Nghị quyết 55/2006/NQ-HĐND về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2006-2010
Số hiệu: 55/2006/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Phạm Minh Toản
Ngày ban hành: 12/12/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/2006/NQ-HĐND

Quảng Ngãi, ngày 12 tháng 12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2006-2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHOÁ X - KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 36/2006/NQ-HĐND ngày 15/5/2006 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2006-2010;

Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 3343/TTr-UBND ngày 28/11/2006 của UBND tỉnh trình tại kỳ họp, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, ý kiến của Đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2006- 2010, với những nội dung chính như sau:

I. Mục tiêu, chỉ tiêu phát triển công nghiệp đến năm 2010

1. Mục tiêu:

- Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng hiện đại hoá; gắn phát triển các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp với Khu kinh tế Dung Quất, tạo ra bước phát triển nhảy vọt để công nghiệp thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn có tính đột phá và chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh. Phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển nông nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2010 Quảng Ngãi trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển.

- Huy động tối đa mọi nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và thành phần kinh tế để thu hút đầu tư; hợp tác quốc tế, hợp tác liên tỉnh, liên vùng tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.

- Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mà sản phẩm có thị trường ổn định, có lợi thế so sánh, hiệu quả kinh tế cao, thu hút được nhiều lao động, phát triển các ngành công nghiệp đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: lọc hoá dầu, hoá chất, luyện kim, cơ khí, đóng tàu, chế biến nông-lâm-thuỷ sản, hàng tiêu dùng và may mặc, vật liệu xây dựng và khai thác mỏ, phục hồi và phát triển một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghiệp của tỉnh nhất là Khu kinh tế Dung Quất.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu :

- Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 41%/năm (công nghiệp – xây dựng là 32- 33%/ năm).

- Tỷ trọng công nghiệp trong GDP toàn tỉnh đến năm 2010 đạt 54% (công nghiệp – xây dựng là 62-63 %).

- Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2010 là 16.800 tỷ.

II. Nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp Quảng Ngãi giai đoạn 2006-2010

1. Phát triển công nghiệp theo ngành:

a. Công nghiệp lọc hóa dầu và hoá chất :

Phát triển công nghiệp lọc hóa dầu và hoá chất cùng với ngành công nghiệp cơ khí và luyện kim, xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn, quyết định sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh và các ngành khác.

b. Công nghiệp cơ khí, luyện kim và đóng tàu:

Phát triển công nghiệp cơ khí đáp ứng nhu cầu đa dạng hoá sản phẩm phục vụ nông nghiệp, xây dựng. Phát triển công nghiệp đóng tàu phục vụ vận tải hàng hoá, đánh bắt và xuất khẩu.

c. Công nghiệp chế biến nông-lâm-thuỷ sản:

Xác định ngành công nghiệp chế biến là ngành công nghiệp cơ bản của tỉnh, gắn với giải quyết việc làm cho đại bộ phận nông dân trong sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến.

Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến đường và sau đường; thuỷ sản, súc sản; lâm sản...

d. Công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng :

Phát triển công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng, phục vụ kịp thời cho xây dựng các Khu công nghiệp, nhất là Khu kinh tế Dung Quất, hạ tầng kỹ thuật, các công trình thuộc các ngành kinh tế của tỉnh và các vùng lân cận.

e. Công nghiệp điện, nước:

Đảm bảo nhu cầu về điện, nước phục vụ sản xuất cho Khu kinh tế Dung Quất, các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.

g. Công nghiệp dệt may:

Tích cực tranh thủ thu hút các dự án dệt may, chuẩn bị tốt các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, phục vụ kịp thời cho các dự án đầu tư vào tỉnh.

h. Tiểu thủ công nghiệp - làng nghề:

Tập trung đầu tư phát triển các Cụm công nghiệp - làng nghề và phát triển các ngành nghề chủ yếu như: chế biến sản phẩm sau đường; chế biến sản phẩm từ gạo và các loại khác có tinh bột; sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đan lát.

2. Phát triển công nghiệp theo vùng:

a. Khu kinh tế Dung Quất :

Tập trung đẩy mạnh việc đầu tư phát triển Khu kinh tế Dung Quất theo hướng Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực mà trọng tâm là công nghiệp lọc hoá dầu, hoá chất, các ngành công nghiệp có quy mô lớn gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai và đô thị Vạn Tường, Dốc Sỏi, làm hạt nhân tăng trưởng và là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá khu vực miền Trung; tạo việc làm, thúc đẩy đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.

b. Phát triển các khu công nghiệp:

Kế hoạch đến năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp tại các Khu công nghiệp của tỉnh là 3.010 tỷ đồng.

Đến năm 2008, đầu tư hoàn thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I của Khu công nghiệp Tịnh Phong và Khu công nghiệp Quảng Phú.

Tổ chức việc quy hoạch Khu công nghiệp Phổ Phong trong năm 2007-2008 và tiến hành xây dựng hạ tầng để từ năm 2008-2010 thu hút các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp này.

c. Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

Đến năm 2010, cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng giai đoạn I một số Cụm, điểm công nghiệp; đồng thời, thu hút các dự án vào các Cụm công nghiệp tại các địa phương. Quy hoạch và khuyến khích các địa phương hình thành và phát triển các làng nghề mà sản phẩm đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Đối với các huyện miền núi cần xây dựng các Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng đa ngành nghề một cách hợp lý.

III. Những giải pháp chủ yếu để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006-2010

1. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính với thủ tục gọn nhẹ; bổ sung hoàn thiện kịp thời cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và thương mại nhằm thu hút nhiều dự án đầu tư có hiệu quả.

2. Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp của tỉnh làm cơ sở cho việc xây dựng các quy hoạch chi tiết phát triển từng ngành công nghiệp; điều chỉnh quy hoạch 02 Khu công nghiệp Tịnh Phong và Quảng Phú một cách hợp lý; lập quy hoạch phát triển Khu công nghiệp Phổ Phong. Tích cực xây dựng và phê duyệt các Cụm công nghiệp, làng nghề ở huyện, thành phố. Chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch đảm bảo khả thi, toàn diện, bền vững nhằm định hướng đầu tư phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng vùng.

3. Tăng cường đầu tư, đổi mới trang thiết bị, công nghệ đi đôi việc phát triển nguồn nhân lực, thông qua đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng cho lao động quản lý, kỹ thuật và công nhân ngành công nghiệp, thu hút lao động có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh đi đôi với giải quyết lao động nông thôn.

4. Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho ngành công nghiệp, nhất là Khu kinh tế Dung Quất, các Khu, Cụm công nghiệp của tỉnh. Hàng năm cần phải cân đối vốn để giải quyết kịp thời nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2006-2010 khoảng 320 tỷ đồng, bố trí đủ vốn đối ứng theo tiến độ của công trình để hoàn thành Dự án Năng lượng nông thôn II (REII). Hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật cho các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp đúng với ý nghĩa của nhiệm vụ đột phá. Riêng đối với các Cụm công nghiệp, ngân sách tỉnh sẽ bố trí từ 40% đến 50% vốn đầu tư kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào theo tiêu chí hoạt động có hiệu quả.

5. Tập trung thực hiện các chương trình, dự án khuyến công của địa phương, hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tiếp nhận và phát triển các dự án về ứng dụng khoa học kỹ thuật, các dự án nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp kết hợp đẩy mạnh công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh. Kinh phí hỗ trợ công tác khuyến công khoảng 0,1% trên tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương.

Điều 2. Giao cho UBND tỉnh cụ thể hoá và triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh Quảng Ngãi khoá X, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2006.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Minh Toản