Nghị quyết 60/2016/NQ-HĐND về Đề án Xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020, có tính đến năm 2025
Số hiệu: 60/2016/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Nguyễn Văn Hùng
Ngày ban hành: 19/08/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/2016/NQ-HĐND

Kon Tum, ngày 19 tháng 8 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 51/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC;

Xét Tờ trình số 80/TTr-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc đề nghị thông qua đề án Xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến năm 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án Xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn các xã thuộc các huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum.

2. Đối tượng thực hiện: Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

3. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh, trật tự được giữ vững.

b) Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2020 toàn tỉnh có 25 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Các xã còn lại phấn đấu mỗi năm đạt được từ 1 đến 2 tiêu chí trở lên (theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới). Cụ thể về chỉ tiêu các tiêu chí như sau:

+ Nhóm 1 về Quy hoạch: Có 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 1 về Quy hoạch và thực hiện quy hoạch.

+ Nhóm 2 về Hạ tầng kinh tế - xã hội (gồm các tiêu chí: Giao thông, Thủy lợi, Điện, Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, Chợ nông thôn, Bưu điện và Nhà ở dân cư): Có trên 40% số xã đạt chuẩn các tiêu chí; trong đó tiêu chí số 3 về Thủy lợi, tiêu chí số 4 về Điện, tiêu chí số 8 về Bưu điện và tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư có 100% số xã đạt chuẩn.

+ Nhóm 3 về Kinh tế và Tổ chức sản xuất (gồm các tiêu chí: Thu nhập, Hộ nghèo, Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, Hình thức tổ chức sản xuất): Có trên 35% số xã đạt chuẩn theo tiêu chí; trong đó: Tiêu chí số 12 về Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên có 100% số xã đạt chuẩn, tiêu chí số 13 về Hình thức tổ chức sản xuất có 60% số xã đạt chuẩn.

+ Nhóm 4 về Văn hóa - Xã hội - Môi trường (gồm các tiêu chí: Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Môi trường): Có trên 60% số xã đạt chuẩn theo tiêu chí; trong đó: Tiêu chí số 14 về Giáo dục và tiêu chí số 15 về Y tế có 100% số xã đạt chuẩn; tiêu chí số 16 về Văn hóa có 80% số xã đạt chuẩn.

+ Nhóm 5 về Hệ thống chính trị (gồm tiêu chí về Hệ thống chính trị xã hội và An ninh trật tự xã hội): Có 90% số xã đạt chuẩn theo tiêu chí; trong đó: tiêu chí số 19 về an ninh trật tự xã hội có 100% số xã đạt chuẩn.

- Đến năm 2025: Có 50% số xã, tương đương 43 xã đạt tiêu chuẩn xã Nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

4. Nhu cầu vốn và nguồn vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án giai đoạn 2016 - 2020 là 4.260.550 triệu đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách nhà nước (Vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án đang đầu tư trên địa bàn; Ngân sách Trung ương đầu tư trực tiếp và ngân sách địa phương) 1.767.400 triệu đồng, chiếm 41,48%.

- Vốn huy động nhân dân đóng góp 338.625 triệu đồng, chiếm 7,95%.

- Vốn đầu tư, đóng góp của các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức hợp pháp khác 436.800 triệu đồng, chiếm 10,25%.

- Vốn tín dụng 781.075 triệu đồng, chiếm 18,33 %.

- Vốn huy động khác 936.650 triệu đồng, chiếm 21,99%.

5. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

a) Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở và cộng đồng dân cư.

b) Nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

c) Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cán bộ chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

d) Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị.

e) Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

f) Đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo và an sinh xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái.

g) Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, vai trò của chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh.

h) Thực hiện đa dạng hóa huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực của nhân dân, doanh nghiệp để thực hiện việc đầu tư xây dựng nông thôn mới.

i) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến năm 2025 theo quy định.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khóa XI, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11 tháng 8 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 29 tháng 8 năm 2016./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu Quốc hội;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản pháp luật);
- Bộ Tài chính;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Các ban Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Thường trực HĐND-UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, CTHĐ.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hùng