Quyết định 07/2003/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng sinh viên giai đoạn 2001-2010
Số hiệu: 07/2003/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phạm Gia Khiêm
Ngày ban hành: 09/01/2003 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/02/2003 Số công báo: Số 9
Lĩnh vực: Quốc phòng, Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 1 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 07/2003/QĐ-TTG NGÀY 09 THÁNG 01 NĂM 2003 PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG SINH VIÊN GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Căn cứ Nghị định số 15/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ về giáo dục quốc phòng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại tờ trình số 10635/GDQP ngày 25 tháng 11 năm 2002 về việc phê duyệt Quy hoạch Hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng sinh viên giai đoạn 2001 - 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng sinh viên giai đoạn 2001 - 2010 với các nội dung cơ bản sau đây:

1. Mục tiêu quy hoạch:

Xây dựng Hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng sinh viên trên địa bàn cả nước, đảm bảo thực hiện giáo dục quốc phòng cho 70% số sinh viên được tuyển hàng năm và một bộ phận học sinh trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông trên địa bàn các trung tâm.

2. Nguyên tắc quy hoạch:

a) Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2001 - 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 47/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ, kết hợp chặt chẽ với các trường quân sự trên địa bàn.

b) Quy hoạch Hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng đảm bảo sự phân bố hợp lý, phù hợp với yêu cầu cụ thể từng địa phương, ưu tiên các địa bàn trọng điểm.

c) Xây dựng trung tâm mới đồng thời nâng cấp trung tâm hiện có.

3. Các hình thức tổ chức và điều kiện thành lập trung tâm giáo dục quốc phòng:

a) Các hình thức tổ chức trung tâm giáo dục quốc phòng:

- Trung tâm giáo dục quốc phòng thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương.

- Trung tâm giáo dục quốc phòng thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

b) Điều kiện thành lập trung tâm giáo dục quốc phòng:

- Nơi thành lập trung tâm giáo dục quốc phòng phải là nơi có các đại học hoặc tập trung nhiều học viện, trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

- Có mặt bằng và cơ sở vật chất bảo đảm cho học tập, rèn luyện và sinh hoạt tập trung theo nếp sống quân sự cho học viên, đồng thời có thể mở rộng để đáp ứng yêu cầu phát triển của quy mô đào tạo.

- Đủ điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và phương tiện, học cụ cần thiết để có thể thực hiện được nhiệm vụ giáo dục quốc phòng cho sinh viên và học sinh.

- Đề án thành lập trung tâm giáo dục quốc phòng nằm trong dự án quy hoạch phát triển tổng thể của đơn vị chủ quản.

4. Nội dung quy hoạch: Đến năm 2010 hình thành 16 trung tâm giáo dục quốc phòng trên địa bàn cả nước bao gồm:

a) Nâng cấp, mở rộng quy mô bảo đảm kiên cố hệ thống giảng đường; phòng học chuyên dùng, thao trường, bãi tập, ký túc xá, nhà ăn đáp ứng yêu cầu huấn luyện của các trung tâm giáo dục quốc phòng sau:

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Thái Nguyên đặt tại tỉnh Thái Nguyên.

Đến năm 2005: đạt 7.000 sinh viên/năm; đến năm 2010 đạt 10.000 sinh viên/năm.

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Đà Nẵng đặt tại thành phố Đà Nẵng.

Đến năm 2005: đạt 7.000 sinh viên/năm; đến năm 2010 đạt 10.000 sinh viên/năm.

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Hà Nội I đặt tại tỉnh Hà Tây.

Đến năm 2005: đạt 10.000 sinh viên/năm; đến năm 2010 đạt 15.000 sinh viên/năm.

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Hà Nội II đặt tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến năm 2005: đạt 7.000 sinh viên/năm; đến năm 2010 đạt 10.000 sinh viên/năm.

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Quang Trung đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 2005: đạt 10.000 sinh viên/năm; đến năm 2010 đạt 15.000 sinh viên/năm.

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Thủ Đức đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 2005: đạt 20.000 sinh viên/năm; đến năm 2010 đạt 25.000 sinh viên/năm.

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Huế đặt tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đến năm 2005: đạt 7.000 sinh viên/năm; đến năm 2010 đạt 10.000 sinh viên/năm.

b) Thành lập mới:

Từ năm 2002 đến năm 2005 xây dựng thêm 6 trung tâm giáo dục quốc phòng với quy mô của mỗi trung tâm 5.000 đến 7.000 sinh viên/năm, đến năm 2010 đạt quy mô 10.000 sinh viên/năm:

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Tây Nguyên đặt tại tỉnh Đắk Lắk.

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Cần Thơ đặt tại tỉnh Cần Thơ.

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Hải Phòng đặt tại thành phố Hải Phòng.

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Hà Nội III đặt tại tỉnh Hà Tây.

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Vinh đặt tại tỉnh Nghệ An.

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Khánh Hoà đặt tại tỉnh Khánh Hoà.

Từ năm 2006 đến năm 2010 xây dựng thêm 3 trung tâm giáo dục quốc phòng với quy mô 5.000 sinh viên/năm, ở những địa bàn trọng điểm:

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Thanh Hoá đặt tại tỉnh Thanh Hoá.

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Bắc Giang đặt tại tỉnh Bắc Giang.

- Trung tâm giáo dục quốc phòng Tây Bắc đặt tại tỉnh Sơn La.

c) Về đội ngũ giảng viên và cán bộ khung:

Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và cơ chế bảo đảm thích hợp để tăng nhanh số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ khung đạt chuẩn như Luật Giáo dục quy định. Về biên chế:

- Các trung tâm giáo dục quốc phòng có lưu lượng 5.000 sinh viên/năm: 20 cán bộ, giáo viên.

- Các trung tâm giáo dục quốc phòng có lưu lượng 7.000 sinh viên/năm: 25 cán bộ, giáo viên.

- Các trung tâm giáo dục quốc phòng có lưu lượng 10.000 sinh viên/năm: 30 cán bộ, giáo viên.

- Các trung tâm giáo dục quốc phòng có lưu lượng 20.000 sinh viên/năm: 45 cán bộ, giáo viên.

d) Về cơ sở vật chất, kỹ thuật, đồ dùng dạy học, học cụ quân dụng chuyên dùng và phòng học chuyên dùng:

- Huy động mọi nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đồ dùng dạy học của các trung tâm giáo dục quốc phòng, phấn đấu các trung tâm đều có phòng học chuyên dùng, máy bắn tập điện tử hoặc laser và thao trường tập chiến thuật, kỹ thuật và thể lực.

- Vũ khí, trang bị huấn luyện đặc chủng do Bộ Quốc phòng bảo đảm theo thông tư liên tịch số 4086/2001/TTLT. Mô hình học cụ, trang bị phương tiện dạy và học do Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trung tâm bảo đảm theo cơ chế được xác định trong Quy chế hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng hiện hành.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ Quyết định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn; lập kế hoạch triển khai quy hoạch hàng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

2. Các đơn vị, cơ sở đào tạo có trung tâm giáo dục quốc phòng trong quyết định này xây dựng đề án chi tiết, trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập và đầu tư xây dựng.

- Các trung tâm giáo dục quốc phòng thuộc các trường đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập.

- Các trung tâm giáo dục quốc phòng thuộc các trường quân sự do Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập.

- Các trung tâm thuộc Đại học Quốc gia do Đại học Quốc gia ra quyết định thành lập.

- Các trung tâm thuộc các trường đại học, cao đẳng địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thành lập.

3. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)