Nghị định 203/2004/NĐ-CP về việc mức lương tối thiểu chung
Số hiệu: 203/2004/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 14/12/2004 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 18/12/2004 Số công báo: Số 18
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 203/2004/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2004

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 203/2004/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 12 NĂM 2004 QUY ĐỊNH MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Nghị quyết số 17/2003/QH11 ngày 04 tháng 11 năm 2003 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2004 và Nghị quyết số 19/2003/QH11 ngày 16 tháng 11 năm 2003 về nhiệm vụ 2004 của Quốc hội khoá XI;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.

1. Quy định mức lương tối thiểu chung để trả công cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

2. Mức lương tối thiểu chung là 290.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu chung được điều chỉnh tuỳ thuộc vào mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá sinh hoạt và cung cầu lao động theo từng thời kỳ.

Điều 2.

1. Mức lương tối thiểu chung quy định tại Nghị định này được dùng làm căn cứ tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương trong khu vực nhà nước, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động đối với các doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định của pháp luật lao động và thực hiện một số chế độ khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.

2. Mức lương tối thiểu chung quy định tại Nghị định này áp dụng đối với:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

b) Công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, gồm: công ty nhà nước; công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập;

c) Công ty, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

d) Các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác có thuê mướn lao động.

3. Mức lương tối thiểu chung quy định tại khoản 2, Điều 1 Nghị định này còn được áp dụng để tính khoản trợ cấp thôi việc cho số năm làm việc từ năm 2003 trở đi đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 41/2002/NĐ-CP và đối với người thôi việc do tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2000 của Chính phủ về việc tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP (số năm làm việc từ năm 2002 trở về trước được tính theo hướng dẫn trước ngày 01 tháng 01 năm 2003).

Điều 3.

1. Hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương tối thiểu chung áp dụng trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện theo quy định của Chính phủ, tuỳ thuộc vào khả năng ngân sách nhà nước và nguồn trả lương.

2. Hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương tối thiểu chung để tính đơn giá tiền lương áp dụng trong các công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo quy định của Chính phủ, tuỳ thuộc vào năng suất lao động, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hệ số điều chỉnh tăng thêm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật.

3. Các công ty, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác có thuê mướn lao động được quyền định mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu chung quy định tại Nghị định này.

Điều 4.

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau khi lấy ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện của người sử dụng lao động và các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ công bố mức lương tối thiểu chung cho từng thời kỳ, hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương tối thiểu chung áp dụng trong các công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước.

2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ quy định hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương tối thiểu chung áp dụng trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Điều 5.

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Các quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2004.

3. Huỷ bỏ khoản 1 Điều 1; khoản 2 Điều 4 và khoản 2 Điều 6 Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về việc điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội và đổi mới một bước cơ chế quản lý tiền lương.

4. Đối với lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục áp dụng mức lương tối thiểu theo quy định tại Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)