở Nội vụ - Chủ tịch Hội đồng

- Giám đốc Sở Tài chính - Thành viên.

- Đại diện địa phương có học sinh, sinh viên - Thành viên.

2. Quy trình xét chi phí bồi thường:

- Chủ tịch Hội đồng công bố thành phần và giới thiệu thư ký;

- Bộ phận theo dõi công tác đào tạo của Sở Nội vụ báo cáo nội dung liên quan đến công tác bồi thường, các quy định về chế độ bồi thường và kinh phí đã chi cho đối tượng là học sinh, sinh viên buộc bồi thường;

- Hội đồng thảo luận và biểu quyết mức bồi thường;

- Chủ tịch Hội đồng quyết định mức bồi thường;

- Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

3. Thu hồi chi phí bồi thường.

- Người bồi thường chi phí có trách nhiệm nộp khoản tiền phải bồi thường cho Sở Nội vụ trong thời hạn 03 (ba) tháng kể từ khi có quyết định của Giám đốc Sở Nội vụ.

- Trong trường hợp người phải bồi thường chi phí đào tạo không thực hiện nộp trả khoản tiền theo quy định trên đây thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền Giám đốc Sở Nội vụ khởi kiện ra Tòa án để giải quyết.

4. Thực hiện cam kết: Những người thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 quy định này đã nghiên cứu kỹ các nội dung quy định tại Quyết định này trước khi ký cam kết./.