Quyết định 06/2016/QĐ-UBND về Quy chuẩn kỹ thuật địa phương: Khai thác Ruốc tự nhiên
Số hiệu: 06/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh Người ký: Nguyễn Trung Hoàng
Ngày ban hành: 02/03/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2016/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 02 tháng 3 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG: KHAI THÁC RUỐC TỰ NHIÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 ngày 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 67/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ Sửa đổi một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Thông tư số 23/2007/TT-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật;

Trên cơ sở Công văn số 9874/BNN-KHCN ngày 07 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp ý dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương: Khai thác Ruốc tự nhiên;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 644/TTr-SKHCN ngày 28 tháng 12 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chuẩn kỹ thuật địa phương: Khai thác Ruốc tự nhiên.

Ký hiệu QCĐP 01:2016/TV.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ; Thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Hoàng

 

QCĐP 01: 2016/TV

QUY CHUẨN KỸ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG:
KHAI THÁC RUỐC TỰ NHIÊN (Acetes orientanlis)

Local technical regulation: exploitation of Acetes orientanlis

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1 Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định những điều kiện về: ngư cụ, mùa vụ, khu vực khai thác, bố trí ngư cụ trong khai thác và đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác Ruốc tự nhiên nhằm bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản, an toàn lao động, an toàn hàng hải, an toàn giao thông đường thủy nội địa.

1.2 Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng ngư cụ để khai thác Ruốc tự nhiên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

1.3 Giải thích thuật ngữ

Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.3.1 Ruốc tự nhiên (sau đây gọi tắt là Ruốc): đề cập trong quy chuẩn này là loài động vật giáp xác, sinh trưởng ngoài tự nhiên, có tên khoa học là Acetesorientanlis.

1.3.2 Ngư cụ khai thác Ruốc tự nhiên: đề cập trong quy chuẩn này là Lưới đáy ruốc (hay thuật ngữ địa phương gọi là Lưới đáy mùng, sau đây gọi tắt là ngư cụ khai thác) thuộc loại ngư cụ cố định hoạt động theo nguyên lý “lọc nước lấy thủy sản”, có cấu tạo phần áo lưới bằng lưới tấm Polyethylene - PE dệt không gút lưới; được cố định bằng cọc hoặc hệ thống phao - neo trong quá trình hoạt động.

1.3.3 Một khẩu đáy: tương ứng với 01 (một) miệng lưới đáy được lắp đặt vào 02 (hai) cọc đáy hoặc hệ thống phao - neo theo khoảng cách nhất định trong quá trình hoạt động.

1.3.4 Hàng đáy: bao gồm một số khẩu đáy bố trí nối tiếp nhau theo chiều ngang trong quá trình hoạt động.

1.3.5 Độ mở ngang: là khoảng cách giữa 02 cọc đáy (sử dụng phương pháp đóng cọc cố định khẩu đáy) hoặc khoảng cách giữa 02 phao (sử dụng hệ thống phao - neo cố định khẩu đáy).

1.3.6 Độ mở đứng: là khoảng cách tính từ điểm giữa giềng trên đến điểm giữa giềng dưới của khẩu đáy khi ngư cụ ở trạng thái hoạt động.

1.3.7 Kích thước mắt lưới (ký hiệu 2a): là số đo khoảng cách của 2 cạnh liên tiếp trong một mắt lưới của tấm lưới dệt được kéo căng, đơn vị tính là milimet (mm).

1.3.8 Đụt lưới: là bộ phận cấu thành ngư cụ, có tác dụng để chứa và thu hoạch sản lượng thủy sản khai thác.

2. QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT

2.1 Yêu cầu về thông số kỹ thuật chính của ngư cụ khai thác

Bảng 2.1 Yêu cầu về thông số kỹ thuật chính của ngư cụ khai thác

TT

TÊN HẠNG MỤC

YÊU CẦU KỸ THUẬT/MỨC QUY ĐỊNH

1

Độ mở ngang

Không vượt quá 14m

2

Độ mở đứng

Không vượt quá 3 m

3

Kích thước đụt lưới “2a”

Không nhỏ hơn 4 mm

2.2 Yêu cầu về mùa vụ khai thác

Mùa vụ khai thác: từ ngày 01 tháng 3 đến 30 tháng 6 hàng năm.

2.3 Yêu cầu về khu vực khai thác

2.3.1 Khu vực vùng biển ven bờ (trừ khu vực luồng hàng hải): Giới hạn bên trong đường gấp khúc khép kín nối liền các điểm: A, B, C, D, E, 12, F.

2.3.2 Khu vực vùng nước nội địa (trừ phạm vi luồng đường thủy nội địa):

2.3.2.1 Tuyến Sông Cổ Chiên: giới hạn từ điểm C2 (nằm trên cửa Cung Hầu) và điểm C3 (ranh giới trên sông giữa hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre, nằm trên cửa Cổ Chiên) trở về hạ lưu.

2.3.2.2 Tuyến Sông Hậu: giới hạn từ điểm A1 (ranh giới trên sông giữa hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, nằm trên cửa Định An) trở về hạ lưu.

2.3.2.3 Tuyến Sông Long Toàn: giới hạn từ điểm C1 trở về cửa Vàm Láng Nước. Tọa độ các điểm xác định như sau: A (09030’52”N;106021’05”E); A1(09037’33”N;106014’21”E);B(09033’21”N;106031’21”E);C(09038’00”N;106033’5 2”E); C1 (09040’58”N; 106032’18”E); C2 (09051’05”N; 106029’51”E); C3 (09052’16”N; 106031’48”E); D (09045’12”N; 106037’42”E); E (09039’44”N; 106048’54”E); 12 (09021’27”N; 106040’19”E); F (09018’23”N; 106032’57”E).

2.3.3 Khu vực khai thác không thuộc phạm vi luồng chạy tàu, thuyền; không thuộc những nơi luồng giao nhau, không thuộc nơi những đoạn sông cong.

2.3.4 Độ sâu khu vực khai thác (tính tại mức nước thủy triều thấp nhất): Không nhỏ hơn 05m.

2.4 Yêu cầu bố trí ngư cụ trong khu vực khai thác

2.4.1 Chiều dài hàng đáy: Không vượt quá 06 khẩu và không vượt quá 2/3 lòng sông (tính tại mức nước thủy triều thấp nhất).

2.4.2 Khoảng cách giữa 02 hàng đáy liền kề theo phương dòng chảy: Đối với vùng biển ven bờ (trừ khu vực luồng hàng hải): Không nhỏ hơn 2.500 m; và không nhỏ hơn 500 m đối với vùng nước nội địa (trừ phạm vi luồng đường thủy nội địa).

2.4.3 Khoảng cách giữa 02 khẩu đáy theo phương ngang:Đối với vùng biển ven bờ (trừ khu vực luồng hàng hải): Không nhỏ hơn 50m và không nhỏ hơn 20m đối với vùng nước nội địa (trừ phạm vi luồng đường thủy nội địa).

2.5 Yêu cầu về an toàn

2.5.1 Tàu thuyền và người trực canh buộc phải rời khỏi hàng đáy về nơi trú ẩn an toàn trước 48 giờ khi nhận được tin có áp thấp nhiệt đới hoặc bão, thời tiết xấu như tố lốc, gió giật thường xuyên từ cấp 6 trở lên, thủy triều dâng cao bất thường ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực sản xuất hoặc theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

2.5.2 Yêu cầu về bố trí vật hiệu, tín hiệu hướng dẫn, cảnh báo trong điều kiện khai thác, ngưng khai thác của ngư cụ

Bảng 2.2. Yêu cầu về bố trí, lắp đặt tín hiệu, vật hiệu

TT

Vật hiệu/ tín hiệu

Ban ngày

Ban đêm

Yêu cầu kỹ thuật/ Bố trí, lắp đặt

Đang hoạt động

Ngưng hoạt động

Đang hoạt động

Ngưng hoạt động

1

Cờ

Bắt buộc

Khuyến khích

Không

Không

- Vật liệu: Vải màu cam không thắm nước- Quy cách: Hình tam giác cân, cạnh đáy ≥ 25cm, chiều cao ≥ 35cm.

- Đặt cố định trên phao nhóng, cách mặt nước tối thiểu 0,8m.

2

Đèn

Không

Không

Bắt buộc

Khuyến khích

- Ánh sáng trắng, liên tục,hoặc chớp, góc chiếu sáng 3600, chiếu xa tối thiểu 100 m.

- Đặt cố định trên phao nhóng, cách mặt nước tối thiểu 0,8m.

2.5.3 Khi kết thúc mùa vụ khai thác Ruốc tự nhiên, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải tháo dỡ hàng đáy và thanh thải chướng ngại vật gây ra trong quá trình khai thác.

3. QUẢN LÝ VỀ THÔNG SỐ KỸ THUẬT KHAI THÁC

Khai thác Ruốc tự nhiên phải phù hợp với các thông số kỹ thuật của ngư cụ khai thác; mùa vụ khai thác; khu vực khai thác nêu tại mục 2 của quy chuẩn này.

4. GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN QUY CHUẨN

4.1 Tổ chức, cá nhân nêu tại mục 1.2 của Quy chuẩn này chịu sự thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất của các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc chính quyền địa phương cấp huyện, xã.

4.2 Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm phải tuân thủ theo các quy định hiện hành.

5. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC CÁ NHÂN

5.1. Tổ chức, cá nhân nêu tại mục 1.2 có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Quy chuẩn này nhằm đảm bảo phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.

5.2. Tổ chức, cá nhân không được phép lắp đặt hàng đáy mới để khai thác Ruốc tự nhiên kể từ ngày Quy chuẩn này có hiệu lực.

5.3. Đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác Ruốc tự nhiên bằng nghề Lưới đáy ruốc trước thời điểm Quy chuẩn này có hiệu lực và đã được cấp Giấy phép khai thác thủy sản mà các ngư cụ khai thác Ruốc đã ghi trong Giấy phép phù hợp với mục 2 của Quy chuẩn này, thì được phép tiếp tục thực hiện khai thác, đánh bắt.

Trường hợp, các ngư cụ khai thác Ruốc đã được cấp Giấy phép không phù hợp với mục 2 của quy chuẩn này, thì các tổ chức, cá nhân được gia hạn 12 tháng kể từ ngày quy chuẩn này có hiệu lực, sau đó phải chuyển đổi.

5.4. Đối với các tổ chức cá nhân hoạt động khai thác Ruốc tự nhiên bằng nghề Lưới đáy ruốc sau thời điểm Quy chuẩn này có hiệu lực, thì phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo các thủ tục quy định hiện hành tại các cơ quan quản lý nhà nước về khai thác thủy sản và theo quy định của quy chuẩn này.

6. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY CHUẨN

6.1 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phổ biến, hướng dẫn và thực hiện Quy chuẩn này.

6.2 Căn cứ vào yêu cầu quản lý tại từng thời điểm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này.

6.3 Trong trường hợp các quy định tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định tại văn bản mới.

 

PHỤ LỤC 1.

BẢN ĐỒ QUY ĐỊNH KHU VỰC KHAI THÁC RUỐC TỰ NHIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo bộ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương: Khai thác Ruốc tự nhiên - QCĐP 01: 2016/TV)

Hình 1. Bản đồ quy định khu vực khai thác Ruốc tự nhiên tỉnh Trà Vinh

(Là phần bên trong đường gấp khúc khép kín nối liền các điểm: A, B, C, C1, C2, C3,BT-TV, D, E, 12, F)

 

PHỤ LỤC 2

BẢN VẼ TỔNG THỂ VÀNG LƯỚI, KHẨU ĐÁY RUỐC

(Mẫu điển hình - Tham khảo)

(Ban hành kèm theo bộ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương: Khai thác Ruốc tự nhiên - QCĐP 01: 2016/TV)

Hình 2. Bản vẽ tổng thể vàng Lưới đáy ruốc

Hình 3. Bản vẽ tổng thể khẩu Lưới đáy ruốc

 

PHỤ LỤC 3

BẢN VẼ KHAI TRIỂN ÁO LƯỚI ĐÁY RUỐC

(Mẫu điển hình - Tham khảo)

(Ban hành kèm theo bộ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương: Khai thác Ruốc tự nhiên - QCĐP 01: 2016/TV)

Hình 4. Bản vẽ khai triển phần áo Lưới đáy ruốc

 

PHỤLỤC 4

HƯỚNG DẪN QUY ĐỊNH BỐ TRÍ LẮP ĐẶT VÀ TRANG BỊ VẬT HIỆU, TÍN HIỆU CHO NGƯ CỤ
(Ban hành kèm theo bộ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương: Khai thác Ruốc tự nhiên - QCĐP 01: 2016/TV)

Hình 5. Sơ đồ Quy định bố trí, lắp đặt hàng Lưới đáy ruốc vùng biển ven bờ

Hình 6. Sơ đồ Quy định bố trí, lắp đặt hàng Lưới đáy ruốc vùng nước nội địa

Hình 7. Sơ đồ Quy định bố trí, lắp đặt vật hiệu, tín hiệu Lưới đáy ruốc