Nghị quyết 134/2010/NQ-HĐND về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ dự toán ngân sách năm 2011
Số hiệu: 134/2010/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang Người ký: Đào Nghĩa Nghiêm
Ngày ban hành: 10/12/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 134/2010/NQ-HĐND

Rạch Giá, ngày 10 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN; DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG VÀ PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 2011

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI CHÍN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 2145/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2011;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 215/BC-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2010 và dự toán năm 2011; Báo cáo thẩm tra số 77/BC-BKTNS ngày 02 tháng 12 năm 2010 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành Báo cáo số 215/BC-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2010 và năm 2011, nội dung cụ thể như sau:

I. VỀ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2011

1. Tổng thu ngân sách nhà nước: 3.253.000 triệu đồng

a) Thu nội địa: 2.413.000 triệu đồng.

b) Thu thuế xuất nhập khẩu: 38.000 triệu đồng.

c) Các khoản thu được để lại chi quản lý qua ngân sách: 802.000 triệu đồng

- Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết: 390.000 triệu đồng;

- Thu để lại chi quản lý qua ngân sách: 412.000 triệu đồng.

2. Tổng thu ngân sách địa phương được sử dụng: 5.816.104 triệu đồng

- Thu bổ sung từ ngân sách trung ương: 2.562.585 triệu đồng

Trong đó: + Bổ sung cân đối ổn định: 1.944.505 triệu đồng;

+ Bổ sung có mục tiêu: 618.080 triệu đồng.

- Thu được hưởng theo phân cấp: 3.199.000 triệu đồng;

- Thu chuyển nguồn: 54.519 triệu đồng.

3. Trong tổng thu ngân sách địa phương: 3.253.000 triệu đồng, phân chia ngân sách cấp huyện, cấp xã thu 1.117.132 triệu đồng

II. VỀ CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1. Tổng chi ngân sách địa phương: 5.816.104 triệu đồng

- Chi đầu tư phát triển: 1.498.300 triệu đồng;

- Chi thường xuyên: 3.304.134 triệu đồng;

- Chi lập quỹ dự trữ tài chính: 2.000 triệu đồng;

- Dự phòng ngân sách: 124.090 triệu đồng;

- Chi tạo nguồn cải cách tiền lương: 24.000 triệu đồng;

- Chi sự nghiệp các mục tiêu, nhiệm vụ: 21.280 triệu đồng;

- Các khoản chi quản lý qua ngân sách: 842.300 triệu đồng.

2. Trong tổng chi ngân sách địa phương: 5.816.104 triệu đồng, phân chia ngân sách cấp huyện, cấp xã chi: 2.604.512 triệu đồng, thiếu cân đối 1.487.380 triệu đồng, được ngân sách tỉnh bổ sung cân đối cho ngân sách cấp huyện, xã.

Điều 2. Thông qua các giải pháp thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 do Ủy ban nhân dân tỉnh trình và báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản sau:

1. Các cấp, các ngành tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong năm 2010, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; tiếp tục rà soát kiểm tra, tổ chức thu các khoản phí, lệ phí theo quy định; kịp thời sửa đổi các khoản thu phí, lệ phí đã có trong danh mục không còn phù hợp.

2. Các yêu cầu quan trọng khi phân bổ, giao và thực hiện dự toán ngân sách năm 2011:

a) Về xây dựng cơ bản: việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, Thủ trưởng các đơn vị, chủ đầu tư các công trình dự án cần nâng cao vai trò, trách nhiệm theo phân cấp quản lý đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Về điều hành vốn sự nghiệp: vốn sự nghiệp kinh tế khi bố trí cần đạt mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX đề ra. Ưu tiên bố trí các dự án chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển đổi cơ cấu giống cây, con có năng suất, chất lượng cao; chú trọng thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, tạo việc làm, giải quyết tệ nạn xã hội; thực hiện duy tu, bảo dưỡng các cơ sở hạ tầng đã được đầu tư. Khi xây dựng dự toán các cơ quan, đơn vị cần phải tính toán lồng ghép vốn Trung ương và địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng như hiệu quả của dự án.

- Về kinh phí quản lý hành chính: việc điều hành kinh phí các cấp, các ngành thực hiện khoán kinh phí và biên chế hành chính theo Nghị định 130/NĐ-CP, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ. Thủ trưởng và kế toán cơ quan đơn vị tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định chuẩn chi theo nhiệm vụ cụ thể, bố trí kinh phí theo từng thời gian phù hợp với từng công việc không vượt dự toán được giao. Cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước các cấp phải kiểm tra chặt chẽ việc thu chi ngân sách đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và kiên quyết xuất toán các khoản chi không đúng quy định.

- Việc phân bổ kinh phí năm 2011, được tính bình quân trên biên chế, hoặc trên dân số của từng ngành và huyện, thị. Thủ trưởng các ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị, xã, phường, thị trấn căn cứ vào nhiệm vụ và phạm vi hoạt động từng ngành, từng đơn vị phân bổ và giao dự toán ngân sách cho đơn vị thực hiện, bảo đảm hoàn thành được nhiệm vụ trong năm.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập.

c) Về nguồn dự phòng ngân sách: nguồn dự phòng ngân sách chỉ bố trí chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh; nhiệm vụ cấp bách khác phát sinh ngoài dự toán trong năm ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Năm 2011, tiếp tục bố trí dự toán ngân sách và huy động các nguồn tài chính thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước chủ động tính toán dành nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

4. Thực hiện đầy đủ những ưu đãi về tín dụng, đất đai, thuế, tài sản… đã được quy định để đẩy mạnh công tác xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, nhất là ở khu vực thị xã, thị trấn, những địa bàn có điều kiện để huy động các nguồn lực của xã hội, để cùng với nguồn ngân sách nhà nước thúc đẩy các sự nghiệp phát triển.

5. Tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong ngành tài chính, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng trong ngành.

6. Các cấp, các ngành, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra trong việc quản lý và sử dụng ngân sách; quản lý, sử dụng đất đai; các dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng; mua sắm, trang bị, quản lý sử dụng trang thiết bị.

Điều 3. Thời gian thực hiện: Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và thực hiện năm ngân sách từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định và hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2011 theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này. Trong quá trình thực hiện, nếu có những phát sinh ngoài dự toán, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất ý kiến với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang Khóa VII, Kỳ họp thứ hai mươi chín thông qua./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Nghĩa Nghiêm