Nghị quyết 24/2020/NQ-HĐND thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Phước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Số hiệu: 24/2020/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước Người ký: Huỳnh Thị Hằng
Ngày ban hành: 10/12/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2020/NQ-HĐND

Bình Phước, ngày 10 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BỐN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;

Căn cứ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

Xét Tờ trình số 146/TTr-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 78/BC-HĐND-KTNS ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Phước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

(Có Chương trình kèm theo)

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện; giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 03/2014/NQ-HĐND ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa IX, kỳ họp thứ mười bốn thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 21 tháng 12 năm 2020./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- VPQH, VPCP, Bộ NV, Bộ TC, Bộ XD, Bộ TP (Cục KTVB);
- TTTU, TTHĐND, UBND, BTTUBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- TTHĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm CNTT và TT;
- LĐVP, Phòng Tổng hợp;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Huỳnh Thị Hằng

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 24/2020/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước)

Điều 1. Các nội dung chính của Chương trình

1. Quan điểm phát triển nhà ở

Công tác phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh trong các giai đoạn tới ngoài việc tuân thủ các quan điểm nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cần tuân thủ theo những quan điểm sau đây:

a) Phát triển nhà ở phải phù hợp với các quy định của pháp luật về nhà ở và các quy định pháp luật khác có liên quan;

b) Phát triển nhà ở phải dựa trên những định hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên, phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt;

c) Phát triển nhà ở để giải quyết nhu cầu về nhà ở nhưng phải hài hòa với khả năng huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển nhà ở;

d) Phát triển nhà ở theo hướng hiện đại, cải thiện điều kiện ở nâng cao chất lượng đời sống nhưng phải kết hợp với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống;

đ) Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân trong phát triển nhà ở.

2. Định hướng phát triển nhà ở

a) Định hướng phát triển nhà ở theo phân vùng đô thị

- Đô thị trung tâm toàn vùng - thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long và huyện Chơn Thành:

+ Phát triển mới nhà ở hình thành các khu dân cư tập trung;

+ Một số vị trí khác kết hợp giữa phát triển các khu dân cư mới tuân thủ các quy hoạch được phê duyệt kết hợp với nâng cấp cải tạo các khu nhà ở hiện có đồng bộ với chỉnh trang đô thị. Trong các khu dân cư cũ đối với những nhà ở cần sửa chữa, cải tạo, xây mới cần quy định rõ chiều cao, hình thức kiến trúc để tạo sự đồng nhất về mặt đứng công trình, tường nhà...;

+ Phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư có sản phẩm hỗn hợp vừa là nhà ở vừa là đất nền để chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng;

+ Phát triển nhà ở xã hội với sự đa dạng, kết hợp giữa nhà ở thấp tầng và nhà chung cư, chú trọng phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị và công nhân khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

- Các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp (Đồng Phú, Hớn Quản, Lộc Ninh):

+ Ưu tiên phát triển nhà ở theo các dự án đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Phát triển nhà ở khu dân cư mới tuân thủ các quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Nhà ở phát triển theo dự án tập trung vào hình thức phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư với sản phẩm chủ yếu là đất nền để chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng;

+ Nâng cấp cải tạo các khu nhà ở hiện có kết hợp với chỉnh trang đô thị. Trong các khu dân cư cũ đối với những nhà ở cần sửa chữa, cải tạo, xây mới cần quy định rõ chiều cao, hình thức kiến trúc để tạo sự đồng nhất về mặt đứng công trình, tường nhà,...;

+ Phát triển nhà ở xã hội với sự đa dạng, kết hợp giữa nhà ở thấp tầng và nhà chung cư, chú trọng phát triển nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp trên địa bàn các huyện Đồng Phú, Hớn Quản, Lộc Ninh;

+ Phát triển nhà ở đảm bảo sự hài hòa trong các yếu tố kiến trúc, cảnh quan; kết hợp giữa xây mới và cải tạo phù hợp với thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị;

+ Phát triển mới nhà ở đảm bảo chất lượng đạt kiên cố hoặc bán kiên cố, không để phát sinh mới nhà ở thiếu kiên cố và nhà ở đơn sơ.

- Các đô thị trung tâm huyện và các điểm dân cư đô thị:

+ Quy hoạch, định hướng phát triển nhà ở theo mô hình khu dân cư đô thị tập trung. Các khu vực đã được đô thị hóa ổn định, thực hiện phát triển nhà ở theo hướng giữ mật độ xây dựng thấp, đảm bảo yêu cầu nhà ở có vườn, cây xanh, tạo môi trường và cảnh quan đẹp;

+ Khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án, hạn chế tối đa tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Việc xây dựng nhà ở phải tuân theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc của từng dự án nhưng phổ biến với 03 loại hình biệt thự, nhà liền kề và nhà riêng lẻ;

+ Phát triển mới nhà ở đảm bảo chất lượng đạt kiên cố hoặc bán kiên cố, hạn chế để phát sinh mới nhà ở đơn sơ;

+ Các đô thị dự kiến hình thành cần quy hoạch phát triển nhà ở theo hướng hiện đại kết hợp giữ gìn bản sắc truyền thống. Nhà ở mặt phố cần kiểm soát về hình thức kiến trúc phù hợp, quy định cụ thể về chiều cao công trình, tầng cao, mật độ xây dựng nhằm tạo cảnh quan không gian đô thị văn minh.

b) Định hướng phát triển nhà ở khu vực nông thôn

- Phát triển nhà ở gắn liền với việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn, theo hướng tập trung tại khu vực trung tâm các xã kết hợp giữa xây mới và cải tạo chỉnh trang nâng cao chất lượng nhà ở;

- Quy hoạch, sắp xếp dân cư ở những khu vực khác đảm bảo tận dụng được hệ thống hạ tầng về giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác, chú trọng xây dựng mô hình nhà ở gắn liền với sản xuất;

- Phát triển nhà ở tại những khu vực có tiềm năng du lịch. Các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch cần nghiên cứu đầy đủ, đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như không gian cảnh quan các khu vực xung quanh;

- Phát triển mới nhà ở của người đồng bào các dân tộc gắn liền với gìn giữ bản sắc truyền thống, sử dụng các nguyên vật liệu chế tạo để tăng chất lượng nhà ở.

3. Mục tiêu phát triển nhà ở

a) Mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn đến năm 2025

- Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt khoảng 26,5 m2 sàn/người, trong đó, đô thị 30,2 m2 sàn/người, nông thôn 25,0 m2 sàn/người;

- Phát triển mới 8.241.832 m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đến năm 2025 là 32.725.991 m2 sàn;

- Giảm tỷ lệ nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ trên địa bàn tỉnh xuống dưới 5%.

b) Mục tiêu phát triển nhà ở đến năm 2030

- Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt khoảng 28,4m2 sàn/người, trong đó, đô thị 31,3 m2 sàn/người, nông thôn 26.7m2 sàn/người;

- Phát triển mới 9.796.966 m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đến năm 2025 là 42.522.958 m2 sàn;

- Giảm tỷ lệ nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ trên địa bàn tình xuống dưới 2%.

4. Quỹ đất để phát triển nhà ở

a) Giai đoạn đến năm 2025

STT

Loại hình sử dụng đất

Tổng diện tích đất (ha)

Trong đó

Đất xây dựng mới nhà ở

Đất hạ tầng tối thiểu trong dự án nhà ở xây mới

Dự trù đất ở giao nhà đầu tư thực hiện dự án mới

I

Phát triển dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư

280,76

90,57

135,85

54,34

1

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở

79,39

25,61

38,41

15,37

2

Dự án chuyển quyền sử dụng đất

201,38

64,96

97,44

38,98

II

Đất phục vụ tái định cư

15,57

5,02

7,53

3,01

III

Đất phát triển nhà ở công vụ

0,17

0,17

 

 

IV

Đất phát triển nhà ở xã hội

65,88

21,25

31,88

12,75

V

Đất nhà ở dân tự xây

507,69

507,69

 

 

TOÀN TỈNH

870,06

624,69

175,26

70,10

b) Giai đoạn 2026 - 2030

STT

Loại hình sử dụng đất

Tổng diện tích đất (ha)

Trong đó

Đất xây dựng mới nhà ở

Đất hạ tầng tối thiểu trong dự án nhà ở xây mới

Dự trù đất ở giao nhà đầu tư thực hiện dự án mới

I

Phát triển dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư

448,67

144,73

217,10

86,84

1

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở

113,05

36,47

54,70

21,88

2

Dự án chuyển quyền sử dụng đất

335,63

108,27

162,40

64,96

II

Đất phục vụ tái định cư

35,99

11,61

17,42

6,97

III

Đất phát triển nhà ở công vụ

0,00

0,00

 

 

IV

Đất phát triển nhà ở xã hội

89,29

28,80

43,21

17,28

V

Đất nhà ở dân tự xây

590,37

590,37

 

 

TOÀN TỈNH

1.164,32

775,52

277,72

111,09

5. Nhu cầu nguồn vốn phát triển nhà ở

a) Giai đoạn đến năm 2025

Tổng nguồn vốn cần để phát triển nhà ở trong giai đoạn đến năm 2025 là 43.599,2 tỷ đồng. Trong đó:

- Vốn ngân sách tỉnh là 62,7 tỷ đồng, bao gồm:

+ 48,9 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng các khu tái định cư;

+ 13,8 tỷ đồng đầu tư xây dựng quỹ nhà ở công vụ phục vụ công tác luân chuyển, điều động cán bộ, công chức.

- Còn lại là vốn do doanh nghiệp bỏ ra để đầu tư xây dựng dự án và vốn của người dân tự xây dựng nhà ở.

b) Giai đoạn 2026 - 2030

Tổng nguồn vốn cần để phát triển nhà ở trong giai đoạn 2026 - 2030 là 52.929,7 tỷ đồng. Trong đó:

- Vốn ngân sách tỉnh là 117,2 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng các khu tái định cư;

- Còn lại là vốn do doanh nghiệp bỏ ra để đầu tư xây dựng dự án và vốn của người dân tự xây dựng nhà ở.

Điều 2. Giải pháp thực hiện

1. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách

a) Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư để huy động nguồn vốn phát triển hạ tầng đô thị, khu dân cư;

b) Xây dựng chính sách hỗ trợ tái định cư tạo điều kiện cho nhà đầu tư khi xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội;

c) Ưu đãi và hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với nhà đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân của các khu công nghiệp;

d) Tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục để người dân thuận lợi trong việc xin phép xây dựng hoặc cải tạo nhà ở. Bổ sung cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan, rà soát các dự án không khả thi và xử lý triệt để tình trạng xây dựng không phép, trái phép.

2. Giải pháp về đất ở

a) Dành quỹ đất cho việc phát triển nhà ở, đảm bảo tỷ lệ giữa mật độ dân cư với diện tích đất của khu vực phù hợp với tiến trình đô thị hóa của thành phố, trong đó đặc biệt quan tâm tới quỹ đất, quỹ nhà ở để bố trí tái định cư phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị;

b) Thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí lại quỹ nhà, đất không phù hợp quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp;

c) Đối với việc tạo quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội: Tại các đô thị loại III trở lên và khu vực quy hoạch từ loại III trở lên phải thực hiện nghiêm quy định đối với quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Đối với các khu vực khác, tùy theo nhu cầu cụ thể về nhà ở xã hội, khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại cần xem xét việc dành một phần quỹ đất ở để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

3. Giải pháp về vốn

a) Tận dụng tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, vốn vay từ ngân hàng, nguồn vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn huy động hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để đầu tư xây dựng nhà ở;

b) Xem xét sử dụng nguồn thu từ việc nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để hỗ trợ một phần kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án nhà ở xã hội;

c) Mở rộng quy mô, số lượng của các hội từ thiện, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa nhằm thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở bên cạnh các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương.

4. Giải pháp về quy hoạch, kiến trúc

a) Về quy hoạch xây dựng

- Ưu tiên thực hiện công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Thực hiện đầy đủ quy định về công bố công khai các đồ án quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị. Xác định và công bố các khu vực, quỹ đất được phép xây dựng nhà ở theo quy hoạch làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án chỉnh trang khu dân cư, phát triển nhà ở, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình xây dựng, cải tạo nhà ở phù hợp quy hoạch;

- Thực hiện nghiêm quy định về việc lập, đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung phải gắn với quy hoạch các điểm dân cư, khu nhà ở phục vụ cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp;

- Đối với khu vực nông thôn, từng bước thực hiện việc phát triển nhà ở tuân thủ quy hoạch; nghiên cứu thực hiện thí điểm mô hình phát triển nhà ở khu vực nông thôn theo dự án, tuân thủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương; hình thành các điểm dân cư nông thôn có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo đảm phù hợp mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện việc di dời các hộ dân sống trong khu vực nguy hiểm kết hợp với bố trí tái định cư theo quy hoạch; tuyên truyền và tập huấn cho người dân có nhận thức đầy đủ về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với dân sinh và phát triển nhà ở, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong việc chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra.

b) Về kiến trúc nhà ở

- Thiết kế nhà ở đô thị ngoài việc đảm bảo các nguyên tắc tích dụng, bền vững, mỹ quan, kinh tế thì đồng thời phải tôn trọng nguyên tắc kết hợp giữa công trình nhà ở riêng lẻ với các công trình khác tại đô thị thành một tổng thể kiến trúc đô thị hài hòa, phù hợp với môi trường cảnh quan và bản sắc của từng đô thị. Khi tiến hành xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở trong khu vực đô thị phù hợp với quy định hiện hành;

- Ban hành các mẫu thiết kế nhà ở phù hợp với tính chất, đặc điểm, điều kiện tự nhiên, khí hậu, phong tục tập quán của từng địa phương.

5. Giải pháp cải cách thủ tục hành chính

a) Thực hiện đổi mới quy trình, thủ tục hành chính theo hướng minh bạch hóa quy trình thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm khối lượng hồ sơ không cần thiết;

b) Áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý hành chính bằng việc thực hiện cấp phép điện tử trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng.

6. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức phát triển và quản lý nhà ở

a) Kiện toàn bộ máy quản lý về nhà ở theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương và Chính phủ;

b) Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong phát triển và quản lý nhà ở;

c) Tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảm bảo đủ năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

7. Giải pháp về phát triển thị trường nhà ở và quản lý sử dụng nhà ở

a) Hoàn thiện, cập nhật định kỳ và công bố công khai các thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định;

b) Phát triển các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị với sự đa dạng về sản phẩm, kết hợp giữa nhà ở và đất nền để chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng theo quy định;

c) Phát triển dự án nhà ở xã hội với đối tượng đáp ứng được mở rộng để tăng tính khả thi của dự án. Tùy điều kiện cụ thể từng giai đoạn, xây dựng và bổ sung vào kế hoạch phát triển nhà ở các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi đầu tư và hỗ trợ vay vốn kích cầu đối với người mua nhà.

8. Giải pháp phát triển nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội

a) Hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp (người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo khu vực đô thị; cán bộ, công chức, viên chức,...)

- Ưu tiên phát triển quy nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô trên 10 ha để tận dụng điều kiện về hạ tầng sẵn có;

- Xem xét phát triển các dự án nhà ở xã hội kết hợp giữa nhà riêng lẻ và nhà chung cư để tạo sự đa dạng trong sản phẩm cũng như sự lựa chọn cho người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội;

- Xây dựng các cơ chế hỗ trợ vay vốn để kích cầu về nhà ở xã hội.

b) Hỗ trợ nhà ở cho công nhân

- Tổ chức rà soát, khảo sát thực tế về nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh làm căn cứ đề xuất quy mô dự án phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân;

- Kêu gọi các doanh nghiệp sử dụng lao động tạo lập quỹ nhà để bố trí cho công nhân, người lao động hoặc mua, thuê lại nhà ở xã hội tại các dự án để bố trí cho công nhân, người lao động;

- Rà soát lại quỹ nhà trọ hiện đang cho công nhân, người lao động thuê trọ. Xây dựng bộ tiêu chuẩn khung đối với loại hình nhà trọ làm căn cứ để cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh và xây dựng cơ chế hỗ trợ về chi phí điện, nước đối với các nhà trọ đạt chuẩn nhằm giảm giá cho thuê.

c) Nhóm đối tượng chính sách đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ về nhà ở (hộ gia đình có công; hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn; hộ gia đình ở khu vực nông thôn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu)

- Tiếp tục kêu gọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ về nhà ở cho các hộ gia đình có khó khăn về nhà ở nhưng không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu;

- Tổ chức rà soát nhu cầu hỗ trợ về nhà ở của các hộ gia đình người có công, hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ;

- Thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở xã hội, lồng ghép yêu cầu dành một phần quỹ nhà để bố trí cho thuê đối với các hộ gia đình người có công, hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn;

- Quy hoạch, bố trí quỹ đất ở gắn liền với đất sản xuất để kêu gọi và thực hiện di dời các hộ gia đình ở khu vực nông thôn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo sự an toàn về tài sản, tính mạng và ổn định đời sống, sản xuất.

9. Giải pháp phát triển nhà ở cho đồng bào các dân tộc thiểu số; hộ gia đình chính sách; hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn; hộ gia đình ở khu vực nông thôn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu

- Tiếp tục kêu gọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ về nhà ở cho các hộ gia đình có khó khăn về nhà ở nhưng không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu;

- Tổ chức rà soát nhu cầu hỗ trợ về nhà ở của đồng bào các dân tộc thiểu số; hộ gia đình chính sách; hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn; hộ gia đình ở khu vực nông thôn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu và kiến nghị Chính phủ ban hành các chương trình mục tiêu hỗ trợ về nhà ở trong giai đoạn 2021 - 2030;

- Thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở xã hội, lồng ghép yêu cầu dành một phần quỹ nhà để bố trí cho thuê đối với các hộ gia đình chính sách và các đối tượng không có khả năng tài chính để mua nhà ở;

- Quy hoạch, bố trí quỹ đất ở gắn liền với đất sản xuất để kêu gọi và thực hiện di dời các hộ gia đình ở khu vực nông thôn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo sự an toàn về tài sản, tính mạng và ổn định đời sống, sản xuất;

- Đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn; hộ gia đình ở khu vực nông thôn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu nếu chưa có đất ở thì thực hiện hỗ trợ giao đất ở có miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.





Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở Ban hành: 20/10/2015 | Cập nhật: 03/11/2015