Nghị quyết 45/2006/NQ-HĐND về cơ chế chính sách liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài tại Trường Đại học Hồng Đức
Số hiệu: 45/2006/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Phạm Văn Tích
Ngày ban hành: 28/07/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/2006/NQ-HĐND

Thanh Hoá, ngày 28 tháng 7 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH LIÊN KẾT ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC VÀ SAU ĐẠI HỌC VỚI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC NƯỚC NGOÀI TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ vào Quyết định số 322/QĐ-TTg ngày 19/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án "Đào tạo cán bộ khoa học-kỹ thuật tại cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước";

Sau khi xem xét: Tờ trình số 2981 /TTr-UBND ngày 18/7/2006 của UBND tỉnh Thanh Hoá về cơ chế chính sách liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài; Báo cáo thẩm tra số 149/VHXH-HĐND ngày 20/7/2006 của Ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành Tờ trình số 2981 /TTr-UBND ngày 18/7/2006 của UBND tỉnh Thanh Hoá về cơ chế chính sách trong liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài tại Trường Đại học Hồng Đức với những nội dung cơ bản sau:

1. Mục tiêu:

- Đào tạo cán bộ có trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ cho các cơ quan nhà nước, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh đang có nhu cầu và các ngành nghề mới phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, từng bước chuẩn hoá, hiện đại hoá chương trình đào tạo, phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học và công nghệ của trường Đại học Hồng Đức. Xây dựng trường Đại học Hồng Đức thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ của tỉnh Thanh Hoá, nhanh chóng tiếp cận với trình độ đào tạo của khu vực và trên thế giới.

2. Thời gian thực hiện: 10 năm, từ 2006 đến 2015.

3. Đối tượng đào tạo:

3.1. Đào tạo đại học

3.1.1. Đối tượng 1: Đào tạo cho các cơ quan nhà nước trong tỉnh

- Học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học đạt giải chính thức trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và học sinh thi tuyển vào đại học năm đầu đạt thủ khoa thuộc chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu của tỉnh.

- Học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học loại khá trở lên đã trúng tuyển đại học (nguyện vọng 1) vào trường Đại học học Hồng Đức và các trường đại học khác trong cả nước, đạt từ 24 điểm trở lên (3 môn), có khối thi đại học phù hợp với chuyên ngành liên kết đào tạo theo nhu cầu của tỉnh.

- Có nguyện vọng và cam kết tình nguyện phục vụ lâu dài tại Thanh Hoá theo sự phân công của UBND tỉnh. Thời gian phục vụ ít nhất gấp ba lần thời gian đào tạo.

- Đảm bảo về mặt sức khoẻ để học tập, công tác lâu dài theo qui định của Bộ Y tế.

- Đảm bảo về mặt tài chính (ngoài phần kinh phí hỗ trợ của tỉnh) để hoàn thành tốt khoá đào tạo liên kết với nước ngoài.

3.1.2. Đối tượng 2: Đào tạo cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh

- Học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học loại khá trở lên đã trúng tuyển đại học (nguyện vọng 1) vào trường Đại học học Hồng Đức và các trường đại học khác trong cả nước, đạt từ 24 điểm trở lên (3 môn), có khối thi đại học phù hợp với chuyên ngành liên kết đào tạo theo nhu cầu của tỉnh.

- Có nguyện vọng và cam kết làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh Thanh Hoá.

- Các điều kiện khác như đối tượng 1.

3.2. Đào tạo sau đại học

3.2.1. Đối tượng 1: Đào tạo cho các cơ quan nhà nước trong tỉnh

- Cán bộ hiện đang công tác tại các cơ quan nhà nước của tỉnh đã tốt nghiệp đại học (đào tạo thạc sỹ), có bằng thạc sỹ (đào tạo tiến sỹ), có chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu của tỉnh, được cơ quan có thẩm quyền đồng ý cử đi học.

- Sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi tại trường Đại học Hồng Đức và các trường đại học trong cả nước, có chuyên ngành đào tạo đại học phù hợp với chuyên ngành đào tạo thạc sỹ theo nhu cầu của tỉnh, có nguyện vọng và tình nguyện, cam kết làm việc lâu dài tại Thanh Hoá. Thời gian phục vụ ít nhất gấp ba lần thời gian đào tạo.

- Tuổi đời: Đào tạo thạc sỹ không quá 35 tuổi. Đào tạo tiến sỹ không quá 40 tuổi.

- Có đề cương nghiên cứu phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, được Hội đồng Khoa học chuyên ngành thẩm định thông qua và được trường đối tác đồng ý chấp nhận.

- Bảo đảm về mặt sức khoẻ theo qui định.

3.2.2. Đối tượng 2: Đào tạo cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh

- Cán bộ hiện đang công tác tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh, đã tốt nghiệp đại học, hoặc có bằng thạc sỹ, được cơ quan, đơn vị quản lý đồng ý cử đi học và cam kết đảm bảo về mặt tài chính.

- Các điều kiện khác như đối tượng 1.

4. Đối tác liên kết

Lựa chọn các trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế trong khu vực và thế giới có mức chi phí thấp nhất phù hợp với ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của tỉnh.

5. Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ đào tạo

Qui hoạch một khu vực tại trường Đại học Hồng Đức dành riêng cho liên kết đào tạo. Đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất- kỹ thuật phục vụ đào tạo bảo đảm đạt tiêu chuẩn khu vực và yêu cầu của trường đối tác.

6. Chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo

6.1. Hỗ trợ chi phí đào tạo đại học

6.1.1: Đối tượng 1: Tỉnh hỗ trợ các khoản gồm: 100% chi phí học 1 năm tiếng Anh; 50% học phí cho 2 năm học tại Đại học Hồng Đức; 43 % chi phí đào tạo 2 năm ở nước ngoài.

Đối với những sinh viên xuất sắc về trình độ ngoại ngữ (đạt từ 550 điểm TOEFL trở lên) và là học sinh phổ thông trung học đạt giải chính thức trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và học sinh thi tuyển vào đại học năm đầu đạt thủ khoa thuộc chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu của tỉnh, sau khi kết thúc năm học thứ nhất tại trường Đại học Hồng Đức sẽ được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo 4 năm ở các trường đối tác nước ngoài.

Những sinh viên khác đạt xuất sắc về trình độ ngoại ngữ (từ 550 điểm TOEFL trở lên) nếu có nguyện vọng được đào tạo 4 năm ở nước ngoài cũng được xem xét gửi đào tạo ở trường đối tác nước ngoài nhưng phải tự túc phần kinh phí tăng thêm so với định mức chi phí đào tạo được tỉnh hỗ trợ.

6.1.2. Đối tượng 2: Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo tiếng Anh tại Đại học Hồng Đức, nếu sinh viên đủ điểm ngoại ngữ được tuyển vào học theo chương trình liên kết với nước ngoài.

6.2. Hỗ trợ chi phí đào tạo sau đại học

6.2.1. Đối tượng 1: Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo thuộc đối tượng đào tạo cho các cơ quan nhà nước trong tỉnh.

- Học viên thuộc đối tượng do các cơ quan nhà nước và các đơn vị hưởng lương ngân sách của tỉnh cử đi học được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có) trong thời gian học tiếng Anh và bồi dưỡng chuyên môn tại ĐHHĐ. Giai đoạn học ở nước ngoài được hưởng 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) theo Nghị định số 203/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.

6.2.2 Đối tượng 2: Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo tiếng Anh tại Đại học Hồng Đức, nếu sinh viên đủ điểm ngoại ngữ được tuyển vào học theo chương trình liên kết với nước ngoài.

6.3. Đối với những sinh viên không đủ điều kiện theo học các chương trình liên kết ở bậc đại học

Sinh viên đại học thuộc đối tượng 1 nếu kiểm tra không đạt các yêu cầu về ngoại ngữ, chuyên môn, sức khoẻ để theo học các lớp liên kết đào tạo thì sẽ được nhận vào trường Đại học Hồng Đức và được ưu tiên lựa chọn chuyên ngành đào tạo phù hợp.

6.4. Đối với sinh viên nghèo học giỏi

Khuyến khích các nhà đầu tư, các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh tài trợ, đỡ đầu hoặc đầu tư cho những sinh viên nghèo học giỏi, có nhu cầu học tập bằng cách đóng góp phần kinh phí ngoài phần kinh phí hỗ trợ của tỉnh và được ưu tiên sử dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp.

7. Chính sách sử dụng cán bộ sau khi tốt nghiệp

- Sinh viên đại học thuộc đối tượng 1 sau khi tốt nghiệp được bố trí, phân công công tác tại các cơ quan nhà nước của tỉnh phù hợp chuyên ngành đào tạo, được tạo điều kiện để phát huy năng lực trong quá trình công tác, được ưu tiên và tạo điều kiện để tham gia các chương trình đào tạo sau đại học trong và ngoài nước.

- Sinh viên đại học thuộc đối tượng 2 và 3 nếu có nguyện vọng cũng được bố trí công tác trong các cơ quan nhà nước của tỉnh phù hợp với chuyên ngành và được hưởng các quyền lợi khác như đối tượng 1.

- Học viên thạc sỹ, NCS tiến sỹ thuộc các cơ quan nhà nước của tỉnh cử đi học sau khi tốt nghiệp được bố trí công tác phù hợp.

8. Tổ chức thực hiện

Những người tham gia học đại học và sau đại học theo chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài của trường Đại học Hồng Đức phải thực hiện ký hợp đồng cam kết đào tạo.

- Những người thuộc đối tượng 1 nếu không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng phải bồi hoàn kinh phí đào tạo theo qui định tại Thông tư liên tịch số 75/2000/TTLT/BTC-GD&ĐT, ngày 20 tháng 7 năm 2000 của Bộ Tài chính - GD&ĐT.

- Những người thuộc đối tượng 2 sau khi kết thúc giai đoạn 1 tại Đại học Hồng Đức nếu không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng phải bồi hoàn kinh phí đào tạo tiếng Anh tại trường Đại học Hồng Đức.

Điều 2. Giao cho UBND tỉnh căn cứ Nghị quyết này và các qui định của pháp luật hiện hành để quy định cụ thể mức hỗ trợ cho từng đối tượng tuỳ thuộc vào định mức chi phí đào tạo của trường đối tác và các qui định về mức sinh hoạt ở từng nước theo qui định ở tùng thời điểm. Thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc tế thuộc Đại học Hồng Đức để tổ chức, quản lý và thực hiện.

Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương về chiến lược phát triển KT-XH, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, UBND tỉnh quyết định kế hoạch đào tạo về: qui mô, ngành nghề đào tạo, kế hoạch tuyển sinh, điều chỉnh điểm chuẩn, mức hỗ trợ kinh phí đào tạo cho phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả với Hội đồng nhân dân tỉnh .

Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khoá XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/7/2006.

 

 

Nơi nhận:
- VPQH, VPCP, VPCTN;
- TT Tỉnh uỷ, TT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- MTTQ tỉnh và các Đoàn thể;
- TT HDDND, UBND các huyện, TX, TP;
- VP Tỉnh ỷ, VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Tích

 





Nghị định 203/2004/NĐ-CP về việc mức lương tối thiểu chung Ban hành: 14/12/2004 | Cập nhật: 10/12/2009