Quyết định 59/2010/QĐ-UBND ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
Số hiệu: | 59/2010/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Nghệ An | Người ký: | Nguyễn Xuân Đường |
Ngày ban hành: | 12/08/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Chính sách xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 59/2010/QĐ-UBND |
Vinh, ngày 12 tháng 8 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO ĐỐI VỚI CÁC XÃ CÓ TỶ LỆ HỘ NGHÈO TỪ 30% TRỞ LÊN NGOÀI NGHỊ QUYẾT 30a/2008/NQ-CP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2015
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;
Căn cứ Nghị quyết số 319/2010/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua một số cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn tỉnh đến năm 2015;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1387/TTr-LĐTBXH ngày 11/8/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2015, với các nội dung chủ yếu như sau:
I. PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH
1. Phạm vi áp dụng
Gồm 42 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên (sau đây gọi tắt là 42 xã nghèo) theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho giai đoạn 2006-2010 và số liệu thống kê kết quả rà soát hộ nghèo năm 2009 (Ngoài các xã thuộc 3 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong- Có danh sách kèm theo).
2. Đối tượng điều chỉnh
- Hộ gia đình và người lao động sinh sống trên địa bàn 42 xã nghèo. Trong đó ưu tiên hộ nghèo, hộ gia đình có công với cách mạng.
- Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn 42 xã.
II. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Các xã, hộ gia đình, người lao động sinh sống trên địa bàn xã và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn 42 xã nghèo nêu trên được hưởng các chính sách hỗ trợ sau:
1. Chính sách hỗ trợ hộ gia đình được giao chăm sóc, bảo vệ rừng
Hộ gia đình được giao chăm sóc, bảo vệ rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đóng cửa rừng) được hưởng tiền chăm sóc, bảo vệ rừng 200.000 đồng/ha/năm.
2. Chính sách giao đất để trồng rừng và giao rừng để sản xuất
Hộ gia đình được giao đất để trồng rừng và giao rừng sản xuất theo quy hoạch ngoài diện tích đất rừng được giao chăm sóc, bảo vệ được hỗ trợ lần đầu giống cây lâm nghiệp trồng rừng sản xuất với mức 01 triệu đồng/ha.
3. Chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa
Đối với diện tích đất chưa sử dụng có khả năng khai thác thông qua khai hoang, phục hoá để sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha khai hoang, 05 triệu đồng/ha phục hoá và được hỗ trợ lần đầu tiền mua giống, vật tư, phân bón để tổ chức sản xuất với mức 01 triệu đồng/ha.
4. Chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động
Hỗ trợ một lần đối với lao động thuộc hộ nghèo đi xuất khẩu lao động các khoản chi phí: học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, cấp visa với mức tối đa là 3.000.0000 đồng/người; tiền ăn và sinh hoạt phí trong thời gian học với mức 30.000 đồng/người/ngày, tiền ở 200.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tiền ăn, ở tối đa không quá 03 tháng; hỗ trợ tiền tàu xe cả đi và về 1 lần từ nơi cư trú đến nơi đào tạo theo giá cước thực tế của phương tiện vận tải hành khách thông thường nhưng tối đa không quá 200.000 đồng/người.
5. Chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ và thu hút trí thức trẻ về làm việc tại các xã
a) Thực hiện luân chuyển, tăng cường có thời hạn (từ 3 đến 5 năm) đối với cán bộ, công chức ở cơ quan cấp huyện về đảm nhận các chức danh lãnh đạo chủ chốt tại 42 xã nghèo. Quyền lợi của cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường được quy định như sau:
- Được hưởng trợ cấp hàng năm trong thời gian về làm việc tại xã.
Trong đó, năm thứ nhất trợ cấp: 10 triệu đồng/người, từ năm thứ 2 trở đi: 07 triệu đồng/người/năm.
- Được giữ nguyên lương, phụ cấp chức vụ, các quyền lợi khác (nếu có) và biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi. Trường hợp địa bàn đến công tác có phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt cao hơn thì được hưởng mức phụ cấp cao hơn. Cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp ngay sau khi hết thời hạn luân chuyển, tăng cường.
- Trong thời gian luân chuyển, tăng cường mà hoàn thành nhiệm vụ thì được xét dự thi nâng ngạch; nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng so với thời gian quy định. Sau thời gian luân chuyển, tăng cường được ưu tiên xem xét, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo quản lý thích hợp khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu.
b) Thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ có chuyên môn kỹ thuật về công tác tại 42 xã nghèo. Mỗi xã thu hút từ 3 đến 4 trí thức trẻ tình nguyện, có tuổi đời không quá 30, có trình độ đào tạo đại học; thời hạn từ 2 đến 3 năm. Quyền lợi của cán bộ trí thức trẻ được quy định như sau:
- Được hưởng trợ cấp hàng năm trong thời gian về làm việc tại xã. Trong đó, năm thứ nhất trợ cấp: 10 triệu đồng/người, từ năm thứ 2 trở đi: 05 triệu đồng/người/năm.
- Trong thời gian công tác tại xã được hưởng chế độ làm việc theo hợp đồng lao động; với mức tiền công hàng tháng tương đương mức lương (bao gồm cả phụ cấp) của cán bộ, công chức xã có cùng trình độ và thâm niên công tác; được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; được bố trí chỗ ở và nơi làm việc, phương tiện làm việc; được thanh toán tiền tàu xe đi và về trong các kỳ nghỉ lễ, tết hàng năm theo quy định. Được cộng điểm ưu tiên khi thi tuyển vào công chức, viên chức theo quy định; khi được tuyển dụng vào công chức, viên chức nhà nước thì không phải hưởng chế độ tiền lương tập sự và được nâng lương lần đầu sớm hơn quy định hiện hành 12 tháng.
6. Chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn 42 xã nghèo
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn các xã nghèo được hưởng các chính sách hỗ trợ sau:
- Được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm tại Ngân hàng chính sách xã hội; mức vay tối đa 500 triệu đồng/dự án sản xuất kinh doanh.
- Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thu hút lao động chưa qua đào tạo của các xã nghèo vào làm việc ổn định, lâu dài, có tham gia bảo hiểm xã hội, nếu có nhu cầu đào tạo tại chỗ hoặc gửi đi đào tạo tại các cơ sở dạy nghề được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn theo chính sách quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg , ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
III. CƠ CHẾ THỰC HIỆN
1. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức trích ngân sách tỉnh hỗ trợ các chính sách trên phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh hàng năm và cả giai đoạn.
2. Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo của các xã đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, UBND các xã lập dự toán ngân sách chi tiết theo từng chính sách trình UBND huyện phê duyệt gửi Sở Lao động - TB&XH, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thẩm định dự toán, dự kiến nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho các xã và tổng hợp kết quả gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp đưa vào dự toán ngân sách hàng năm trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét, quyết định.
3. Tiếp tục thực hiện các chính sách, dự án hiện hành về hỗ trợ giảm nghèo thuộc các chương trình giảm nghèo của Chính phủ và của tỉnh; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho các xã và các đối tượng thuộc 42 xã nghèo, trong đó tập trung cho việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu, dạy nghề cho lao động nông thôn, khuyến nông, lâm, ngư và khuyến công, vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội....
Trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nêu trên, nếu trùng với chính sách khác của Trung ương hoặc chính sách khác của tỉnh đã ban hành thì quy định thực hiện cụ thể như sau:
- Trường hợp trùng với các chính sách của Trung ương: Nếu mức hỗ trợ của Trung ương bằng hoặc cao hơn thì hưởng theo chính sách của Trung ương; nếu mức hỗ trợ của Trung ương thấp hơn thì ngoài phần hỗ trợ của Trung ương, Ngân sách tỉnh cấp bù phần chênh lệch còn thiếu để phù hợp với chính sách này.
- Trường hợp trùng với các chính sách khác của tỉnh đã ban hành nhưng với mức ưu đãi khác nhau thì hưởng theo mức ưu đãi cao nhất.
IV. DỰ KIẾN NGUỒN VỐN THỰC HIỆN
Tổng nguồn vốn thực hiện dự kiến là 85.536,2 triệu đồng, từ ngân sách tỉnh (bình quân hàng năm là 17.107,2 triệu đồng); Trong đó:
Chính sách hỗ trợ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng: 13.499 triệu đồng; Chính sách giao đất để trồng rừng và giao rừng để sản xuất: 4.972 triệu đồng; Chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa: 36.532,2 triệu đồng;
Chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động: 13.650 triệu đồng;
Chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ và thu hút trí thức trẻ về làm việc tại các xã: 16.883 triệu đồng.
(Có phụ lục kèm theo)
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực các Chương trình giảm nghèo của tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện, theo dõi, tổng hợp đánh giá hiệu quả của các chính sách theo quy định. Chủ trì và trực tiếp quản lý, chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động; chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn 42 xã nghèo.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động- TB&XH và các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng cơ chế lồng ghép các nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn 42 xã nghèo; bố trí các nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo hướng ưu tiên và tăng nguồn lực đầu tư cho 42 xã nghèo; Cân đối và phân bổ vốn đầu tư phát triển hỗ trợ theo mục tiêu hàng năm cho các xã trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét, quyết định; Hướng dẫn xây dựng và thẩm định đề án thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên của các huyện trình UBND tỉnh phê duyệt.
3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động TB&XH cân đối và phân bổ vốn sự nghiệp hỗ trợ theo mục tiêu hàng năm cho các xã trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét, quyết định.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn việc quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn các xã; Ưu tiên bố trí thực hiện chính sách về khuyến nông, khuyến lâm của Chính phủ, kết hợp với nguồn bổ sung theo mục tiêu của tỉnh trên địa bàn các xã một cách có hiệu quả. Trực tiếp quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng; giao đất để trồng rừng và giao rừng sản xuất; khai hoang, phục hóa đất sản xuất nông nghiệp.
5. Sở Nội vụ trực tiếp quản lý, chỉ đạo và phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ và thu hút trí thức trẻ tình nguyện về làm việc tại các xã.
6. Ban dân tộc tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chính sách, dự án thuộc Chương trình 135 giai đoạn II và các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ theo hướng ưu tiên nguồn lực cho 42 xã nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
7. Sở Xây dựng tiếp tục chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện chính sách về nhà ở cho hộ nghèo ở 42 xã nghèo để đảm bảo hoàn thành trong năm 2011.
8. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cân đối nguồn vốn, ưu tiên và đáp ứng về vốn vay ưu đãi cho các đối tượng được thụ hưởng theo các chính sách liên quan ở 42 xã nghèo.
9. Các Sở, ban, ngành liên quan trong phạm vi phụ trách và nhiệm vụ được giao chỉ đạo, tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách liên quan theo hướng ưu tiên, tăng nguồn lực cho các xã nghèo thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo.
10. Ủy ban nhân dân các huyện có các xã nghèo, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chung (trừ huyện có 01 xã thì xã lập Ban giảm nghèo cấp xã, UBND huyện đóng vai trò chỉ đạo chung, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện của xã). Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn các xã xây dựng Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo; tổng hợp thành Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên của huyện trình UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức chỉ đạo thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các xã. Định kỳ (quý, 6 tháng, một năm) tổng hợp, báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện về Sở Lao động- TB&XH để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
11. Ủy ban nhân dân các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên tiến hành kiện toàn Ban xóa đói giảm nghèo cấp xã để tổ chức thực hiện chính sách này; hàng năm tiến hành xây dựng Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo có sự tham gia của người dân trình UBND huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện;
Thường xuyên điều tra, xác định hộ nghèo, nguyên nhân nghèo đến từng bản, hộ gia đình để xây dựng kế hoạch và các giải pháp thực hiện Đề án hỗ trợ giảm nghèo tại xã;
Tổ chức để người dân được chủ động trong quá trình thực hiện, người nghèo tham gia quản lý, giám sát các công trình đầu tư xây dựng hạ tầng và các nguồn vốn hỗ trợ trên địa bàn; báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện định kỳ, hàng năm cho Ban chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo cấp huyện.
12. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, các tổ chức chính trị xã hội khác làm tốt công tác tuyên truyền, vận động toàn dân, các nhà từ thiện, các doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động hỗ trợ, giúp đỡ các xã và người dân vươn lên thoát nghèo.
13. Các cơ quan Báo, Đài Phát thanh-Truyền hình của tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo; đặc biệt là chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên của tỉnh, nhằm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là hộ nghèo, người nghèo tham gia thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo của tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện có các xã nghèo nêu trên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Nghị quyết 319/2010/NQ-HĐND thông qua cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết 30a trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2015 do Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XV, kỳ họp thứ 18 ban hành Ban hành: 10/07/2010 | Cập nhật: 20/09/2010
Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” Ban hành: 27/11/2009 | Cập nhật: 04/12/2009
Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở Ban hành: 12/12/2008 | Cập nhật: 15/12/2008
Quyết định 170/2005/QĐ-TTg về chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010 Ban hành: 08/07/2005 | Cập nhật: 20/05/2006