Nghị quyết 338/2010/NQ-HĐND về nhiệm vụ năm 2011
Số hiệu: 338/2010/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Trần Hồng Châu
Ngày ban hành: 10/12/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 338/2010/NQ-HĐND

Vinh, ngày 10 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ NĂM 2011

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 19

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về "Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011", báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành với những nội dung đánh giá thực hiện nhiệm vụ năm 2010, phương hướng nhiệm vụ năm 2011 với các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp chủ yếu được nêu trong báo cáo của UBND tỉnh; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2010

Mặc dù gặp nhiều khó khăn khách quan như: tác động kinh tế thế giới và trong nước, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 của tỉnh vẫn tiếp tục giữ được ổn định và có bước phục hồi đà tăng trưởng; đời sống nhân dân được đảm bảo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 10,4%. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 1,0 triệu tấn. Dịch vụ tăng trưởng khá. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 5.010 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2009. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có tiến bộ, thực hiện chính sách an sinh xã hội có nhiều kết quả khá, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, chính trị ổn định, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Đạt được những kết quả nêu trên, trước hết là sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh; sự điều hành tích cực của UBND tỉnh và các Sở, ban, ngành, các địa phương; sự giám sát thường xuyên của các cơ quan dân cử, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh uỷ, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 còn những hạn chế như: Một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra: giá trị sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ xã phường có thiết chế VHTT -TT đạt chuẩn quốc gia. Tiến độ thực hiện và giải ngân XDCB có cố gắng nhưng vẫn còn một số công trình chậm, nhất là khâu GPMB. Một số vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt; tai nạn giao thông vẫn còn nhiều, tệ nạn ma tuý còn diễn biến phức tạp; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí tuy có chuyển biến tiến bộ nhưng chưa đồng bộ và có sự đột phá.

II. CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI CHỦ YẾU NĂM 2011

1. Chỉ tiêu kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng tổng SP trong tỉnh (GDP): 11% - 12%

- Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng: 3,5% - 4,0%

- Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng: 18% - 19%

Trong đó: GTSX công nghiệp tăng: 19% - 20%

- Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng: 11,0% - 12%

- Cơ cấu kinh tế: nông, lâm, ngư khoảng 26%; Công nghiệp xây dựng khoảng 36%; dịch vụ khoảng 38%.

- Thu ngân sách: 4.760 tỷ đồng

- Tổng kim ngạch xuất khẩu: 350 - 400 Triệu USD

- Tổng nguồn đầu tư phát triển toàn xã hội: 25.000 - 26.000 tỷ đồng

- GDP bình quân đầu người: 16,6 triệu đồng.

2. Chỉ tiêu xã hội:

- Mức giảm tỷ lệ sinh: 0,5‰ - 0,6‰

- Tỷ lệ hộ nghèo: 10%

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng: 18,7%

- Số trường đạt chuẩn quốc gia: 690 trường

- Tạo việc làm mới: 34.000 - 34.500 người

- Tỷ lệ lao động được đào tạo: 43%

Trong đó: Tỷ lệ đào tạo nghề: 31%

- Xã chuẩn quốc gia về y tế: 80%

- Số bác sỹ/vạn dân: 6,0

- Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ: 90%

- Tỷ lệ gia đình văn hóa: 81%

- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có thiết chế VHTT -TT đạt chuẩn QG 52%

3 Chỉ tiêu môi trường:

- Tỷ lệ dân nông thôn được dùng nước hợp VS: 88%

- Tỷ lệ dân cư thành thị được dùng nước sạch: 90%

- Tỷ lệ che phủ rừng: 53,5%

- Tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở đô thị: 85%

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Rà soát, bổ sung quy hoạch, các chính sách, các chương trình, dự án

- Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình xây dựng các chương trình hành động, phân công chỉ đạo, cụ thể hoá các nhiệm vụ giải pháp và tổ chức thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm đảm bảo cho được tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng tăng trưởng.

- Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, trong đó chú trọng hoàn chỉnh hệ thống cấp, thoát nước. Rà soát đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách hiện hành của tỉnh để bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới hệ thống quy hoạch, chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách cho giai đoạn tới trên tất cả các lĩnh vực để quản lý và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

2. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng.

- Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 11 - 12%, đồng thời đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững, phải quyết liệt giải quyết và khắc phục những hạn chế làm kìm hãm sự tăng trưởng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.

- Chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong đầu tư, SXKD nhằm giảm chi phí, phát huy tối đa công suất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tập trung đẩy nhanh các dự án sản xuất công nghiệp trong các mũi đột phá đã xác định: khai thác, chế biến khoáng sản (xi măng, vật liệu xây dựng, thép,..); điện; bia; mía đường; chăn nuôi đại gia súc và chế biến sữa; kinh tế rừng (chế biến gỗ, cao su, chè). Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động, chiếm ít diện tích, thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên; hạn chế các dự án có công nghệ, thiết bị lạc hậu, đóng góp ngân sách ít và sử dụng đất lớn.

- Tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn vốn trong và ngoài tỉnh cho đầu tư phát triển. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích phát triển kinh tế, chính sách xã hội hóa đầu tư phát triển giao thông nông thôn, bê tông hoá kênh mương, xã hội hoá lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường.

- Tập trung xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Hoàn thành việc quy hoạch nông thôn mới trong năm 2011. Quy hoạch và phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao; mở rộng diện tích áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng các loại rau, màu, cây ăn quả, cây công nghiệp có lợi thế của tỉnh.

- Xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm có tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhất là sân bay, cảng nước sâu Cửa Lò và Đông Hồi; khu kinh tế Đông Nam.

- Tạo điều kiện phát triển nhanh và hiện đại các dịch vụ tài chính, ngân hàng, đào tạo, y tế, công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, vận tải, du lịch, dịch vụ tư vấn. Mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường du lịch, tăng kim ngạch xuất khẩu. Tăng cường quản lý thị trường bất động sản, mở rộng thị trường nội địa, coi trọng thị trường nông thôn. Phát triển hệ thống bán lẻ, kết hợp cả mô hình hiện đại và truyền thống. Tăng cường công tác quản lý giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, chống đầu cơ, buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

- Thực hiện tốt việc quảng bá và cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư về các cơ chế chính sách trên địa bàn, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, nhất là những lĩnh vực tỉnh ưu tiên.

- Quản lý chặt chẽ chi ngân sách, bảo đảm chi đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách, chống thất thu, kiên quyết thu hồi nợ đọng. Phấn đấu vượt thu để đầu tư vào các dự án trọng điểm, các vùng kinh tế trọng điểm.

- Khai thác hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tiềm năng về đất đai, rừng, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển, tài nguyên lao động.

3. Bảo đảm tốt an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc

- Tiếp tục thực hiện tốt chính sách cho người có công với cách mạng, chính sách bảo trợ xã hội; các chính sách giải quyết việc làm và XĐGN, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất, học tập, chữa bệnh, ổn định đời sống người nghèo, vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, dịch bệnh (đặc biệt là thực hiện tốt chính sách cho 3 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ) triển khai thực hiện Quyết định số 59/2010/QĐ-UBND ngày 12/8/2010 của UBND tỉnh hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho 42 xã trên toàn tỉnh. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra để đảm bảo nguồn hỗ trợ của Nhà nước đến đúng đối tượng, kịp thời, không để thất thoát, lãng phí.

- Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, dự án và các chính sách đã ban hành để hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống người nghèo, vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, vùng bị thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện để nguồn hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đến đúng đối tượng, kịp thời, không để thất thoát, lãng phí.

- Tiếp tục thực hiện việc đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học, đẩy mạnh học và ứng dụng công nghệ thông tin và học ngoại ngữ trong nhà trường. Gắn việc thực hiện quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới trường lớp với đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia, hiện đại hoá trường chuyên và xây dựng nhà công vụ, ký túc xá cho sinh viên. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; gắn với nhu cầu lao động của xã hội. Triển khai có hiệu quả các đề án dạy nghề cho thanh niên và lao động nông thôn.

- Thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng an sinh xã hội và đáp ứng nhu cầu vốn cho người nghèo, các đối tượng chính sách để học tập, phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống.

- Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế. Tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các bệnh viện và một số dịch vụ kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh. Đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ;

- Tổ chức tốt công tác tuyên truyền và các hoạt động văn hoá, thể thao; đẩy nhanh tiến độ các công trình văn hoá trọng điểm. Thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Tiếp tục quan tâm xây dựng thiết chế văn hoá thông tin - thể thao đạt chuẩn Quốc gia; Mở rộng các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng và phát triển thể thao thành tích cao. Nâng diện phủ sóng phát thanh truyền hình cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo;

- Kiểm soát chặt chẽ chất thải, nhất là chất thải độc hại. Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường. Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý chất thải.

4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh uỷ (khoá XVI) về chương trình phát triển nguồn nhân lực. Chú trọng nâng cao trình độ tay nghề của của người lao động, nhất là nông dân. Gắn việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế với cơ cấu lao động trên cơ sở làm tốt công tác đào tạo theo các ngành nghề. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực đảm bảo cả về thể lực và trí lực trên cơ sở củng cố hệ thống giáo dục từ bậc mầm non, phổ thông, đến đào tạo chuyên nghiệp và phát triển hệ thống hạ tầng xã hội như giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá. Thực hiện tốt chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy tốt năng lực.

- Đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ, nhất là ở các khâu: tuyển dụng, đề bạt, bố trí công việc.

- Thực hiện đồng bộ ba nhiệm vụ chủ yếu của khoa học công nghệ: Nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đổi mới cơ chế quản lý; đổi mới nghiên cứu ứng dụng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh và quản lý. Tiếp cận và áp dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống, nhất là công nghệ tin học, công nghệ sinh học. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công trong việc triển khai các tiến bộ KHCN.

- Tập trung hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo mục tiêu, nội dung 12 chương trình KHCN trọng điểm cấp tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "Một cửa", “một cửa liên thông” ở các ngành, các huyện và cấp xã. Đổi mới công tác chỉ đạo điều hành trong cơ quan quản lý nhà nước, củng cố kỷ luật hành chính ở các cấp.

- Tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy trình, quy định xử lý hồ sơ thủ tục hành chính cho dân với phương châm: nhanh, hiện thực và hiệu quả, chống phiền hà sách nhiễu bằng nhiều giải pháp. Thực thi các kiến nghị đơn giản hoá TTHC. Công khai hóa và minh bạch các loại giấy phép đang còn hiệu lực; công khai hóa quy hoạch.

- Soát xét chức năng, quy chế làm việc từ cơ quan, bộ phận và chức danh để tổ chức, sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế theo Nghị định số 132/NĐ-CP. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trách nhiệm và trình độ; nhất là đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật tạo bước chuyển biến về chất trong việc phát huy nguồn nhân lực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ công chức công tâm, tận tụy, thạo việc.

- Đổi mới công tác đánh giá thi đua khen thưởng theo hướng gắn hiệu quả công việc, nhiệm vụ được giao.

- Thực hiện tốt việc triển khai Kết luận của Bộ chính trị về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo (theo Thông báo số 130-TB/TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị), đề cao tránh nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, tập trung giải quyết ngay từ khi mới phát sinh. Tăng cường quản lý nhà nước về khiếu nại tố cáo. Tăng cường công tác thanh tra gắn với phòng chống tham nhũng, lãng phí.

- Tăng cường đôn đốc, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-TU ngày 22/5/2008 của BCH Tỉnh uỷ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW 6 (Khoá X) hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, đề cao vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cán bộ và cơ quan Nhà nước, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm. Thực hiện giám sát cộng đồng theo Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

6. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội

- Thực hiện Chỉ thị số 48 CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác phòng chống tội phạm, đề án 05 của Tỉnh ủy về củng cố hệ thống chính trị nhất là vùng giáo, vùng dân tộc ít người.

- Nâng cao chất lượng cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang chuyên trách và bán chuyên trách vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở. Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển.

7. Đẩy mạnh công tác chỉ đạo điều hành nâng cao hiệu lực và hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước

- Tăng cường công tác chỉ đạo, đốc thúc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, kỷ luật, kỷ cương. Tập trung cao việc chỉ đạo theo chương trình, kế hoạch để các cấp, các ngành chủ động xử lý công việc, tránh chồng chéo, thụ động. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đưa vào nề nếp việc kiểm điểm tiến độ và kết quả thực hiện chương trình công tác đã đề ra theo cơ chế điều hành.

- Các ngành, các cấp rà soát phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tăng cường thông tin để tạo sự đồng thuận xã hội nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tỉnh đã quyết nghị.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2011.

Thường trực, các Ban và các vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc giám sát thực hiện Nghị quyết này.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh nhà phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2010, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, khai thác tốt mọi nguồn lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2011.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Khoá XV, kỳ họp thứ 19 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Hồng Châu