Nghị quyết 52/2013/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2013
Số hiệu: 52/2013/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh Người ký: Nguyễn Thanh Bình
Ngày ban hành: 13/07/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Quốc phòng, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2013/NQ-HĐND

Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 7 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH 6 THÁNG CUỐI NĂM 2013

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHOÁ XVI - KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Sau khi xem xét Tờ trình số 225/TTr-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh cơ bản nhất trí với Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2013 như Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh trình, đồng thời bổ sung và nhấn mạnh một số nội dung như sau:

1. Đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm 2013

a. Những kết quả đạt được

Thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm 2013 trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp; kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn...Nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và sự điều hành quyết liệt, chủ động của cấp uỷ, chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, Tỉnh ta đã triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp nên tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục phát triển; nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, huy động vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng, các dự án trọng điểm triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt kết quả cao và toàn diện, các chỉ tiêu sản xuất lương thực vượt kế hoạch; chỉ đạo chuyển đổi thành công cơ cấu mùa vụ; sản lượng chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản đều tăng so với cùng kỳ năm 2012. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tiếp tục đi vào chiều sâu, trọng tâm là phát triển sản xuất, được Chính phủ đánh giá là một trong những tỉnh điển hình trong xây dựng nông thôn mới.

Sản xuất công nghiệp đang từng bước khắc phục khó khăn, ổn định và khôi phục sản xuất; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (I.I.P) tăng so với cùng kỳ năm trước và gấp hơn hai lần so với mức tăng chung của cả nước. Cơ cấu sản xuất nội ngành tiếp tục có sự chuyển biến tích cực.

Kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo chỉ đạo của Chính phủ. Các cấp, các ngành đã khắc phục khó khăn do suy giảm kinh tế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Thu ngân sách đạt cao (tăng 61%) so với cùng kỳ, đảm bảo nguồn chi cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội và chi thường xuyên; tổng nguồn vốn tín dụng huy động và tổng dư nợ cho vay đều tăng khá, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Công tác quy hoạch tiếp tục được chỉ đạo triển khai tích cực; hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung triển khai việc xây dựng mới, rà soát và điều chỉnh, bổ sung hệ thống các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương. Tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh.

Ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất bền vững, nâng cao giá trị hàng hóa, sản phẩm. Quản lý nhà nước về đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ được tăng cường. Công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội có chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Hệ thống cơ sở vật chất, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục- đào tạo, thông tin truyền thông được quan tâm đầu tư, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững. Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân và đáp ứng bước đầu nguồn nhân lực cho các dự án trọng điểm. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách người có công, đảm bảo an sinh xã hội.

Quốc phòng - an ninh được giữ vững, chủ động nắm chắc tình hình biên giới, bờ biển, thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu; hoàn chỉnh việc tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt - Lào; kiểm soát tốt tình hình an ninh và trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Cải cách hành chính có tiến bộ, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước được nâng cao; thực hiện khá tốt công tác sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức hội. Hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại thu được nhiều kết quả.

b. Một số tồn tại, hạn chế

Trong sản xuất nông nghiệp, một số địa phương chưa làm tốt việc triển khai chuyển đổi cơ cấu giống sản xuất vụ Xuân; vẫn còn xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi và thủy sản nuôi. Tỷ giá hàng nông nghiệp và phi nông nghiệp chênh lệch lớn làm ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Một số địa phương chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, do vậy hiệu quả chưa cao, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất, nhất là xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất mới.

Sản xuất công nghiệp các địa phương quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh và hiệu quả chưa cao, thị trường nhỏ hẹp. Các doanh nghiệp khôi phục sản xuất chậm, còn nhiều khó khăn; một số doanh nghiệp phải dừng hoặc tạm dừng hoạt động; nợ đọng thuế trong các doanh nghiệp vẫn còn. Một số dự án lớn chậm tiến độ. Việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm do chưa kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, chưa tập trung chỉ đạo, có biểu hiện né tránh, thiếu trách nhiệm. Chưa quan tâm đúng mức phát triển đô thị.

Một số vấn đề bức xúc trong lĩnh vực văn hoá - xã hội tồn tại trong nhiều năm qua chưa được khắc phục kịp thời như: Công tác đào tạo nghề, dạy nghề chưa đạt yêu cầu, chất lượng và số lượng nguồn nhân lực chưa cao; bệnh thành tích trong giáo dục, tình trạng dạy thêm, học thêm và lạm thu trong nhà trường; công tác quản lý thuốc và hành nghề y dược tư nhân có phần buông lỏng; việc xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã, trường chuẩn còn hạn chế; công tác quản lý di tích lịch sử-văn hóa còn bất cập. Tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng cao so với cùng kỳ 2012. Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng vật tư nông nghiệp còn bất cập.

Triển khai thực hiện một số nội dung của các nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển Quỹ đất, xử lý môi trường, chất thải rắn chưa đạt yêu cầu.

Công tác cải cách hành chính, kỷ luật kỷ cương, lãnh đạo điều hành cũng như thực thi nhiệm vụ còn nhiều hạn chế; hoạt động của mô hình "một cửa" chưa thật sự thông suốt; một số cán bộ, công chức, viên chức năng lực chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu tâm huyết. Chưa tập trung giải quyết một số vụ việc tranh chấp địa giới hành chính. An ninh, trật tự xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường; các loại tệ nạn xã hội, tội phạm diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông có chiều hướng tăng cao so với cùng kỳ năm 2012.

2. Nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm

a. Tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch các địa phương đồng bộ, phù hợp với Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2050, làm cơ sở để định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, các loại sản phẩm chủ yếu và định hướng phát triển của các vùng kinh tế.

b. Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế bền vững.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Rà soát để điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực đầu tư ứng dụng các công nghệ mới có hiệu quả cao, tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết đất đai, giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách gia hạn thuế và tiếp cận vốn vay, giảm lãi suất theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Huy động nguồn lực của các doanh nghiệp đầu tư các dự án trên địa bàn, ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các dự án cung cấp dịch vụ xây dựng hạ tầng KT-XH, sản xuất kinh doanh theo hình thức đối tác công tư kết hợp (PPP).

c. Tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, các dự án trọng điểm, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư phát triển năm 2013.

Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Thường xuyên kiểm tra tiến độ và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư năm 2013. Tập trung làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để tranh thủ nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình dự án theo Thông báo số 409/TB-VPCP ngày 17/12/2012 và Thông báo số 219/TB-VPCP ngày 17/6/2013 của Văn phòng Chính phủ.

Huy động, lồng ghép, ưu tiên nguồn lực đầu tư đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng tái cấu trúc sản xuất, sản phẩm; quan tâm mở rộng và nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất các loại sản phẩm hàng hóa chủ lực, sản xuất rau, quả và chăn nuôi. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông, lâm, hải sản, khoáng sản nhằm nâng cao giá trị hàng hóa. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống.

Triển khai và cân đối, bố trí nguồn lực kịp thời để thực hiện các đề án đã được HĐND tỉnh thông qua. Tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách do HĐND, UBND tỉnh ban hành đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, đúng thẩm quyền để tiếp tục có các giải pháp phù hợp, khả thi.

Đẩy mạnh các biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi, phấn đấu thu ngân sách năm 2013 đạt và vượt chỉ tiêu giao thu đầu năm. Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn huy động đạt 25%, tăng trưởng tín dụng từ 17 - 20% so với đầu năm 2013.

d. Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa- xã hội.

Tập trung thực hiện tốt việc quy hoạch mạng lưới trường học từ mầm non đến THPT. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hệ thống trường, lớp học nhằm đảm bảo tốt điều kiện dạy và học, tiếp tục xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đảm bảo chất lượng. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hoàn thành các quy hoạch, đề án phát triển lĩnh vực văn hóa, thông tin truyền thông, thể thao và du lịch. Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất. Tăng cường chỉ đạo công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là ở vùng nông thôn; đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho các khu kinh tế, nhất là Khu kinh tế Vũng Áng. Thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với người có công và các đối tượng chính sách; quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp, khẩn trương xây dựng khu nhà ở công nhân tại Khu kinh tế Vũng Áng.

đ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước; Tiếp tục thực hiện các nội dung của Đề án kiện toàn, sắp xếp cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Ban Quản lý dự án và Hội.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi các thủ tục hành chính và quy trình nhằm đơn giản hóa Bộ thủ tục hành chính, giảm thời gian thụ lý hồ sơ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cũng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp.

e. Đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội

Các lực lượng vũ trang duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, chủ động nắm chắc tình hình trên các tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo. Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh trật tự, chú trọng các vùng kinh tế trọng điểm; quan tâm giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đấu tranh quyết liệt phòng, chống, truy quét các loại tội phạm, nhất là các đối tượng ma túy, bài bạc, băng nhóm xã hội đen; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông. Thực hiện tốt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Phát động phong trào thi đua yêu nước nhằm phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2013. Khen thưởng kịp thời các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Điều 2. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Thường trực HĐND, các ban HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVI, kỳ họp thứ 7 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ, Website Chính phủ;
- Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 4;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- VP Tỉnh uỷ, VP UBND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- LĐ, CV VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- TT Thông tin VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- TT Công báo - tin học VP UBND tỉnh;
- Lưu.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình