Quyết định 01/2009/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng là chủ phương tiện hành nghề xe lôi máy hiện là thu nhập chính của gia đình do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành
Số hiệu: 01/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh Người ký: Nguyễn Văn Nên
Ngày ban hành: 07/01/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 01/2009/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 07 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG LÀ CHỦ PHƯƠNG TIỆN HÀNH NGHỀ XE LÔI MÁY HIỆN LÀ THU NHẬP CHÍNH CỦA GIA ĐÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Được sự thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại văn bản số 188/HĐND-KTNS ngày 25/12/2008;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở GTVT tại Tờ trình số 168/TTr-SGTVT ngày 14 tháng 11 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy định Chính sách hỗ trợ cho các đối tượng là chủ phương tiện hành nghề xe lôi máy hiện là thu nhập chính của gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Nên

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG LÀ CHỦ PHƯƠNG TIỆN HÀNH NGHỀ XE LÔI MÁY HIỆN LÀ THU NHẬP CHÍNH CỦA GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2009/QĐ-UBND ngày 07 tháng 01 năm 2009 của UBND tỉnh Tây Ninh)

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Đối tượng áp dụng:

Chính sách này áp dụng cho các chủ phương tiện xe lôi máy có đăng ký phương tiện hành nghề hợp pháp và thu nhập từ xe lôi máy là thu nhập chính của gia đình. Sau đây gọi tắt là Chính sách hỗ trợ.

2. Phạm vi áp dụng: Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Xe lôi máy: Là xe mô tô hai bánh được gắn thêm thùng lôi tự chế để chở người và hàng hóa. Sau đây gọi tắt là xe lôi.

2. Xe lôi có đăng ký hành nghề hợp pháp: Là xe lôi có Giấy chứng nhận đăng ký và biển số theo quy định của Ngành Công an.

Chương II.

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Điều 3. Hỗ trợ một lần

Chủ phương tiện xe lôi được hưởng Chính sách hỗ trợ sẽ được hỗ trợ một lần gồm 02 khoản sau:

1. Hỗ trợ chuyển nghề: 1.500.000 đồng/hộ;

2. Hỗ trợ gạo ăn trong 03 tháng tính bằng tiền tương đương 300.000 đồng/hộ.

Tổng số tiền hỗ trợ một lần là: 1.800.000 đồng/hộ.

Điều 4. Cho vay ưu đãi

Chủ phương tiện xe lôi có nhu cầu vay vốn được lựa chọn một trong hai nguồn vốn sau đây:

1. Vay vốn giải quyết việc làm từ chương trình mục tiêu Quốc gia, lãi suất ưu đãi để chuyển đổi ngành nghề.

2. Vay vốn để chuyển đổi phương tiện được thực hiện như quy định tại văn bản số 884/UBND ngày 19/6/2007 của UBND tỉnh. Quỹ Đầu tư phát triển thực hiện cho vay ưu đãi để chủ xe lôi chuyển đổi phương tiện thông qua hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội:

- Mức lãi suất ủy thác là 05%/năm;

- Phí giải ngân cho vay theo ủy thác là 0,4%/tháng;

- Mức cho vay bằng 70% giá trị xe (kể cả trước bạ);

- Tài sản bảo đảm tiền vay là chính chiếc xe ngân hàng cho vay, ngân hàng giữ Giấy chứng nhận đăng ký xe;

- Thời hạn cho vay từ 30 đến 36 tháng; mỗi quý trả gốc và lãi một lần;

- Điều kiện cho vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội và có tên trong danh sách xác nhận của UBND cấp huyện, thị xã;

- Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh chịu trách nhiệm về rủi ro.

Điều 5. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm

1. Chủ xe lôi có nhu cầu học nghề để chuyển đổi ngành nghề sẽ được học nghề miễn phí từ Quỹ hỗ trợ dạy nghề cho người nghèo (nếu là hộ nghèo) và Quỹ hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn có nhu cầu học nghề.

2. Chủ xe lôi có nhu cầu về việc làm sẽ được giải quyết việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Tây Ninh.

Điều 6. Hỗ trợ bổ sung

Trường hợp Chính phủ ban hành Chính sách hỗ trợ chủ phương tiện xe lôi để chuyển đổi nghề nghiệp và chuyển đổi phương tiện có giá trị lớn hơn Chính sách hỗ trợ của tỉnh thì chủ xe lôi được nhận bổ sung ngang bằng với quy định của Chính phủ.

Chương III.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải

1. Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện Chính sách hỗ trợ cho các đối tượng là chủ phương tiện hành nghề xe lôi hiện là thu nhập chính của gia đình. Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng Chính sách hỗ trợ để nhân dân biết và thực hiện.

2. Thống kê số xe mô tô 03 bánh Trung Quốc đang bán trên địa bàn tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh về thời gian hoạt động của mô tô 03 bánh trong thị trấn, thị xã để tránh tình trạng ùn tắc giao thông.

3. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông kết hợp với Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát và xử lý những chủ xe lôi cố tình hoạt động.

4. Tổng hợp những vướng mắc trong quá trình thực hiện Chính sách hỗ trợ cho chủ phương tiện xe lôi và đề xuất giải pháp thực hiện cho UBND tỉnh.

Điều 8. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Tổ chức lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm tra xử lý đối với những chủ xe lôi cố tình hoạt động. Kiên quyết không để xe lôi tái hoạt động.

2. Chủ trì phối hợp với Sở GTVT và Sở Tài chính thành lập Hội đồng bán đấu giá thùng lôi tịch thu sung công quỹ Nhà nước. Sử dụng nguồn vốn an toàn giao thông để hỗ trợ chủ xe lôi có thùng lôi bị tịch thu.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Tài chính

1. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Đầu tư phát triển và Ngân hàng CSXH tỉnh trong việc đảm bảo nguồn vốn cho vay hỗ trợ; với Công an tỉnh trong việc thu mua thùng lôi cũ.

2. Hướng dẫn thủ tục và phân bổ vốn hỗ trợ về các huyện, thị xã để địa phương chi hỗ trợ cho chủ phương tiện nhanh nhất.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội:

1. Chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh & Xã hội các huyện, thị xã kiểm tra lại đối tượng chủ phương tiện xe lôi được hưởng Chính sách hỗ trợ theo đúng quy định của UBND tỉnh. Thống kê số lượng chủ phương tiện xe lôi: Bỏ nghề, chuyển nghề, chuyển đổi phương tiện và nhu cầu của họ để thông báo cho các đơn vị thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định.

2. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã tổ chức phổ biến và hướng dẫn cho các đối tượng là chủ phương tiện xe lôi được tham gia các chính sách đào tạo nghề miễn phí để chuyển đổi ngành nghề từ Quỹ hỗ trợ dạy nghề cho người nghèo (nếu là hộ nghèo) và Quỹ hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn có nhu cầu học nghề.

Điều 11. Trách nhiệm của Quỹ Đầu tư phát triển và Ngân hàng CSXH tỉnh

Quỹ Đầu tư phát triển thực hiện cho vay ưu đãi để chuyển đổi phương tiện thông qua hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH tỉnh. Hướng dẫn quy trình, thủ tục cho vay thuận tiện cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đồng thời phân bổ chỉ tiêu cho vay đến từng huyện, thị xã tương ứng với số lượng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ.

Điều 12. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND các huyện, thị xã

1. UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm trong việc thống kê, lập danh sách và xét duyệt đối tượng theo đúng quy định được thông qua cộng đồng dân cư đồng thuận.

2. Chỉ đạo các phòng, ban chức năng thực hiện việc hỗ trợ một lần cho chủ xe lôi và hướng dẫn chủ xe lôi trong địa phương quản lý để vay ưu đãi theo quy chế của Ngân hàng CSXH tỉnh.

Đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Quỹ Đầu tư phát triển, Ngân hàng CSXH tỉnh và UBND các huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc Chính sách hỗ trợ cho chủ xe lôi. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì phản ánh kịp thời qua Sở GTVT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.